MIẾU NGŨ HÀNH HY HÒA
Miếu Hy Hòa không biết xây dựng năm nào, ngay tên miếu cũng lấy theo tên gọi của phổ lập miếu: Hy Hòa, thuộc làng Minh Hương xưa. Người dân phổ này chuyên làm lịch và hàng mã. Miếu tọa lạc tại số 6 Nguyễn Thái Học, khối An Định, Phường Minh An
Cũng như cư dân các vùng trên cả nước, cư dân Hội An xưa cũng hướng về đa thần, tin rằng trong tự nhiên có thần cai quản trong đó có nữ thần chưởng quản Ngũ hành với tên gọi là Ngũ Hành Tiên Nương. Miếu Hy Hòa thờ chư vị thần này.
Nhìn lên cổng chính tam quan miếu sẽ thấy ba chữ:
五 行 門
NGŨ HÀNH MÔN
Hai bên có hai tiểu đối:
東 成 - 西 就
ĐÔNG THÀNH - TÂY TỰU
Các cặp đối ở trụ cổng:
Thắng cảnh lâu dài thiên cổ tú
Thái bình thủy nguyệt vạn niên xuân
Mỹ lệ lâu đài ngàn thuở đẹp
Hòa Bình trăng nước vạn năm xuân
Thần nhân sở xá y nam bắc
Tiên nữ du cư tỳ cổ kim
Thần nhân thờ tự nam như bắc
Tiên Nữ độ trì xưa đến nay
Hoành phi ghi: SẮC NGŨ VÂN TƯỜNG
Gian giữa miếu thờ năm bài vị:
金 徳 仙 娘 聖 女 神 位 - Kim đức Tiên nương Thánh nữ thần vị
木 徳 仙 娘 聖 女 神 位 - Mộc đức Tiên nương Thánh nữ thần vị
水 徳 仙 娘 聖 女 神 位 - Thủy đức Tiên nương Thánh nữ thần vị
火 徳 仙 娘 聖 女 神 位 - Hỏa đức Tiên nương Thánh nữ thần vị
土 徳 仙 娘 聖 女 神 位 - Thổ đức Tiên nương Thánh nữ thần vị
Và bài vị:
明 天 依 阿 娜 主 玉 聖 女 神 位
Minh Thiên Y A Na chủ ngọc thánh nữ thần vị
(Đây là bài vị thần chủ nhưng hiện nay được an vị ở hàng bên như vị trí phối tế là chưa đúng)
Bên cạnh các bài vị trên còn phối thờ thêm hai bài vị:
奉 為 亡 祖 姑 穎 川 郡 陳 氏 之 神 位
Phụng vị vong tổ cô, Dĩnh Xuyên quận, Trần thị, chi thần vị
Bài vị phụng thờ vong hồn bà tổ cô họ Trần, quận Dĩnh Xuyên
奉 為 亡 祖 姑 蔡 氏 紅 娘 令 神 位
Phụng vị vong tổ cô, Thái Thị Hồng Nương, lệnh nữ thần vị
Bài vị phụng thờ Tổ cô, bà Thái Thị Hồng, lệnh nữ
Câu đối trụ tiền đường ghi:
Hiển hách anh linh chân thánh nữ
Chiêu chương đức hóa thị tiên nương
Hiển hách anh linh là thánh nữ
Sáng soi đạo đức chính tiên nương
Trước năm 1975 khoảng sân này bị che kín và miếu này ít được ai nhắc đến tên Hy Hòa mà chỉ đơn giản gọi là... Miếu Ông Sáo!!
Thực ra thời đó ông Sáo còn sống nhăn răng, do chạy tránh tên bay đạn lạc, năm Mậu Thân 1968 ông Sáo đem bầu đoàn thê tử xin trú tạm trong miếu này. Gia đình ông ở phía sau miếu, phía trước bán cơm.
Nhưng xa hơn nữa vào những năm trước 1945, miếu này là một "trường tư" dạy chữ Nho. Thầy đồ là ông Tư Cung người ở ấp Trường Lệ dưới.
Hàng ngày ông Tư đến miếu vào buổi sáng, sắp xếp dụng cụ sách vở rồi ra chợ dùng cơm trưa và "đong" một giấc, đến chiều mới dạy học.
Sách dạy chữ Nho chia làm 3 loại gồm
Sách mỗi hàng 3 chữ gọi là QUYỂN 1,
Sách mỗi hàng 4 chữ gọi là QUYỂN 2
Sách mỗi hàng 6 chữ gọi là QUYỂN 3
Quyển 1,2,3 mỗi quyển lại chia thành ba quyển nhỏ, học xong 3 quyển 1,2,3 hết 3 năm.
Mỗi năm có 3 lần thi kỳ (mỗi ba tháng) và một lần thi hội. Kiểm tra thi, thầy rút ra một quyển nhỏ rồi đọc bất kỳ hai chữ liền kề, trò phải đọc tiếp cho đến hết quyển.
Ông Hồ Viết, tên tự, do thầy đặt, là Hồ Xuân Quang còn có tục danh là Ký. Ảnh chụp trong một lần điền dã tìm mộ bà thứ phi ở Cẩm Thanh năm 2010.
Chú Ký từng theo học với thầy Tư Cung tại miếu Hy Hòa từ trước năm 1945. Gần 5 năm dùi mài mới nuốt xong ba quyển lớn. Sau đó "quẳng bút lông đi, viết bút chì" được một năm thì Nhật đảo chính.
Chú Ký kể, thời đó tui còn nhỏ chưa biết cái vinh dự "Võng anh đi trước, kiệu nàng theo sau", chỉ mơ học giỏi thành ông Tú.
Hãnh diện lắm, thời đó mà "Ông Tú về làng y như... Thành Hoàng về miễu".
Hãnh diện lắm, thời đó mà "Ông Tú về làng y như... Thành Hoàng về miễu".
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét