Thứ Bảy, 26 tháng 2, 2011


ĐỒ THƯ QUÁN – NGHĨA PHU THÊ

Khu tưởng niệm kiến trúc sư Ba Lan KAZIMIERZ KWIATKOWSKY lập trên nền "quán cơm xã hội" cũ mà trước kia là sở mật thám Tây, trước nữa là chi nhánh trung kỳ của một ngân hàng Pháp có tên “ Banque Franco-Chinoise”.
Dài dòng một chút, ngân hàng này xây trên nền ba căn nhà của ông bà Diệp Bửu Dinh mà thực dân Pháp ngang nhiên cướp đoạt.
Ông Tạ Khải Thơ từng làm “chef” chi nhánh này.

Nơi này từng là khu sở mật thám Tây ở đường Cường Để cũ

Ngôi nhà ba tầng duy nhất trên đường Nguyễn Thái Học là nhà của một người họ HÀN. Người này từng vay tiền của Banque Franco-Chinoise rồi vỡ nợ, bị Pháp bắt làm tù khổ sai ở Lao Bảo đồng thời tịch thu ngôi nhà này, sau đó làm trụ sở mật thám khi sở mật thám cũ đã bị phá sập vào cuối tháng tám năm 1945.

Ông Tạ Khải Thơ làm việc tại đây chừng vài năm rồi xảy ra bất hòa với người Pháp, ông bỏ nghề ngân hàng, bỏ luôn Việt Nam trở về cố xứ. Về Trung Quốc tuy là quê cũ nhưng mọi chuyện đã đổi thay từ lâu, ông tiếp tục phiêu bạt mong lập lại cơ đồ bỏ lại Hội An, quê hương thứ hai, người vợ Việt.

Bà Tạ Khải Thơ nhũ danh là Huỳnh Thị Phùng, người làng Bảo An – Xuân Đài, Điện Bàn. Bà là nữ giáo chức duy nhất ở Hội An thời đó: Bà TRỢ PHÙNG.
Sau khi ông ra đi, bà cũng thu xếp việc nhà, bỏ sự nghiệp còn đang phơi phới sang Trung Quốc tìm chồng rồi chết nơi xứ người.

Năm 1954, đất nước đình chiến, ông Tạ Khải Thơ chuyển Đại Lý Esso từ Hồng Kông về làm ăn tại Sài Gòn. Năm 1955 ông trở lại Hội An. Ông đề nghị với Ngũ bang xin yểm trợ 100.000 đồng (tương đương với 1 tỷ hiện nay) cho trường Trung Hoa Công Học lập Đồ Thư Quán (Thư viện nhỏ) cùng với một số đầu sách. Điều kiện đổi lại: Chân dung bà Phùng được treo trong thư viện bên dưới ghi:
TẠ THỊ HUỲNH PHÙNG

Đồ thư quán ngày xưa đặt giữa căn nhà này 

Ông Tạ Khải Thơ, một đời tang bồng hồ thỉ mà vẫn sắt son nghĩa phu thê:
Chút tình, đáp nghĩa nhân duyên
Dẫu sinh ly mãi còn riêng vợ chồng. (N.T.N.)



Thứ Năm, 24 tháng 2, 2011


TRUNG HOA CÔNG HỌC

Người Hoa đến Hội An từ khá sớm nhưng sinh hoạt bang hội được hình thành rõ ràng từ khi họ lập xây hội quán. Người Hoa ở Hội An chia thành năm bang: Phước Kiến, Quảng Đông, Hải Nam, Triều Châu, Gia Ứng. Trong đó Hải Nam và Triều Châu nguyên thuộc tỉnh Quảng Đông cũ. Còn người Gia Ứng vẫn được xếp là dân Quảng Đông nhưng thực ra họ là dân du cư đến nhiều nơi trên đất Trung Hoa. Người Gia Ứng đến Hội An là người đến từ Mai huyện gần phủ Triều Châu, ở đây họ được gọi là KHÁCH GIA, chuyên cần vụ nông với... đàn bà ra ruộng còn đàn ông thì hưởng nhàn.

Vì chuyên nghề nông nghiệp nên khi du cư sang Việt Nam họ bị bỏ lại đàng sau so với những đồng hương khác giỏi ngành thương nghiệp. Ở Hội An người Gia Ứng hiện nay còn khoảng dưới hai mươi người (ít hơn nhiều so với Bảo Lộc - Lâm Đồng). Và... do đó, họ cũng không có hội quán cho riêng mình.
Từ năm 1912, bang Quảng Đông mở trường đầu tiên dạy tiếng hương âm tức tiếng Quảng Đông cho người trong bang. Trường lấy tên là HƯNG HOA.
Sau đó các bang khác cũng mở trường riêng cho bang mình như:
Phước Kiến có trường DƯỠNG CHÁNH (Bà T.P.D. má anh B., bà Nam Hưng Tạ Cẩm Châu, bà Bốn Mua từng học chung lớp ở đây).
Hải Nam có trường DỤC TRÍ (khoảng đất rộng đối diện với chùa Hải Nam ngày xưa là "Dục Trí thể dục trường", sau đó là sân chợ phiên mà cổng chợ là hai tượng nữ Chàm. Ban đầu đường Quảng Đông tức Nguyễn Thái Học kéo dài đến đây. Sau đó Pháp sửa chợ Hội An cắt đất làm chợ, đường còn lại như bây giờ).
Triều Châu có trường BỒI ANH (ông Hứa Bổn Xuyên là hiệu trưởng đầu tiên, sau đó là ông Huỳnh Thiên Dân).
Gọi là trường nhưng mỗi trường chỉ có vài lớp, trừ trường Hưng Hoa có thu học phí, ba trường còn lại không thu phí và có cho ăn trưa để khuyến khích trẻ.

Chùa Ngũ bang - Trường Trung Hoa Công Học ngày xưa. 
Ảnh photo Vĩnh Tân

Từ năm 1942 đến năm 1943, người Hoa ở Hội An thống nhất sáp nhập các trường lại để dạy tiếng Quan thoại. Lớp nửa, một, hai học ở nhà tây chùa Phước Kiến. Lớp ba, bốn, năm học ở chùa Hải Nam, ông Lâm Tiêu Bang người Hải Nam làm hiệu trưởng.
Thời gian sau ông Lâm ra Đà Nẵng mở Nhân-Hòa-Đường và trường Thọ Nhơn, do chính ông làm hiệu trưởng. Lúc này ở Hội An cũng mở TRUNG HOA CÔNG HỌC tiền thân của trường LỄ NGHĨA sau này quy tụ điểm dạy về một chốn là Trung Hoa hội quán tức chùa Ngũ Bang còn gọi là chùa bà.

 Trường Lễ Nghĩa ngày sau

Và bây giờ: "Trung tâm Hoa văn LỄ NGHĨA"


Thứ Ba, 22 tháng 2, 2011

NGÔI CHÙA MẤT TÍCH

Hội An với cổ sự trăm mối ngổn ngang.
Vật đổi sao dời, dậu đổ bìm leo.
Điểm lại, Hội An có vài ngôi chùa mất tích như chùa Kim Liên ở Trường Lệ, nghe kể đây chỉ là những ngôi chùa nhỏ.

Nhưng QUẢNG AN chắc là một ngôi chùa lớn. Quảng An bị tháo gỡ hay bị xóa bỏ trong cuộc tương tàn? - Làm sao biết!!

Căn cứ theo văn bia của chùa Quảng An "ký gửi" trong chùa Minh Hương Phật tự thì Quảng An đã từng tồn tại nhưng xây cất ở nơi nào và vì đâu bị "tận diệt" vẫn là điều bí ẩn.

Chiên Đàn Lâm - Minh Hương Phật Tự (bên trái ảnh) nép sau Quan Công Miếu

Dưới đây là nội dung văn bia chùa Quảng An thực hiện năm Long Phi Canh Tuất được Thượng Tọa, trụ trì chùa Pháp Bảo, Thích Hạnh Niệm phiên âm và dịch nghĩa:

Phiên âm: Tự dĩ Quảng An danh, Phật dĩ Quảng An linh, nhân dĩ Quảng An hanh, tăng dĩ Quảng An thạnh... ... ...
Dịch nghĩa: Chùa tên là Quảng An, Phật đem lại bình an rộng rãi cho bá tánh mà linh, người nhờ bình an rộng rãi mà hanh thông, tăng nhờ bình an rộng rãi mà hưng thịnh. Do vậy, Quảng An là bảo địa, là một vân ổ, làm lan nhã (chỗ thanh tịnh sư ở), đặc biệt là cho Ta bà thế giới.
Muốn cho giáo pháp Như Lai được tồn tại lâu dài, ắt phải nhờ sự bố thí cúng dường của đàn na thí chủ. Xã Minh Hương có Tẩy phủ húy là ông Tường, Mẫn Trai Chung Chi Mịch phát tâm làm thuyền từ Bát Nhã, vào năm Canh Thân cúng tiền một trăm quán, mua ba mẫu ruộng để cung cấp cho công tác Phật sự và xã ta lại xuất tiền công quỹ mua thêm hơn tám mẫu tại đồng Thính, Long thất thuộc xứ Long Dương, luôn luôn thâu trừ để làm kho lẫm của thiền môn. Nhờ vậy mà tứ sự (ăn, mặc, ở, thuốc thang) nơi thiền môn không lúc nào thiếu hụt. Sự cúng dường thường đầy đủ, khiến cho sự diễn giảng giáo pháp được lưu thông, kinh vàng thường mở đọc, trống pháp vang rền, đèn từ rực sáng, bồ đề cây cây tươi tốt đẹp xinh, mưa cam lộ rải khắp trời Tây, hoa tươi rơi tản mạn đủ màu, mây lành trải qua Nam cực, lá bối thành chương.

Bia chùa Quảng An 1740
Vậy nên biết, muốn tạo phước trạch cho tương lai thì phải gieo nhân lành ngay hiện tại, thiện không từ ngoài vào, danh không thể danh rỗng, không ai không làm mà có quả báo tốt, không người nào không cấy mà thu hoạch, khiến cho đó sống lâu và giàu có, khiến cho đó phát huy và hưng thịnh, lên tận cung trời Đâu Suất có mưa báu rải ngọc ma ni, để thấy được Quảng An tùng lâm mỗi ngày một sáng sủa, hiệu Di Đà ngày ngày thường vang lừng rạng rỡ, người Minh Hương nam nữ luôn giữ tâm nguyện ngọn đèn bất nhị (vô tận đăng, sáng vô cùng tận), đàn việt (người cúng dường được qua cửa khổ, còn gọi là đàn na) trở về bổn quốc, công đức bền vững khôn lường.
Chư vị cung thỉnh viết bia ghi vào buổi sáng giờ dần, thành kính cầm bút viết bài ký này.
Minh Hương, hương lão, hương trưởng cùng các chức sự toàn xã ân cần khắc bia.
Long Phi triều đình Trung Hoa năm thứ Canh Thân (1740), ngày tốt."

Rồi từ khi chùa Quảng An được đem về "ký tự" trong chùa Minh Hương Phật Tự thì đệ tử cũng theo về mà vọng tưởng chùa xưa. Trong tấm bia thứ hai còn lưu lại trong Minh Hương Phật Tự, tiêu đề chữ lớn nơi trán bia ghi: 

QUẢNG AN PHẬT TỰ
Tư trùng vọng Phật tượng Chiên Đàn Lâm. Bổn xã, bổn phố chư tín nữ, quý hiệu thiện đề ngân các vu liệt phương danh vu tại: ... ... ...
Thành Thái Giáp Thìn niên trọng thu cát đán.

CHÙA QUẢNG AN
Nay nhớ mà trùng tu tượng Phật ở Chiên Đàn Lâm. Xã ta, phố ta gồm các tín nữ, các hiệu lớn với thiện tâm cúng tiền liệt kê danh thơm tại đây: ... ... ...
Năm Thành Thái Giáp Thìn (1904), ngày tốt tháng tám.

Trong đợt trùng tu Chiên Đàn Lâm đổi tên là Minh Hương Phật Tự năm 1943, "người-Quảng-An" cũng có cặp liễn nơi trụ phụ mặt trước cổng chùa:

Quảng An tự bi văn thiên thu công đức
Chiên Đàn Lâm thắng tích vạn chúng chiêm y 
Văn bia Quảng An nhớ ngàn thu công đức 
Cảnh đẹp 
Chiên Đàn chào vạn chúng tham quan 
Nơi đường Phan Chu Trinh ngay hẻm giếng Bá Lễ trước đây có miếu thờ âm hồn tên Quảng An (đó là nghe truyền kể nhiều đời, riêng anh Thái Tế Biêu nói, anh đã xem bài vị trong miếu này trước năm 1975, nơi đây thờ Ngài Ngũ Hành Nương Nương). Có thể chùa Quảng An nằm cùng hướng với miếu này nhưng lấn ra phía đường như bây giờ (Miếu Quảng An có thể là miếu phụ thờ thuộc chùa Quảng An nằm trong khuôn viên chùa). Khi thực dân Pháp mở đường nên bị tháo dỡ??
Sau năm 1975, một người đã đập phá miếu Âm hồn Quảng An rồi chiếm luôn khoảng sân phía trước xây căn nhà này.
Nhắc chuyện xưa đã bị lãng quên, chuyện mà rất nhiều người không biết hoặc không nhớ nữa với muôn vàn hoài nghi là điều bất đắc dĩ.
Nhưng vì đâu mà trong cơn túy lúy, ông Bùi Giáng lại nhắc chuyện quên một cách thật thà:
Ngày xưa tôi đã có lần
Và bây giờ đã đôi phần tôi quên.
Vậy thì có sao đâu..., có gì... đâu!!



Thứ Năm, 17 tháng 2, 2011

ĐÌNH XUÂN MỸ
Xưa, xưa lắm, đất Thanh Hà từng có một ngôi làng tên Xuân Mỹ. 
Theo tư liệu chép tay của cụ Nguyễn Văn Tiến, bậc cao niên của Thanh Hà thì làng Xuân Mỹ nằm giữa xóm Nam Diêu, tập trung một số dân đến tùng cư khoảng 50 gia đình chuyên làm nghề đánh cá, nung vôi, bốc thuốc, chằm nón, đúc tượng. Làng được thành lập theo sắc phong của triều Lê Cảnh Hưng năm 1751. Qua nhiều lần thủy phá, ngày nay đất làng chỉ còn lại khoảnh sân với ngôi cổ đình tiều tụy, lặng lẽ nằm rời xa khu thị tứ nhìn xuống dòng Thu Bồn đang ngày đêm chực chờ lấp liếm từng thớ đất.

Đình làng Xuân Mỹ Thanh Hà

Tuy nhiên chư huynh đừng chờ đợi những gì tồn tại nơi đây bởi vì nội thất đình đơn giản lắm, đơn giản đến trống trải. Trước bệ thờ thùng phước sương lạc loài chơ vơ, hình như từ lâu chẳng thấy bóng thí chủ đến gần. Nhìn sang trái, chiếc trống đình chắc nhiều năm rồi không còn điểm nữa mặc cho xuân qua thu lại vì đã thủng tự khi nào: nó đang bầu bạn với bó chiếu trải lạy mốc mục nhiều năm.
Tự khí trong đình là những nồi hương lạnh lẽo, là mấy cái chân đèn sứt mẻ nằm lăn lóc trên bệ thờ. Ngày tết nơi nào cũng trầm hương nghi ngút nhưng ở đây, mồng sáu tết, là vậy đó, được sắp xếp gọn gàng hơn, quét dọn sạch sẽ hơn nhưng hương tàn khói lạnh.

Tuy nhiên vẫn còn bức hoành và thanh xà cò để định danh cho ngôi đình cổ kính.

XUÂN MỸ ĐÌNH
Thành Thái thập ngũ niên lục nguyệt cát nhật
Thành Thái năm thứ 15 (1903) ngày tốt tháng sáu

Thành Thái thập ngũ niên, tuế thứ Quý Mão, thu nguyệt, cát nhật cốc đán.
Bổn xã đồng tân tạo

Như vậy làng lập từ khá sớm nhưng mãi hơn 150 năm sau mới dựng được ngôi đình làng. Tuy nhiên trong sân đình đang tồn tại một nhà bia mà theo nội dung văn bia thì đình được dựng trên đất của một ngôi cổ tự.
 Văn bia lập năm 1721 ghi tên tín chủ mua ruộng cúng vào chùa Thanh Long Bảo Khánh. 
青 龍 寶 慶 寺
蓋 聞 福 田
信 供 范 慈 信 字 淨 幸
佛 田 六 畝 三 高 有 餘 并 土 等 項 坐 落 泡 幼 坊 溪 水 處
津 渡 坊 陳 氏 得 買 私 田 坐 落 涇 悉 處 內 簿 句 婁(??) 社 田 壹 畝 三 高 有 餘 東 近 小 溪 西 近 公 田 琅 洲 社 南 北 述 私 田 如 魁 茲 陳 氏 得 供 為 常 住 三 寶 在 寶 慶 寺 如 本 族 孫 姪 不 得 爭 阻 茲 碑
永 盛 十 柒 年 二 月 初 三 日
正 和 萬 萬 年 歲 次 丙 子 四 月 十 六 日 碑

Thanh Long Bảo Khánh Tự

Cái văn phúc điền.

Tín cúng Phạm Từ Tín tự Tịnh Hạnh.

Phật điền lục mẫu tam cao hữu dư, tịnh thổ đẳng hạng toạ lạc Bào Ấu phường khê thuỷ xứ.

Tân Độ phường Trần Thị Đắc mãi tư điền toạ lạc Kinh Tắc xứ nội bạ Câu Lâu xã điền nhất mẫu tam cao hữu dư. Đông cận tiểu khê, tây cận công điền Lang Châu xã, nam bắc cận tư điền như khôi. Tư Trần Thị Đắc cúng vi thường trụ Tam Bảo tại Bảo Khánh tự như bản tộc tôn điệt bất đắc tranh trở, tư bi.

Vĩnh Thịnh thập thất niên nhị nguyệt sơ tam nhật.

Chính Hoà vạn vạn niên tuế thứ bính tý tứ nguyệt thập lục nhật bi.

Tạm dịch:
Chùa Thanh Long Bảo Khánh
Từng nghe phước điền.
Phạm Từ Tín tự Tịnh Hạnh tín cúng.
Ruộng Phật 6 mẫu 3 sào cùng các hạng đất tọa lạc tại xứ Khê Thủy, phường Bàu Ấu.
Bà Trần Thị Đắc người phường Tân Độ mua ruộng tư 1 mẫu 3 sào ở xứ Kinh Tất nội bạ xã Câu Lâu. Phía đông gần khe nhỏ, phía tây gần công điền xã Lang Châu, phía nam bắc gần ruộng tư ông Khôi. Nay, bà Trần Thị Đắc cúng cho chùa Bảo Khánh làm thường trụ tam bảo, cháu chắt trong tộc không được tranh chấp. Nay lập bia.
Ngày mồng 3 tháng 2 niên hiệu Vĩnh Thịnh thứ 17.
Ngày 16 tháng 4 năm Bính Tý niên hiệu Chính Hòa muôn muôn năm, khắc bia.
 
Nhưng chưa hết, nằm sâu trong thân cổ thụ rợp bóng bên đình đang tồn tại một tượng thớt voi Chàm. Điều này chứng tỏ nơi đây từng hiện diện bóng dáng cư dân người Chàm cổ mà về sau sự cộng cư đã dẫn đến đời sống tinh thần và tín ngưỡng phát triển đa chiều.
 Dân địa phương nói "không biết tượng voi Chàm có từ bao giờ".

Đình Xuân Mỹ phảng phất nét hoang liêu dân dã bao đời.
Nơi đây không là danh lam thắng cảnh.
Mà là thắng địa nội tâm cho những ai còn mang tâm tình vọng cổ hoài hương.





Thứ Năm, 10 tháng 2, 2011

VÀI HÌNH ẢNH KHÁC 15

THÁP BÀNG AN
Ảnh photo Vĩnh Tân chụp năm 1930, sau đó chiến tranh triền miên, tháp "mẹ" tương đối còn nguyên vẹn, tháp "con" bị hủy hoại một phần. Sau năm 1975, chưa có người trông nom quản lý, một số đạo chích tin rằng trong tháp có vàng Hời nên ra tay tàn phá không thương tiếc. Bây giờ chỉ còn tháp mẹ một mình cô độc tìm con.

CỔNG LĂNG ÔNG
Có Thiên thần, Nhân thần thì cũng có Mộc thần, Ngư thần v.v... Từ bao đời người ta kể rằng khi lênh đênh trên biển bao la mà gặp tố, thường được Ông "hộ". Ông là cá Voi, Ông dựa vào thuyền đưa ngư phủ qua nơi sóng gió. Cho nên, những ngày Ông "hội", tức là mùa cá Voi động tình, người ta luôn thu lưới, tắt máy thuyền sợ vướng Ông và mùi Long Diên Hương như lan tỏa cả một vùng biển. Nếu thấy Ông lụy (chết) thì người ta đưa vào bờ, cẩn thận chôn cất kể cả cầu kinh. Dân sống nghề sông nước hưởng lộc biển đã lập Lăng thờ Ông và có tế lệ hằng năm. Ảnh của photo Vĩnh Tân chụp năm 1950 tại bãi biển Hội An. Xa xa là cù lao Chàm.

BỜ SÔNG BẠCH ĐẰNG
Góc phải ảnh (photo Vĩnh Tân 1930) là trạm-kiểm-soát của Police Pháp. Cách nơi này khoảng 300 mét về phía biển (trước chợ cá sau này) là bến đò ngang qua Cẩm Nam, Cẩm Thanh và Cẩm Kim.

BẾN ĐÒ DỌC
Bến đò dọc tập trung gần cầu An Hội, chở khách đi ngược lên thượng nguồn theo hướng Ngọc Thành qua Câu Lâu. Điểm dừng cuối là bến đò Trà Kiệu. Trong ảnh (photo Vĩnh Tân 1930) cho thấy vùng đất Cẩm Nam phía trên chưa bị xâm thực.

PHỐ XƯA HIỀN HÒA
Đường Nguyễn Thái Học năm 1950 (Photo Vĩnh Tân)

La rue Cường Để au bon vieux temps.
Xưa có các tên là Rue des Japonais, Để Thành Cường. Ngày nay là Trần Phú.
Căn nhà có rào gỗ là đồn cảnh sát Pháp. Trước đây chừng mười năm trên tường nhà còn chữ POLICE đắp nổi.


Nhà màu vàng góc trái là đồn Police Pháp, Nhà màu vàng góc phải là nơi bắt lính đôn quân. Những vị cao niên Hội An còn nhắc đến bây giờ các tên như ông Đội Quý, Đội Đáng, Cai Tùng và ông Đội Cương (có con là ông Thân Ninh, trung tá tỉnh trưởng tỉnh Quảng Tín) từng làm việc cho Tây tại đây.

Hội An với nhiều ngôi nhà có những cửa sổ nhỏ xíu không quá một mét vuông, chẳng có mái hắt che mưa che gió nắng. Những chiếc cửa sổ giống như con mắt... phố.
Mở con mắt mộng trăm năm hỏi?
Nén nỗi lòng đau cố lý ơi!
(Trần thế bách niên khai nhãn mộng
Hồng sơn thiên lý Ỷ Lan tâm - Nguyễn Du)