ĐẠO ĐỨC PHẬT GIÁO
Bài của Hòa Thượng Thích Mãn Giác viết tháng 02/1975 trong "Đạo đức học Đông phương", được nhà xuất bản Sài Gòn xuất bản năm 2008.
Đạo đức Phật giáo là điều rất khó trình bày mạch lạc. Nói đến đạo đức trước tiên là nói đến thiện, ác. Nhưng muốn xác định thiện là gì, ác là gì thì lại phải dựa vào một tiêu chuẩn hay khuôn thước nào đó. Phật giáo lại như không chấp nhận có một tiêu chuẩn hay khuôn thước như vậy khi quả quyết một đàng mọi sự đều vô thường và chuyển biến, và đàng khác tất cả đều chỉ là phương tiện.
Pháp chỉ là phương tiện. phương tiện giải thoát cá nhân bởi chính cá nhân, và giải thoát cá nhân rốt cuộc là một sự tự hủy cá nhân, theo nghĩa tự rút khỏi vòng luân hồi sinh tử. Không có mệnh lệnh, không có trừng phạt, không có phần thưởng.
Đời này đã không hứa hẹn, chết đi lại cũng không hứa hẹn gì.
Việc trình bày đạo đức Phật giáo cũng vấp phải một trở ngại khác đó là sự giao thoa của hai quan niệm xem ra có vẻ mâu thuẫn: vì không có tiêu chuẩn tuyệt đối ngoại tại cho nên cũng không có trách nhiệm hay cưỡng bách ngoại tại vì tất cả đều chỉ là phương tiện với tôi, cho tôi . Mặt khác, tôi lại cũng không thể chối bỏ trách nhiệm bởi vì đã sống là hành động, và hành động lại đương nhiên có nhân quả với tôi cũng như với kẻ khác.
Hành động vô trách nhiệm nhưng hậu quả hành động lại tạo ra trách nhiệm với chính tôi cũng như với kẻ khác. Vừa có trách nhiệm, vừa vô trách nhiệm, đó là hai cực đoan mà người ta có thể nhảy qua, nhảy về một cách dễ dàng, và vì quá dễ dàng cho nên cũng khó mà có thể giải thích một cách minh bạch.
Cái khó khăn thứ ba là cảm nghĩ thông thường cho rằng Đạo Phật là một đạo yếm thế, tị thế. Người Phật tử có vẻ như là một kẻ bị bệnh loạn sắc, không còn thấy màu xanh của hy vọng, màu hồng của hứa hẹn, màu đỏ của đam mê, mà chỉ thấy màu nhạt nhòa của sắc không, và màu đen của khổ. Một nền đạo đức như vậy thì không còn gì là hấp dẫn nữa đối với thế thường thực tiễn. Nói cách khác, con người thế thường không sẵn sàng để nghe nói đến đạo đức Phật giáo, mà đạo đức Phật giáo cũng không phải là điều có thể rao giảng đầy đủ để mọi người có thể chấp nhận một lần xong xuôi theo kiểu 2+2 = 4.
Phật giáo xét cho cùng, đối tượng tín lý ngoại tại, và do đó cũng không có chính tín lý.
Giải thoát không những không đòi hỏi mà còn cấm người ta tiên quyết chấp nhận một đức tin nào đó. Phật là Phật đã thành, người là Phật sẽ thành. Giáo pháp chỉ là chiếc bè để sang sông chứ không phải là Tin Lành của đấng Vô Thượng, do đó cũng chính là một hình thức nhập thế và nhập thể của đấng Vô Thượng. Với Phật giáo, tuyệt đối chấp nhận sự đồng nhất linh ngôn với linh nhân như vậy thì cũng chẳng khác gì có người chỉ cho ta xem mặt trăng mà ta thì cứ nhìn ngón tay chỉ mặt trăng mà thôi vậy. Sống đạo đức tiên quyết là phải tự thực hiện đạo đức, hay "tự thành minh và tự minh thành" nói theo ngôn ngữ Nho giáo nghĩa là phải tự thắp đuốc lấy mà đi.
Tóm lại, đặc điểm mà cũng là khó khăn khi phải trình bày đạo đức Phật giáo là :
- Không có một tiêu chuẩn ngoại tại khách quan về Thiện Ác.
- Giới hạn mơ hồ giữa cưỡng bách và vô trách nhiệm, hay đúng hơn tính cách mơ hồ giữa thưởng và phạt, nên và không nên.
- Sắc thái tị thế, vô bổ, không hấp dẫn của đạo đức Phật giáo.
- Tính cách tự lực đầy gian nguy và bất trắc của hành động đạo đức.
Đó là chưa kể đến một khó khăn khác là kinh điển của Phật giáo lại quá nhiều. Phật giáo không vạch cho người ta một con đường như các bảng chỉ dẫn lưu thông ngoài phố. Phật giáo chỉ đưa người ta vào một khu rừng, hay đúng hơn, cho người ta thấy khu rừng mà người ta đang đứng trong đó và chỉ nói: hãy tự thoát khỏi khu rừng ấy. Mỗi người tự tìm lấy phương tiện để khai lối cho chính mình tùy vị trí, khả năng và trở ngại của riêng mình. Đạo đức Phật giáo và kinh điển, do đó là một thực tại đa dạng mà mỗi người chỉ có thể thấy một viễn tượng nào đó mà thôi.
Thế nhưng, các trở ngại vừa kể lại cũng có một ý nghĩa khác đó là đã nói lên được những lập trường đạo đức có thể xern là căn bản của Phật giáo. Những lập trường đó là :
- Đời là khổ,
- Con người có thể thoát khổ,
- Con người phải thoát khổ.
Điều thứ nhất liên hệ đến quan niệm về bản chất của cuộc đời hay vũ trụ quan; điều thứ hai, bản chất của hiện hữu hay nhân sinh quan và điều thứ ba, những nguyên tắc của hành động đạo đức. Nói cách khác, điều thứ nhất liên hệ đến đối tượng của hành động đạo đức. Điều thứ hai, đặc điểm của hành động đạo đức, và điều thứ ba, phương thức thực hiện đạo đức.
I.VÔ MINH VÀ KHỔ
Khổ là đệ nhất chân lý của đạo Phật. Chân lý này đã được tổng quát hóa đến triệt để quan niệm bình dân: Đời là bể khổ.
Quan niệm bình dân này một đàng có thể trở thành một kích lực cho con người nghĩ đến đạo đức và sống đạo đức, nhưng đàng khác cũng có thể gây ra mấy ngộ nhận về chính bản chất của đạo Phật.
Ngộ nhận thứ nhất có thể tóm lược như sau: bảo rằng đời này khổ thì phải chăng đã có một đời trước sướng và sẽ có một đời sau sướng? Và như vậy thì sướng, khổ là gì ? Ai cũng thấy rõ là câu hỏi đó sẽ tất nhiên đưa đến những ý niệm hay đúng hơn những tin tưởng về Thiên đàng, Địa ngục.
Ngộ nhận thứ hai, nếu có sướng đời trước và sướng hoặc khổ đời sau thì điều gì nối kết quá khứ và tương lai ? Cái gì đã đến với "tôi" từ quá khứ trước khi tôi sinh ra, cái gì sẽ theo tôi vào tương lai sau khi tôi chết ? Ai cũng thấy rõ câu hỏi đó sẽ tất nhiên đưa đến ý niệm, hay đúng hơn tưởng, về Linh hồn - Và cả hai ngộ nhận ấy tất nhiên sẽ đưa đến một ý niệm hay tin tưởng bao trùm tất cả: Đấng Vô Thượng hay Thượng đế, kẻ sáng tạo ra linh hồn, Thiên đàng và hỏa ngục, kẻ giữ chìa khoá Thiên đàng và hỏa ngục, kẻ đã đưa ra những tiêu chuẩn tuyệt đối về đạo đức và là phán quan tối thượng về hành động đạo đức của con người. Hệ luận của tin tưởng hay ý niệm đó là khả thế và hiệu năng của hành động đạo đức sẽ tùy thuộc vào lòng lân mẫn của đấng Vô Thượng: con người có thể đọa lạc muôn đời nếu đấng Vô Thượng không đoái hoài đến con người, hoặc nữa, dù con người có làm thiện muôn đời thì cũng chẳng đi đến đâu nếu không tiên quyết chấp nhận có đấng Vô Thượng. Tất cả những ngộ nhận và hệ luận vừa kể đã không thực sự phù hợp với quan điểm đạo đức của Phật giáo.
Ý thức tiên quyết làm cơ bản cho hành vi đạo đức của Phật giáo là khổ - khổ ở đây không tiên quyết là bị cực hoặc không được sướng hơn theo nghĩa làm dân thì khổ hơn làm quan, làm vua thì sướng hơn làm quan. Khổ cũng không phải vì sinh, lão, bệnh, tử. Chịu đựng sinh, lão, bệnh, tử không phải là việc của một riêng ai cả. Và một khimaf mọi người cùng chịu như nhau cả rồi thì quả thực đó chẳng còn là nguyên ủy của khổ nữa. Nói cách khác, khổ theo quan niệm Phật giáo không phải là theo định nghĩa thông thường về khổ vật chất, khổ tinh thần, gọi chung là khổ thọ.
Khổ đúng ra chỉ là sự bất toàn, bất định, chuyển dịch. Khổ là ý thức được sự tương đối , bất định và chuyển dịch của mọi thực tại, mọi giá trị. Sinh không còn là sinh tuyệt đối vì có tử, có lão, có bệnh; tử cũng không còn là tử tuyệt đối vì có sinh. Mọi sự chỉ là "tuồng ảo hóa" (Ôn Như Hầu), là sắc sắc không không, là có đó rồi mất đó. Tất cả những gì được xem là chân xác nhất, xét cho cùng cũng chỉ là ảo tưởng, là ước định. Như đường thẳng hình học chỉ gồm những điểm hình học, và điểm hình học lại chỉ là giao điểm của hai đường thẳng. Như vật chất và năng lượng vậy.
Ý thức được tính cách tương đối, vô thường ấy chính là ý thức khổ, là ý thức về sự bất toàn của mọi sự. Đó là nỗi "khổ" uyên nguyên, là Khổ Đế, là đệ nhất Thánh đế. Mặt khác trên bình diện nhân sinh, theo Phật giáo, khổ cũng chính là vì không ý thức được nỗi "khổ" uyên nguyên ấy - không ý thức được nỗi "khổ" uyên nguyên ấy tức là sa vào cảnh "viễn ly điên đảo" (kinh Bát Nhã), là chấp nhận vô thường làm thường, lấy vô ngã làm ngã, là vướng mắc vào vòng sinh tử luân hồi.
Nói cách khác, thấy được mọi sự là vô thường, vô ngã là thấy được nỗi khổ uyên nguyên, thấy được Khổ đế, không thấy được mọi sự chỉ là vô thường, vô ngã tức là vô tình chịu lấy các khổ thọ vì sinh ra, già cả, bệnh tật, chết chóc, chia lìa, thù oán, thích mà không được, muốn bỏ mà không được.
Căn bản đạo đức của Phật giáo như vậy là một căn bản trí thức, một hiểu biết chứ không phải là một lòng tin hoặc một mặc khải. Thấy được và hiểu được nguyên ủy của "khổ" thì phải tự tìm được những phương thức thoát khổ.
Khía cạnh tri thức này đã là một trong những điều làm cho đạo đức Phật giáo khác với đạo đức Tây phương. Socrate đã từng khơi phát mầm mống của đạo đức dựa trên tri thức này khi Socrate bảo "chẳng ai làm ác một cách cố ý cả” và hô hào mọi người muốn làm thiện thì tiên quyết hãy tự biết lấy mình. Nhưng những kẻ kế truyền của Socrate là Platon và Aristote lại không khai thác con đường đạo đức tri thức và tự lực đó để cuối cùng đạo đức Tây phương đã phải chìm ngập trong ảnh hưởng của huyền thoại tín ngưỡng Do Thái: khổ, ác là vì tội tổ tông và con người sẽ không bao giờ tự hoàn thiện được, không bao giờ thoát khổ nếu không có sự can thiệp của một tha lực tối thượng, hạnh phúc của con người do đó đã bị kết chặt vào một thực tại không phải là con người. Khổ uyên nguyên theo quan điểm đạo đức của Phật giáo là sắc-không, và đồng thời là không thấy được tình trạng sắc-không vô thường, vô ngã đó : khổ vì vô minh, vì không thấy, và không hiểu.
Thấy được điều đó tức là có thể nói rằng quan niệm "đời là bể khổ" chẳng phải là một quan niệm tiêu cực, yếm thế - Đời không phải là một ân huệ nên cũng không còn hy vọng, và do đó cũng không còn thất vọng. Phong thái trầm tĩnh bình nhiên cố hữu của người Đông phương nói chung một phần lớn đã do ý thức đó mà có.
Thấy được khổ, hiểu được khổ nhưng làm thế nào để thoát khổ?
II. TỰ DO VÀ NGHIỆP
Đệ nhất chân lý của Phật giáo là khổ, thực ra đây chỉ là đệ nhị chân lý .Vì khổ không tự nhiên mà có, mà là do một diễn trình tích lũy từ muôn kiếp luân hồi sinh tử. Còn vô minh thì còn luân hồi sinh tử; còn diễn trình sắc không, nghĩa là còn diễn trình tạo khổ. Đệ nhất chân lý do đó phải là Tập. Theo quan điểm nhân quả mà xét thì khổ là quả, và tập là nhân. Cũng như Đạo là Nhân và Diệt là quả vậy.
Thông thường, hành động đạo đức vẫn được quan niệm như một hành động tự do. Nếu không có tự do để muốn làm, để làrn và để nhận lấy kết quả công việc làm của mình thì cũng không có hành động đạo đức. Quan niệm tự do như vậy có vẻ đã không thể thích hợp với quan niệm nghiệp báo của Phật giáo. Thực tế lại không phải như thế. Nghiệp và tự do vẫn có thể hòa hợp với nhau trong hành vi đạo đức. Vấn đề là phải hiểu nghiệp là gì và tự do là gì.
Quan niệm nghiệp đi liền với quan niệm nhân quả. Không có quan hệ nhân quả thì cũng không có nghiệp. Nhưng Phật giáo không quan niệm có nguyên nhân đầu tiên theo kiểu đã có nguyên nhân gần thì phải có nguyên nhân xa, đã có nguyên nhân xa thì phải có nguyên nhân xa cùng tột và thì phải có nguyên nhân xa cùng tột ấy là nguyên nhân của mọi nguyên nhân, nghĩa là Thượng đế.
Khổ theo Phật giáo chỉ là thành quả của một diễn trình tích lũy, từ vô thủy của những vọng nghiệp do vô minh hay mê vọng gây ra, chứ không phải do một nguyên nhân duy nhất. Nhân quả theo Phật giáo không phải chỉ là nhân trước quả sau. Diễn trình nhân quả của Phật giáo không phải là một đường thẳng thuận chiều với thời gian không gian thường thái, mà là một vòng tròn, một màng lưới trong đó nhân cũng có thể là quả và quả cũng có thể là nhân. Nhân, quả và nghiệp không chỉ là cái trước, cái sau, cái trong, cái ngoài, mà có thể là đồng thời trước sau, trong ngoài. Đó chính là quan niệm trùng trùng duyên khởi. Theo quan điểm trùng trùng duyên khởi đó, chúng ta có thể nói là có rất nhiều mô thức nhân quả như nhân quả hỗ tương, nhân quả chuyển biến, nhân quả đồng thời, nhân quả dị thời. Vì có chăng quả không trông thấy ngay được nhân, vì có những nhân không tiên liệu được quả ngay nên mới có ý niệm Nghiệp dĩ mới có điều oan. Tuy nhiên, dù thế nào chăn bơ nữa thì quan điểm nhân quả của Phật giáo vẫn luôn luôn nhấn mạnh đến hai đặc điểm là bất tăng bất giảm và vô nguyên. Nói cách khác trước sau, tăng giảm hay cái này gây ra cái khác, tất cả đều chỉ là tương đối, đều chỉ do ý thức tương đối, nghĩa là do vô minh mà có.
Nhưng với mỗi người thì vô minh đã tác động như thế nào, nghiệp đã được kết tập như thế nào? Hiểu được vấn đề này tức là hiểu được quan niệm tự do và trách nhiệm trong hành vi đạo đức theo Phật giáo vậy. Nếu mỗi người đã không có khả năng tạo nghiệp thì mỗi người cũng không cần khi đặt vấn đề giải nghiệp, nhưng nói như vậy thì phải chăng mỗi người đã hành động chỉ vì nghiệp chứ không phải vì tự do? Người ta có thể nghĩ như thế nếu hiểu tự do là muốn làm gì thì làm, là không cần gì cả, và không hề bận tâm đến kết quả công việc làm của mình. Ai cũng biết rô là chỉ có ý niệm một Đấng Vô Thượng muốn phù hợp với quan niệm tự do như vậy mà thôi.
Đã là tự do thì phải là tự do với... tự do để mà... Và đã có "với", 'có "để mà" thì tự do đương nhiên là không còn tuyệt đối nữa Cho nên, xét cho cùng, điều tự do khả dĩ ý nghĩa nhất là tự do để hiểu biết về nỗi khổ của mình. Tự do để xác nhận nỗi khổ của tôi là do tôi, và do đó, chấm dứt nỗi khổ của tôi là tự tôi. Tự do tuyệt đối như vậy là tự do nhận trách nhiệm tuyệt đối của mình đối với quá khứ, hiện tại và tương lai của chính mình.
Tuyệt đối nhận trách nhiệm về phần mình nhưng cá nhân lại không phải là thực tại duy nhất ở đời này. Ngoài tôi còn có kẻ khác, cùng thời với tôi. Cũng vì vậy rnà Phật giáo mới phân biệt ra hai loại nghiệp: nghiệp do tôi tự tạo ra hay biệt nghiệp, chính báo và nghiệp do kẻ khác tạo ra và có ảnh hưởng đến tôi hay đồng nghiệp, y báo. Biệt nghiệp là nghiệp của cá nhân, cộng nghiệp là nghiệp của nhiều cá nhân chứ không phải của xã hội hay nhân loại hiểu theo nghĩa một thực thể.
Nói cách khác, tác nhân và thọ nhân của nghiệp trước sau vẫn là cá nhân.
Cá nhân có thể tạo nghiệp, có thể lãnh hậu quả của nghiệp bởi vì cá nhân có những khả năng tạo nghiệp và giải nghiệp. Khả năng tạo nghiệp đó là ngũ căn, ngũ uẩn. Khả năng giữ nghiệp và nhận nghiệp đó là ý thức vô minh.
Triệt được ý thức vô minh là triệt được nghiệp, nghĩa là không để cho ý thức vô minh tạo nghiệp, và không để cho nghiệp tác dụng nữa.
Đó chính là hành động đạo đức, là tu vậy.
III. TU, GIẢI THOÁT VÀ TỪ BI
Hành động đạo đức Phật giáo hay tu vẫn thường được quan niệm như một hành động lánh đời, vị kỷ, mũ ni che tai. Tu như vậy, nếu có thì mới chỉ là tránh cộng nghiệp và tránh y báo, tạo điều kiện để dứt biệt nghiệp và chính báo mà thôi.
Mục đích tối hậu của tu là phải dứt biệt nghiệp, chính báo - Và một khi tất cả mọi người đều đã dứt được biệt nghiệp, chính báo rồi thì cũng không còn cộng nghiệp và y báo nữa chính là ý nghĩa mọi người cùng tu, tu với mọi người hay tự giác như giác tha. Tu là dùng bất cứ phương tiện nào trên căn bản phá chấp để có thể dứt, hay ít ra, cải thiện được cả biệt nghiệp lẫn cộng nghiệp, cả y báo lẫn chính báo. Người ta có thể tự cải tạo cá nhân mình mà không cần biết đến cải tạo xã hội, nhưng người ta sẽ không thể nào cải tạo xã hội nếu không khởi sự bằng "tu thân". Cũng bởi vậy, nền tảng đạo đức của Phật giáo là nền tảng Bát chính đạo chứ không phải là những tín điều để tiên quyết xây dựng xã hội hay xây dựng nhân loại.
Trong Bát chính đạo thì chính tư duy thuộc Huệ học; chính nghiệp và chính mạng thuộc Giới học; chính tinh tấn, chính niệm và chính định thuộc về Định học. Giới, Định và Huệ là Tam vô lậu học, là lý tưởng sống của Phật tử. Giới ngừa đón những tội lỗi phát sinh, ngừa đón những hành vi mà kết quả sẽ đưa đến khổ não. Lại nữa, Giới chính là hàng rào ngăn đón mọi thứ làm xáo trộn sinh hoạt tâm lý. Định học là sự tập trung ýchí, không để cho tâm thức buông lung theo những cám dỗ bên ngoài. Huệ học là thấy rõ một cách chân thật về thực tại. Cả ba hổ tương cho nhau. Giới làm tăng trưởng Định, Định làm phát sinh Huệ và Huệ làm cho Giới được duy trì nghiêm cẩn.
... ... ...