Thứ Ba, 20 tháng 9, 2011

MỘ BÀ THỨ PHI TRIỀU TÂY SƠN

Theo thuyết minh và hướng dẫn của một cụ già, tui đã tìm được mộ của bà thứ phi trong khu vực mộ của các vị tướng Tây Sơn tại thôn năm Cẩm Thanh Hội An.


Theo Gia Phả Trần Công - Hội An - Phái I, Chi I:
  "Vào thời Trịnh Nguyễn phân tranh khoảng cuối thế kỷ XVI đầu thế kỷ XVII. Ngài Trần Công Phạp đưa thân sinh là thuỷ tổ Trẩn Công Mộ cùng ba người con trai từ xã Tân thuận, huyện Tân An, phủ Tân Hoá, thành Thăng Long nam tiến và dừng lại tại vùng đất biển Hội An khai canh, định cư lập nghiệp.
  Từ đó gia tộc Trần Công, Trần Văn hình thành và phát triển trên đất cổ Hội An cho đến ngày nay.
 Được biết Tôn Tổ chúng tôi đã có công với dân với nước, tiêu biểu trong sự nghiệp thống nhất đất nước của vua Quang Trung nhà Nguyễn Tây Sơn 17..  1802."
... ... ...
  
Mộ bà thứ Phi xứ Trà Quân, làng Thanh Đông

"Tương truyền Bà Tổ Cô Trần Thị Quý Phi, vào thời Gia Long phục Quốc 1802, Bà trở về đất Quảng nơi sinh quán giả dạng thường dân cùng hai tuỳ nữ đưa đò tại Bến Kim Bồng Xã Cẩm Kim, Hội An (địa danh: bến đò Ba Nữ) bị bọn Nguyễn Ánh truy lùng bắt được bà rồi xử trảm tại bãi cát Thi Lai, Thôn Duy Thành. Chúng mang thủ cấp bà nạp cho vua và beo tại xã An Hoà, Huế. Hiện nay có lăng thờ Bà vì sự mến mộ công đức. Bàn thờ giữa chính điện trên khám có hàng chữ Trần Thị Quý Phi Nương Nương Thần Vị. Còn phần thi thể (phần mình) của Bà thì bị thả theo dòng nước sông Thu Bồn, gặp thuỷ triều đưa thi hài Bà trôi dạt đến gần hai ngôi mộ ngài nội Tổ nên được người trong thân tộc và dân làng bí mật an táng nơi đây. Hiện nay cổ mộ Bà nằm trong quần thể Di Tích Văn Hoá tại thôn 5, Cẩm Thanh."

Bia mộ bà thứ phi ghi:
NAM CỐ
ĐÔNG CHÂU TIỀN TRIỀU 
HOÀNG HẬU THỨ PHI TỰ QUỴ TRẦN TỔ CÔ MỘ
Mậu Tuất hạ, nguyệt nhật kiết
Trần Công tộc nội tôn bái lập

ĐẤT THANH NAM XƯA
Mộ bà tổ cô họ Trần tên Qụy, người làng Đông Châu,
Thứ phi Hoàng hậu triều trước. 
Ngày tháng tốt, mùa hạ năm Mậu Tuất.
 
Bà là em gái của Võ Vệ Nguyên Hoà Hầu Trần Công Giai Tướng Quân, bà nguyên tên Trần Thị Qụy, là vợ vua Quang Trung. 

Lịch sử sẽ còn nhắc chuyện giết đàn bà sau buổi chiến chinh như trường hợp Nữ tướng Tây Sơn - Bùi Thị Xuân đã bị xử lăng trì khi trận binh đao đã hoàn toàn chấm dứt.






Thứ Sáu, 16 tháng 9, 2011

ĐÌNH SƠN PHÔ

Đình Sơn Phô nằm trên đường Cửa Đại cận Thành đội Hội An (Trung tâm hành chính quận Hiếu Nhơn trước 1975).

Đình Sơn Phô
Theo địa bạ triều Nguyễn (lập từ năm 1805 đến 1836)  thì tỉnh Quảng Nam (lập năm 1812) có 2 phủ, 5 huyện, 29 tổng và 15 thuộc. 
Tổng Phú Chiêm Hạ nằm trong huyện Diên Khánh (đến năm 1922 đổi thành Diên Phước) thuộc phủ Điện Bàn, có 19 làng (16 xã, 2 thôn, 1 tộc) gồm:
- An Mỹ xã, Cẩm Phô phụ lũy xã, Đông An xã, Gia Lộc - Hà Lộc nhị xã, Hà Bảng xã, Hà My xã, Hoa Phô xã, Hòa An xã, Hội An phụ lũy xã, Lai Nghi xã, Minh Hương biệt nạp xã, Phong Hộ xã, Quán Khái xã, Tân An xã, Thanh Hà xã, Viêm Minh Xã, Cổ Trai xã (mất địa bạ và đã nhập vào xã Minh Hương).
- Trà Khê thôn, Trà Lộ thôn.
- Hải Châu Lâm An tộc.

XÃ HOA PHÔ SAU NÀY ĐỔI THÀNH XÃ SƠN PHÔ. 

Theo địa bạ, Hoa Phô xã: 

- Đông giáp xã Viêm Minh, xã An Mỹ, xã Thanh Châu, xã Đế Võng
(Thanh Châu chính là Cẩm Thanh bây giờ, còn gọi là Thanh Đông cũ, cộng với Thanh Nam tức Cồn Chài và Thanh Tây hiện nay. Lạ kỳ là xã Thanh Châu và xã Đế Võng nằm trong VÕNG NHI THUỘC lúc đó lại thuộc huyện Hòa Vang.)
- Tây giáp xã Cẩm Phô, xã Hội An, xã Phong Hộ.
- Nam giáp xã Cẩm Phô.
- Bắc giáp xã Diêm Hộ.
Hoa Phô xã có diện tích là 302 mẫu + 6 sào + 1 thước + 4 tấc + 5 phân = 1481.048 m2 
(Mẫu triều Nguyễn rộng 4894, 4016 mét vuông. Một mẫu có 10 sào còn gọi là cao (rộng 489,44016 mét vuông); một sào có 15 thước còn gọi là xích (rộng 32,639344 mét vuông); một thước có 10 tấc còn gọi là thốn; một tấc có 10 phân.) 
Vậy làng (xã) Sơn Phô xưa kia rất rộng, sau này bị cắt bớt chia cho các xã khác. Sơn Phô bây giờ chỉ còn là địa danh của một khối phố tương đương với thôn (ấp).

Còn địa danh Sơn Phô có từ bao giờ?
Theo trên thì từ trước năm 1836 chưa có... Sơn Phô.
Nhưng theo một sắc phong của triều Thiệu Trị hiện đang lưu giữ trong đình...

Sắc phong thần năm 1843
Sắc Hồng Huệ Phổ Tuế linh cảm Thiên Y A Na Diễn Ngọc Phi thượng đẳng thần hộ quốc tỳ dân nẫm trứ linh ứng tức mông ban tặng. Sắc chuẩn hứa phụng sự Minh Mạng nhị thập nhất niên trực ngã Thánh Tổ Nhân Hoàng Đế ngũ tuần đại khánh tiết khâm phụng.
Bảo chiếu đàm ân lễ long đăng phù tứ lệnh phi ứng cảnh mệnh miến niệm thần hưu khả gia Hồng Huệ Phổ Tuế Linh Cảm Diệu Thông thượng đẳng thần nhưng chuẩn. Hứa Diên Phước tổng Sơn Phô xã y cựu phụng sự thần kỳ tương hựu bảo ngã lê dân. Khâm tai!
Thiệu Trị tam niên tứ nguyệt thập nhị nhựt.

Như vậy khả năng địa danh Sơn Phô có từ khoảng năm 1836 đến 1840, là những năm vua Minh Mệnh trị vì và cũng để kỵ húy Tá Thiên Nhân Hoàng Hậu Hồ Thị Hoa là mẹ vua Thiệu Trị.

Riêng đình Sơn Phô (Hoa Phô) khởi dựng năm nào thì chưa rõ vì trong sắc phong năm 1843 có ghi: "y cựu phụng sự".


Sắc phong thần năm 1880

Sắc chỉ Quảng Nam tỉnh Diên phước tổng Sơn Phô xã tùng tiền phụng sự. 
Hàm hoành quang đại chí đức Phổ Bác Hiển Hóa Trang Ngưng Đại Càn Quốc Gia Nam Hải thượng đẳng thần, hoành đức Phổ Tế Linh Cảm Diệu Thông Mặc Tương Trang Ngưng Thiên Y A Na Diễn Ngọc Phi thượng đẳng thần, chiếu hiển Hoành Ứng Hòa Nghĩa Lợi Vật Linh Toại Kim Đức Phu Nhân trung đẳng thần, Thanh Tú Mẫn Trực Vinh Hoành Quảng Âm Linh Toại Mộc Đức Phu Nhân trung đẳng thần, Dương Trạch Hoành Linh Kim Bác Nhuận Linh Toại Thủy Đức Phu Nhân trung đẳng thần, Ôn Hậu Quang Ứng Chiếu Cảm Lệ Minh Linh Toại Hỏa Đức Phu Nhân trung đẳng thần, Hoành đại Hậu Khánh Trùng Hậu Hàm Dục Linh Toại Phổ Đức Phu Nhân trung đẳng thần. Tức kinh ban cấp sắc phong chuẩn kỳ phụng sự.
Tự Đức tam thập nhứt niên chánh trực trẫm ngũ tuần đại khánh tiết kinh ban bảo chiếu. Đàm ân lễ long đăng phu đặc chuẩn hứa y cựu phụng sự.
Dụng chí quốc khánh nhi thân tự điển.
Khâm tai!
Tự Đức tam thập tam niên nhất nguyệt nhị thập tứ nhật.

Bi ký công đức đình Sơn Phô lập năm 1890.
(Bản dập của Viện Nghiên Cứu Hán Nôm - Viện Viễn Đông Bác Cổ - Viện Cao Học Thực Hành trong chương trình hợp tác Việt Pháp.)
"Quảng Nam tỉnh, Điện Bàn phủ, Diên Phước huyện, Phú Chiêm Hạ tổng, Sơn Phô xã, bổn xã cấu tạo đình vũ chí lạc thành chuẩn tiền cộng ngũ thiên quan...
Thành Thái nhị niên Mạnh đông cát đán"
(... Xã ta dựng đình, nhà đến thành tựu chi tiền hết năm ngàn quan...
Năm Thành Thái thứ hai, ngày tốt đầu tháng mười.)

SƠN PHÔ ĐÌNH
Mậu Thân niên trọng thu
Bổn xã đồng tạo
Hoành phi dưới: THIÊN TRUNG BỬU ĐIỆN

 QUANG Ư TIỀN
DỤ Ư HẬU
Trước sáng soi - Sau giàu đủ!




Chủ Nhật, 4 tháng 9, 2011

MIẾU THẦN NÔNG

Ngày trước cư dân Hội An hầu hết sống nghề thuần nông, cộng với tín ngưỡng đa thần nên phong tục thờ Thần Nông đã phổ biến từ lâu. Vài chục năm trước ở Cẩm Hà, Cẩm Thanh, Cẩm Châu cũng còn miếu thờ, có nơi gọi là thờ thần Đồng (ruộng), riêng trong lòng phố hiện nay vẫn còn tồn tại một ngôi miếu thờ Thần Nông của cựu xã Cẩm Phô nguyên nằm trên cánh đồng của xã và cho đến năm 1995 đã bị san lấp dành chỗ cho khu thị dân dọc theo đường Nhị Trưng.

Phía sau bình phong là ngôi miếu một gian. 
Địa chỉ: 76 Trần Hưng Đạo (Phan Đình Phùng cũ)

Miếu nằm lọt thỏm giữa những ngôi nhà cao to san sát, không một bảng biểu định danh cho nên dù là cư dân chánh quán chứ đừng nói là du khách thập phương cũng khó nhận biết đây là miếu thờ Thần Nông.
Thời tui còn nhỏ đến đây chỉ thấy độc một bình nhang trơ trọi, gần đây lại thấy có một chữ Thần thờ chính giữa và mới nhất, sau khi miếu được sửa sang lại thì có sự đổi khác:

THÁNH THẦN
Đọc là Thánh Thần vì căn cứ theo ba chữ phía trên bên phải 
: DƯƠNG TẠI THƯỢNG
(Bây giờ lộn xộn lắm, lúc thì viết bên trái qua, lúc thì ghi bên phải lại)
Nhưng chưa hết! Trước đây cặp liễn chạm hai bên miếu ghi:

神 首 開 基 分五 穀
農 先 定 種 合 四 時

Thần thủ khai cơ phân ngũ cốc
Nông tiên định chủng hợp tứ thời
(Thần thánh đầu tiên, mở nền chia ngũ cốc
Nghề nông trước hết, chọn giống hợp bốn mùa)
Phạm Thúc Hồng Việt dịch

Nhưng sau khi trùng tu thì có sự thay đổi (xem ảnh dưới)
Hai chữ khai cơ (開 基) bị thay bằng hai chữ sơ khai ( )!

Cặp liễn hai bên miếu Thần Nông Cẩm Phô

Điều bâng khuâng ở đây là có nên (và dám) sửa chữ người xưa?!
Chưa nói đến chuyện sửa lại làm câu liễn đối không chuẩn.
KHAI CƠ đối với ĐỊNH CHỦNG: "Khai" và "Định" là hai động từ!

Cằn nhằn chút xíu thôi, sự... đã rồi!! (Les jeux sont fait - J.P. Sartre).
Miếu Thần Nông chừ đã thành miếu thần... thánh.

"Một miền oai linh hiển hách
Chỉ còn dư vang thần thánh 
Để lại cho em hèn kém của anh!"