Thứ Năm, 6 tháng 9, 2018

TRIỀU CHÂU HỘI QUÁN

Triều (潮) là… con nước. Châu (州) là… làng, do lệ nhà Chu cứ 2500 hộ gọi là một châu. Triều Châu nghĩa là… Châu Thủy Triều.
Người Triều Châu lập miếu thờ vị Bổn Đầu Công của mình đồng thời làm hội quán, nơi sinh hoạt bang hội. Người Hội An quen gọi là… chùa Ông Bổn.
Miếu Triều Châu được khởi dựng năm 1845, đến năm 1852 mới hoàn thành. Đặc biệt miếu này nơi tiền đường đến nay còn tồn tại một số cột dầm kèo bằng… đá, được gia công từ Trung Hoa và chở sang Việt Nam lắp dựng.
Miếu từng được trùng tu 4 lần:
- Lần 1: 1885 Xà cò ghi:
“Quang Tự thập nhất niên, tuế thứ Ất Dậu trọng đông nguyệt, cát đán trùng kiến.”
(Quang Tự năm thứ 11, Ất Dậu 1885, ngày lành tháng 11 xây dựng lại)
- Lần 2: 1969 Xà cò ghi:
“Dân quốc ngũ thập bát niên, tuế thứ Kỷ Dậu, Mạnh thu, cát đán trùng tu.”
(Trung Hoa Dân quốc năm thứ 18, Kỷ Dậu 1969, ngày lành tháng 7 trùng tu.)
- Lần 3: Trùng tu từ năm 1990 đến năm 1995.
- Lần 4: 2003 Xà cò ghi:
“Trùng tu ư công nguyên, nhị linh linh tam niên, tuế thứ Quý Mùi, trọng hạ cát đán.”
(Năm Quý Mùi, công nguyên 2003, ngày tốt, tháng Năm trùng tu).
Bang trưởng bang Triều Châu đầu tiên tại Hội An là ông Huỳnh Hiệp (Đời thứ nhất). Ông từ phủ Triều Châu tỉnh Quảng Đông sang Việt Nam, đầu tiên lập nghiệp tại Hải Phòng sau mới về Hội An. Tượng ông đang được thờ trong chùa Ông Bổn, gian phụ riêng.
Bang Triều Châu, như những bang khác, có nghĩa trang riêng tại Trảng Kèo Thanh Hà.
Đặc sản Triều Châu có:
- Khoai Nhục tức khoai môn Tàu hấp chín, cắt lát, kẹp thịt heo nấu Nầm Dự (Chao đỏ)
- Ô Ní là món tráng miệng làm bằng khoai môn Tàu trộn với xôi nếp giả nhừ rồi hấp.
Người nấu là ông Kế, ông Hượt ở Ngọc Thành, thường gọi là Tổng Khậu.

Thứ Tư, 11 tháng 7, 2018

KHỔNG MIẾU Ở HỘI AN

Nếu Văn miếu Minh Hương và Văn miếu Cẩm Phô thờ đức Khổng và học trò của ngài, được thiết lập trong thời Nho học thịnh hành, thì KHỔNG TỬ MIẾU (126 Trần Hưng Đạo, sau đổi là Hùng Vương) lại được dựng nên trong lúc Khổng Giáo đã suy vi, Nho học không còn nữa!!
Hội An ngày đó tỉnh lỵ, là trung tâm văn hóa xã hội..., nơi hội tụ giao du những nhà khoa bảng như Cử nhân Võ Úy, Cử nhân tỉnh trưởng Hồ Ngận, Phó bảng Nguyễn Hà Hoằng, bác sỹ Thái Can, thẩm phán Huỳnh Như Văn, thiếu tá tỉnh trưởng Võ Hữu Thu cùng các Nho sĩ đã thành lập Hội Chấn Hưng Cổ Học.
Năm 1961, Hội Cổ Học Tinh Hoa Quảng Nam và Huế cùng thân hào nhân sĩ trí thức trong tỉnh đã tiến hành dựng Khổng Tử miếu như còn thấy đến ngày nay.
Nhưng thăng trầm chưa dứt...
Sau tháng 3 năm 1975, miếu này được... cải tạo thành khu vui chơi giải trí cho thiếu nhi, và, tượng ngài Khổng Khâu bị kéo ngã, quăng xuống ao trong khuôn viên miếu.
Đến năm 2002, miếu Khổng Tử lại được phục hồi trùng tu bằng ngân sách thị xã và hỗ trợ từ Canada.
Năm 2005 lại được trùng tu lần nữa, lần này có xây thêm mới 1 gian nhà so với hiện trạng có từ trước.
Một nguồn tin không chính danh nhưng do 1 người có uy tín nói lại:
Chính ông Hồ Nghinh đã ký lệnh yêu cầu ngừng ngay việc đập phá đình chùa miếu mộ. Tiếc rằng có trễ nhưng còn may!!
Thời tôi trẻ trung, đã có một câu hỏi cho mình:
- Tại sao Nho Giáo có đủ Giáo chủ, tín đồ, cơ sở thờ tự mà không lại là một tôn giáo?
Câu trả lời cũng chính tôi, khi sắp qua hết tuổi trung niên:
- Vì Khổng Giáo thiếu mất một nền tảng siêu hình!
Khổng Tử không phải là người khai sinh ra Nho Giáo. Nhưng không có Khổng Tử thì không có Nho Giáo!
Sinh thời, Khổng Tử muốn làm thầy thiên hạ. Chết đi, Khổng Tử lại được nhiều hơn ao ước: THẦY CỦA MUÔN ĐỜI... Vạn thế sư biểu!!

Thứ Năm, 5 tháng 7, 2018

50 NĂM TỔ CHỨC LAO ĐỘNG QUỐC TẾ.
Nếu tôi nhớ không nhầm, NGHIỆP ĐOÀN LAO CÔNG tỉnh Quảng Nam có một thời trụ sở đóng gần Ty Thông Tin và Cà Phê TIÊU, ngã ba Hoàng Diệu – Phan Châu Trinh bây giờ. Còn NGHIỆP ĐOÀN KHUÂN VÁC Hội An đóng tại ngã tư Nguyễn Thái Học – Thành Thái.
Thuở nhỏ có nghe người lớn đọc bài vè ngày Quốc Tế Lao Động 1 tháng 5, có lẽ xuất phát từ thời Việt Minh cướp chính quyền. Bây giờ còn nhớ và chắc có quý huynh trưởng cũng nhớ như tôi:
“Ngày 1 tháng MAI (May, tháng 5),
Là ngày tranh đấu,
là ngày yêu dấu,
Quốc hội Huê kỳ
Thế giới còn ghi
Mai này chép lại
Tại Chicago
Toàn thể tung hô:
NGÀY LÀM 8 GIỜ!!”
Ảnh, nhìn là biết ngày tháng năm chụp nhưng không biết chủ nhân.

Thứ Tư, 4 tháng 7, 2018

CHÙA CHÚC THÁNH HỘI AN
Năm Ất Hợi 1695, chúa Nguyễn Phúc Chu sai sứ sang Trung Hoa thỉnh Hòa Thượng Thạch Liêm Thích Đại Sán qua Việt Nam lập đàn truyền giới tại kinh đô Thuận Hóa.
Khi qua cũng như lúc về, Hòa thượng đều dừng chân tạm nghỉ tại chùa Di Đà Hội An để chờ theo tàu buôn về nước. Những tàu buôn này mỗi năm 2 lần mượn gió mùa để thả thuyền đi và về. Chùa Di Đà sau cải danh là chùa Chiên Đàn rồi Minh Hương Phật Tự. Đây mới là ngôi chùa Phật đầu tiên ở Hội An mà vết tích ban đầu nay đã bị xóa nhòa vì thiếu người ghi chép.
Trở lại...
Theo Hòa thượng Thích Đại Sán, là Đàn Đầu, sang nam có hai Đại sư là ngài Minh Hải và ngài Minh Lượng trong Hội Đồng Thập Sư.
Sau khi hòa thượng Thạch Liêm về nước (Tỉnh Quảng Đông, ngày 24/6 Bính Tý – 22/7/1696), ở lại, một năm sau, ngài Minh Hải ra xây dựng chùa Chúc Thánh và bốn năm sau, ngài Minh Lượng ra khai sơn chùa Vạn Đức mà trước đó, năm 1698, chư sơn thiền đức đã thỉnh ngài Minh Lượng làm trụ trì chùa Di Đà.
Ngài Minh Hải là vị tổ thứ 34 của Thiền Phái Lâm Tế Trung Hoa và là tổ thứ nhất của dòng kệ Minh Hải tại Quảng Nam. Ngài qua Việt Nam ngày 28 tháng giêng năm Ất Hợi 1695.
Ngài họ Lương, húy là Thế Ân, sanh ngày 28 tháng 6 năm canh Tuất 1670, quê quán làng Triệu An, huyện Đồng An, phủ Tuyền Châu, tỉnh Phúc Kiến. Không biết ngài là đệ tử của tổ nào, chỉ biết theo long vị thờ tại Tổ Đình Chúc Thánh, ngài có pháp danh Minh Hải, pháp tự Đắc Trí và pháp hiệu Pháp Bảo.
Gần 350 năm trôi qua, chùa Chúc Thánh từ ngôi cổ tự đơn sơ được dần dần trùng tu, tăng bổ như sau:
Năm Ât Mùi (1845), Ngài Toàn Nhâm (Vi Ý) khởi công đại trùng tu và chuyển hướng ngôi chùa từ hướng Tây sang hướng Tây - Nam để phù hợp với địa thế phong thổ.
Bốn năm sau (1849), Ngài tiếp tục khởi công xây thêm Tiền đường làm tăng gấp đôi diện tích trong Chánh điện.
Năm Nhâm Thìn (1892), Hòa Thượng Chương Đạo hiệu Quảng Viên trùng tu lại Tiền đường qui mô hơn.
Năm Giáp Ngọ (1894), Hòa Thượng Chương Khoáng hiệu Chứng Đạo đời thứ 38 và phó trú trì hiệu Quảng Đạt xây dựng thêm ngôi Hậu Tổ.
Năm Ất Hợi (1911), Hòa Thượng trú trì húy Ấn Bính hiệu Phổ Bảo đời thứ 39 lại khởi công đại trùng tu ngôi Chánh điện, nâng nền Tiền đường lên cao hơn và xây thêm các dãy Đông đường, Tây đường. Những công trình lần này gần như cố định và qui mô cho đến ngày nay.
Từ các năm 1954 đến 1960, Hòa Thượng Tăng cang húy Chơn Chứng hiệu Thiện Quả đời thứ 40 tiến hành trùng tu từng phần, khiến ngôi chùa trở nên hoàn mỹ hơn.
Năm Tân Mùi (1991), Hòa Thượng Như Truyện hiệu Trí Nhãn tiếp nối trú trì đời thứ 40 (đang trú trì hiện nay) trùng tu lại ngôi tháp Tổ từ 3 tầng lên 7 tầng, góp phần tăng thêm vẻ đẹp trong khuôn viên chùa.
Lần đại trùng tu sau cùng như được thấy hiện nay, khánh thành tháng 02 năm 2009.
Trong khuôn khổ một bài đăng trên Fb yêu cầu ngắn gọn, chư huynh tỷ và thân hữu có thể đọc thêm trên mạng, nhiều và đầy đủ hơn.
Còn nhớ những năm 85, 87. Cuối tuần về Hội An tụ họp bạn bè nhậu nhẹt gần chùa, khung cảnh thật là im lắng. Bọn chúng tôi cứ tha hồ hò hét mà chẳng sợ làm phiền ai, họa chăng chỉ có… ma mới nghe.
Bây giờ phố xá đã mở rộng đến đây rồi!!
Ảnh ghi lại Tam quan chùa Chúc Thánh, chắc xưa. Không biết người và năm chụp.

Thứ Hai, 2 tháng 7, 2018

CẨM NAM

Cẩm Nam là tên gọi một phần đất của xã Cẩm Phô, địa danh này có sau năm 1956, trước gọi là Cẩm Phô xã phân biệt với Cẩm Phô phường bên này sông.
Cẩm Nam bây chừ nhộn nhịp. Cẩm Nam xưa của bọn chúng tôi thường sang, đi… bằng ghe có, bằng cầu có (sau năm 1973
) và lội sông cũng có.
Vì đặc điểm thiên nhiên như một ốc đảo, nơi này chiến sự ít ghé thăm. Bạn bè cùng lớp ở đây cũng nhiều, giờ chỉ còn một thằng bám trụ dưỡng già.
Cẩm Nam khu trú nhỏ nhắn như vậy nhưng một thời cũng có nhà thờ, xóm đạo. Có đình làng, miếu xóm, Có chùa Phật với nghĩa trang riêng. Thời Pháp cũng có đồn lính, pháo đài nhưng ở tận thôn cuối cùng cách biệt: Thôn Tư - Nam Ngạn! Nơi đây có đình tiền hiền Cẩm Phô dựng lúc mới lập làng.
Cẩm Nam, theo trí nhớ tôi, chưa một lần bị nạn binh hỏa, nhưng hằng năm, nạn thủy phá cứ lấy dần đi những vết tích xưa.
Cẩm Nam thời cực thịnh cũng là nơi hội tụ người... tứ chiếng, họ là dân ghe bầu vận chuyển đường dài. Họ đã lưu lại vết tích của mình còn đến bây giờ: Miếu HỘI TỨ CHÁNH!!
Ảnh dưới ghi lại cầu Cẩm Nam năm 1976, chưa biết tác giả.
Có một vị cao niên kể lại rằng… Khi khánh thành cầu này cũng là lúc vị tỉnh trưởng tỉnh Quảng Nam bị Tư lệnh Quân Khu 1 lột lon (Đại tá quân đội) và bị tổng thống cách chức (tỉnh trưởng), vì dính líu đến tham nhũng khi xây dựng cầu.

Thứ Sáu, 29 tháng 6, 2018

Ảnh dưới là chùa BẢO THẮNG (Sư Nữ) xây năm Kỷ Sửu 1949, do 3 nữ Phật tử chủ công cúng dường: Nguyễn Thị Mai, Huỳnh Thị Hồ, Lê Thị Thanh.
Nhưng bản thân thì được nghe là: Mẹ ông Radio Tường Quang, Bà Trường Lợi, Vợ ông Vương Sỹ.
Hồi ấy chùa xoay mặt chính ra hướng sông. Đến năm Canh Tuất 1970, chùa chính thức đại trùng tu như hiện nay. Lúc này, hướng chính vào chùa theo đường Nguyễn Duy Hiệu.
Trú trì đầu tiên của chùa là Hòa Thượng Thích Đồng Chơn (1949-1954)
Thứ hai là Ni trưởng Thích Nữ Đàm Minh (1954-1962)
Thứ ba là Ni trưởng Thích Nữ Như Hường (1962-2000)
Thứ tư là Ni trưởng Thích Nữ Diệu Hạnh (2000-2014)
Thứ năm là Ni trưởng Thích Nữ Hạnh Chơn từ năm 2014 cho đến nay.
Năm 2002, chùa xây thêm nhà tây. Tôi và “chú” Võ Văn Tấn vẽ vời và đứng kỹ thuật ngôi nhà này. Sau tôi bận công trình khác nên “chú” Tấn là chủ công.
Với ngôi Tam Bảo này tôi có một kỷ niệm khó quên…
Một bữa, tôi phone tới chùa tìm thầy Tấn thì một ni cô bắt máy nói là sẽ đi gọi chú Tấn ngay. Dừng một chặp, nghe tiếng âm thanh tổ hợp đầu dây bên kia, tôi phán liền: “Làm chi lâu zị, tướng mi QUY Y xong là Y QUY liền liền!!”
Ai ngờ người bắt máy là ni cô lúc nãy, cô la cho…
Chú Sơn ăn nói lạ quá hà…
Rứa là 3 ngày liền tôi không dám bén mảng tới chùa, ra cà phê mà… “sám hối!!”.

Thứ Ba, 26 tháng 6, 2018

TRẠI NÔNG TỈNH QUẢNG NAM.
Năm 1968, sau tháng đầu tiên học lớp nhất trường Nam tiểu học, ba tôi chuyển hẳn cho tôi sang học trường tiểu học tư thục Cẩm Hồ, mục đích để luyện thi vào đệ thất trường trung học Trần Quý Cáp, trường công lập duy nhất ở Hội An thời bấy giờ.
Vào trường mới tôi không có bạn, duy chỉ có Đào Văn Lộc chơi với tôi. Ngày ấy Lộc hay dẫn tôi lên chơi khu vực mà sau này tôi biết đó là trường Tổng ngày xưa, chỉ dạy 3 lớp đầu tiên bậc tiểu học, dạng khai hóa và phổ quát cho mọi trẻ con. Học xong thì thi lấy bằng yếu lược, rồi tùy gia cảnh mỗi người, có hay không được tiếp tục theo đuổi con đường học vấn.
Trước trường Tổng có sân đất cát rộng mà sau này chính quyền chế độ cũ dựng lên một căn cứ quân sự nhỏ ghi YẾU KHU HỘI AN, rồi mấy năm sau lại thấy dựng thêm một tấm bảng: QUÂN TRẤN HỘI AN.
Lúc này khu vực trường Tổng đã đông dân tản cư đến ở. Phía sau trường Tổng là Trại Nông. Ngày ấy tôi chỉ biết Trại Nông là... Trại Nông và không biết chi thêm nữa. Trại Nông cách bến xe Hội An chừng 300 mét.
Ảnh dưới chôm trên mạng, không biết tác giả.

Thứ Năm, 7 tháng 6, 2018

Ảnh bên dưới có lẽ là ảnh xưa nhất chụp chùa ÔNG BỔN Hội An mà người Pháp thời đó gọi theo người dân địa phương là chùa TRIỀU CHÂU. Ảnh chụp năm 1888:
Façade de la pagode des Trieu Chau à Fei-Foo,
Gustave Trumelet-Faber - Faifo 1888 - 12 x 16,5cm
Nếu để ý hàng chữ trên, sẽ thấy, có chữ thời đó, tác giả viết theo lối phiên âm như Fei-Foo, des Trieu Chau, “Moï“ (Mọi - hàng dưới)
Năm 1888, đại úy Trumelet-Faber (tác giả ảnh) được bổ nhiệm vào tiểu đoàn 4 lính khố đỏ Nam-kỳ tại Huế.
Năm 1890, trở thành chỉ huy trung đoàn 3 lính khố đỏ Bắc-kỳ, ông gặp Auguste Pavie và được giao một số nhiệm vụ trên các vùng cao, tiếp cận với đời sống hoang dã của người “Moï“.
Từ Đông Dương, ông trở về Pháp với nhiều hình ảnh chụp những năm 1888-1891, trong đó có thành phố Hội An. Đặc biệt là những hình ảnh với rất nhiều chi tiết về tập quán cũng như phong tục của người dân tộc thiểu số.

Chủ Nhật, 28 tháng 1, 2018

DƯƠNG THƯƠNG HỘI QUÁN
Trước khi người Pháp xây dựng quốc lộ, đường sắt nam bắc, và cảng Đà Nẵng, Hội An nhờ dựa vào giao thông đường sông nhanh chóng và ưu thế về vị trí địa lý đặc biệt của mình nên trở thành cửa ngõ cho quan hệ đối ngoại, trở thành một thương cảng phồn hoa, và từ đây cũng xây dựng nên nhiều chùa chiền, tông miếu, hội quán người Hoa mang sắc thái đặc trưng. Năm Khang Hi thứ 34 (1695) triều Thanh, vào tháng 2, hòa thượng Thạch Liêm (hiệu Đại Tiên) có đến Hội An và ở lại hơn một năm. Trong cuốn sách “Hải ngoại ký sự”của mình có viết: ”thương cảng Hội An có nhiều hàng hóa và khách khứa từ các nước, một con đường thẳng ven sông dài khoảng 3-4 dặm, có tên là Đại Đường (vua Minh Mạng năm 1826 đổi tên thành Tây hương lộ) (nay là đường Cường Để - Trần Phú), hai bên đường các hàng quán nhà cửa nối tiếp nhau, đều là người Phiên (Quảng Đông, Quảng Tây, Triều Châu, Hải Nam, Hẹ), người Mân (Phước Kiến, Hẹ) sinh sống…”.
Hội quán người Hoa được xây dựng sớm nhất tại Hội An là Trung Hoa Hội Quán, tương truyền được xây dựng vào triều Minh thời kỳ vua Thành Hóa (1465-1487), năm 1741 có tên gọi là: “Dương Thương Hội Quán” cũng từng gọi là “Giang Triết hội quán”.
TRUNG HOA HỘI QUÁN ngày trước là hội quán duy nhất của người Hoa lưu cư.
Khi dòng người Trung Hoa đến ngụ cư đông hơn, họ lập ra hội quán riêng như HỘI QUÁN QUẢNG ĐÔNG (chùa quảng Triệu), HỘI QUÁN PHƯỚC KIẾN (chùa Kim Sơn), QUỲNH PHỦ HỘI QUÁN (chùa Hải Nam), HỘI QUÁN TRIỀU CHÂU (chùa Ông Bổn)
Bốn bang đã có bốn chùa, chính xác phải viết là bốn miếu, thì bang thứ năm là GIA ỨNG lại không có hội quán cho riêng mình, lý do vì người ít quá (hiện nay chỉ còn một, hai hộ.) nên người Hoa Hội An sau đó thống nhất giao cho người bang Gia Ứng đại diện trông coi DƯƠNG THƯƠNG HỘI QUÁN. Từ đó nơi này được gọi là chùa NGŨ BANG hay chùa BÀ, thờ bà THIÊN HẬU THÁNH MẪU.
Bên trong hội quán có ba tấm bia đá có văn tự ghi chép.
Tấm bia thứ nhất được ghi chép vào triều Thanh vua Càng Long năm thứ 6 (1741), do các thuyền trưởng ,các thương nhân lập nên, ghi lại hội quán xuất xứ từ đâu: ”việc xây dựng hội quán này, do đã có từ lâu rồi, tuy gọi nơi này là hội đồng nghị sự, thực ra chỉ là nơi bàn tán các lễ nghi và quan hệ” .
Tấm bia thứ hai được dựng lên vào triều Thanh vua Hàm Phong năm thứ 5 (1855) ghi chép lại việc trùng tu cửa chánh.
Tấm thứ ba vào năm 1928 ghi lại việc đổi tên thành Trung Hoa hội quán, trong bia đá có đề cập đến bảo vật của hội quán, đó là cái đỉnh sắt 500 năm tuổi.