Thứ Tư, 14 tháng 7, 2021

 CHÙA PHƯỚC LÂM

Tổ đình Phước Lâm được khai sơn khoảng trước năm1745, khởi thủy là một thảo am nơi tổ sư An Triêm thiền định tu tập, sau đó được phát triển rộng hơn để tứ chúng có nơi quy về tụ học, dầu rằng không bề thế, không khang trang và không kiên cố.
Từ cuối đời vị trú trì thứ 2 Quảng Độ, công cuộc chuẩn bị trùng tu chùa bắt đầu.Đến đời truyền thừa trú trì thứ 3 (Hai vị này là huynh đệ cùng thầy), khoảng năm 1800, Hòa thượng Minh Giác chính thức xây lại chùa hoàn toàn hết sức quy mô, cộng với lần trùng tu kế tiếp bổ sung của đời trú trì thứ 4 Quán Thông, chùa đã có vóc dáng cơ bản như được thấy ngày nay.
Những lần tăng bổ sau như lập bia tiểu sử Sơ tổ, kế tổ, bia công đức, tượng ông Thiện ông Ác, Tổ đường sau chánh điện…
Chùa đã trải qua 11 đời trụ trì.
Đứng đầu là Tổ An Triêm, đệ tử lớn của tổ Minh Hải Chúc Thánh.
Ngài thế danh họ Lê, tên Hiển, sinh năm1712 tại Bến Đền nay là Điện Quang, Điện Bàn, theo Kỷ yếu chùa Chúc Thánh 2009. Nhưng theo một tư liệu khác của chùa Long Tuyền, ngài quê xã Phỉ Phú (Phú Tân) huyện Điện Bàn.
Các đời chư vị trù trì sau, đối chiếu các tư liệu không có gì mâu thuẩn nên không viết thêm.
Đó là chuyện xưa như… tích.
Nhớ mấy năm trước đây, tìm đến ngôi chùa này xem mộ bia đại tá Phạm Phú Quốc, tôi chợt thấy 1người bạn xưa cứ nhìn mình không chớp mắt, tôi khẽ gật đầu chào bạn.
Tôi dâng đại tá 1 điếu thuốc đã đốt và mời bạn tôi 1 điếu mà không cần biết bạn có thích mùi thuốc hay không. Bạn nằm đó đã lâu nhưng chân dung bạn trên bia mộ như còn mới. Bạn qua đời khi tuổi đương thì sau khi sinh con đầu lòng xong thì đi mãi. Chồng bạn sau này cũng lất lây theo dòng định mệnh, đã ôm con vượt Thái Bình Dương từ mấy chục năm nay. Bạn tên HTTN.
Dưới là ảnh chùa Phước Lâm không biết ai chụp và chụp khi nà

Thứ Ba, 13 tháng 7, 2021

 ĐÀI KỶ NIÊM DANH NHÂN CHÍ SĨ QUẢNG NAM.

Đài đoán được xây dựng khoảng trước sau năm 1943.
Đài được cụ Ngô Đình Khôi, Tổng Đốc Nam Ngãi (Quảng Nam + Quảng Ngãi), anh ruột tổng thống Ngô Đình Diệm, chủ xướng xây dựng.
Thời điểm năm 1943 là năm ông Ngô Đình Khôi bị ép về hưu vì có khuynh hướng thân Nhật.
Ngày còn nhỏ đến chơi ở đây tôi đã thấy bia công đức ghi tên cụ Khôi, đặt ngoài Đài, trong rào, phía dưới bên phải ảnh.
Giai đoạn sau, thời Đệ Nhất Cộng Hòa của tổng thống Ngô Đình Diệm, nơi này đổi tên là ĐÀI CHIẾN SỸ TRẬN VONG. Mặc dầu trên mặt chính tượng đài vẫn giữ nguyên dòng chữ Nho nhưng mặt hai bên thì được đắp thêm: TỔ QUỐC GHI ƠN.
Ngày rằm tháng bảy hàng năm, ở đây có tổ chức cầu siêu cho hương linh uổng tử.
Khoảng năm 1980, đài được trùng tu đưa về gần mục đích ban đầu là đài Danh Nhân Chí Sĩ Quảng Nam.
Cảm ơn anh Khương Mai đã gửi cho những ảnh này.
Ảnh do những người lính Mỹ chụp năm 1969.


Thứ Sáu, 9 tháng 7, 2021

NGÃ TƯ BỆNH VIỆN


Đây là ngã tư Trần Hưng Đạo và Hoàng Diệu – Bùi Thụ (góc phải ảnh).
Góc ngã tư có đài nước là khuôn viên tòa hành chánh tỉnh Quảng Nam. Còn sân đất, đó là nơi trực thăng thường hạ xuống.
Bên kia đường, ngôi nhà lầu ấy là Ngân hàng phát triển Nông Nghiệp. Thuở năm 72-73, chồng cô Loan, dạy môn Quốc Văn lớp 9 trường Trần Quý Cáp, là giám đốc ngân hàng này. Hình như nhà sát trên cùng ảnh là Ngân Khố.
Đối diện với ngân khố, bên kia đường là đất của ty Cảnh sát quốc gia.
Phần còn lại trong ảnh là nội vi bệnh viện Quân Dân Y Hội An.
Ngôi nhà ngói màu đỏ là khu hành chính + cấp cứu.
Nhà mái ngói bị cây che khuất là Khu Giải Phẩu.
Khoa sản là dãy nhà ngang nhìn thẳng ra cổng.
Tôi nhớ chỉ chừng đó thôi.

Ảnh, một người lính Mỹ chụp năm 1969.

Thứ Tư, 7 tháng 7, 2021

 NGỦ TỰ… QUA ĐƯỜNG!!

Người đàn bà ngồi trước mặt ít hơn tôi khoảng 5 tuổi, chị chờ đón con gái đi làm về, và như chị kể, chẳng còn thẹn thùng, nó không biết chữ, sợ nó lại chửa hoang như chị nó! Con bé làm chung với tôi một quán.
Chị kể rằng nhà ba má chị nghèo khó, khó đến nỗi không có nhà cửa cho ra hồn, vậy thì… nồi méo mơ chi vung tròn, chị “quơ đại” một thằng cũng xơ rơ xác rác, cho có chồng với chị em.
Cả hai không nhà không cửa, nuôi bầy con như bầy heo giữa chợ Hội an. Những năm 80,90, cứ mỗi lần lễ lớn, ban Quản lý chợ lại đi tảo thanh, đuổi hết người ăn nhờ ở đậu trong chợ. Chị kể:
Nửa đêm, tui leo lên hiên chợ cá, dưới ổng đỡ từng đứa đưa lên, đợi đến sáng mai đông chợ lại lò dò kéo xuống.
Sống ở chợ Hội An một thời gian, gia đình chị dời ra miếu Ông Cọp. Nơi này cũng có chợ, căng tấm bạt bên hông miếu là có chỗ vô ra lại không bị ai dòm ngó, con cái có đứa đã được đi học.
Tưởng mọi chuyện đã êm xuôi, chị kể thêm, chồng tôi lâm trọng bệnh. Bác sĩ bệnh viện Hội An phán… Tìm con đường sống phải đi Đà Nẵng.
Vậy là điều đầu tiên phải nghĩ đến, là tiền đâu? Tôi đi xin khắp phố chẳng được bao nhiêu, may có thầy cô trường Trần Quý Cáp, vận động thêm với học sinh, tôi có được chút ít chạy chữa cho chồng.
Nhưng với chừng tiền đó, hơn 10 ngày sau là cạn, tôi sắp xếp đưa chồng về quê chờ chết.
Ngày về mà chẳng biết về đâu, thôi thì về chợ gần sông, định đá ổng xuống rồi nhảy theo cho xong nợ, may có bà già bán rau cản, rồi cho về nhà ở tạm dưỡng bệnh. Thuốc thang bằng lá cây thế mà hết bịnh.
Lơ đãng một chặp rồi chị kể thêm…
Nhà nước mới cho đất ngoài Bến Trễ, với mấy tấm tôn cũng dựng xong cái nhà. Nhà chưa có bàn thờ chi cả, ở chưa đủ lấy đâu mà thờ nhưng tui hứa, hốt hụi xong, tui sẽ lập cái trang thờ "NGŨ TỰ QUA ĐƯỜNG". Đời tôi chỉ thọ ơn người ngoài đường, tui thờ như zậy để trả ơn trả nghĩa.
Còn tôi, SCD, tự hỏi… Chuyện này, hoàn toàn sự thật, khi viết ra có phải là viết theo lối… hiện thực xã hội chủ nghĩa hay không?
Ảnh chợ cá Hội An chụp năm 1969 cho thấy hiên bê tông như kể trong chuyện, còn đến bây giờ.