Thứ Tư, 11 tháng 7, 2018

KHỔNG MIẾU Ở HỘI AN

Nếu Văn miếu Minh Hương và Văn miếu Cẩm Phô thờ đức Khổng và học trò của ngài, được thiết lập trong thời Nho học thịnh hành, thì KHỔNG TỬ MIẾU (126 Trần Hưng Đạo, sau đổi là Hùng Vương) lại được dựng nên trong lúc Khổng Giáo đã suy vi, Nho học không còn nữa!!
Hội An ngày đó tỉnh lỵ, là trung tâm văn hóa xã hội..., nơi hội tụ giao du những nhà khoa bảng như Cử nhân Võ Úy, Cử nhân tỉnh trưởng Hồ Ngận, Phó bảng Nguyễn Hà Hoằng, bác sỹ Thái Can, thẩm phán Huỳnh Như Văn, thiếu tá tỉnh trưởng Võ Hữu Thu cùng các Nho sĩ đã thành lập Hội Chấn Hưng Cổ Học.
Năm 1961, Hội Cổ Học Tinh Hoa Quảng Nam và Huế cùng thân hào nhân sĩ trí thức trong tỉnh đã tiến hành dựng Khổng Tử miếu như còn thấy đến ngày nay.
Nhưng thăng trầm chưa dứt...
Sau tháng 3 năm 1975, miếu này được... cải tạo thành khu vui chơi giải trí cho thiếu nhi, và, tượng ngài Khổng Khâu bị kéo ngã, quăng xuống ao trong khuôn viên miếu.
Đến năm 2002, miếu Khổng Tử lại được phục hồi trùng tu bằng ngân sách thị xã và hỗ trợ từ Canada.
Năm 2005 lại được trùng tu lần nữa, lần này có xây thêm mới 1 gian nhà so với hiện trạng có từ trước.
Một nguồn tin không chính danh nhưng do 1 người có uy tín nói lại:
Chính ông Hồ Nghinh đã ký lệnh yêu cầu ngừng ngay việc đập phá đình chùa miếu mộ. Tiếc rằng có trễ nhưng còn may!!
Thời tôi trẻ trung, đã có một câu hỏi cho mình:
- Tại sao Nho Giáo có đủ Giáo chủ, tín đồ, cơ sở thờ tự mà không lại là một tôn giáo?
Câu trả lời cũng chính tôi, khi sắp qua hết tuổi trung niên:
- Vì Khổng Giáo thiếu mất một nền tảng siêu hình!
Khổng Tử không phải là người khai sinh ra Nho Giáo. Nhưng không có Khổng Tử thì không có Nho Giáo!
Sinh thời, Khổng Tử muốn làm thầy thiên hạ. Chết đi, Khổng Tử lại được nhiều hơn ao ước: THẦY CỦA MUÔN ĐỜI... Vạn thế sư biểu!!

Thứ Năm, 5 tháng 7, 2018

50 NĂM TỔ CHỨC LAO ĐỘNG QUỐC TẾ.
Nếu tôi nhớ không nhầm, NGHIỆP ĐOÀN LAO CÔNG tỉnh Quảng Nam có một thời trụ sở đóng gần Ty Thông Tin và Cà Phê TIÊU, ngã ba Hoàng Diệu – Phan Châu Trinh bây giờ. Còn NGHIỆP ĐOÀN KHUÂN VÁC Hội An đóng tại ngã tư Nguyễn Thái Học – Thành Thái.
Thuở nhỏ có nghe người lớn đọc bài vè ngày Quốc Tế Lao Động 1 tháng 5, có lẽ xuất phát từ thời Việt Minh cướp chính quyền. Bây giờ còn nhớ và chắc có quý huynh trưởng cũng nhớ như tôi:
“Ngày 1 tháng MAI (May, tháng 5),
Là ngày tranh đấu,
là ngày yêu dấu,
Quốc hội Huê kỳ
Thế giới còn ghi
Mai này chép lại
Tại Chicago
Toàn thể tung hô:
NGÀY LÀM 8 GIỜ!!”
Ảnh, nhìn là biết ngày tháng năm chụp nhưng không biết chủ nhân.

Thứ Tư, 4 tháng 7, 2018

CHÙA CHÚC THÁNH HỘI AN
Năm Ất Hợi 1695, chúa Nguyễn Phúc Chu sai sứ sang Trung Hoa thỉnh Hòa Thượng Thạch Liêm Thích Đại Sán qua Việt Nam lập đàn truyền giới tại kinh đô Thuận Hóa.
Khi qua cũng như lúc về, Hòa thượng đều dừng chân tạm nghỉ tại chùa Di Đà Hội An để chờ theo tàu buôn về nước. Những tàu buôn này mỗi năm 2 lần mượn gió mùa để thả thuyền đi và về. Chùa Di Đà sau cải danh là chùa Chiên Đàn rồi Minh Hương Phật Tự. Đây mới là ngôi chùa Phật đầu tiên ở Hội An mà vết tích ban đầu nay đã bị xóa nhòa vì thiếu người ghi chép.
Trở lại...
Theo Hòa thượng Thích Đại Sán, là Đàn Đầu, sang nam có hai Đại sư là ngài Minh Hải và ngài Minh Lượng trong Hội Đồng Thập Sư.
Sau khi hòa thượng Thạch Liêm về nước (Tỉnh Quảng Đông, ngày 24/6 Bính Tý – 22/7/1696), ở lại, một năm sau, ngài Minh Hải ra xây dựng chùa Chúc Thánh và bốn năm sau, ngài Minh Lượng ra khai sơn chùa Vạn Đức mà trước đó, năm 1698, chư sơn thiền đức đã thỉnh ngài Minh Lượng làm trụ trì chùa Di Đà.
Ngài Minh Hải là vị tổ thứ 34 của Thiền Phái Lâm Tế Trung Hoa và là tổ thứ nhất của dòng kệ Minh Hải tại Quảng Nam. Ngài qua Việt Nam ngày 28 tháng giêng năm Ất Hợi 1695.
Ngài họ Lương, húy là Thế Ân, sanh ngày 28 tháng 6 năm canh Tuất 1670, quê quán làng Triệu An, huyện Đồng An, phủ Tuyền Châu, tỉnh Phúc Kiến. Không biết ngài là đệ tử của tổ nào, chỉ biết theo long vị thờ tại Tổ Đình Chúc Thánh, ngài có pháp danh Minh Hải, pháp tự Đắc Trí và pháp hiệu Pháp Bảo.
Gần 350 năm trôi qua, chùa Chúc Thánh từ ngôi cổ tự đơn sơ được dần dần trùng tu, tăng bổ như sau:
Năm Ât Mùi (1845), Ngài Toàn Nhâm (Vi Ý) khởi công đại trùng tu và chuyển hướng ngôi chùa từ hướng Tây sang hướng Tây - Nam để phù hợp với địa thế phong thổ.
Bốn năm sau (1849), Ngài tiếp tục khởi công xây thêm Tiền đường làm tăng gấp đôi diện tích trong Chánh điện.
Năm Nhâm Thìn (1892), Hòa Thượng Chương Đạo hiệu Quảng Viên trùng tu lại Tiền đường qui mô hơn.
Năm Giáp Ngọ (1894), Hòa Thượng Chương Khoáng hiệu Chứng Đạo đời thứ 38 và phó trú trì hiệu Quảng Đạt xây dựng thêm ngôi Hậu Tổ.
Năm Ất Hợi (1911), Hòa Thượng trú trì húy Ấn Bính hiệu Phổ Bảo đời thứ 39 lại khởi công đại trùng tu ngôi Chánh điện, nâng nền Tiền đường lên cao hơn và xây thêm các dãy Đông đường, Tây đường. Những công trình lần này gần như cố định và qui mô cho đến ngày nay.
Từ các năm 1954 đến 1960, Hòa Thượng Tăng cang húy Chơn Chứng hiệu Thiện Quả đời thứ 40 tiến hành trùng tu từng phần, khiến ngôi chùa trở nên hoàn mỹ hơn.
Năm Tân Mùi (1991), Hòa Thượng Như Truyện hiệu Trí Nhãn tiếp nối trú trì đời thứ 40 (đang trú trì hiện nay) trùng tu lại ngôi tháp Tổ từ 3 tầng lên 7 tầng, góp phần tăng thêm vẻ đẹp trong khuôn viên chùa.
Lần đại trùng tu sau cùng như được thấy hiện nay, khánh thành tháng 02 năm 2009.
Trong khuôn khổ một bài đăng trên Fb yêu cầu ngắn gọn, chư huynh tỷ và thân hữu có thể đọc thêm trên mạng, nhiều và đầy đủ hơn.
Còn nhớ những năm 85, 87. Cuối tuần về Hội An tụ họp bạn bè nhậu nhẹt gần chùa, khung cảnh thật là im lắng. Bọn chúng tôi cứ tha hồ hò hét mà chẳng sợ làm phiền ai, họa chăng chỉ có… ma mới nghe.
Bây giờ phố xá đã mở rộng đến đây rồi!!
Ảnh ghi lại Tam quan chùa Chúc Thánh, chắc xưa. Không biết người và năm chụp.

Thứ Hai, 2 tháng 7, 2018

CẨM NAM

Cẩm Nam là tên gọi một phần đất của xã Cẩm Phô, địa danh này có sau năm 1956, trước gọi là Cẩm Phô xã phân biệt với Cẩm Phô phường bên này sông.
Cẩm Nam bây chừ nhộn nhịp. Cẩm Nam xưa của bọn chúng tôi thường sang, đi… bằng ghe có, bằng cầu có (sau năm 1973
) và lội sông cũng có.
Vì đặc điểm thiên nhiên như một ốc đảo, nơi này chiến sự ít ghé thăm. Bạn bè cùng lớp ở đây cũng nhiều, giờ chỉ còn một thằng bám trụ dưỡng già.
Cẩm Nam khu trú nhỏ nhắn như vậy nhưng một thời cũng có nhà thờ, xóm đạo. Có đình làng, miếu xóm, Có chùa Phật với nghĩa trang riêng. Thời Pháp cũng có đồn lính, pháo đài nhưng ở tận thôn cuối cùng cách biệt: Thôn Tư - Nam Ngạn! Nơi đây có đình tiền hiền Cẩm Phô dựng lúc mới lập làng.
Cẩm Nam, theo trí nhớ tôi, chưa một lần bị nạn binh hỏa, nhưng hằng năm, nạn thủy phá cứ lấy dần đi những vết tích xưa.
Cẩm Nam thời cực thịnh cũng là nơi hội tụ người... tứ chiếng, họ là dân ghe bầu vận chuyển đường dài. Họ đã lưu lại vết tích của mình còn đến bây giờ: Miếu HỘI TỨ CHÁNH!!
Ảnh dưới ghi lại cầu Cẩm Nam năm 1976, chưa biết tác giả.
Có một vị cao niên kể lại rằng… Khi khánh thành cầu này cũng là lúc vị tỉnh trưởng tỉnh Quảng Nam bị Tư lệnh Quân Khu 1 lột lon (Đại tá quân đội) và bị tổng thống cách chức (tỉnh trưởng), vì dính líu đến tham nhũng khi xây dựng cầu.