Thứ Năm, 24 tháng 2, 2022

 MIẾU HỘI ĐƯỜNG HỘI AN.

Cổ trấn Hội An xa xưa được giới hạn theo quy ước không thành văn:
Tây: chùa Cầu
Đông: chùa Ông Bổn (thờ vị Bổn Đầu Công của người Triều Châu)
Nam Giáp sông Thu Bồn
Bắc có Vạn Thọ Đình
Nhưng đình Vạn Thọ cũng như chùa Quảng An và cả những ngôi giáo đường Thiên Chúa Giáo đầu tiên cho đến bây giờ vẫn chưa tìm được tài liệu xác định vị trí ban đầu.
Riêng miếu Hội Đường tuy không còn một vết tích gì nữa nhưng vẫn còn đây vị trí sơ nguyên.
Miếu nằm trên khu đất gần kề Khổng tử miếu, cách nhau bởi hương lộ xa xưa tồn tại cho đến bây giờ. Ngày đó, miếu xoay mặt nhìn về hướng nam, nhìn qua mặt bên Văn Miếu.
Miếu Hội Đường chưa biết lập năm nào nhưng biết chắc miếu bị phá hủy vào cuối năm 1946 để tiêu thổ kháng chiến chống thực dân Pháp trở lại.
Theo lời các cụ già sống trên đất Cẩm Phô này từng nghe cha - ông kể lại, miếu ngày trước chủ yếu thờ thần làng, sau năm 1918 phối thờ thêm những chiến sĩ trận vong người Việt, bị Pháp bắt sung quân, tử trận trong đại chiến thế giới lần thứ nhất.
Cho nên, hằng năm, đến kỳ tế thu bô lão trong làng chuẩn bị chu đáo để đón quan tuần phủ, quan tri huyện, ngài chánh tổng cùng ngài công sứ đến dự.
Ngày chánh lễ trong nội viên miếu, sau khi trống chầu nổi lên, dàn kèn Ai hết ò í e là đến đội kèn đồng của Tây cũng tham gia lễ truy điệu. Bên ngoài đối diện miếu (chưa có Khổng Tử miếu bây giờ) là ruộng sâu rau muống. Gặp mùa mưa nước dâng cao tràn mênh mông người ta tổ chức đua ghe lãnh thưởng.
Cuộc sống cứ tạm gọi là yên bình cho đến ngày Nhật đầu hàng Đông Minh. Một buổi sáng cuối tháng 8 năm 1945, dân làng bỗng thấy những người lính của tướng Lư Hán thuộc đoàn quân Trung Hoa Dân Quốc của Tưởng Giới Thạch đã ở đầy kín trong miếu Hội Đường.
Họ chờ giải giáp khí giới quân phát xít Nhật.
Qua năm sau, hết còn lễ lệ. Chiến tranh lại bùng phát dữ dội. Dân làng gồng gánh tản cư vào chợ Bà, chợ Được Thăng Bình lánh nạn, miếu Hội Đường phải tự đập phá tan hoang.
Người viết bài này đã gặp một cụ già sống bên cạnh miếu Hội Đình từ nhỏ cho tới giờ, năm nay đã 94 tuổi, hiện rất tỉnh táo tuy hơi nặng tai nói rằng trong miếu chỉ có duy nhất một mộc bản to lớn để thờ, ghi lập năm DỤC ĐỨC NGUYÊN NIÊN!!!
Ông là Nguyễn Thiện Thắng, người Hội An thường gọi là ông Ba Thắng.
Ông Thắng là tài lục cho nhà buôn Hòa An Đường Hội An, là người Việt nhưng thông thạo tiếng Quảng Đông, tiếng phổ thông Quan Thoại và cả tiếng Pháp.
Sợ người già... lãng nhãng, để giữ lễ, tôi chờ đến cuối buổi "hàn huyên" một già - một trẻ, xin hỏi lại lần nữa, ông cười ồ nhẹ nhàng nói... người già chuyện mới mau quên, chuyện xưa lại nhớ như mới xảy ra ngày hôm qua:
"TỨ NGUYỆT TAM VƯƠNG..."
Tôi có chút bàng hoàng khi nghe ông nói câu này mà lòng ngổn ngang vô cùng thắc mắc nên không dám ghi lại trên blog của mình:
Ba đời vua 5,6,7 triều Nguyễn, DỤC ĐỨC, HIỆP HÒA , KIẾN PHÚC chỉ xảy ra trong 4 tháng tròn, lại là chuyện nội bộ trong cung, mà vua phế đế Dục Đức chỉ ở ngôi 3 ngày thì làm sao... Miếu Hội Đường lại ghi được DỤC ĐỨC NGUYÊN NIÊN???
Thôi,
Tất cả đã lùi vào dĩ vãng,
Có còn chăng chỉ còn trong ký ức của những người già mỗi khi mơ mòng chắp nối khúc phim đời đã đứt.
Cảm ơn Lê Viết Hoàng đã cho tấm ảnh quý hiếm post dưới đây, có lẽ chụp vào năm Việt Minh cướp chính quyền tại Hội An...

Thứ Ba, 5 tháng 10, 2021

 Nhà nguyện và một dãy nhà bệnh viện của Pháp nằm trong khuôn viên thành Điện Hải xưa.

Trong ảnh cho thấy chưa có các nhà tiền chế mà sau này làm phòng học cho trường College Francais de Tourane, sau đó, Lycée Blaise Pascal rồi đến Trung Tâm giáo dục Nguyễn Hiền.
Không gian cận tầm nhìn người xem ảnh (không nằm trong thị trường bức ảnh) là Sân vận động Pascal.
Cả hai di tích này bị đập bỏ hoàn toàn khoảng sau năm 2000. Và khi cày phá vòng ngoài tường bảo vệ bệnh viện, người ta còn thấy cả tre ngâm nện đất sét nằm sâu trong lòng đất: Dấu vết chiến hào thành Điện Hải xa xưa của cha ông ta từng chiến đấu tuyệt vọng chống quân xâm lược Pháp.

Nơi này, khi đã là xí nghiệp dược (01 Lý Tự Trọng ĐN), tôi thuộc ban Xây dựng cơ bản xí nghiệp, nên được dịp lùng sục khắp nơi trong khu vực. Những buổi trưa, dưới hiên chái nhà nguyện trong ảnh này, chắc chỉ mình tôi suy nghĩ mông lung về những kỷ niệm lịch sử đã và đang tàn phai của nơi đây.
Mơ hồ đọc mấy câu của Nguyễn Tất Nhiên mà bỗng thấy chạnh lòng:
"Quê hương gốc tích ngàn năm
Sao trong gia phả... Ôi! Toàn câu kinh?
Ông tôi đi lính triều đình
Giáo gươm thất thủ nơi thành quách xa
Cha tôi kháng chiến chống Chà
Tầm vông gẫy dưới chiến xa năm nào
Anh tôi áo trận hoa màu
Một ngày con khóc, vợ đau mất chồng...
... ... ... "



Thứ Bảy, 2 tháng 10, 2021

CÔNG TRÌNH GIẢNG DẠY PHẬT PHÁP CỦA THẦY THIỆN CHÂU

Trịnh Đình Hỷ

 

Tôi xin phép được chia sẻ với quí vị một số nhận xét và cảm nghĩ về công trình giảng dạy về Phật pháp của Thầy Thiện Châu, trong khoảng thời gian 32 năm, từ 1966 tới 1998, tại Âu châu.

Vào những năm 1960, chỉ có một số ít tăng sĩ VN được đi du học và giảng dạy ở nước ngoài. Trong số đó có Thầy Minh Châu, đi du học tại Sri Lanka rồi Ấn Độ, tốt nghiệp Tiến sĩ Phật học tại Đại học Nalanda, sau trở về Sàigòn thành lập Viện ĐH Vạn Hạnh, rồi Viện Nghiên cứu Phật học VN. Thầy Thiện Châu, đi du học tại Nalanda, London và tốt nghiệp Tiến sĩ Triết học và Văn chương tại Đại học Paris Sorbonne. Thầy Nhất Hạnh, giảng dạy tại các Đại học Princeton và Columbia, Hoa Kỳ, sau về gần Bergerac, Pháp, phát triển dòng Tiếp hiệnLàng Mai.

 

Nhờ kinh nghiệm tu học ở nước ngoài mang lại một cái nhìn lịch sử và chính xác hơn về đạo Phật, cho nên cả ba Thầy đều ý thức được sự cần thiết chấn hưng Phật giáo, trở về với giáo lý cội nguồn, đồng thời hiện đại hóa đạo Phật, thay vì thu mình trong các nghi lễ tín ngưỡng cổ truyền. Thầy Minh Châu bằng cách nâng cao ngành giáo dục PG qua sự phát triển viện ĐH Vạn Hạnh và các viện Phật học; Thầy Thiện Châu bằng cách xiển dương một đạo Phật trung thực, giản dị, dễ hiểu cho các Phật tử tại Âu châu; Thầy Nhất Hạnh bằng cách phổ biến rộng rãi phương pháp " chánh niệm ", nhằm chuyển hóa tâm thức mỗi người, trong đời sống hàng ngày.

 

Trong những năm 60, ngoại trừ một vài huynh trưởng Phật tử đã từng hoạt động tại VN, đa số chúng tôi là những sinh viên mới sang du học tại Pháp, Đức, Thụy Sĩ hoặc Bỉ, ngây thơ chẳng biết gì về đạo Phật. Đạo Phật của chúng tôi thực tình đã được khai sáng bởi các Thầy, và đặc biệt Thầy Thiện Châu, là người hướng dẫn và thành lập nên Liên đoàn SVPT Âu châu, Hội PTVN tại Pháp và Trúc Lâm Thiền viện.

 

Điều đầu tiên mà Thầy dạy cho chúng tôi và tất cả những ai muốn tìm hiểu về đạo Phật, là đạo Phật là một con đường trí tuệ, dựa lên sự hiểu biết và thực hành con đường vạch ra bởi đức Phật. Và đức Phật là một người Thầy, đã tìm ra, chứng nghiệm và chỉ dạy con đường đó cho tất cả những ai muốn đi theo ngài. Con đường đó là con đường chánh 8 nẻo, với 3 môn học " giới, định, huệ ", nhằm giải thoát khỏi khổ đau, tiêu tan phiền não, lậu hoặc và đem lại thanh tịnh, an lạc.

 

Khác với các tôn giáo thần khải như Ấn Độ giáo, Ky Tô giáo, Hồi giáo, đạo Phật không cần đến đức tin. Đúng hơn, người Phật tử tin tưởng (tiếng pali gọi là saddhā) nơi con đường và người dẫn đường, chứ không phải sùng tín (pali là bhakti) Thượng Đế, các thần linh, hay một thế lực siêu nhiên nào. Trong tinh thần đó, Thầy nhắc nhở cho chúng tôi lời Phật dạy trong Kinh Đại Bát Niết Bàn pali: " Hãy tự mình là hòn đảo, là ngọn đèn cho chính mình, hãy tự mình nương tựa vào chính mình, chớ nương tựa vào một nơi nào khác ". Và trong Kinh Pháp Cú (1): " Hãy tự mình cố gắng, Như Lai chỉ là thầy (câu 276). " Tự mình làm điều ác, Tự mình sanh nhiễm ô, Tự mình không làm ác, Tự mình thanh tịnh mình. Tịnh hay không, do mình, Không ai thanh tịnh ai. "(câu 165).

 

Như vậy, điều cốt yếu phải hiểu là: đạo Phật là một con đường giải thoát; nhưng không phải giải thoát bởi một thế lực bên ngoài, mà là giải thoát bởi chính mình, tự mình giải thoát, tự mình giải phóng khỏi những ràng buộc do mình tạo nên. Vào thế kỷ thứ 5- thứ 6 trước CN tại Ấn Độ thời bấy giờ, thống trị bởi truyền thống Veda vàđạo Bà La Môn, đạo Phật xuất hiện như một tư tưởng hoàn toàn mới mẻ và cách mạng, đặt con người trước trách nhiệm của mình, và đặt tin tưởng nơi con người.

 

Có hai bài giảng của đức Phật mà Thầy thường kể lại, gây nên một ấn tượng sâu sắc cho chúng tôi: đó là ẩn dụ "mũi tên độc", và lời dạy của đức Phật cho dân làng Kalama.

 

Khi Malunkyaputta(2), một đệ tử hỏi ngài tại sao không trả lời về các câu hỏi siêu hình như " vũ trụ hữu hạn hay vô hạn trong không gian và thời gian, Như Lai sau khi chết có còn hay không, và linh hồn và thể xác là một hay khác nhau ", thì ngài lấy thí dụ của một kẻ bị bắn một mũi tên độc, không chịu cho chữa chạy nếu không được biết mũi tên bắn từ đâu, với cây cung làm bằng gỗ nào, người bắn tên là ai, vì lý do nào lại bắn, v.v., thì người đó chắc chắn sẽ chết trước khi nhận được các câu trả lời. Đức Phật luôn luôn gạt bỏ những câu hỏi siêu hình, không những không thể trả lời được, mà chỉ làm mất thời giờ, không ích lợi gì cho sự giải thoát.

 

Còn đối với người dân làng Kalama (3), thắc mắc không biết nên tin vào lời thuyết giảng của ai, thì đức Phật dạy: "Này các vị Kalama, các vị đừng tin vì nghe lời truyền khẩu, đồn đại, đừng tin vì đó là truyền thống, được ghi trong kinh điển, đừng tin vì lý luận, suy diễn, đừng tin vì hợp với định kiến, đừng tin vì vẻ có uy quyền, đừng tin vì đó là lời thầy mình. Nhưng khi nào các vị tự mình biết rõ: 'Các điều này bất thiện; các điều này đáng chê; các điều này nếu được chấp nhận và thực hiện, sẽ đưa đến bất hạnh, khổ đau', thì các vị hãy từ bỏ chúng. Khi nào các vị tự mình biết rõ: 'Các điều này là thiện; các điều này đáng khen; các điều này nếu được chấp nhận và thực hiện, sẽ đưa đến an lạc, hạnh phúc', thì các vị hãy dựa vào chúng". Trong suốt lịch sử tư tưởng nhân loại, chỉ có đức Phật mới nói lên điều đó: đừng vội tin ngay cả vào ta, vị thầy của các người, nhưng hãy tự mình kiểm chứng!

 

Hai bài học này tỏ rõ tinh thần phê phán, thực tiễn và thực nghiệm của đạo Phật. Nói theo danh từ triết học Tây phương, thì đạo Phật là một hiện tượng học (phénoménologie), chứ không phải là một bản thể học (ontologie). Đức Phật chỉ đặt trọng tâm vào một hiện tượng, là hiện tượng khổ, cũng như lời ngài nói trong Kinh Trung Bộ(4): " Như Lai chỉ dạy một điều: sự khổ đau và sự chấm dứt khổ đau " và trong Kinh Phật Tự Thuyết(5): " Cũng như nước các đại dương chỉ có một vị mặn, Giáo pháp chỉ có một vị, đó là vị giải thoát ".

 

Vì đạo Phật là một con đường trí tuệ, cho nên Thầy chủ trương bài trừ mê tín, dị đoan, bói toán, bùa phép, đồng bóng, tin vào linh hồn, ma quỷ, là những truyền thống dân gian lạc hậu, không liên quan gì đến đạo Phật. Thầy giải thích " cầu siêu " chính là " cầu an " cho gia đình tang quyến, nhằm xoa dịu nỗi thương đau và mang lại an tĩnh cho những người còn lại.

 

Nghi lễ tụng niệm chính là dịp để người Phật tử hiểu rõ hơn về đạo Phật, vì thế cho nên Thầy chủ trương tụng niệm bằng tiếng Việt, thay vì tiếng Hán do ảnh hưởng lâu đời của Trung quốc, và đọc những bài Kinh căn bản, dễ hiểu, như các Kinh Chuyển Pháp Luân, Vô Ngã Tướng, Từ Bi, Chơn Hạnh phúc, và đặc biệt Kinh Pháp Cú (1),với những câu kệ giản dị, dễ hiểu, và gần nhất với lời Phật dạy. Chẳng hạn như câu: " Dầu tụng trăm câu kệ, Nhưng không có lợi ích, Chẳng bằng một câu Pháp, Nghe xong được tịnh lạc "(câu 102).

 

Đa số kinh Thầy trích giảng là thuộc Bộ Kinh (Nikaya) hệ pali, cho nên có người đặt câu hỏi là tại sao đạo Phật VN chủ yếu là Ðại Thừa, mà Thầy lại có vẻ theo Tiểu Thừa (hay là Nguyên Thủy) hơn?

 

Trong bài " Tam Bảo là chuẩn đích cho phát triển Phật Giáo Việt Nam " (6), trình bày trong một Hội thảo năm 1996, Thầy có nói : " Chúng ta quan niệm đạo Phật là một cây lớn; chúng ta không chia phần gốc là quan trọng, hay phần cành là quan trọng.(…) Vì vậy chúng ta không phân biệt Ðại thừa, Tiểu thừa, ngay cả Nhất thừa, cho đến Tối Thượng thừa chúng ta cũng không nói đến; chỉ nhắc đến giáo pháp của Phật là phương pháp đạo lý để giải thoát và giác ngộ, tùy theo căn cơ mình tu tập. "

 

Tuy nhiên, trong bài giới thiệu " Kinh Sa môn Chơn chánh " (7), thuộc " Tiểu Bộ Kinh ", Thầy cho rằng quan điểm " ngũ thời bát giáo ", phân chia lời Phật dạy ra làm 5 thời kỳ (Hoa Nghiêm, A Hàm, Phương Đẳng, Bát Nhã, Pháp Hoa - Niết Bàn) của một cổ đức Trung quốc (tức là ngài Trí Giả) " không phù hợp với lịch sử tư tưởng Phật giáo và nhất là hoàn toàn sai với lịch trình thuyết pháp của Phật... Sự sai lầm lớn nhất là xem nội dung A Hàm là thấp kém (gọi là Tiểu thừa), và nội dung Pháp Hoa, Niết Bàn, là cao nhất (gọi là Tối Thượng thừa) ".

 

Thầy còn tiếp: " Các cổ đức Trung quốc là những bậc lão thông kinh điển, nhất là kinh điển phát triển Ðại Thừa, song rất thiếu sót về quan niệm lịch sử, nhất là lịch sử Phật giáo Ấn Ðộ. (…) Chúng ta không có gì để phiền trách các vị cổ đức. Ðiều đáng phê bình là các học giả Phật học sau này, Trung quốc cũng như Việt Nam, sau khi đã tiếp xúc với Ấn Ðộ và Phật giáo Nguyên thủy, vẫn còn duy trì những sự hiểu biết cổ kính sai lầm như cách phán giáo ấy.

 

Quan niệm lệch lạc về lịch sử tư tưởng Phật giáo này đã gây nên hậu quả nguy hiểm là khinh rẻ giáo lý căn bản do chính Phật thuyết trong 45 năm, trái lại ham chuộng kinh điển phát triển về sau. Thậm chí, có những tôn phái chủ trương chỉ đọc tụng một bộ Kinh Pháp Hoa hay chỉ cần (...) tụng niệm câu "Nam mô Diệu Pháp Liên Hoa Kinh" là cũng đủ thành Phật! (…) Như thế, đối với chúng ta, tất cả gia tài giáo lý mà chúng ta có được đều là vô giá, song điều cần thiết khi đọc kinh là phân biệt kinh nào là kinh Phật, kinh nào là kinh Tổ. "

 

Thầy cũng giải thích tại sao Thầy đặt trọng tâm vào đức Phật Thích Ca: " Nhiều khi quá khoan hòa chúng ta quên mất ý niệm lịch sử; vì vậy, có nhiều người đi chùa mà không biết Phật là ai, ai là người lập ra đạo Phật. Có Nam mô Phật, có Nam mô A Di Ðà Phật, có Nam mô Ðấu Chiến Thắng Phật,... nhưng quên mất và cũng không hiểu rõ rằng người sáng lập ra đạo Phật là đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni.(…) Trong thời đại khoa học này, chúng ta phải tập trung làm sáng tỏ đức Bổn sư của chúng ta, vì đức Bổn Sư quá đẹp, quá cao, quá siêu việt. Chúng ta có thể thờ tất cả các vị Bồ Tát, nhất là Bồ Tát Quan Thế Âm, nhưng đừng để những đức tánh của các vị Bồ Tát hay hình tượng các ngài che lấp ánh sáng đức Bụt của chúng ta.(…) Trong Phật giáo bây giờ có hiện tượng là nhiều khi có chùa mà không thờ Phật, hoặc thờ Phật mà không được rõ ràng, không được chú tâm tới đức Phật Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni. Vì vậy, cũng đừng lấy làm lạ khi có người nghi ngờ tôi không phải là tu sĩ, người ta tới chùa không thấy tôi niệm A Di Ðà Phật. Tôi biết đức Phật A Di Ðà rất quý, rất đẹp, là một nơi cho nhiều người quy hướng, nhất là về tuổi già và hy vọng cho đời sau. Nhưng tôi không niệm A Di Ðà Phật vì tôi muốn cố ý làm cho đức Bổn Sư lịch sử, cũng như hình tượng ngài được nổi lên rõ ràng, để chúng ta theo đó mà tu hành. "

 

Để trả lời lá thư một Phật tử (8) đặt câu hỏi tại sao lại tụng kinh Chơn Hạnh Phúc, kinh Từ Bi mà không tụng kinh A Di Đà, Phổ Môn, Thầy viết như sau: " Tôi xin nói rõ rằng tôi không hề ngăn trở việc tụng các kinh này, nhưng tôi chỉ khuyến khích những người nào hiểu nghĩa và quen tụng các kinh nầy nên tụng riêng ở nhà. Không cần nói đến tính cách tông phái của nó: kinh A Di Ðà thích hợp với người theo tông Tịnh Ðộ, kinh Phổ Môn thích hợp cho những người tin tưởng Bồ Tát Quan Âm (…) Trong khi đó, kinh Chơn Hạnh Phúc và kinh Từ Bi là những kinh ngắn, hay, căn bản cho tất cả Phật tử và cũng là những kinh do chính đức Phật đã nói ra. "

 

Còn về câu hỏi tại sao Thầy lại cho tụng Ba qui y, Năm giới bằng tiếng pali mà không tụng chú Ðại bi, chú Chuẩn đề như ai cũng làm bên nhà, thì Thầy trả lời: " Sở dĩ Phật tử bên nầy tụng Ba qui y, Năm giới là vì chính Hội Phật giáo Liên hữu Quốc tế đã quyết định: "Phật tử nên tụng Ba qui y, Năm giới trước các buổi lễ Phật và các cuộc hội họp". Và họ tụng bằng tiếng pali là để gây tinh thần đồng nhất không những giữa các Phật tử Nam Tông, Bắc Tông Việt Nam mà cả giữa các Phật tử Pháp, Đức, Anh, Lào, Miến Điện, Tích Lan, v.v. Ba qui y, Năm giới là những điều căn bản mà bất cứ Phật tử ở nơi nào, thuộc tông phái nào, cũng đều phải biết. Còn các bài thần chú chỉ có người Phật tử theo Mật tông mới tụng mà thôi. Ðó là không nói đến điều không chính xác do sự phiên âm từ tiếng Phạn sang tiếng Hán và được đọc ra bằng tiếng Việt. Hơn nữa các bài chú nầy không thể giảng nghĩa. "

 

Trong sự tu tập, thiền định đối với Thầy rất quan trọng, vì đó là một trong ba môn học để đánh tan lậu hoặc. Cũng như trong Kinh Pháp Cú có câu:  "Không có tuệ, không định. Không có định, không tuệ. Người có định, có tuệ, Đạt Niết bàn viên tịnh "(câu 372). Thầy thường khuyến khích tất cả mọi người nên thực hành thiền định đều đặn, theo lời dạy của đức Phật trong Kinh Tứ Niệm Xứ hay Kinh Niệm Hơi Thở. Và đặc biệt đối với chúng tôi, các trí thức Phật tử có khuynh hướng học Phật trong sách vở hơn là thực hành. Bao nhiêu năm đã qua, nhưng kỷ niệm của các buổi ngồi thiền, sáng sớm trên cánh đồng ở các trại hè, vẫn còn sâu đậm trong ký ức của chúng tôi. Sau này, nhờ các tiến bộ đột phá của khoa học thần kinh và các áp dụng y khoa của thiền chánh niệm (mindfulness), thiền định đã trở thành một phương pháp tập luyện tâm-thân (mind-body) được hưởng ứng mạnh mẽ trong xã hội Tây phương hiện đại.

 

Nói tóm lại, Thầy Thiện Châu trong suốt cuộc đời hoằng pháp của Thầy, đã xiển dương một đạo Phật chân thực, thuần túy, trung thành với lời dạy của đức Phật Thích Ca. Một đạo Phật không hoa mỹ, hào nhoáng, nhưng trong sáng, giản dị, dễ hiểu, có thể áp dụng được bởi tất cả những ai đi tìm một giá trị tâm linh, một triết lý sống, một nền đạo đức, một tâm lý trị liệu, làm cho tâm thức bớt phiền não, thêm an lạc và hạnh phúc.

 

Cuối cùng, bài học của Thầy cũng chính là tác phong của Thầy, một con người bình dị, khiêm cung, gần gũi với mọi người, với lời nói nhẹ nhàng và nụ cười hiền hậu. Trong các bài thơ làm trên sườn đồi Trúc Lâm Villebon, Thầy tự ký tên là " người làm vườn ". Chẳng hạn như trong bài " Mai am ":

 

" Sương núi phủ am lạnh,

Nhạc nước vẫn reo đều,

Sư già vui tĩnh tọa,

Trên đồi chim, sóc kêu. "

 

Hình ảnh và tấm gương của Thầy Thiện Châu, một vị chân tu, trí tuệ trong sáng và đức độ cao dày, vẫn còn phảng phất đâu đây. Mặc dù Thầy đã đi qua, và các đệ tử của Thầy cũng lần lượt đi qua, nhưng các lời dạy thấm thía của Thầy còn vang vọng mãi trên sườn đồi Trúc Lâm.

 

Để tưởng nhớ đến Thầy, xin chúng ta cùng nhau đọc câu đảnh lễ đức Thế tôn bằng tiếng pali, như Thầy thường đọc :

 

Namo tassa bhagavato arahato sammā-sambuddhassa !

Kính lễ đức Thế tôn, bậc giải thoát, giác ngộ hoàn toàn!

 

Trịnh Đình Hỷ,

Pháp danh Nguyên Phước

 


Tài liệu trích dẫn

(1). Kinh Pháp Cú (Dhammapada), thuộc Tiểu Bộ (Khuddaka-nikaya)

Hiểu đạo Phật một cách giản dị bằng Kinh Pháp Cú (Dhammapada) Trịnh Nguyên Phước, Nguyên Đạo : http://www.truclamthienvien.fr/index.php/tailieu/115-kinhphapcu

(2). Tiểu kinh Malunkya (Cula-malunkya sutta), thuộc Trung Bộ (Majjhima-nikaya, 63)

Thích Minh Châu dịch : http://cusi.free.fr/dtk/trungbo/trung063.htm

(3). Kinh Kalama, thuộc Tăng Chi Bộ (Anguttara-nikaya, I, 188-193)

Thích Thiện Châu, Kinh Kalama : http://cusi.free.fr/gtk/gtk0054.htm

(4). Kinh Trung Bộ (Majjhima-nikaya, I, 140, 22)

(5). Kinh Phật Tự Thuyết (Udana, 67)

 TRÍ THỨC VÀ SỰ THẬT:

(Một câu chuyện của thời đại khoa học về giác ngộ theo Phật học
Lương Cần Liêm
TsBs Tâm thần học, Tiến sỹ tâm lý học, Giảng viên đại học Paris 5.)

Từ khi tôi biết năm và nơi sinh và tử của Gautama Siddharta (563-483 trước công nguyên), từ khi tôi biết con người ông không phải là thần thánh, và ông có một cuộc sống không lấy làm bí ẩn (ví dụ có vợ và con bình thường như bao người khác) và ông không có làm ra phép mầu thì tôi nhận ra ông là "con người" như tôi nhưng khác và hơn tôi nhờ những bài thuyết pháp mà các đệ tử của ông ghi lại. Sự phát triển của các tủ sách Phật học đó đến ngày hôm nay là bằng chứng sống động của các giá trị đạo đức và tính khái quát của nội dung. Tôi nhận ông là bậc thầy và như nhiều người trên thế giới, tôi thuộc hàng học trò.
Người phật tử tự nguyện sống ba quy là quy y Phật, quy y pháp và quy y tăng. Đó là "Tam bảo" như ba hòn ngọc luôn luôn sáng.

Ta hiểu thế nào là một người thầy? Người thầy là người được nhận vai trò của một nhà giáo dục với hai cấp độ tri thức. Người thầy chỉ bảo các điều phổ quát và nói: đây là sự thật cần nghiên cứu. Và ông cũng là thầy dạy cho từng người một, những phương pháp suy nghỉ và nghiên cứu riêng để định đoạt cuộc sống của mình. Ngài Gautama Siddharta không phải nhà tôn giáo; Ngài dạy "xét nghiệm" đời và đạo, tức là đâu là thực tế phức tạp hàng ngày và đâu là lý tưởng tinh khiết như nước trong. Đường dây nối liền thực tế và lý tưởng là đạo đức.

Ta định nghĩa thế nào là người trí thức? Ngày trước, người ta hiểu đó là một người có học và có suy nghĩ rộng, và "thông minh" hơn những người khác không có bằng cấp. Thời nay là thời thông tin đại chúng, là thời cách mạng truyền thông 4.0 với tinh thần khoa học, thì khác. Năng lực trí tuệ của con người biết nhìn rồi biết nghĩ ra những câu hỏi, những cách đặt vấn đề. Từ đó, họ khoanh đề và khoanh vùng để những câu hỏi đó thành những vấn để thật có giải đáp không bừa bãi, không tùy hứng mà theo lô-gích và kỷ luật của phương pháp. Bài Phật học dạy: sống là trí tuệ trong sáng không chút bí ẩn. Người có tánh tò mò là một dạn người cởi mở, có lương tâm của con đường tâm trí để ra khỏi sự dốt nát của mình. Dốt không có nghĩa là ngu. Người nói là người có ý kiến. Ai có tâm là có trí, đã là người khai trí nhưng sống với cái khiêm tốn của người hiền, không cần "bằng cấp" xã hội ban cho.

Thêm quan điểm kinh tế sản xuất thì người trí thức là "người lao động trí óc". Mục đích lao động của họ là tìm ra sự thật và phương pháp của họ là đi tìm cái đúng. Đấy là trí khoa học. Cái đúng là một loại "hàng hóa tinh thần phi vật thể". Người có trí khoa học biết phê bình sản phẩm do con người tạo ra vì sản phẩm nào của trí tuệ đều "vô thường": cái đúng của ngày hôm nay thay thế hay hoàn thiện cái đúng của ngày hôm trước. Đó là sự tiến bộ của đầu óc khoa học và văn minh không liên hệ gì với vị trí của một con người cụ thể, hẳn có thể là người hèn hay người phản. Ý niệm "vô ngã" có nghĩa là không có cái gì vĩnh viễn, tồn tại nếu không cải tiến, không đổi mới cái "ngã" hiện hữu. Đó cũng là quy luật của biện chứng trước yếu tố thời gian và lịch sử của con người.

Hiện tượng học là nhìn một sự việc từ nhiều khía cạnh khác nhau. Nhiều sự thật và nhiều nhận thức chụm về cái đúng sẽ là nhóm hạt nhân hiển nhiên thúc đẩy tư duy và tâm trí của hành vi con người tiến đến hành động. Ý nghĩa của "quy y tăng" là hành động gia nhập có ý thức một nhóm đồng cảm với mình – thường gọi là đạo hữu – có yêu cầu sống chung với nhau. Gia nhập một cộng đồng là đồng hành một thời hay cả một đời, một kiếp. Hai người đã là một cộng đồng rồi.

Tới 27 tuổi, thái tử Siddharta Gautama đã hưởng một giáo dục "chính trị" để sau này nối ngôi cai trị đất nước nhưng khi Ngài thành đức Phật vào năm 528 trước công nguyên thì Ngài đã có nhiều năm xuất gia – xuất dinh – và đã hiểu thêm về đời sống thật của người dân. Ngài không là một trí nhân lợi dụng vị trí mới để lãnh đạo tinh thần con người. Ý niệm "mỗi ngày là giác ngộ" vừa là cá thể, vừa là tập thể để học sống chung trên cơ sở đạo đức. Khi hôm nay tôi giác ngộ, thức tĩnh mình là người vức rác ra ngoài phố thì ngày mai, tôi sẽ tìm cách sống trong sạch, là người vức rác xấu ra khỏi đầu mình.

Như thế, người Phật tử là người trí thức họp với vị trí xã hội của mình, có một cuộc sống tâm linh lành mạnh sau khi biết luật "Nhân quả" tức là cái gì có trước thì sẽ có sau, tôi làm gì thì sẽ có hậu quả cho mai kia. Nhân quả là tinh thần trách nhiệm. Tôi làm dơ môi trường thì khi mưa nước dâng lên là trách nhiệm của tôi nhét rác vào hàm cống. Khi người ích kỉ vì ích lợi riêng thì lý tưởng đạo đức sống của họ sẽ giả dối với chính họ trước khi đi chùa để đốt nhang. "Giác ngộ mỗi ngày" là như một vị Bồ tác "vô danh" viết trên giấy trắng mực đen cho thế hệ sau một cuộc sống gương mẫu, không an phận và đã thoát khỏi luật "luân hồi" cứ có thì muốn được thêm, khó thấy cái gì là đủ, lẫn lộn yêu cầu với nhu cầu.

Hiểu được "tánh đạo đức" là vượt được những hẹp hòi vì quá ham lợi nhuận, lấy cái tốt "giết" cái xấu (trừng trị) mà không đạt đến một tầm mức rộng rải và tổng quát hơn là chỉ bồi dưỡng lương tâm con người. Quy luật "nhân quả" là tích lũy vốn ban đầu: nếu ngày hôm nay tốt thì tôi sẽ làm cho ngày mai tốt đẹp hơn chứ không có nghĩa quá khứ là món nợ phải trả hết nổi khổ của giá thành. Nếu tôi muốn hôm nay được tốt thì hôm qua tôi đã nghĩ đến việc đó rồi. Tôi không lộn phê bình với chỉ trích, lẫn lộn cái khó với cái khổ. Nếu mỗi ngày tôi thấy cái khổ thì ngày mai, tôi sẽ cố gắng hơn để giải thoát chuyện cũ: "sự nghiệp" là luôn xây dựng cuộc sống. Có lời nói từ bi giải hòa hơn là giải diệt cái khổ bằng sự trừng trị và tạo cho người sống cái mặc cảm tâm lý tội lỗi ở đâu chẳng có.

Sự thật có tính cách trường cửu nhờ đạo đức tồn tại trong loài người. Sự thật thành chuẩn của luật đạo đức sinh ra những lý tưởng sống chung như một ngọn đèn có người cầm trong đêm tối soi sáng và đẩy lùi sự dốt nát nhờ tính cách phổ quát và khách quan của tính đạo đức. Từ đó, làm khổ là làm hại: đấy là khẩu hiệu của luật đạo đức. Cũng vì thế mà thế giới nhân loại ngày càng đông người hiểu Phật học.

Sự thật chính xác cần hai sự kiểm chứng có quan hệ biện chứng với nhau: "sự-thật" là đem ra đối chiếu với cái " thực-tại " (cũng gọi là cái "thật-sự" có) rồi đối chiếu với cái đúng đắn của một tình cảnh. Từ đó mà khai triển nội dung của tam bảo theo Lục Tổ Huệ Năng (638-713) là:
1)Quy y Phật thêm nghĩa là "Học hỏi" quá trình sống của Gautama Siddharta;
2)Quy y pháp có thêm nghĩa là "Hiểu biết" các bài giảng do Phật và Thầy để lại;
3)Quy y tăng có ý nghĩa "Chia sẻ" với cộng đồng những gì mình học hỏi và hiểu biết. Cũng vì vậy mà có nơi "sợ" người tri thức. Mổi người Phật tử đều có "tâm phật" là mở trí thức, có tánh tò mò và ham học. Mổi lần tâm trí có thay đổi trong đầu là mổi lần con người thành người mới và mổi lần sống một nghiệp mới như sự "đầu thai". Phật nói: muôn kiếp trong một đời. Phật học rất lạc quan.

Rõ ràng sự khôn ngoan và sáng suốt là để đánh lùi "Tam độc: tham, sân, si". Lòng tham lam là do sự ham muốn không ngừng lẫn quẫn trong trí, và độc là do sự dốt nát và ngu si mà đưa đến bạo lực, hung dữ để cho được việc mình, tự bào chữa lòng tham. Người giàu muốn giàu thêm nhưng người nghèo không bao giờ muốn nghèo hơn. Như thế, "Tam bảo" là cơ sở quan hệ trao đổi, thảo luận, bàn cãi và chia sẻ nội dung. "Vô thường" là trao đổi để thay đổi. Ai nhận mình có lý thì sẽ thật tình chấp nhận người khác cũng có cái lý của họ mà không phải là người chống đối mình. Triết lý con người là không ai thua trận trước sự thật: cái tôi "vô ngã" vượt qua lòng tự ái, cục bộ của cái Ta. Tức là chuổi "học hỏi, hiểu biết và chia sẻ" là tấm "giấy chứng nhận" của tâm lý khoa học: việc học và hiểu sẽ cho phép tôi chia sẻ với người khác và cả hai sẽ đồng ý với nhau trên cơ sở đạo đức đó. Sự thật càng ngày càng tiến, càng sáng, càng rộng thì càng phức tạp; càng có người đồng hành thì càng gần sự thật.

Sự thật của thế giới hậu hiện đại ngày nay – thế hệ internet và data 4.0 – là để trả lời câu hỏi: như thể nào tôi có thể khẳng định sự thật của sự thật là sự thật? Ví dụ, một tin với một nội dung giả mạo vẫn là một tin thật có đó nhưng xây dựng trên một cái ảo. Đây nói lên các loại sự thật hoàn toàn cao rộng hơn những sự thật lấy gốc rễ từ một ý đồ, hay từ một chủ trương, hay từ một lịch sử. Một hiện tượng có thật trên một sự giả mạo không giải đáp tất cả vấn đề về khách quan hay là chủ quan mà thêm vấn đề suy luận là có hay không có. Câu trả lời duy nhất của con người là đâu là đạo đức của một người lương thiện. Nhà Phật nhận xét "sự thật tùy cơ" [tiếng phạn: samvrtisatya] cần một yếu tố đạo đức mới vượt lên ngôi của một "sự thật triệt để" [p: paramarthasatya] của loài người. Nếu tôi không ý thức là tôi dốt thì tôi sẽ có cảm giác là tôi biết mọi sự việc, cái gì cũng trả lời được, cũng theo một luật mà tôi tưởng là đúng. Do đó, người cần học "thiền" và biết "buông thả" để chuyển mình. Đặc điểm của cách mạng 4.0 là không căn cứ trên đạo đức như các cách mạng khoa học của thế kỷ 19 và 20 vừa qua. "Trí tuệ nhân tạo – A.I." với thuật toán chỉ cần có kết quả của sản phẩm. Nó cần đối chiếu với giá trị đạo đức của con người và với trách nhiệm của tập thể đối với xã hội. Nếu bỏ qua khía cạnh nầy thì nó sẽ đưa con người đến một mê tín mới trên sản phẩm "quản lý" con người như quản lý con số máy.

Thực hành cách sống "tam bảo" là một hành vi khoa học: học, hiểu, chia sẻ. Người giác ngộ giúp người đang thức trí để học trao đổi và học bàn luận không bị trấn áp bởi kiến thức hay vì quyền lực. Sau khi cùng học hỏi với nhau, cùng hiểu biết chuyện với nhau và cùng chia sẻ những cái gì sai và những cái gì đúng thì con người nắm vững cách tôn trọng lẩn nhau, và nắm rõ những gì thật sự đáng có (hay đã có/ hay không có) như một ánh sáng. Đạo đức là giáo dục không phải chỉ để loại trừ. Kết quả là đạt những sự thật thiêng liêng, phổ quát ở vị trí của một lý tưởng sống xây dựng đời và tập họp những cái sự đúng chung của nhân loại. Cái chung chính yếu của nhân loại là đạo đức tôn trọng và đạo đức bảo vệ lẩn nhau, và cuộc đấu tranh cho sự thật không có nghĩa là đấu tranh để người chống người.



Vài quyển tham khảo của tác giả:
1.- Conscience éthique et Esprit démocrate. Paris, 2009 (Ý thức đạo đức và tinh thần dân chủ).
2.- Eléments de psychologie de la vie du Bouddha. Paris, 2014. (Vài điểm tâm lý của đời đức Phật).
3.- La citoyenneté et la construction du vivre ensemble. Psychologie politique du raisonnable et du convenable. Paris, 2015. (Tính công dân và xây dựng cách sống chung. Tâm lý chính trị về lẽ phải và tư cách đàng hoàng).
4.- Anthropologie bouddhique. Apprendre, comprendre, partager. Paris, 2018. (Nhân chủng học Phật học. Học hỏi, Hiểu biết, Chia sẻ).
Paris, 28/02/2019.

Thứ Ba, 28 tháng 9, 2021

 NGÃ BA CẨM HẢI

Từ khi xã Cẩm Hải thuộc thị xã Hội An (nguyên là đất xã Điện Dương bây giờ, được thành lập kéo dài ra đến biển, cùng một lần với Duy Vinh thành xã Xuyên Long, vào tháng 7/ 1956), thì tên gọi ngã ba này được ra đời như một ranh giới giữa Điện Bàn và Hội An.
Lúc lính Nam Triều Tiên (Đại Hàn Dân Quốc – phân biệt với Triều Tiên - Thời đó chưa có danh xưng Hàn Quốc) đóng đồn án ngữ trên đất này thì tên gọi “Ngã ba Cẩm Hải” lại biến thành “Ngã ba Đại Hàn”. Nhưng trước đó nó có tên ngã ba Thương Tín cho đến khi ngã ba này mở thành ngã tư với đường tráng nhựa, người Hội An gọi đây là ngã tư Thương Tín.
Trong chiến tranh, đường Cẩm Hải dành cho xe quân sự, lính Đại Hàn kiểm soát nơi này kéo dài xuống Trà Quế với nhiều lô cốt, trạm gát và giao thông hào chằng chịt.
Lính Đại Hàn cày xới san bằng rất nhiều mồ mã và rừng cây dương liễu tự nhiên để rộng tầm nhìn quan sát. Một người lính Việt từng đi kích chung với lính Đại Hàn kể rằng… chúng thường đi cho có lấy lệ nhưng hiển nhiên như có quy ước ngầm rằng không nên đụng đến nhau, sẽ dẫn đến sự tàn sát không gớm tay. Cho nên lính tiểu đoàn Thanh Long Đại Hàn trong cuộc chiến không hao hụt bao nhiêu.
Ảnh 1 là ngã ba Đại Hàn (anh Khương Mai cho).
-----
Anh Phan Tâm Khôi thêm: Thanh Tín chớ không phải thương tín .Thanh Tín là tên cũ của Điện Dương. Giống như Thanh Chiêm ,Thanh Xuân, Thanh Hà, Thanh Quít.




Thứ Hai, 27 tháng 9, 2021

 LIÊN GIA

Nếu nhớ không lầm, từ sau năm 1956 cho đến năm 1975 tỉnh Quảng Nam không có huyện mà chỉ có quận, dưới quận có xã, không có phường. Dưới xã là thôn, ấp tương đương khối phố bây giờ (trong nam có khóm) dưới nữa là “liên gia” như tổ dân phố hiện nay.
Thời đó mỗi nhà có một “Tờ khai gia đình” giống hộ khẩu nhưng thuần túy chỉ là tờ khai. Tờ khai gia đình theo được biết mỗi nhà lập ba bảng giống nhau. Chủ nhà giữ 1 bảng, Liên gia trưởng một và thôn, ấp một bảng.
Nhớ lại, lụt năm Thìn 1964 qua đi, bác Vui, liên gia trưởng bỏ Hội An về Huế, ba tôi, liên gia phó lên thay, mà điều này, nói thiệt, tôi “quên” khai vào lý lịch.
Đầu năm 1965 mỗi nhà còn phải chụp ảnh gia đình. Ảnh dưới là ảnh gia đình ba má tôi, lúc đó tôi đứng bìa phải, đang học lớp năm (lớp một bây giờ, còn mấy tháng nữa mới lên lớp tư mà đẹp chai ghê chưa?!!).
Trong ảnh thiếu 2 đứa, một đứa mới được mấy tháng tuổi, một đứa đang chờ thì tương lai.



 

TÒA HÀNH CHÍNH TỈNH QUẢNG NAM
Ngày 31-7-1962, Chính phủ Việt Nam Cộng Hòa ra sắc lệnh số 162-NV chia Quảng Nam thành 2 tỉnh: Quảng Nam và Quảng Tín (Thành phố Đà Nẵng tách riêng độc lập), mỗi tỉnh ứng với một tiểu khu quân sự.
Tỉnh Quảng Nam từ Quế Sơn ra đến đèo Hải Vân, tỉnh lỵ và tiểu khu quân sự đóng tại Hội An. - Tòa hành chính tỉnh đóng tại địa điểm Công ty cổ phần Du lịch- dịch vụ Hội An hiện nay, tiểu khu quân sự Quảng Nam đóng tại khu công viên Hội An hiện nay.
Tòa hành chính nhìn ra đường Trần Hưng Đạo và được bao bọc bởi đường Bùi Thụ, Thái Phiên và tiểu khu Quảng Nam mà tỉnh trưởng kiêm nhiệm tiểu khu trưởng. Lúc này không còn tỉnh trưởng dân sự nữa.
Trước đó cơ quan tỉnh đường đặt trụ sở tại đường Phan Bội Châu, gần trường nữ trung học đệ nhất cấp nhìn qua dãy Kiosque có hiệu buôn Lý Bích Thư.
Trang http://hoianheritage.net có ghi: "Ngày 20 tháng 7 năm 1955, hàng ngàn quần chúng nhân dân Hội An đã tiến về Tỉnh đường biểu tình đòi hiệp thương tổng tuyển cử thống nhất nước nhà."
Đây là thời quốc trưởng Bảo Đại với thể chế Quốc-Gia-Việt Nam, bản thân không biết tỉnh đường này đóng ở đâu!
Ảnh tỉnh đường này không biết chủ nhân và chụp khi nào.