Chủ Nhật, 29 tháng 8, 2021

 

NHỚ TRUNG THU HỘI AN XƯA

Ngày còn nhỏ rất thích đi coi múa Thiên Cẩu, nhưng thiên cẩu là linh khuyển mà đâu giống chó! Chắc con Lân hay Kỳ Lân, đúng hơn.

Lân có sừng nai, tai chó, trán lạc đà, mắt quỷ, mũi sư tử, miệng rộng, thân ngựa, chân hươu, đuôi bò. Lân là con vật thuộc tứ linh chỉ tồn tại trong truyền thuyết, có sừng nhưng không gây tai ác nên được coi là có từ tâm.

Ở Hội An xa xưa, trong những dịp lễ hội đầu năm hay tết trung thu người ta hay tổ chức múa lân nhưng lân ngày xưa có thứ bậc đàng hoàng: Râu trắng, râu đỏ, râu đen, râu xanh phân biệt đoàn của các bô lão đến thiếu nhi. Đoàn tuổi nhỏ hơn phải nhường đường cho đoàn có thứ bậc lớn hơn.

Ngày tôi lớn lên được thấy đoàn lân râu bạc của Nghiệp đoàn Khuân vác Hội An, trước khi xuất hành, đầu tiên là đến trước chùa Ông (Quan Thánh miếu) múa cho Ông coi trước, rồi ra tòa tỉnh múa cho đại tá tỉnh trưởng coi để hưởng lộc dày, với những màn uốn lộn trên đôi đòn cao ngẹo, sau đó mới đến các hiệu buôn lớn.

Ngô Đồng nhất diệp lạc,
Thiên hạ cộng tri thu!
(Ngô đồng rụng 1 lá, ai cũng biết thu sang)

Mới đó mà đã gần đến tết trung thu. Rồi rùng mình chợt nhớ... đời đã ngã qua bờ thu đông. Bài hát bé con ngày nào còn vang vọng:
"Bóng trăng trắng ngà có cây đa to, có thằng Cuội già ôm một mối mơ.
...Có con dế mèn, suốt trong đêm khuya, hát xẩm không tiền, nên nghèo xác xơ... (Rồi chờ đợi ai) đền ơn cho dế nỉ non?".

Ảnh: Múa lân trong tòa tỉnh,không biết tác giả và chụp năm nào.


Chủ Nhật, 22 tháng 8, 2021

CHUYỆN KỂ ... ÔNG CHÙA CẦU
Ngài BẮC ĐẾ CHÂN VŨ là tên của ngài Huyền Thiên Đại Đế được đổi từ đời nhà Tống và giữ cho đến nay. Ngài là vị thần cai quản phần phía Bắc của trời và cả Hành Thủy trong Ngũ Hành.
Ở Hội An, ngài được thờ trong ngôi miếu trên cầu "Chùa Cầu".
Theo truyền thuyết ngài là thể phách của Ngọc Hoàng Thượng Đế, lúc lại là thể phách của Thái Thượng Lão Quân v.v...
Nhưng chuyện bản thân nghe kể thì lại khác. ngài xuất thân là một hảo hớn.

Nghe đồn trên núi có Phật hiện, ngài cũng theo lên và... gặp Phật!

Bàng hoàng khi mọi nghi ngờ thình lình dập tắt, niềm tin phút chốc sáng ngời, ngài hỏi Phật rằng mình có tu được không? Phật thử lòng ngài nên chê bai đủ cách, ngài hứa sẽ xả bỏ tức khắc để theo nghiệp tu hành rồi lấy gươm mổ bụng móc ruột và bao tử ra khỏi người và hỏi Phật đã đủ thành tâm chưa. Phật đỡ ngài và ngài chịu phép quy y từ đó...
Nhưng, ngài không phải một hảo hớn bình thường, ngài có cốt tiên, đã tu dưỡng nghìn năm nên... ruột và bao tử của ngài cũng tu chừng đó năm. Khi thoát khỏi thân ngài, chúng hóa thành yêu nghiệt, thế là ngài lại phải tìm cách thu phục chúng. Một lần nữa ngài trễ đường tu.
---------
Trong chuyện kể, sao mà Phật giáo, Đạo giáo lẫn lộn vậy kìa. Một lần đọc Cố Hy Giai. Bồ Tát ngoại truyện (Dương Thu Ái - Nguyễn Kim Hanh dịch) thì thấy không lộn chi cả!
Tượng ngài thờ tại Chùa Cầu có thấy chân ngài đạp con rùa (bao tử) và tay giữ con rắn (khúc ruột).
Hội An xa xưa cúng ngài vào ngày 20 tháng 7 âm lịch.
Những ngày lễ hội lớn, người dân cúng ngài sau cùng, mục đích là để nhờ ngài giữ yên trong khi hội cúng.

Rồi trước lúc cúng ông Bắc Đế (sau cùng), dân làng lại đem lễ vật đến chùa Bà Mụ - Ông Chú cáo Ông Chú nhờ giữ an "Bộ ruột và cái Bao tử của ông Bắc Đế" để ông được thong thả vui chơi...

Tôi có người bạn già, lúc vui, ông thường nhắc... "Ta là con ông Bắc Đế!!"

Lý do, đẻ ông ra khó nuôi, mẹ ông đem bán cho ngài Chân Vũ, đủ 11 tuổi sẽ đến dâng lễ xin chuộc về. Nhưng năm 10 tuổi cả nhà đi tản cư, lúc về quên bén nên ra như vậy.
Chuyện này nghe sao kể vậy. Chỉ là chuyện kể mà thôi!!

Thứ Ba, 17 tháng 8, 2021


HỘI AN MÔ TẢ TRÊN HẢI NGOẠI KỶ SỰ SAU 1695



Sau chuyến nam du năm 1695, trở về chốn cũ, Hòa thượng Thích Đại Sán có viết:

“Hội An, từ thế kỷ 17 từng là nơi bến tàu tập hợp hàng hóa ngoại quốc. Một con đường lớn thẳng bờ sông dài chừng 3 - 4 dặm. Hai bên đường, phố xá ở khít rịt liền nhau. Cuối đường là Nhật Bản kiều và Cẩm Phố. Bên kia sông là Trà Nhiêu, nơi đinh bạc của các thương thuyền ngoại quốc.” (Hải ngoại kỷ sự - Thích Đại Sán, bản dịch Viện Đại học Huế 1963)

Theo sự mô tả thì năm 1696, những cồn cát trên sông Hội An còn khá nhỏ, cây cối chưa cản tầm nhìn nên Thích Đại Sán mới thấy rõ "Bên kia sông là Trà Nhiêu (nay là Duy Vinh), nơi đinh bạc (bến đậu đỗ thuyền bè) của các thương thuyền ngoại quốc”.

Vị trí và góc nhìn của tác giả là từ đường Cường Để - Trần Phú nhìn qua phía nam. Lúc đó sông Hội An kề sát đường này.

Gần 100 năm sau, bức tranh "Trên sông Hội An” - Tranh màu trong A voyage to Cochinchinna in the year 1792 and 1793, do J. Banow vẽ : Sông Hội An đã xuất hiện nhiều cồn cát lớn nhấp nhô nổi lên giữa dòng. Theo triền, đã có nhà cửa và sắc xanh cây lá.

Theo ghi chú dưới bản đồ năm 1789 của Le Floch de la Carrière:
“Con sông Hội An cũng có những bất tiện y như con sông ở kinh đô (sông Hương), một dải cát ngầm trải ngang trên sông làm cho sông cạn, chỉ cho phép tàu nhỏ vào được mà thôi”.

Có thêm một trong những cồn đất và "một dải cát ngầm trải ngang trên sông làm cho sông cạn" là vùng đất Cẩm Nam, được hình thành vào khoảng năm 1700 đến năm 1800.
Cồn An Hội thì được hình thành sau năm 1900.

Chủ Nhật, 15 tháng 8, 2021

 MIẾU QUẢNG AN HỘI AN

Một cô bạn vừa cho tấm ảnh miếu Quảng An. Tự thấy quý nên chia lên mạng hưởng chung.
Nhắc đến miếu là nhớ nhiều người đặc biệt có liên quan.
1/ Dĩ nhiên là ông thầy Cần. Tôi nhớ như in, mỗi lần thầy đi đến tiệm hớt tóc Như Ý trước chùa Phước Kiến, hớt tóc xong thầy trả tiền công, mà lúc nào cũng cho vào bì thơ dán lại (có lẽ thầy có nhiều phong bao do phụ huynh học sinh đóng tiền học phí.)
2/ Giống như "hệ luận" trong toán hình bậc trung học, Nhắc ông thầy Cần thì... có 1 người thứ 2 cũng trả tiền hớt tóc bằng phong bì (Lịch sự dễ sợ!!): Ông họ Lê, chẳng phải hương sư, giáo chức gì, phụ trách nấu hoành thánh, sau này lên làm chủ, rể ông Ba Huế, người Ấn.
3/ Gần miếu là nhà ông Ba Râu. Sau 75, nhà nhà rùng rùng đi vượt biên. Trong hẽm có nhà chú Lý Bình bán cà phê. Và nơi đây, xin nhắc lại lời ca của bài hát được... chế độ thiếu công phu:
"Một ngày nào trên bến cô liêu. Quán ông Ba Râu tiêu điều, đò của người "Giê Nãn" (Việt Nam) chờ đưa người "Tung Wỗ" (Trung quốc)...
Ui, mới đó mà đời đã xa xăm. Già hết rồi!!

Thứ Ba, 3 tháng 8, 2021

 

TRƯỚC TRỪNG - HÁN – CUNG (QUAN THÁNH MIẾU).


Ngài tên Thường Sinh (Mong được tốt lành), người huyện Giải, quận Hà Đông, là con nuôi của vợ chồng người thợ đá.

Trong một lần bênh bạn là Lý Sinh, ông đã nổi giận giết thái thú Hùng Hổ rồi chạy trốn đến thành Bồ Châu. Lúc đến nơi thì trời nhiều mây, có đàn chim yến bay ngang làm rơi một cọng lông vũ trước mặt, sẵn lính canh thành hỏi danh tánh, ông liền trả lời: Tôi tên Quan Vũ, hiệu Vân Trường…

Từ khi một số người Trung Hoa chạy loạn sang Việt Nam, họ không quên đem Thần của họ theo. Rồi cuộc sống cộng cư, hai nền văn hóa Việt – Hoa đã giao thoa ít nhiều trên tinh thần trọng tứ đức: Trung; Hiếu; Tiết; Nghĩa. Ngài Quan Vân Trường tượng trựng cho chữ NGHĨA và đã được dựng miếu thờ ở nhiều nơi trên đất nước ta. Ở Hội An, miếu được lập trước năm 1653, nhìn qua chợ Hội An bây giờ.

Tích kể:
Sau khi Bàng Thống chết, bị Lã Mông lừa lấy Kinh Châu và bị Tôn Quyền dụ hàng không được nên giết, hồn oan Quan Công bay đến núi Ngọc Tuyền huyện Hướng Dương, Đêm ấy bỗng có tiếng la lớn:
- “Trả đầu cho ta!!”

Lại có âm vọng trả lời:
- “ Vậy thì đầu của Nhan Lương, Văn Xú, đầu của 6 tướng trong 5 ải và đầu biết bao sĩ tốt thì đòi ở đâu??”

Nghe xong hồn Quan Vân Trường chợt tỉnh rồi biến mất.
Đó là đoạn đối thoại với Phổ Tịnh trước khi ngài hiển thánh.


Viết vu vơ nãy chừ chỉ nhằm phục vụ cho… hai ông thầy bói mưu sinh trước Trừng Hán Cung – Quan Thánh miếu Hội An.
Rứa thôi, muôn vàn thất lễ.