Thứ Sáu, 29 tháng 6, 2018

Ảnh dưới là chùa BẢO THẮNG (Sư Nữ) xây năm Kỷ Sửu 1949, do 3 nữ Phật tử chủ công cúng dường: Nguyễn Thị Mai, Huỳnh Thị Hồ, Lê Thị Thanh.
Nhưng bản thân thì được nghe là: Mẹ ông Radio Tường Quang, Bà Trường Lợi, Vợ ông Vương Sỹ.
Hồi ấy chùa xoay mặt chính ra hướng sông. Đến năm Canh Tuất 1970, chùa chính thức đại trùng tu như hiện nay. Lúc này, hướng chính vào chùa theo đường Nguyễn Duy Hiệu.
Trú trì đầu tiên của chùa là Hòa Thượng Thích Đồng Chơn (1949-1954)
Thứ hai là Ni trưởng Thích Nữ Đàm Minh (1954-1962)
Thứ ba là Ni trưởng Thích Nữ Như Hường (1962-2000)
Thứ tư là Ni trưởng Thích Nữ Diệu Hạnh (2000-2014)
Thứ năm là Ni trưởng Thích Nữ Hạnh Chơn từ năm 2014 cho đến nay.
Năm 2002, chùa xây thêm nhà tây. Tôi và “chú” Võ Văn Tấn vẽ vời và đứng kỹ thuật ngôi nhà này. Sau tôi bận công trình khác nên “chú” Tấn là chủ công.
Với ngôi Tam Bảo này tôi có một kỷ niệm khó quên…
Một bữa, tôi phone tới chùa tìm thầy Tấn thì một ni cô bắt máy nói là sẽ đi gọi chú Tấn ngay. Dừng một chặp, nghe tiếng âm thanh tổ hợp đầu dây bên kia, tôi phán liền: “Làm chi lâu zị, tướng mi QUY Y xong là Y QUY liền liền!!”
Ai ngờ người bắt máy là ni cô lúc nãy, cô la cho…
Chú Sơn ăn nói lạ quá hà…
Rứa là 3 ngày liền tôi không dám bén mảng tới chùa, ra cà phê mà… “sám hối!!”.

Thứ Ba, 26 tháng 6, 2018

TRẠI NÔNG TỈNH QUẢNG NAM.
Năm 1968, sau tháng đầu tiên học lớp nhất trường Nam tiểu học, ba tôi chuyển hẳn cho tôi sang học trường tiểu học tư thục Cẩm Hồ, mục đích để luyện thi vào đệ thất trường trung học Trần Quý Cáp, trường công lập duy nhất ở Hội An thời bấy giờ.
Vào trường mới tôi không có bạn, duy chỉ có Đào Văn Lộc chơi với tôi. Ngày ấy Lộc hay dẫn tôi lên chơi khu vực mà sau này tôi biết đó là trường Tổng ngày xưa, chỉ dạy 3 lớp đầu tiên bậc tiểu học, dạng khai hóa và phổ quát cho mọi trẻ con. Học xong thì thi lấy bằng yếu lược, rồi tùy gia cảnh mỗi người, có hay không được tiếp tục theo đuổi con đường học vấn.
Trước trường Tổng có sân đất cát rộng mà sau này chính quyền chế độ cũ dựng lên một căn cứ quân sự nhỏ ghi YẾU KHU HỘI AN, rồi mấy năm sau lại thấy dựng thêm một tấm bảng: QUÂN TRẤN HỘI AN.
Lúc này khu vực trường Tổng đã đông dân tản cư đến ở. Phía sau trường Tổng là Trại Nông. Ngày ấy tôi chỉ biết Trại Nông là... Trại Nông và không biết chi thêm nữa. Trại Nông cách bến xe Hội An chừng 300 mét.
Ảnh dưới chôm trên mạng, không biết tác giả.

Thứ Năm, 7 tháng 6, 2018

Ảnh bên dưới có lẽ là ảnh xưa nhất chụp chùa ÔNG BỔN Hội An mà người Pháp thời đó gọi theo người dân địa phương là chùa TRIỀU CHÂU. Ảnh chụp năm 1888:
Façade de la pagode des Trieu Chau à Fei-Foo,
Gustave Trumelet-Faber - Faifo 1888 - 12 x 16,5cm
Nếu để ý hàng chữ trên, sẽ thấy, có chữ thời đó, tác giả viết theo lối phiên âm như Fei-Foo, des Trieu Chau, “Moï“ (Mọi - hàng dưới)
Năm 1888, đại úy Trumelet-Faber (tác giả ảnh) được bổ nhiệm vào tiểu đoàn 4 lính khố đỏ Nam-kỳ tại Huế.
Năm 1890, trở thành chỉ huy trung đoàn 3 lính khố đỏ Bắc-kỳ, ông gặp Auguste Pavie và được giao một số nhiệm vụ trên các vùng cao, tiếp cận với đời sống hoang dã của người “Moï“.
Từ Đông Dương, ông trở về Pháp với nhiều hình ảnh chụp những năm 1888-1891, trong đó có thành phố Hội An. Đặc biệt là những hình ảnh với rất nhiều chi tiết về tập quán cũng như phong tục của người dân tộc thiểu số.