Thứ Hai, 28 tháng 3, 2011

MIẾU SƠN TINH NAM DIÊU

Làng cổ Thanh Hà ngày trước có mười ba ấp, trong đó có ba ấp chuyên làm nghề gốm. Đầu tiên là hai ấp Thanh Chiếm, An Bang. Sau đó là Nam Diêu.

Đường mòn vào ấp Thanh Chiếm
NAM (): Phương nam
DIÊU (): Lò nung vôi, nung ngói với bộ HỎA bên dưới.
Ở Hội An chỉ có Nam Trung (Cẩm Nam) và Nam Diêu (Thanh Hà) là nơi có nhiều miếu thờ quy tụ về một vị trí. Xin lai rai giới thiệu, đầu tiên là miếu SƠN TINH.

Miếu Sơn Tinh ấp Nam Diêu

Dân ta xưa kia, theo tín ngưỡng dân gian, thường lập miếu thờ thần cầu mong được hưởng ân trạch của chư vị theo như sắc phong mà vua đã ban cho thần.
Sơn Tinh nhị vị là hai vị thần được vua triều Nguyễn sắc phong:
山 精 果 勇 將 君 尊 神
SƠN TINH QUẢ DŨNG TƯỚNG QUÂN TÔN THẦN

山 精 武 勇 將 君 尊 神
SƠN TINH VŨ DŨNG TƯỚNG QUÂN TÔN THẦN

Miếu có ba gian. Gian giữa thờ Nhị Vị Sơn Tinh
Gian tả thờ chư thần phối tế:
奉 昭
PHỤNG CHIÊU
Phụng thờ sự sáng suốt
(Theo truyền thống, trong nhà thờ, giữa là bệ thờ tổ, trái là bệ thờ hàng chiêu)
Và hai câu đối: 
Sơn Tinh chân hiển hách
Thủy Tinh vĩnh anh linh
Có thể cổ nhân khi đặt câu đối này có sự nhầm lẫn với nhị vị ở Phong Châu chiều xưa. 
(Ơi Ngài Thủy Tinh! sao ghen mà Thần chỉ... nhẹ nhàng... tát nước!?).
Gian hữu cũng thờ chư thần phối tế:
永 賴
VĨNH LẠI
Nhờ cậy lâu dài
Và hai câu đối:
Thăng thiên hoàn hóa hĩ
Xuất nhập vô di hồ
(Lên trời biến khắp nơi
Vào ra không thấy dạng)

NGŨ HÀNH DIỆU HỢP TRƯỜNG NHƯ TẠI
NHỊ KHÍ LỰ TINH TRẠC NHĨ LINH
(Ngũ hành phù hợp trường tồn mãi
Nhị khí giao hòa sáng tỏ lâu)

Miếu Sơn Tinh Nam Diêu chưa biết lập tự khi nào nhưng đây là ngôi miếu có quy mô kết cấu vững chắc, tường dày 45 phân với loại gạch đặc 6x13x27. Mái miếu dạng vòm gạch, phần mái ngói phía trên tô điểm cho kiến trúc đình chùa đương thời.

Cư dân làng nghề ngói gạch Nam Diêu chọn khu đất mà nơi đây có lần vua Minh Mạng từng ngự giá để xây khu tứ sở (bốn miếu).

Ngoài miếu Sơn Tinh còn có:
Miếu Thần bổn xứ
Miếu Tổ nghề gốm
Miếu Âm linh

Dân làng truyền rằng: "vua Minh Mệnh từng dừng chân nơi đây"
Nội dung TÂN TRÚC LỘ BI:
明命五年五月日奉塹築路之東壹千五百肆拾肆
尋肆尺至會安庯又貳千陸百陸拾陸尋至大
占海口路之西貳千壹百拾貳尋三尺五寸至營
城按里路又壹千捌百捌拾尋至永奠河口
Phiên âm:
Minh mệnh ngũ niên ngũ nguyệt nhật, phụng trạm trúc lộ chi đông, nhất thiên ngũ bách tứ thập tứ tầm tứ xích chí Hội An phố. Hựu nhị thiên lục bách lục thập lục tầm chí Đại Chiêm hải khẩu lộ chi tây. Nhị thiên nhất bách thập nhị tầm tam xích ngũ thốn chí Dinh Thành án lí lộ. Hựu nhất thiên bát bách bát thập tầm chí Vĩnh Điện hà khẩu. 

Dịch nghĩa:
Minh Mệnh năm thứ 5 (1824), ngày tháng 5, vâng xây trạm phía đông đường, 1.555 tầm 4 xích đến phố Hội An. Lại 2.666 tầm đến phía tây đường cửa biển Đại Chiêm. 2.112 tầm 3 xích 5 tấc đến đường án lí Dinh thành. Lại 1.880 tầm đến cửa sông Vĩnh Điện.
            (Bản chữ Hán, phiên âm, dịch nghĩa của ĐỒNG DƯỠNG)



Thứ Tư, 23 tháng 3, 2011

MIẾU ÔNG CỌP

Từ sau năm 1900, Hội An phát triển mở rộng về hướng bắc, hình thành khu nhà ngói theo hai bên đường Phan Chu Trinh bây giờ, thì ven ngoại ô cũng hình thành khu XÓM MỚI mà "miếu Ông Cọp", được dựng lên sau này, trên vuông đất nhìn thẳng ra đường lộ hướng về cổ trấn. 

 Ngôi đình được ghi: XUÂN MỸ ẤP
(Đình Xuân Mỹ này thuộc xã Cẩm Phô, phân biệt với Đình Xuân Mỹ thuộc cựu xã Thanh Hà)

 Cũng vì "Ông Cọp" đắp trên bình phong trước sân đình này mà Đình Xuân Mỹ biến thành... "Miếu Ông Cọp"

Theo nội dung trong hai bia đá còn lại trong đình với nét chữ "mờ mờ nhân ảnh" thì đình được lập vào ngày 18 tháng 4 năm Bảo Đại thứ mười một (1936).

 Bia đá đình Xuân Mỹ

Nhìn vào nội thất bái đình rõ ràng là đình mới được trùng tu thời gian gần đây nhưng tìm quanh không thấy một dấu tích ghi lại hành trạng.

Hằng năm vào hai ngày 17 và 18 tháng giêng, dân ấp tổ chức cúng đình.
MIẾU ÔNG CỌP CON

Miếu Ông Cọp thứ thiệt cách đình Xuân Mỹ khoảng vài trăm mét thì không còn nữa.
Chuyện xưa kể rằng, ngày ấy nơi này hoang vắng, khoảng mươi hộ dân quần cư thành một xóm nhỏ biệt lập nhìn ra khu rừng thưa. Một ngày, người ta phát hiện có một ông cọp nằm chết bên cạnh xóm. Dân xóm lập miếu nhỏ vọng thờ. Miếu này còn tồn tại khá lâu nhưng sau này lại nằm trong khuôn viên lao xá.
Cổng lao xá Hội An
Đất lao xá bây giờ bỏ hoang
Bởi vì có hai miếu Ông Cọp - lộn xộn quá - nên sau này người ta phân biệt:
Miếu Ông Cọp "rin" (không còn nữa) gọi là Miếu-Ông-Cọp-con.
Miếu Ông Cọp "lô" (đình Xuân Mỹ) là Miếu-Ông-Cọp-lớn.

Do miếu Ông Cọp con nằm trong lao xá nên việc cúng tế gặp nhiều bất tiện, dân ấp An Hòa xây miếu mới trong con hẽm đối diện sân vận động Hội An để di dời miếu cũ. Miếu ấp An Hòa chưa biết xây dựng từ năm nào.

Miếu AN HÒA ẤP
Hiện giờ còn rất ít người nhắc đến Miếu Ông Cọp Con.

Thứ Sáu, 18 tháng 3, 2011

ĐÌNH XUÂN LÂM

Ngay ngã ba đường Trần Cao Vân và Trần Hưng Đạo Hội An, một ngôi đình điềm nhiên tọa lạc dưới bóng cây da kèn:

 Đình Xuân Lâm
Xưa cổ nhân khắc văn bia chắc chờ ngày sau hậu thế có lúc lục tìm tra vấn, nhưng đá rồi mỏi mòn, chữ mỗi ngày thêm lem mờ, chụp ảnh nào thấy gì đâu!

錦 鋪 三 邑 春 林 乃 其 一 也 邑 古 林 沙 自 爲 春 林
Cẩm Phô tam ấp. Xuân Lâm nãi kỳ nhất dã.
Ấp cổ Lâm Sa tự cải vi Xuân Lâm.
 
Xuân Lâm ấp 

Vậy theo nội dung bi ký thì cựu xã Cẩm Phô có ba ấp mà Xuân Lâm là một trong số đó. Ấp xưa gọi là Lâm Sa sau đổi lại là Xuân Lâm.

 Bia đá đình Xuân Lâm
Nội dung bi ký do nhà giáo Phạm Thúc dịch nghĩa:
"Khoảng đất cựu này tất có xóm dân. Há lại tin rằng không có ấp nào ư? Huống hồ làng ta tự đã có ấp. Lệ thường xưa là vậy!... ... ...
Vùng đất này ít người, sau dần dần mở mang. Miếu sở theo đất hướng nam. Miếu có quy mô vừa nhỏ nhưng trong đó nhìn ra thật tráng lệ gồm một tòa nhà cũ nay đã đổi mới cơ bản.
Thần có miếu, người đều tụ hội cũng do cơ trời bồi đắp thêm tinh hoa. Nay truy lại lai lịch sáng lập ra để người hội họp đông đúc, nên lấy đó làm điều công đức lớn. 
Tấm lòng tôn kính cảm nhận lời nói phẩm bình công lao đã có cả bốn mùa. Xưa nay vẫn có bản bia đá như núi ghi công đức để lại ngàn năm.
Duy Tân năm thứ tư (1910) Canh Tuất mùa thu ngày tốt." 

Đúng là năm 1910 đình đưa vào khánh thành nhưng đình được khởi tạo từ năm 1905, xà cò ghi:

 Thành Thái thập thất niên tuế thứ Ất Tỵ niên. Xuân Lâm ấp, bổn ấp đồng tạo
 
Với tín ngưỡng dân gian, đình Xuân Lâm phối thờ đơn giản nhưng đầy đủ và hợp lý với quy mô là một miếu ấp. Hậu tẩm chính giữa thờ chung Thiên thần, Nhân thần, không phân biệt từng danh hiệu thần. Gian tả thờ âm linh cô hồn không nơi nương tựa. Gian hữu thờ các bậc tiền vãng dân ấp, đứng đầu là tiền hiền, hậu hiền khai khẩn khai cơ.

Đình cũng có nhiều hoành phi câu đối thể hiện lòng sũng tri muôn thuở đồng thời tụng ca ân trạch của chư vị chư thần.
 
HỘ QUỐC TỲ DÂN: Giúp nước gìn dân
DƯƠNG TẠI THƯỢNG: Mênh mông trên đầu ta...

Cẩm Phô có nhiều miếu ấp và cả miếu làng (xã), nhưng theo lời các bậc cao niên thì hội lễ đình Xuân Lâm thường đông vui hơn, có lẽ đình nằm trong lòng thị tứ.

Thời Pháp chiếm, đối diện đình là một nhà hát có tên là Đồng Lạc (Cùng vui). Nhưng cũng như con tàu Titanic (Không chìm), nhà hát Đồng Lạc chỉ trình diễn được một lần rồi bị bà hỏa thiêu rụi (hết vui!!).

Cũng tại nơi đây, những ngày đầu Việt Minh cướp chính quyền đã có những buổi tuyên truyền về chủ nghĩa Cộng Sản và con đường Mác-xít mà một trong ba người diễn thuyết lại là một võ sĩ quyền anh đương thời: Ông Huỳnh Đắc Công.