Thứ Hai, 25 tháng 7, 2011

MIẾU NGŨ HÀNH HY HÒA
Miếu Hy Hòa không biết xây dựng năm nào, ngay tên miếu cũng lấy theo tên gọi của phổ lập miếu: Hy Hòa, thuộc làng Minh Hương xưa. Người dân phổ này chuyên làm lịch và hàng mã.

 Miếu tọa lạc tại số 6 Nguyễn Thái Học, khối An Định, Phường Minh An
Cũng như cư dân các vùng trên cả nước, cư dân Hội An xưa cũng hướng về đa thần, tin rằng trong tự nhiên có thần cai quản trong đó có nữ thần chưởng quản Ngũ hành với tên gọi là Ngũ Hành Tiên Nương. Miếu Hy Hòa thờ chư vị thần này.
Nhìn lên cổng chính tam quan miếu sẽ thấy ba chữ:
五 行 門
NGŨ HÀNH MÔN
Hai bên có hai tiểu đối:  
東 成 - 西 就  
ĐÔNG THÀNH - TÂY TỰU
Các cặp đối ở trụ cổng:
Thắng cảnh lâu dài thiên cổ tú
Thái bình thủy nguyệt vạn niên xuân
Mỹ lệ lâu đài ngàn thuở đẹp
Hòa Bình trăng nước vạn năm xuân
Thần nhân sở xá y nam bắc
Tiên nữ du cư tỳ cổ kim
Thần nhân thờ tự nam như bắc
Tiên Nữ độ trì xưa đến nay

Hoành phi ghi: SẮC NGŨ VÂN TƯỜNG

Gian giữa miếu thờ năm bài vị:
金 徳 仙 娘 聖 女 神 位 - Kim đức Tiên nương Thánh nữ thần vị
徳 仙 娘 聖 女 神 位 - Mộc đức Tiên nương Thánh nữ thần vị
徳 仙 娘 聖 女 神 位 - Thủy đức Tiên nương Thánh nữ thần vị
徳 仙 娘 聖 女 神 位 - Hỏa đức Tiên nương Thánh nữ thần vị
徳 仙 娘 聖 女 神 位 - Thổ đức Tiên nương Thánh nữ thần vị
Và bài vị:
明 天 依 阿 娜 主 玉 聖 女 神 位
Minh Thiên Y A Na chủ ngọc thánh nữ thần vị
 (Đây là bài vị thần chủ nhưng hiện nay được an vị ở hàng bên như vị trí phối tế là chưa đúng)
Bên cạnh các bài vị trên còn phối thờ thêm hai bài vị:

奉 為 亡 祖 姑 穎 川 郡 陳 氏 之 神 位
Phụng vị vong tổ cô, Dĩnh Xuyên quận, Trần thị, chi thần vị 
Bài vị phụng thờ vong hồn bà tổ cô họ Trần, quận Dĩnh Xuyên

奉 為 亡 祖 姑 蔡 氏 紅 娘 令 神 位
Phụng vị vong tổ cô, Thái Thị Hồng Nương, lệnh nữ thần vị
Bài vị phụng thờ Tổ cô, bà Thái Thị Hồng, lệnh nữ

Câu đối trụ tiền đường ghi:
Hiển hách anh linh chân thánh nữ
Chiêu chương đức hóa thị tiên nương
Hiển hách anh linh là thánh nữ
Sáng soi đạo đức chính tiên nương

Trước năm 1975 khoảng sân này bị che kín và miếu này ít được ai nhắc đến tên Hy Hòa mà chỉ đơn giản gọi là... Miếu Ông Sáo!!
Thực ra thời đó ông Sáo còn sống nhăn răng, do chạy tránh tên bay đạn lạc, năm Mậu Thân 1968 ông Sáo đem bầu đoàn thê tử xin trú tạm trong miếu này. Gia đình ông ở phía sau miếu, phía trước bán cơm.

Nhưng xa hơn nữa vào những năm trước 1945, miếu này là một "trường tư" dạy chữ Nho. Thầy đồ là ông Tư Cung người ở ấp Trường Lệ dưới. 
Hàng ngày ông Tư đến miếu vào buổi sáng, sắp xếp dụng cụ sách vở rồi ra chợ dùng cơm trưa và "đong" một giấc, đến chiều mới dạy học.
Sách dạy chữ Nho chia làm 3 loại gồm 
Sách mỗi hàng 3 chữ gọi là QUYỂN 1,
Sách mỗi hàng 4 chữ gọi là QUYỂN 2
Sách mỗi hàng 6 chữ gọi là QUYỂN 3
Quyển 1,2,3 mỗi quyển lại chia thành ba quyển nhỏ, học xong 3 quyển 1,2,3 hết 3 năm.
Mỗi năm có 3 lần thi kỳ (mỗi ba tháng) và một lần thi hội. Kiểm tra thi, thầy rút ra một quyển nhỏ rồi đọc bất kỳ hai chữ liền kề, trò phải đọc tiếp cho đến hết quyển.
Ông Hồ Viết, tên tự, do thầy đặt, là Hồ Xuân Quang còn có tục danh là Ký. Ảnh chụp trong một lần điền dã tìm mộ bà thứ phi ở Cẩm Thanh năm 2010.

Chú Ký từng theo học với thầy Tư Cung tại miếu Hy Hòa từ trước năm 1945. Gần 5 năm dùi mài mới nuốt xong ba quyển lớn. Sau đó "quẳng bút lông đi, viết bút chì" được một năm thì Nhật đảo chính. 
Chú Ký kể, thời đó tui còn nhỏ chưa biết cái vinh dự "Võng anh đi trước, kiệu nàng theo sau", chỉ mơ học giỏi thành ông Tú. 
Hãnh diện lắm, thời đó mà "Ông Tú về làng y như... Thành Hoàng về miễu".





Thứ Tư, 20 tháng 7, 2011

CẨM NAM - VÙNG ĐẤT CHÂU BỒI (4)
                    Phạm Thúc Hồng
               (Ảnh và chuyển chú: Soncuongde)

CÁC MIẾU THỜ KHỐI PHỐ THANH NAM
Trong quá trình khai canh lập ấp, cư dân Thanh Nam xây dựng nhiều đình, miếu:
Miếu Ngũ Hành (còn gọi Lăng Bà), có cây đa cổ thụ, tọa lạc tại bờ phía Nam, xây dựng vào khoảng thời vua Tự  Đức (1840-1883), đư­ợc trùng tu vào các năm 1913, 1959.
Vào năm 1980, miếu và cây đa cổ thụ bị sụp lở xuống sống, hiện nay không còn dấu vết.
Miếu Ngũ Hành là miếu trung tâm có quy mô lớn nhất làm nơi tổ chức các lễ hội của khu vực dân cư Thanh Nam.
Lăng  Ông (thờ Đức Quan Thánh và Cá Ông):
Toạ lạc tại bờ phía Nam bị lở xuống sông năm 1950.
Miếu ông Đá: Toạ lạc tại bờ phía Nam, phân định ranh giới giũa Hà Trung và Thanh Nam, bị lở xuống sông năm 1964.
Miếu Thổ Thần Thanh Nam: Tọa lạc tại phía Bắc, phân định ranh giới giữa Hà Trung và Thanh Nam.
Lăng Cô, thờ nhân thần.
Tất cả miếu thờ tại Thanh Nam có quy mô rất nhỏ và đư­ợc trùng tu theo quy cách mới, không có văn bia, xà cò, ghi lại dấu tích khỏi dựng ban đầu.
Đây là sự tổn thất văn hóa của một vùng đất vì không có tư­ liệu, vật chứng để phối kiểm mà chủ yếu dựa vào tư­ liệu khẩu truyền.
Theo cổ lệ, từ những năm tr­ước 1975, ấp Thanh Nam có hai kỳ lễ lệ. Tế xuân vào ngày 16.1 âm lịch và tế thu vào ngày 16.8 âm lịch.
Từ chiều tr­ước ngày lễ chính đã có tiếng thanh la vang lên tại miếu Ngũ Hành, các bô lão và trai làng tề tựu. Các cụ cao niên chăm chút lau chùi, quét dọn bàn thờ. Các cụ thầy đồ, thầy thuốc Bắc lụ khụ khom mình trên chiếu trư­ớc chính điện viết văn cúng bằng chữ Nôm. Các trai làng nhanh nhẩu che trại rạp, trang trí. Các bà xúm xít làm bếp cắt gọt thực phẩm thực hiện một phần việc nh­ư có sự phân công chuyên môn hoá tự lúc nào !
Đến bốn giờ chiều đội nhạc cổ bát âm tập trung. Lễ túc trang nghiêm, long trọng đư­ợc cử  hành khởi động một kỳ lễ tế.
Lễ chánh tổ chức vào ngày hôm sau. Cứ th­ường lệ đúng tám giờ sáng xuất phát từ miếu Ngũ Hành có một đoàn ngư­ời theo sự chủ trì của viên chánh tế miếu Thổ Thần, khiêng chiêng trống, nhạc bát âm và các mâm lễ đi đến miếu Thổ Thần dể cử hành lễ cúng. Cúng xong cũng đoàn ngư­ời ấy theo sự chủ trì  của viên chánh tế lăng Cô đến cúng tại lăng Cô.  Sau đó trở về lại miếu Ngũ Hành tiến hành nghi lễ cúng chính thức.
Cờ ngũ sắc lư­ợn lờ nghiêng theo gió. Tiếng chiêng trống âm u lư­ớt qua những cánh đồng lúa vàng. Thần linh và con người hình như gần gũi nhau hơn.

ĐÌNH TIỀN HIỀN THANH NAM
Địa chỉ hiện tại: Khối phố Thanh Nam Đông, phường Cẩm Nam.
I/ QUÁ TRÌNH KIẾN TẠO, TRÙNG TU
Theo khẩu truyền đình Tiền Hiền Thanh Nam được xây dựng vào khoảng thời vua Gia Long 1802- 1820.
Sau thời gian dài đình hư hại nên tu sửa để thờ các cô hồn không nơi n­ương tựa, gọi là miếu âm Linh.
Năm 1968, miếu bị bom đánh sập hoàn toàn. Năm 1970, làng Thanh Nam xây dựng lại miếu theo kiểu dáng như hiện nay. 

 Đình tiền hiền Thanh Nam bên phải, bên trái là lăng cá ông
Năm 1980, do miếu Ngũ Hành (lăng Bà) bị sụp lở nên các vị trưởng lão cao niên đã thỉnh chư thần các lăng miếu bị sụp lở cùng các hoành phi câu đối về thờ tại miếu âm Linh và đổi tên gọi là Đình Tiền Hiền Thanh Nam.
Tại đình Tiền Hiền Thanh Nam có treo hai hoành phi ghi năm Quý Sửu (1913) chứng tỏ các miếu của Thanh Nam đã đư­ợc xây dựng tr­ước thời điểm đó :
Duy Tân năm Quý Sửu (1913), tháng năm
Long Phi, năm Quý Sửu (1913), tháng năm
Lễ tế Tiền Hiền Thanh Nam vào ngày 12.3 âm lịch hàng năm.
BÀI VỊ, CÂU ĐỐI, HOÀNH PHI, CÁC GIAN THỜ  

Gian thờ giữa ghi liễn:
Tiền Hiền Tự Sở
Đúng ra "tự" phải viết : thờ cúng
viết nhầm “tự " là : chùa thờ Phật
Và câu đối hai bên liễn: 
Mộc hữu bổn hoành khai lương đống
Thuỳ do nguyên cơ chỉ quang minh
Cây do gốc, cửa nhà dài rộng
N­ước có nguồn, nền móng sáng tư­ơi
Gian thờ Đông Tả ban và câu đối :
Thập dịch ư dân mị chánh loại
Hồn hề sắc phách dục hà cô
Chánh loại dân ma, đi khắp xứ
Một hồn phách đó, ở nơi đâu?
Gian thờ Tây Hữu ban và câu đối :
Loại dã danh thù ứng thị thập
Cô nhi báo minh thị trung hồn
Thập loại mất tên, còn ứng hiện
Cô hồn còn phách, há không linh?
HOÀNH PHI
Nội thất đinh có treo hai hoành phi được chuyển đến từ miếu Ngũ Hành bị sụp lở:

Hoành phi trước: Huệ đồng nhân 
Duy Tân Quý Sửu, trọng hạ
Ban ơn nhân dân
Duy Tân năm Quý Sửu (1913), tháng năm

Hoành phi sau: Phối nghĩa hưởng
Long Phi, Quý Sửu, trọng hạ
Cùng hưởng việc nghĩa
Long Phi, năm Quý Sửu (1913), tháng năm.
2. CÂU ĐỐI 
Âm dương hữu biệt, tàng năng cách
Linh cảm vô hình, đức thị thân
Âm dương cách biệt, còn cốt cách
Linh cảm không hình, có đức thân
Đúng ra “hình” phải viết là : hình hài
Viết nhầm hình : hình phạt
Thanh bạch vô tư, tiền hậu kỳ ư nhất dã
Nam Đông cộng ngưỡng, cổ kim hà dĩ tiền hô
Thanh sạch vô tư, sau trước một lòng như thế
Nam Đông cùng ngưỡng, xưa nay lệ cũ chẳng thay.

Âm diệc hữu quang, bạch đại hình hài phi phảng phất
Linh nhi bất sảng, thiên thu miếu vũ tráng quy mô
Âm có nắng trời, trăm thuở hình hài không phảng phất
Linh không ánh sáng, ngàn năm miếu tự vẫn quy mô

Ông Đinh Tán, tục danh là Một, 88 tuổi nói:
"Năm Mậu Thân 1968, đình bị phá và cây xà cò cũng thất lạc."
 
MIẾU THỔ THẦN THANH NAM
Địa chỉ hiện tại: Khối phố Thanh Nam Tây, phường Cẩm Nam.
Theo khẩu truyền miếu Thổ Thần Thanh nam đư­ợc xây dựng vào khoảng thời Cảnh Hưng 1740 - 1786. (Trích diễn văn kỷ niệm 300 năm Tiền Hiền làng Thanh Nam – 12.3 Ất Dậu 2005.)
Miếu thờ Thổ Thần gánh thêm chức năng phân định ranh giới giữa Hà Trung và Thanh Nam
Ngôi miếu được trùng tu vào năm 1963 với hình thức như hiện nay: 

Miếu Thổ thần Thanh Nam
Lễ khánh thành trùng tu miếu Thổ Thần tổ chức năm đêm hát bộ. Trước miếu là khoảng đất trống, trải dài những hàng dương liễu còi cọc, sần sùi. Sân khấu ộp ẹp dựng kề sát tường phía Đông của miếu. Diễn viên hát bằng miệng, ít ai nghe rõ, chỉ tiếng trống chầu thập thùng vang xa giục giã. Bọn trẻ con thích ra mặt! Không đú sức lấn đám người lớn chen sâu vào sân khấu, chúng nô đùa ầm ĩ rồi đánh đu trên các cây dương liễu tha hồ thưởng thức các điệu bộ lờ mờ theo ánh đèn măng sông lắc lư hai bên cánh gà. Thanh niên nam nữ được dịp tụm ba, tụm bảy liếc mắt đưa duyên, nói nói, cười cười. Chỉ các cụ cao tuổi chú ý tuồng thôi! Các đêm hát rộn ràng, xôn xao cả vùng quê dân dã.
Vui quá! Mọi người như quên đi sự đe dọa của chiến tranh đang rình rập tràn về xóm nhỏ. Phạm Thúc Hồng là một trong đám trẻ con xem hát bộ khánh thành trùng tu miếu Thổ thần năm 1963.

Bổ sung khán giả trẻ cho các loại hình nghệ thuật dân tộc
Cùng một bọn đi ra, bôi mặt vẽ mày làm kẻ lạ?
Đem chuyện xưa nhắc lại, huơ thương múa kiếm đánh người quen!
                                       Cụ Huỳnh Thúc Kháng vịnh hát bộ
Gian giữa miếu có liễn thờ ghi chữ: Thần
Và bài vị Thái Giám, Bạch Mã, Từ Thanh, Lợi Vật tôn Thần
Hai gian thờ Đông, Tây có liễn thờ ghi Tả Ban - Hữu Ban
Nội thất miếu có câu đối thờ Thổ Thần với hai chữ Thổ, Thần đứng đầu mỗi vế đối.
Thổ phong chi đại hữu
Thần giáng ích nhật nhân
Đất tốt sinh lớn cành
Thần giáng giúp ích người 

LĂNG CÔ THANH NAM
Lăng Cô nhỏ nhắn, nằm khiêm tốn sát bờ sông phía Bắc, thờ một vị nữ nhân thần.
Theo khẩu truyền lăng cô đư­ợc khởi dựng  vào khoảng thời Tự Đức 1840-1883 (trích diễn văn kỷ niệm 300 năm Tiên Hiền Thanh Nam 12.3 Ất Dậu 2005).
Truyền thuyết kể lại sự thành lập lăng Cô cũng giống như những truyền thuyết được lặp đi, lặp lại ở nhiều lăng miếu khác.
Chuyện truyền miệng trong cư dân địa phương kể lại rằng :
Xưa có một thây người phụ nữ bị chết cháy trôi đến khu dân cư Thanh Nam. Người dân bản địa chôn cất chu đáo. Người phụ nữ đã hiển linh phù trì dân chúng làm ăn thịnh vượng.
Người dân nhớ ơn lập lăng thờ, gọi lăng Cô và ghi liễn thờ Nhân thần 

Lăng Cô Thanh Nam

LĂNG VẠN THANH THUẬN
Địa chỉ hiện tại: Khối phố Thanh Nam Đông, xã Cẩm Nam,
C­ư dân ngư­ nghiệp ấp Thanh Nam lập lăng vạn Thanh Thuận vào năm 1970. Đây là lăng thờ "Nam Hải cự tộc Ngọc Lân tôn thần", tức là thờ Ông. Hoành phi lăng ghi :
清 順 萬
Thanh Thuận vạn
Vạn Thanh Thuận tổ chức lễ tế vào ngày 22.2 âm lịch hằng năm.
Bên trong hậu tẩm xếp chồng chất hài cốt cá ông mà từ trước đến ng­ư dân bổn vạn bắt gặp từ biển khơi rư­ớc về làm lễ mai táng.
Sau đó đã bốc mộ, mang hài cốt l­ưu  giữ tại lăng
Hậu tẩm chật chội, chất chồng những hài cốt cá Ông. Những chiếc quan tài to nhit đỏ chót cái còn trơ mặt gỗ, kê lởm chởm trên bệ thờ như một nhà mồ. Ô kìa!một xương sườn cá Ông dài hai mét vắt ngang qua cặp trính.
Kính cẩn thắp nén nhang trước hương sán. Làm khói mỏng manh tỏa bay lờ mờ như dắt con người vào thế giới linh nguyên sơ, hoang dã.
Tiếc rằng, cái lăng miếu tại Thanh Nam đều không có văn bia, xà cò hoặc ngôi mộ cổ nào ghi lại thời điểm để xác nhận chứng cứ quá trình tụ dân.
Khầu truyền của các bậc cao niên trải qua nhiều kỳ “tam sao thất bản” chưa đủ độ tin cậy hoàn toàn.
Thanh Nam có bề dày văn hóa, nhưng tiếc thay chứng cứ đã tàn phai theo năm tháng.
Về Thanh Nam, đi tìm quá khứ một thời mở đất, sao cứ thấy một ngọn đèn le lói đằng xa.

NAM NGẠN
VÙNG ĐẤT BÊN  BỜ PHÍA NĂM
Nam Ngạn cách khu trung tâm Cẩm Nam bằng con sông bên lở, bên bồi. Chòng chành trên chiếc đò ngang khoảng 10 phút, vùng đất Nam Ngạn hiện ra xanh um màu cây là bình yên. Nhưng sao hoang vắng đến lạnh người.
Một vùng cư dân nổi tiếng trù phú ngày x­ưa chỉ còn vang bóng. Sông Thu Bồn đang tấn công mạnh mẽ vào vùng đất cố cựu này. Cư­ dân bản địa di dời đến định cư­ tại Thanh Hà để tránh sự càn quét của lũ lụt đến mức địa danh Nam Ngạn đ­ược chính thức nhập vào khối phố Hà Trung kể từ năm 2007.
Dọc hai bên đ­ường hàng chục ngôi nhà tháo dỡ chuyển dời còn trơ gạch vôi xư­ơng xẩu. Tr­ường Tiểu học vắng bóng trẻ thơ, cửa đóng lạnh lùng.
Vài tiếng gà gáy lạc lõng thay tiếng ê a con trẻ. Lăng Cô trở thành phế tích, cỏ dại nghịch ngợm leo cả lên bệ thở ngồi chễm chệ.
Thần thánh cũng ngại xói lở mà bỏ đi hết chăng "Linh tại ngã, bất linh tại ngã" (linh do ta, không linh cũng do ta)
Vùng cựu địa địa Ngạn còn lại vài ngôi cổ miếu u trầm, lưu dấu tích một thời tụ cư.
Miếu Thổ thần Nam Ngạn đư­ợc xây dựng trư­ớc năm 1913, nay còn ba gian thờ và tấm hoành  phi:
 徳 其 盛 矣
Tuế thứ Quý Sửu niên, quý hạ
Cẩm Phô Trung Châu ấp, Trung Tín lân
Bổn lân đồng bái cúng
Đức Thịnh vậy
Năm Quý Sửu (1913) mùa hạ
Xóm Trung Tín, ấp Trung Châu, Cẩm Phô đồng bái cúng
“Bồi ở, lở đi” đó là quy luật, là kinh nghiệm cho những cư dân vùng ven sông nước.
Bâng khuâng trước cảnh đời dâu bể. Sao cứ chập chờn nỗi niềm quá khứ xa xăm.

Cẩm Nam có cồn chùa là Xuyên Trung với Xuyên Trung Cổ Tự, có Cồn đình là Trung Tín với đình Cẩm Phô đầu tiên, có cồn hến là khu đất bồi cuối Hà Trung và cồn tàu nằm giữa sông Thu là nơi người Hà Lan làm nơi sửa chữa tàu thuyền với kho dầu là trại Tây Hồ ngày sau. 
Xa xa là cồn tàu Hà Lan






Thứ Sáu, 15 tháng 7, 2011

CẨM NAM - VÙNG ĐẤT CHÂU BỒI (3)
                    Phạm Thúc Hồng
               (Ảnh và chuyển chú: Soncuongde)

KHU MIẾU THỜ KHỐI PHỐ HÀ TRUNG
Quá trình lập ấp Hà Trung gắn liền với sự hình thành xây dựng các đình, lăng, miếu tập trung một khu vực, gọi là khu ngũ sở:
1.Đình Hà Trung
2. Miếu Âm Linh
3. Miếu Ngũ Hành
4. Lăng Xuân Sanh
5/ Miếu Ghe Bầu (Hội Tứ Chánh)
Từ khi khởi tạo, các ngôi miếu nằm chắc chắn, bình yên ngay trung tâm khối phố xung quanh được bao bọc bởi khu dân cư­. Ấy thế mà các cuộc thủy phá dai dẳng, trường kỳ đã đẩy các ngôi miếu bây giờ đứng chơ vơ sát bờ sông như­ hiện nay.

 Sau đình là sông
ĐÌNH HÀ TRUNG
Địa chỉ hiện tại: Khối phố Hà Trung, Phường Cẩm Nam Thành phố Hội An.
1 /QUÁ TRÌNH KIẾN TẠO, TRÙNG TU
Đình Hà Trung là đình thờ chư­ thần trong địa bàn dân c­ấp Hà Trung.
Hoành phi tên đình ghi rõ: Hà Trung ấp
Không có văn tự hoặc dấu vết x­ưa lưu lại để xác định năm khởi tạo đình Hà Trung như­ng căn cứ vào tụ c­ư lập ấp Hà Trung thì có thể ngôi đình đư­ợc khởi dựng vào khoảng những năm 1850.

Đình Hà Trung (góc trái ảnh) 
Đình được trùng tu lần thứ nhất  vào năm 1927. Xà cò nội thất ghi:
Bảo Đại nhị niên, tuế thứ Đinh Mão, tứ nguyệt, thập cửu nhật, đại cát.
Cẩm Phô xã, Hà Trung ấp, Tân Tu phổ. Bổn lân đồng tu tạo.
Bảo Đại năm thứ hai Đinh Mão (1927) Tháng tư, ngày mười chín, ngày tốt
Xã Cẩm Phô, ấp Hà Trung, phổ Tân Tu Xóm ta cùng tu tạo.
Thuở xưa, ấp Hà Trung có một xóm dân cư tên là Tân Tu. Tên gọi phổ Tân Tu không còn trong sinh hoạt của người dân Hà Trung nhưng Tân Tu vẫn tồn tại trên xà cò và hoành phi của đình. Điều đó khẳng định ngày xưa, ấp Hà Trung có nhiều xóm dân cư, sống gắn bó bên nhau.

Tân Tu
Năm 1965 đình được trùng tu lần thứ hai. Trong lúc xã Cẩm Nam chìm trong đạn lửa, nhưng ấp Hà Trung vẫn tiến hành tu bổ đình, thể hiện khát vọng tâm linh, vọng cầu quốc thái dân an.
Hà Trung ấp
Xà cò kề trên hoành phi ghi :
Việt Nam Cộng Hòa tuế thứ Ât Tị, tam nguyệt, nhị thập tứ nhật.
Cẩm Nam xã, Hà Trung ấp, bổn ấp tái tạo.
Việt Nam Cộng Hòa, năm  Ất  Tị (1965), tháng ba, ngày hai mươi bốn.
Xã Cẩm Nam, ấp Hà Trung, ấp ta dựng lại
Đình với gian giữa thờ thần vị:  神 THẦN
Gian đông và tây thờ các chữ:     左 班 - 右  
TẢ BAN-HỮU BAN
Ngoài ra còn có các hoành phi:
CHUNG ANH TÚ
Bảo Đại Giáp Thân thu, 
Tư lễ Nguyễn Văn Trực, Thủ Bổn Nguyễn Văn Hòa phụng cúng
Đức Kỳ Thịnh
Ất Tỵ niên, mạnh thu vọng nhật (Năm Ất Tỵ 1965, ngày rằm tháng bảy)
Huỳnh Kim Quán, Phạm Văn Phi đồng phụng cúng

MIẾU XUÂN SANH
Còn gọi là lăng Vạn Xuân Sanh
Vạn là làng những người sinh sống chủ yếu bằng nghề khai thác thủy sản trên sông, biển gọi là vạn ghe, vạn thuyền, vạn chài. Họ tụ cư sống theo ven bờ sông, biển, thờ thần Nam Hải và các thủy thần khác.
Hiện tại trong lăng vẫn còn xà cò ghi:
啟 定 二 年 歲 次 丁 巳 四 月 吉 日 
錦 鋪 社 河 中 邑 四 政 春 生 普 同 新 造
Khải Định nhị niên, tuế thứ Đinh Tỵ, tứ nguyệt, cát nhật
Cẩm Phô xã, Hà Trung, Tứ Chánh, Xuân Sanh phổ đồng tân tạo
Khải Định năm thứ hai (1917), Đinh Tỵ, tháng tư, ngày tốt
Xã Cẩm Phô, ấp Hà Trung, Tứ Chánh, phổ Xuân Sanh đồng tân tạo
Lăng Vạn Xuân Sanh
Thành mái lăng ghi:   巳(Tỵ) 1868 丁(Đinh)
Nhưng năm 1868 không phải là năm Đinh Tỵ mà là năm Mậu Thìn. Căn cứ thực tế tụ cư, lập ấp Hà Trung, lăng Xuân Sanh khởi lập vào năm 1868 có cơ sở hợp lý. Có thể, trước đó lăng được dựng lập bằng tranh tre đến năm 1917 được tân tạo bằng vật liệu gạch ngói.
Năm 1963, lăng Xuân Sanh được trùng tu lần thứ hai, khánh thành vào ngày 16 tháng 8 năm Quý Mão. Năm 2008, lăng được trùng tu lần thứ 3 trong chương trình trùng tu các di tích cổ của thành phố Hội An.
Lăng có gian thờ giữa đắp nổi chử THẦN với cặp đối hai bên:
U mông siêu ách, anh linh chân tế thế
Hình nghiêm độc dị, hiển hách cứu độ nhân
Thoát khổ u minh, thần anh linh cứu thế
Dị thường hình ảnh, thánh linh hiển giúp dân
Hai gian Đông và Tây đắp nổi: Tả ban - Hữu ban
HOÀNH PHI
Xuân Sanh phổ
Kỷ Tị niên mạnh đông. Bổn vạn đồng tái tạo
Phổ Xuân Sanh
Năm Kỷ Tị (1919), tháng bảy. Vạn ghe ta cùng tái tạo

求  必 應
Cầu tất ứng
Bính  Ngọ niên hạ nguyệt
Ng­ư hộ : Nguyễn Đình Lan - Cựu Trùm vạn : Đỗ Có, đồng bái
Cầu tất ứng hiện
Năm Bính Ngọ 1969, tháng hạ
Hộ nghề cá Nguyễn Đình Lan - Cựu trưởng xóm vạn ghe Đỗ Có: đồng bái


Ba điềm
Duy Tân Kỷ Dậu niên,  mạnh thu cát nhật
Xuyên Châu, Tập Phư­ớc phổ tịnh tứ chánh, phụng cúng
Sóng yên
Duy Tân năm Kỷ Dậu (1909), tháng bảy, ngày tốt
Phổ Tập Ph­ước, Xuyên Châu và dân tứ chiếng phụng cúng

助 信 彰 靈
Trợ tín chư­ơng linh
Tuế thứ Kỷ Dậu niên, trọng thu, cát nhật
Thuyền chủ : Nguyễn Đình Để, Đỗ Việt Dận đồng phụng cúng
Giúp tin tư­ởng sáng suốt
Năm Kỷ Dậu (1909) tháng tám, ngày tốt
Chú thuyền: Nguyễn Đình Để, Đỗ Viết Dận cùng phụng cúng.
CÂU ĐỐI
Xuân tiết thanh binh ba lãng tĩnh
Sinh lai cốt cách sa bằng y
Xuân đến thanh bình qua sóng lặng
Sống theo cốt cách dựa cát yên

Niệm cổ kim ân tiền bối
Xuân lai thu khứ tưởng hậu hiền
Nhớ ghi sau trước ân tiền bối
Đi đến xuân thu nhớ hậu hiền

Tứ thời thuận hú đồn niên phong
Lục phủ khổng tu trưng vật phụ
Tự đức bát niên hạ nguyệt, cát nhật
Thuyền hộ: Nguyễn Văn Thê phụng cúng
Bốn mùa thuận hộ cả năm thịnh
Sáu phủ thông thương, trọn vật đầy
Tự Đức năm thứ tám (1854) tháng hạ, ngày tốt
Thuyền hộ : Nguyễn Văn Thê phụng cúng
Câu đối mô tả đất đai sông nư­ớc đã vận dụng, chuyển tải tài tình hai địa danh tên xã Cẩm Nam và tên ấp Hà Trung vào nghệ thuật đối. Sinh thái Cẩm Nam hiển hiện trong câu đối như­ khơi dậy niềm tự hào pha chút lãng mạn hào hoa một miền đất quê hư­ơng.
MIẾU GHE BẦU ( HỘI TỨ CHÁNH)
Địa chỉ hiện tại: Khối phố Hà Trung, Phường Cẩm Nam, Thành phố Hội An.
Trong năm lăng miếu của Hà Trung có một ngôi miếu nhỏ, lặng lẽ mang trên mình danh       x­ưng: Tứ Chánh hội.
Tứ chánh, âm Hán cổ đọc là tứ chiếng
Tứ chiếng có nhiều cách giải thích:
- Tứ chiếng là bốn hướng: “chiếng” do đọc trại âm “giếng” nghĩa là xóm trong tiếng Mường “chiếng” do đọc trại âm “trấn” nghĩa là khu dân cư trong tiếng Hán Việt.
Từ chiếng là những người đi khắp nơi, ở khắp nơi, không định cư nhất định.
Ở đây chỉ những thuyền hộ ghe bầu lưu cư trên sông biển đã tham gia xây dựng lăng, nên lấy tên là Tứ Chiếng.
Nêu không có lời truyền khẩu của các vị cao niên thì thế hệ trẻ và khách du lịch khó nhận biết miếu thờ của vạn ghe bầu tại Hội An.

 Hội Tứ Chiếng
QUÁ TRÌNH KIẾN TẠO, TRÙNG TU:
Không có văn tự hoặc dấu vết xư­a lưu lại để xác định năm khởi tạo miếu ghe bầu (Hội Tứ Chánh) như­ng căn cứ vào nghề ghe bầu xuất hiện khá sớm tại Hội An thì có thể ngôi miếu đư­ợc khởi dựng vào khoảng năm 1850.
Lại nữa, câu đối của một chủ thuyền có ghi năm phụng cúng là năm 1854 như­ sau:
嗣 德 八 年 夏 月 吉 日 - 船 戶 阮 文 悽 供
Tự Đức bát niên, hạ nguyệt, cát nhật. Thuyền hộ Nguyễn Văn Thê cúng.

Các tư­ liệu trên chứng tỏ miếu Hội Tứ Chánh của hội ghe bầu tại Hội An xây dựng tr­ước năm 1854.
Ghe bầu ngày trư­ớc là cơ ngơi, tài sản to lớn của các nhà giàu có ven cửa biển. Trên     đư­ờng đi, thư­ơng nhân ghe bầu thư­ờng dừng thuyền ghé vào các miếu thờ có tiếng là linh thiêng để cầu cúng.
Họ cũng tổ chức ra các hội ghe bầu để tư­ơng trợ và có lệ "cúng cửa" để bắt đầu một năm làm ăn may mắn.
Các th­ương lái ghe bầu cư trú tại Hội An đã lập ra miếu thở chứng tỏ ngành vận tải ghe bầu ở  Hội An phát triển cực thịnh một thời.
Bây giờ bóng dáng ghe bầu khuất lấp trong bụi mở quá khứ! Nh­ưng vẫn còn kia ngôi cổ miếu vạn ghe bầu, lặng lẽ bên bờ thời gian như­ là chứng tích kiêu hãnh một thời cực thịnh ghe bầu Hội An. Đất Hà Trung tự hào đã níu giữ đư­ợc một di tích tiêu biểu cho một ngành nghề một thời cường thịnh.
Năm 2008, miếu đư­ợc trùng tu theo kế hoạch bảo tồn di sản văn hoá của thành phố Hội An.
BÀI VỊ, CÂU ĐỐI, HOÀNH PHI
Nghề ghe bầu là nghề vận tải trên biển nên có tín ngư­ỡng t­ương đồng với các c­ư dân ng­ư  nghiệp là thờ. Nam Hả i Cự Tộc Ngọc Lân tôn thần (thần Cá ông và phối thờ các danh hiệu thủy thần khác như­ng tại bàn thờ chánh điện miếu không có  thần vị.
Nội thất miếu chỉ có hoành phi
MỘT THỜI VANG BÓNG CỦA GHE BÀU HỘI AN
Vào khoảng những năm 1950, nghề ghe bầu tại Hội An không còn hoạt động vì giao thông đư­ờng bộ đã phát triển thuận lợi và cảng thị Hội An bị bồi lấp, không còn là trung tâm giao thương.
Ghe bầu Hội An chỉ còn trong ký ức của các bậc cao niên. Hoài niệm quá khứ ghe là nén hương tư­ởng vọng tinh thần lao động cần cù, sáng tạo của cha ông.
Ghe bầu là loại ghe của cư dân miền Trung  ra đời từ giữa thế kỷ XVI, có nguồn gốc giống như  thuyền '”Pràu” là loại thuyền buồm Mã Lai nên có tên là ghe bầu do biến âm của “Pràu”
Tên ghe bầu cũng xuất phát từ cái bụng bầu tròn phình to để chuyên chở hàng hoá.
Ghe bầu xứ Quảng Nam có chiều dài khoảng từ 12- 15 mét, bề rộng gần 3 mét, bề sâu 2 mét, đóng bằng gỗ kiền kiền, chò, lim... và dùng dầu rái để trét ghe. Các nguyên liệu đó đư­ợc khai thác tại rừng Quảng Nam.
Hội An vào những năm 1920 -1930 có 3 trại đóng ghe bầu như­ Trà Quân (Cẩm Thanh), Trà Nhiêu (Duy Vinh), Kim Bồng (Cẩm Kim).
Lao động trên ghe bầu từ 6 đến 12 ng­ười có những chức danh :
Lái ghe: Là chủ ghe, quyết định mọi công việc vận tải, mua bán trên thuyền, không trực tiếp cầm lái
Lái phụ : Lái Cầm lái, nắm bắt đặc điểm của từng vùng biển, định liệu việc chạy ghe. Người lái phụ phải lão luyện, có kinh nghiệm xem hiện tư­ợng đoán thời tiết để tránh gió bão.
- Tổng thương: Coi việc tát nư­ớc? đắp vá các chỗ thủng.
- Tổng khậu: Lo việc cơm nư­ớc hàng ngày
- Bạn ngang: Chèo thuyền, mở cuốn buồm, bỏ kéo neo, ngồi "ganh” khi chạy ngược gió...
Khi biển lặng, ghe bầu di chuyển bằng buồm nhờ sức gió, khi biển động thì cấp bến trú ẩn. Nghề ghe bầu tiềm ẩn nhiều bất trắc vì các cuộc hải trình dài ngày trên biển.
Tại Hội An đã hình thành các hội ghe bầu ở Thanh Châu, Cẩm Phô, Kim Bồng, Thanh Hà ...
Hàng năm ghe bầu chở dầu chai, cánh kiến, dư­ợc liệu, đường mía, tơ lụa, đồ  gốm (Nam Diêu) đi các tỉnh, đồng thời mua gạo ở phương Nam và các sản vật ở các sản vật ở các tỉnh khác chở về Hội An để bán.
Nghề ghe bầu không còn như­ng ngôi miếu ghe bầu vẫn còn tồn tại.
Ngôi cổ miếu như­ chạm khắc một dấu nhấn, như­ một bức cổ họa gợi cho hậu thế nghề ghe bầu đã một thời rỡ ràng trên đất Hội An.


 Trước đây lâu lắm, đất Xuyên Trung từng có miếu của vạn ghe bàu. Rồi đất lỡ, rồi nghề ghe bàu mai một, những chủ ghe bàu đã xây một căn nhà nhỏ (ảnh) rồi gom góp bài vị thần chủ về đây phụng cúng. Đến nhiều thế hệ sau, lũ con cháu không còn ngó ngàng đến nữa và ngôi nhà này trở thành nhà hoang cho đến bây giờ.
Ghe bàu trở lái về đông
Con gái theo chồng bỏ mẹ ai nuôi?!

MIÊU ÂM LINH HÀ TRUNG
Miếu Âm Linh Hà Trung khởi lập từ  lâu bằng tranh tre. Vào những năm trư­ớc 1945, miếu âm Linh còn là nơi làm trư­ờng dạy học. Năm Ât Tị 1965, miếu được trùng tu.
CÁC GIAN THỜ
Bàn thờ gian giữa thờ thần vị: Tiêu Diện đại sĩ 
僬  面 大 士
Tiêu Diện (Tiêu: cháy bỏng; diện: cái mặt) là bậc đại sĩ mặt cháy. Tên đầy đủ của vị thần này là "Tiêu Diện lực sĩ, Diệm khẩu quỹ vương" làm chức năng chư­ởng quản cô hồn nơi âm giới.
Hai bên thần vị có câu đối nêu hình tư­ợng của thần Tiêu Diện:
Thủ chấp kỳ sở thu đẳng chúng
Khẩu hóa quang hư­ớng dẫn âm hồn
Tay phất linh cờ, thâu đẳng chúng
Miệng phun lửa ngọn, dẫn linh hồn
Bàn thờ gian Đông thờ thần vị Tả Âm Linh
Hai bên thần vị có câu đối nêu hình tư­ợng không hiện ảnh, không hiện hình của cô hồn và tấm lòng luôn tư­ởng niệm về cô hồn của ngư­ời dân:
Như­ợc khứ nh­ược lai, trư­ờng tại lưu vĩnh viễn
Vô thanh vô ảnh, tư­ởng niệm bảo miên tr­ường
Dù đến dù đi, vẫn ở đất này mãi mãi
Không lời không ảnh, cứ giữ tình đó luôn luôn
Bàn thờ gian Tây thờ thần vị Hữu Âm Linh
Hai bên thần vị có câu đối nêu đặc điểm của cô hồn và ngư­ời dân tại địa ph­ương vẫn giữ tục lệ cúng tế cô hồn theo hai lệ xuân, thu :
Phất kiến phất văn, xuân đáo thu lai lệ
Hà bữu hà vô, phụng sự tế tự niên.
Chẳng thấy chẳng nghe, xuân thu đi đến, y theo lệ
Nào không nào có, tế lễ phụng thờ, vẫn th­ường năm
HOÀNH PHI
Hà Trung ấp
Tuế thứ Ất  Tị niên mạnh thu cát nhật
Âp Hà Trung
Năm Ất Tị (1965), tháng bảy, ngày tốt
Xem tấm hoành phi trên, người ta có thể nhầm lẫm đây là đình Hà Trung. Nên ghi theo hệ thống để nhận ra đấy là miếu Âm linh của ấp Hà Trung, như sau :
Hà Trung ấp
Âm linh miếu
Chánh kỳ tâm
Kỷ Tị niên, quý đông
Nguyễn Văn Mưu, Nguyễn Văn Cung, phụng cúng
Lòng ngay thẳng
Năm Kỷ Tị (1929), tháng mười hai
Nguyễn Văn Mưu, Nguyễn Văn Cung, phụng cúng

Thành kỳ ý
Kỷ Tị niên, quý đông
Nguyễn Văn Mưu, Nguyễn Văn Cung, phụng cúng
Ý thành thật
Năm Kỷ Tị (1929), tháng mười hai
Nguyễn Văn Mưu, Nguyễn Văn Cung, phụng cúng

Đoan chính
Tuế thứ Quý Sửu niên, hạ nguyệt, cát đán. Tín nữ đồng tạo
Năm Quý Sửu (1973), tháng hạ, ngày tốtTín nữ cùng tạo

Tư thông
Tuế thứ Quý Sử niên, hạ nguyệt, cát đán. Bổn ấp đồng tạo
Thông suốt
Năm Quý Sửu (1973), tháng hạ, ngày tốt. Ấp ta cùng tạo
CÂU ĐỐI
Câu đối hiên miếu :
Âm phò bổn ấp binh an, thiên niên thái
Linh trợ nhân dân phước thọ , tứ quý long
Âm phò làng xóm bình an, ngàn năm yên ấm
Linh giúp người  dân, năm tháng đủ đầy


Miếu Âm Linh trong khu ngũ sở Hà Trung
Chim ham trái chín ăn xa
Giật mình lại nhớ gốc đa muốn về

MIẾU NGŨ HÀNH HÀ TRUNG
Nguyên trước đây miếu bằng tranh tre, không biết khởi lập tự năm nào. Năm 1972, miếu được trùng tu với quy mô gạch và bê tông cốt thép
Hiên miếu đắp nổi hoành phi: NGŨ HÀNH MIẾU
Gian giữa thờ hai chữ:
靈 遂
Linh Toại
Gian đông và tây thờ các chữ: TẢ BAN (Hàng bên trái) - HỮU BAN (Hàng bên phải)
Nổi bật của miếu Ngũ Hành là các câu đối mô tả đất đai sông nước, đã vận dụng tài tình hai địa danh xã Cẩm Nam và ấp Hà Trung vào nghệ thuật đối:

Quan tường cẩm địa nam phong, thái thắng cảnh
Khán kiến hà thanh trung khiết, thủy lưu thông
Thấy rõ đất Cẩm gió nam, ruộng phì nhiêu khai khẩn
Nhìn thấu sông Hà dòng giữa, nước thanh khiết lưu thông

Cây Gáo trước đình bị Tây chặt sát mạch môn rồi cũng vươn lên cho đến bây giờ.