MIẾU HỘI ĐƯỜNG
Cổ trấn Hội An xa xưa được giới hạn
theo quy ước không thành văn:
Tây: chùa Cầu
Đông: chùa Ông Bổn (thờ vị Bổn Đầu
Công của người Triều Châu)
Nam: Giáp sông Thu Bồn
Bắc: có Vạn Thọ Đình
Nhưng đình Vạn Thọ cũng như chùa
Quảng An và cả những ngôi giáo đường Thiên Chúa Giáo đầu tiên cho đến bây giờ
vẫn chưa tìm được tài liệu xác định vị trí ban đầu.
Riêng miếu Hội Đường tuy không còn
một vết tích gì nữa nhưng vẫn còn đây vị trí sơ nguyên. Điểm dễ nhận biết nhất
là khách sạn Hoàng Trinh, là một phần đất của miếu. Miếu xoay nhìn về hướng
nam, nghĩa là nhìn thẳng qua sân Khổng miếu sau này. Miếu có 3 cổng: Cổng chính
nhìn thẳng qua Khổng miếu, cổng tả nhìn ra đường Trần Hưng Đạo, còn lại cổng
hữu, không có cổng hậu. Trong khuôn viên miếu thời đó chỉ tồn tại một ngôi nhà
duy nhất: Nhà của ông Huỳnh Đắc Hương. Ông Huỳnh Đắc Hương năm nay ngoài 100
tuổi, hiện còn sống ở Đà Nẵng.
Sinh thời, theo lời kể của ông Nguyễn
Thiện Thắng, con ông xã Ba, cháu ông Bốn Lục, rằng thuở nhỏ vì nhà gần miếu,
ông từng thấy ở đây một mộc bản ghi lại lịch sử dựng xây miếu. Miếu khởi công
từ đời vua Tự Đức và hoàn thành thời vua Dục Đức.
Miếu Hội Đường chưa biết lập năm nào
nhưng biết chắc miếu bị phá hủy vào cuối năm 1946 để tiêu thổ kháng chiến chống
thực dân Pháp trở lại.
Theo lời các cụ già sống trên đất Cẩm
Phô này từng nghe cha - ông kể lại, miếu ngày trước chủ yếu thờ thần làng, sau
năm 1918 phối thờ thêm những chiến sĩ trận vong người Việt, bị Pháp bắt sung
quân, tử trận trong đại chiến thế giới lần thứ nhất.
Cho nên, hằng năm đến kỳ tế thu, bô
lão trong làng chuẩn bị chu đáo để đón quan tuần phủ, quan tri huyện, ngài
chánh tổng cùng "ông sứ" đến dự. Ngày chánh lễ trong nội viên miếu,
sau khi dàn kèn ta hết ò í e là đến đội kèn đồng của Tây cũng tham gia lễ truy
điệu. Bên ngoài đối diện miếu (Khổng Tử miếu bây giờ) là ruộng sâu rau muống.
Gặp mùa mưa nước dâng cao tràn mênh mông người ta tổ chức đua ghe lãnh thưởng.
Cuộc sống cứ tạm gọi là yên bình cho
đến ngày Nhật đầu hàng Đông Minh. Một buổi sáng cuối tháng 8 năm 1945, dân làng
bỗng thấy những người lính của tướng Lư Hán thuộc đoàn quân Trung Hoa Dân Quốc
của Tưởng Giới Thạch đã ở đầy kín trong miếu Hội Đường.
Họ chờ giải giáp khí giới quân phát
xít Nhật.
Qua năm sau, hết còn lễ lệ. Chiến
tranh lại bùng phát dữ dội. Dân làng gồng gánh tản cư vào chợ Bà, chợ Được
Thăng Bình lánh nạn, miếu Hội Đường phải tự đập phá tan hoang.
Tất cả đã lùi vào dĩ vãng, có chăng
chỉ còn trong ký ức của những người già mỗi khi mơ mòng chắp nối khúc phim đời
đã đứt.
Tôi từng có 1 tấm ảnh của Miếu Hội
Đường nhưng đã lạc chưa tìm được. Hy vọng anh Lê Viết Hoàng ra tay cho mọi
người được cùng nhìn ngắm hình ảnh quê xưa.
(Trong ảnh mới): Sau lưng tường rào,
ngôi nhà cao tầng là điểm mốc để xác định vị trí miếu Hội Đường.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét