Thứ Hai, 29 tháng 11, 2010

VÀI CÂU CA DAO, PHONG DAO, ĐỒNG DAO, HÁT RU HỘI AN 

BÀI THỨ NHẤT
Trước khi Pháp trở lại, đồn Lê Dương là "Nhà chè" của ông tây civil tên Robert.
Xưởng chè (trà) của ông Rô-Be chỉ làm các công đoạn: Sấy, lựa, đóng gói lớn để chuyển ra Hàn (Đà Nẵng) lên tàu thủy về Pháp.
Ông Rô-Be thuê vài người bồi tây làm công việc rao tìm công nhân, mỗi đợt vài ngày. Người làm công làm theo ca. Cứ xong mỗi ca là ra về, qua khỏi cổng xưởng thì xòe tay ra nhận lương đồng hạng từ tay ông chủ, mỗi người 12 xu. Dưới đây là bài thơ lấy bối cảnh nhà chè, trở thành bài hát ru con quen thuộc ở Hội An ngày xưa.

Thiếp gặp chàng giữa đàng xe lửa
Chàng đợi thiếp ở cửa ông Rô Be
Biết khi mô thiếp nói chàng nghe
"Thức khuya dậy sớm làm chè mười hai xu"
Mãn mùa chè, nệm cuốn sàng treo
Ta về bỏ bạn gieo neo một mình
Bạn ơi
Chớ có buồn tình
Mùa nay không gặp cũng hẹn mình mùa sau
Lại đi qua nhà ông Rô Be
Thiếp trăm lạy ông trời mưa xuống
Cho chè kia lên lộc
Trước sau cũng gặp chàng.

BÀI THỨ HAI

Bông Trang còn có tên là Nam Mẫu Đơn. Tích kể rằng loài hoa này "bất vị khai" trước cuộc hẹn thăm vườn thượng uyển của thái hậu Từ Hy nên bị bà đày đem trồng xuống miệt Giang Nam. Người xưa chọn bông Trang tượng trưng cho tiết tháo và thủy chung.

Gió đưa gió đẩy bông Trang
Ai đưa ai đẩy duyên nàng đến đây
Đến đây thì ở lại đây
Ở cho bén rễ xanh cây hãy về

BÀI THỨ BA
Có thể đây chỉ là bài thơ "tượng trưng" như bài CÔ HÁI MƠ của Nguyễn Bính. 
Chiều xuống nắng soi sườn dốc tạo bóng trên đồi mơ giống như hình cô gái đang cắp rỗ hái mơ.

Ngó lên trên đỉnh mù mù
Thấy ba ông Đội che dù nấu cơm
Một ông xách bát đòi đơm
Hai ông ứ hự nồi cơm mới dần
BÀI THỨ TƯ

Cha mẹ nường đòi ăn cá Thu
Gả con xuống biển mù mù tăm tăm
Cha mẹ nường đòi đi một trăm
Anh đi chín chục mười lăm quan tiền

BÀI THỨ NĂM
Gió đưa trăng, thì trăng đưa gió!
Trăng lặn rồi... gió biết đưa ai??

BÀI THỨ SÁU
Đây là bài đồng dao dành cho trẻ (đương nhiên).
Nhưng những "trẻ" đó bây giờ đã ngoài tám "bó".
Cốc cốc cheng cheng
Mẹ Rằng đi chợ
Mẹ Rợ ở nhà
Bắt gà làm thịt 
Bắt vịt chặt đuôi 
Bắt ruồi chặt cánh
Đòn gánh có mấu 
Con sấu có tai 
Con nai có sừng 
Bánh chưng thì ngọt (?)
Roi mót thì đau 
Hàng trầu hàng cau 
Là hàng con gái 
Hàng bánh hàng trái 
Là hàng bà già 
Hàng bông hàng hoa 
Là hàng Nhật Bổn 
Nấu cơm sòn sỏn 
Đi chợ gánh tiên 
Đội nón đồng tiền 
Là cô gái Huế.

Hàng Nhật Bổn bán bông hoa giấy, nhựa. 
Người Nhật đi khỏi Hội An lâu rồi, xa rồi, 
nhưng chó Nhật vẫn kêu eng ẻng, 
dép Nhật cứ lê la ngoài phố và 
bèo Nhật vẫn còn lang thang chưa biết khi nao mới về nước.

Thứ Năm, 25 tháng 11, 2010


ÔNG LIẾN

Trường Lệ, vùng đất cách thị xã Hội An hơn 3 cây số, là miền quê đất rộng người thưa, diện tích xấp xỉ một phần ba thị xã Hội An chia làm hai khu vực trên và dưới.  
Đất Trường Lệ bao đời chuyên trồng khoai, sau này có nước thủy lợi làm thêm ruộng cạn, thời Pháp thuộc có nuôi cả ngựa. Người ở đây thời trước hầu hết đều nghèo "rách mồng tơi", Hội An xưa có câu: "Làm quan: Tu lễ - Làm dân: Trường Lệ".
Thuở nhỏ, đâu biết chữ Hán, Chữ Nôm méo tròn ra sao lại nghe nói "chữ Nho mắc lắm" nhưng cả bọn con ranh cứ đoán già đoán non: Trường Lệ là... khóc hoài, khóc dài dài, đứa khác thì "diễn dịch" - Không, Trường Lệ là đẹp miết, đẹp muôn đời.
Nhưng là gì đi nữa, Trường Lệ đã sản sinh một người từng làm đẹp lòng, đẹp phố Hội An theo cách riêng của... đất.

Cùng tên LIẾN, cùng cố tật (khiếm khuyết giọng nói), cùng đa thê, nhưng ông LIẾN kia ở SICA ông LIẾN này ở Trường Lệ. Ông kia là... ông chủ, ông này bán hàng rong. Cả hai ông cùng được xếp vào Serie A “Vui nhất Hội An”.

Những ông thầy coi tướng ở Hội An nói rằng số ông Liến... phải sướng vì ông là người hội đủ NGỦ ĐOẢN: Người thấp, tay chân ngắn, ngón tay, chân cũng ngắn, mặt chữ điền, đầu cũng chữ điền càng lộ rõ khi quanh năm suốt tháng hớt tóc carré, buồn buồn thì húi trọc.
“Nhưng ông không sướng như người ta!”.

Đó là quan niệm của ông thầy tướng,

Cũng có lẽ khác quan niệm của... ông Trời, của quý huynh và biết đâu khác với cả ông Liến khi suốt cuộc đời kiếp trần ai cứ bám lấy ông như hình với bóng!

Ông Vũ Tài Lục nếu còn sống biết đâu ổng sẽ viết thêm một chương... chung chung nào đó cho TƯỚNG MỆNH KHẢO LUẬN?.

Khẳng định một lần nữa: Ông Liến vui (vui mà không sướng thì làm sao mà vui??).
Bốn mùa cứ tuần tự lặp đi lặp lại, mọi nẻo đường Hội An ngày ngày vẫn thấy bóng ông qua. Ông bán bánh mì, cà rem mùa hạ. Ông đội bánh bao, bánh ú mùa đông. Hết vai gồng cái bao tời bánh mì trên người thì đến hai tay nhanh nhẹn gói cái bánh bao. Ông cũng bán vé số mỗi chiều (thời đó mỗi tuần xổ số một lần với thai đề, cầu cơ, với Binh méo, Cai tròn với Trần Văn Trạch: Xổ số Kiến thiết quốc gia “giết” đồng bào ta mua lấy xây nhà sập tan mấy hồi!”) mà ông Liến hát theo trước ba giờ mỗi chiều thứ ba: ”Mua số mau lên, xổ số gần đ... ê... ê... ến”.

Nói thiệt nghe! Ông Liến ngọng nhưng "de" gái tài lắm. Bằng chứng ông có ba bà vợ, bà nào cũng còn zin, cưới hỏi đàng hoàng. Bà sau cùng là bà Hí làm bánh bao cho má Hứa Gia Quyền ở tiệm Quân Thắng. Ổng đến lãnh bánh bao đi bán rồi... lãnh luôn bà Hí! Gặp ổng hỏi – Chú cưới rứa có làm giấy tờ chi không? Trả lời: Tao có làm hôn dú (hôn thú) nghiêm chỉnh chớ bộ!.

Ông Liến có năng khiếu văn nghệ bẩm sinh: hát cả ngày. Ông hát:
Ngộ ở bên Tàu
Ngộ mới xan qua
Ngộ xan cái Nam Việt
Ngộ bán buôn làm giàu
Hồi trước, ngộ bán cái cây đòn gánh
Đòn gánh lỗ, ngộ bán mì khô
Ố Ô Ồ... Ố Ô Ồ Ồ...

Hoặc:
Wộ có chít đi dồi thì wộ cũng theo Trời theo Phịt
Thương hai đứa con khờ khổ kịt ai nuôi?
(Rồi xuống giọng): Con dợ của wộ nó giựt chồng của... người ta...

Ông là vua nhại lời bài hát. Có lần ông dụ khỉ: Bửa ni tao có bài mới, mỗi đứa mua một cây cà lem tao hát cho nghe. Ông hát bài ĐÁM CƯỚI NHÀ BINH:
Rồi sau khi cưới anh bán cà lem nuôi em!! Hai đứa mình dui ăn quỵt cả ngày.
Còn bài DỨT ĐƯỜNG TƠ của Văn Thủy – Doãn Cảnh có tội tình chi cũng bị ông sửa:
Khói mây chiều buồn vương theo gió
Sáo êm ru hiu hắt lời thơ
Tóc em dài sao em không uốn
Uốn lên đi anh trả tiền cho!!

Nhưng rồi có hôm ông nói ông buồn “dễ sợ”. Ông muốn... “tự tận”, như lời ông nói.
Có người xúi ông mua thủy ngân uống là ”đi” nhanh lắm thế mà ông làm thiệt. Ông đến QUÂN THẮNG SẠN mua thủy ngân rồi uống ngay giữa đường để nhiều người làm chứng. Nhưng thủy ngân, vô tiền môn thì ra ngay hậu môn, ông nhìn xuống chân rồi cười khà: Số tui chưa chết!!

Quân Thắng Sạn, đại lý thuốc của Đông Y Dược sỹ Võ Văn Vân.
Ông nào đã xét nghiệm mà không thiếu máu nhưng đứng lên ngồi xuống thấy tối thui mặt mày thì ghé vào đây mua TAM TINH HẢI CẨU BỔ THẬN HOÀN. Khi vợ đã khai hoa nở nhụy bình yên thì mua HOÀNG HẬU BỔ DƯỠNG HOÀNG. Con nổi ban thì mua TIÊU BAN LỘ, con hổng chịu ăn, đưa tay lên bụng gõ mà nghe bình bịch thì cho uống CAM TÍCH TÁN THÁI BÌNH DƯƠNG. Con đi re re thì mua LỤC THẦN THỦY. Lớn lên, sấp nhỏ chạy nhảy hay đánh lộn bị sưng tay sưng chân thì nhớ đến TRẶC ĐẢ HOÀN. v.v...

Thấy ông khổ quá, một người cháu gọi ông bằng chú đem ông vô Sài Gòn chăm sóc.
Ông đi... Hội An buồn thiu.

Nhưng vài tháng sau, đi đâu cũng nghe tiếng cười nói như reo:  
- Ông Liến về! - Ông Liến về! 

Hội An như “hồi sinh” lại.
Có phải những người kỳ cựu như ông là một phần linh hồn của xứ này?!

Rồi tuổi già sức yếu, ông không còn mang nhiều vác nặng như xưa, bước chân ông chậm dần theo bước thời gian.
Ông từng nói, nếu chết ông sẽ về Trường Lệ chết, không dại dột chết đường chết sá.

Mới đó mà ông đã về-Trường-Lệ hơn mười năm.

Thứ Ba, 23 tháng 11, 2010

VÀI HÌNH ẢNH KHÁC (9)
Đức Phú: Một trong vài hiệu thuốc tây lâu đời của Hội An

"Nhan sắc và trách nhiệm"?? - Tôi không tin! Tôi không tin!!

Vàng lên thì vật liệu cũng tăng giá theo. Có được đồng nào thì lo mua để dành, khi nào đủ thì cất cái nhà. Trong khi chờ, luôn tiện sắp thành hàng rào vừa trống chỗ mà mấy con gà con heo cũng khỏi chạy lung tung... đi xem hoa hậu.

Không biết người làm đi "rượn" ở đâu mà bà chủ... CẦN TÌM NGƯỜI LÀM

Ngồi cheo leo coi chừng té đó con!

Thánh Thất Cao Đài Xóm Mới (sau miếu Ông Cọp)

Sông Trà Quế- xứ rau mùi rau thơm.

Tất cả cùng xanh: Rào chè Tàu

Có con gà, đem ra chợ bán

Con sông Đế Võng chảy từ Hội An ra đến Non Nước rồi nhập vào sông Cẩm Lệ. Sông uốn cong như cổ con cò nên còn gọi là sông Cổ Cò. Sông Cổ Cò có nhiều đoạn phải đào. Ngày xưa nó đem cau, quế, hồ tiêu ra Đà Nẵng. Thời Pháp, nhu cầu vận chuyển nhiều hơn nên có con đường sắt từ Faifo đi cửa Hàn. Sông Cổ Cò cạn dần. Đến khi thương cảng Hội An mất thế, con đường sắt cũng bị thất sủng rồi gở bỏ đi. Đường sắt này là con đường trong chạy ngã Non Nước vô Hội An qua đất Cẩm Sa chuyên trồng thuốc lá. Ga cuối Hội An cách chùa Long Tuyền khoảng 500 mét về phía biển.

Thứ Sáu, 19 tháng 11, 2010

HAI MƯƠI NĂM HÀNH TRÌ NƠI PHỐ CHỢ

Cách Tổ đình Chúc Thánh khoảng 500 mét về hướng tây-bắc là chùa Phước Lâm, do đệ tử lớn, đắc pháp của tổ Minh Hải là Thiệt Dinh khai sơn.

Ban sơ khởi thỉ, Phước Lâm là một thảo am để Tổ tu tập thiền. Đến đời trù trì thứ 3 mới xây dựng lại tất cả. Đây là lần trùng tu đầu tiên nhưng lại là quy mô nhất từ trước đến nay.
 Tam quan chùa Phước Lâm nhìn từ bên trong
Vị trù trì đời thứ ba là Hòa thượng PHÁP KIÊM LUẬT OAI MINH GIÁC, đời thứ 36 dòng Lâm Tế Chúc Thánh (Tổ thứ 34 Thiền phái Lâm Tế Trung Hoa MINH HẢI là tổ thứ nhất của dòng kệ Minh Hải phát xuất từ Quảng Nam gọi là dòng Lâm Tế Chúc Thánh), Ngài là huynh đệ với vị trù trì đời thứ 2 Pháp Ấn Tường Quang-Quảng Độ (cùng là đệ tử của hòa thượng Thiệt Dinh, tự Chánh Hiển, hiệu Ân Triêm).

TỔ SƯ MINH GIÁC
Tổ sư thế danh Võ Đức Nghiêm, sinh giờ tuất ngày 15 tháng 1 năm Đinh Mão (1747) tại làng Ngọc Trì, phủ Tư Nghĩa, trấn Quảng Nam (nay là thôn Ngọc Trì, huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi).

Sinh ra từ làng quê nghèo nhưng may được thụ hưởng nếp nhà Nho phong, năm 12 tuổi, Ngài có chí nguyện xuất gia, rời quê nhà hơn 100km tìm đến Hội An (bấy giờ thuộc phủ Điện Bàn) xin thọ giáo quy y với Tổ Ân Triêm chùa Phước Lâm với Pháp danh là Pháp Kiêm, tự là Luật Oai.

Nơi đây Ngài chuyên cần tinh tu kinh luật, được sư phụ thương yêu và pháp lữ kính mến. Gần mười măm tu hành Ngài xin sư phụ về thăm viếng song thân, mà chính Ngài cũng không biết chính chuyến đi này đã đưa Ngài rẽ sang lối khác.

Một loài súng
  Súng và Sen

Bấy giờ, bối cảnh đàng Trong đang hồi loạn lạc, chúa Nguyễn Phúc Khoát qua đời, chúa Nguyễn Phúc Thuần kế vị (1765) là đời Chúa cuối cùng (thứ 9) của họ Nguyễn, mới 12 tuổi, quyền hành nằm gọn trong tay Trương Phúc Loan làm nhiều điều bạo ngược, dân tình đói khổ, loạn xảy ra khắp nơi trong đó có giặc mọi Đá Vách nổi lên cướp phá gây bao điêu linh khốn khổ. Lúc này nhà Chúa ra lệnh bắt dân sung lính, nhà có hai con trai thì một phải đi.

Về đến quê hương trong cảnh loạn ly chết chóc, ngài không cam để anh em mình đưa thân trước lằn tên mũi đạn nên chấp nhận tòng quân đánh giặc mọi Đá Vách. 

Đường tu khép lại từ đây.
Hai mươi năm gian khổ đi qua, thể hiện hạnh nguyện nhập thế cứu đời, Ngài đã dẹp xong đám giặc cỏ, được chúa Nguyễn phong chức Chỉ Huy, một chức tướng quan trọng thời bấy giờ. Tuy nhiên, dù biết gia đình đang nương nhờ danh phận hiện có, Ngài vẫn quyết chí xả bỏ, lần nữa từ giã quê hương tìm lại chốn tòng lâm xưa cũ cùng Thầy bạn tiếp bước tu hành.
 Bia tháp Hòa thượng Minh Giác
"LÂM TẾ TÔNG
Tam thập lục thế Minh Giác Hòa thượng chi tháp
Tân Mão niên mạnh xuân cát đán
Hiếu đồ đồng lập"

Buổi hội ngộ của Ngài cùng Sư phụ và pháp lữ làm bao kẻ ngỡ ngàng: Một võ tướng đương triều dám cởi áo từ quan chối bỏ vinh hoa chọn đường khổ hạnh!!. Sau đó Ngài xuống lời thề xin được làm thân quét chợ 20 năm nữa để mong trả sạch nghiệp đời mà 20 năm chinh chiến gây ra.
Thời gian như bóng câu qua cửa. Hai mươi năm đủ để Người điều phục thân tâm, hạnh nguyện viên thành. Năm 1798, Ngài được tín đồ Hội An cung thỉnh về làm trù trì chùa Di Đà tức Chiên Đàn Lâm- Minh Hương Phật Tự bây giờ và suy tôn ngôi Hòa Thượng với hiệu là Minh Giác.
Thời gian sau, Ngài xin về lại chùa xưa, nơi đầu đời xuất gia quy Phật.
Cuộc đời Ngài là điểm son chói lọi trên trang sử Thiền phái Lâm Tế Chúc Thánh.
Khi biết vô thường sẽ đến, Ngài triệu tập đồ chúng lại dặn dò và xả bỏ báo thân nhẹ nhàng.
Ngài tịch vào giờ Tý ngày 10 tháng 11 năm canh dần 1830, trụ thế 84 năm.
Mộ Tổ sư Minh Giác tại chùa Phước Lâm

Hiện nay tại Tổ đình Phước Lâm còn lưu câu đối mà một nhân sỹ đã nêu lên công hạnh của Ngài:
BÌNH MAN, TẢO THỊ, LƯỠNG ĐỘ GIAN LAO, XUẤT GIA KỲ PHÁT NGUYỆN VƯU KỲ, BÁT DẬT SANH THIÊN THÀNH CHÁNH GIÁC.
TẠO TƯỢNG, CHÚ CHUNG, NHỊ THUNG CÔNG ĐỨC, CÁCH CỰU HẢO ĐẢNH TÂN CỐ HẢO, THIÊN THU GIÁC THẾ VĨNH TRUYỀN ĐĂNG.

(Dẹp giặc, quét chợ, mấy độ gian lao, xuất gia lạ, phát nguyện lại rất lạ, tám chục tiêu diêu thành chánh quả.
Tạo tượng, đúc chuông, biết bao công đức, sửa lỗi đẹp, canh tân càng thêm đẹp, ngàn năm sáng rực ngọn đèn thiền.)
                                                      Tì Kheo Thích Hạnh Niệm dịch


Đường vào chùa

Thứ Tư, 17 tháng 11, 2010



LỤT THÁNG MƯỜI

Ông tha mà bà không tha
Cho nên có lụt hai ba tháng mười.


Đời lá rách lá lành thường lặp lại
Đất Quảng Nam chờ lũ lụt hằng năm
Nước điên cuồng như trút hết hờn căm
Nỗi đau đớn trở về dầu sớm muộn
 ?



Sông đỏ phù sa nước lớn rồi!
Nguyễn Bính

Lưng cành tre dấu bùn in nổi sợ
Biết mà không chối bỏ được cơ hàn
Màu đất xám trôi theo từng nhịp thở
Mỗi mùa đông thách thức bước gian nan    
 ?

 Những ngày bão biển mưa rừng
Quê hương lụt lội anh ngừng sang thăm
Nhìn bong bóng nước bên thềm
Còn nghe vọng tiếng cười em đông nào
?

Thứ Hai, 15 tháng 11, 2010

ĐỒN LỚN VÀ ĐỒN TIẾP LỰC
ĐỒN LỚN
Đồn lớn Hội An là nơi đóng bộ chỉ huy quân lực Pháp tỉnh Quảng Nam. Đồn lớn chia thành 3 khu: Sở chỉ huy, trại giam và đồn lính khố xanh

Đoạn đường Phan Chu Trinh từ ngã ba "Tin Lành" đến chùa Pháp Bảo (ngày xưa quen gọi là chùa Phật học, sau đó là chùa Giáo hội) là khu vưc thuộc Đồn lớn. Đoạn đường này mở từ khi có đồn Tây, chưa có tên, người Hội An gọi là "đường mới" nhưng không được lưu thông (bị rào hai đầu có bót gác).
Nhà màu vàng là sở chỉ huy, tiếp đến là khu trại giam, đối diện là đồn lính khố xanh.

Sở chỉ huy là khu nhà-vườn của bà Nghè Nhạn. Gọi là của bà nghè Nhạn vì chồng bà là ông nghè Phạm Nhạn qua đời khá sớm, nghe kể lại thời xuân xanh, bà... "sắc nước hương trời". Nghệ sĩ thoại kịch nổi tiếng một thời LA THOẠI TÂN là con trai của bà. Ông tên Phạm Văn Tần.

Nhà và vườn bà nghè Nhạn

Bộ phận chỉ huy Đồn lớn ở trong ngôi biệt thự này

Bên cạnh nhà bà nghè Nhạn là vườn ông thông Đăng, người Pháp dành riêng khu này làm trại giam, người Hội An thời bấy giờ gọi là "nhà lao thông Đăng"

 Một đêm tháng 4/1954, trong một cuộc tập kích nội ô, nhà lao thông Đăng đã bị đánh chiếm. Khoảng 1200 dân binh kháng chiến và nhân sĩ yêu nước đã được giải thoát.
Lô cốt nhà lao thông Đăng còn đây
Cây đa giếng nước vẫn còn đó, như chứng nhân lịch sử. Đặc biệt ngôi miếu Ngũ Hành không bị thực dân phá hoại nhưng bị hủy hoại từ từ bởi thiếu bàn tay con người chăm sóc.

 Miếu thờ Ngũ Hành trong vườn ông thông Đăng

Đối diện với nhà bà nghè Nhạn là đất ông Vạn Hòa. Đối diện với vườn ông thông Đăng là đất ông thông Khá. Cả hai khu đất này là đồn lính khố xanh (milicien à ceinture blue, garde provincial), một bộ phận của lính tập, là lính "địa phương quân" thuộc phạm vi quản lý cấp tỉnh. 
Lính khố xanh là vệ binh bản xứ, họ có nhiệm vụ bảo đảm trật tự an ninh; canh gác công sở, trại giam, tuyến giao thông; áp tải tội phạm, áp tải hàng hóa của chính quyền; đàn áp các cuộc khởi nghĩa và nổi dậy...
Gọi là lính khố xanh vì quân phục của nhóm này gồm quần áo chẽn, nón dẹp (sau đổi nón chóp), và giải thắt lưng màu xanh dương (phân biệt với lính khố đỏ, khố lục, khố vàng) buộc ở bụng, đầu giải buông thõng giống như cái khố nên người dân gọi là "khố xanh". Đúng ra người lính mặc quần chứ không phải khố. 
Ngày 9/3/1945 Nhật đảo chính Pháp, lực lượng vệ binh bản xứ tan rã, lính khố xanh được Nhật chuyển thành Bảo An binh, người Hội An gọi là Bảo An đoàn. Quân phục của lính Bảo an là mủ calô, sơmi cộc tay, quần sóoc kaki vàng.
Khi Nhật đầu hàng Đồng minh, Pháp tái chiếm Việt Nam, lính Bảo An lại chia thành Việt Binh Đoàn (đóng tại đồn lớn) và Nghĩa Dũng Đoàn (đóng tại trại Tây Hồ).
ĐỒN TIẾP LỰC
Đúng ra đồn Tiếp lực cũng thuộc đồn lớn, đây là đồn hậu cứ nhưng cấp thiết cũng sẳn sàng tham chiến. 
Vì bị cách nhau một con đường (Phan Đình Phùng - Trần Hưng Đạo mới) nên người dân gọi tách riêng không như đồn lính khố xanh. Đồn Tiếp lực nằm cả hai bên đường Phan Đình Phùng.

Từ con đường đất (dẫn về ấp Tu Lễ) trên đường Phan Đình Phùng này đến hẻm cạnh Khổng Miếu là phạm vi dành cho lính của đồn Tiếp Lực. Đây là đất của ông thông Châu.

 Lao cốt đồn Tiếp Lực nằm trong nhà dân hẻm Khổng Miếu

Đối diện là khu đất xóm đạo (nằm sau nhà thờ Tin Lành) cũng thuộc đồn Tiếp Lực. 
Nơi này dành cho khu chỉ huy, trạm xá, nhà nguyện...
Trên nền trạm xá đồn Tiếp Lực cũ là nhà trẻ-mẫu giáo
do các Sơ phụ trách. Có ba Sơ tất cả. 
Cứ 3 năm lại hoán chuyển một lần.

Trên nền dãy nhà này ngày xưa là nhà nguyện đơn sơ của lính Pháp. 
Năm 1954, được tháo dỡ và xây một giáo đường nho nhỏ là nhà thờ Lê Lợi. 
Sau năm 1975 lại tháo dỡ để trùng tu cho các nhà thờ Vĩnh Điện, Túy Loan,
nhường đất cho dân tạm cư mới đến.

Nhà ông thông Châu 3 gian 2 chái, chỉ còn lại 2 gian 1 chái. 

Thứ Sáu, 12 tháng 11, 2010

VÀI HÌNH ẢNH KHÁC 8

ĐỈNH SẮT CHÙA NGŨ BANG
Đỉnh sắt này tồn tại ở Hội An trên 350 năm và có hơn 500 năm tuổi. 
(Bị Tây lấy mất nắp)
Ngũ Bang Hội Quán nguyên trước đây hơn 350 năm là chợ sỉ và kho lưu hàng, là nơi buôn bán trao đổi giữa người bản địa (Chiêm Thành) và người ngoại quốc Âu ,Á, Trung Đông, Ấn…Đa số là người Trung Hoa.
Khi đó từ Quảng Nam trở vào Bình Định người Chiêm Thành vẫn còn nhiều (Quy Nhơn gọi là Tân Châu, Bình Định là Cửu Châu) nên người Việt không dám định cư vì sợ bị giết do mối tư thù giữa 2 dân tộc nên việc buôn bán, nông nghiệp… đều do người Hoa đảm nhiệm (khoảng 1650 trở về trước).
Từ đời nhà Đường, người Triết Giang, Giang Tô đã đến đây (Bia đá trong trường Lễ Nghĩa còn ghi rõ) buôn bán trao đổi nhưng sau đó thì về chứ không ở lại. Từ năm 1400 về sau mới có người ở lại.
Thời thuộc Pháp, sân chùa là nơi thường tổ chức hội chợ.
Vua Bảo Đại cũng đã đến thăm.

Cái Đỉnh sắt ở chùa Ngũ Bang phía trên có cái nắp đậy có khắc chữ ghi rõ niên hiệu nội dung, nhưng đã bị Quân Đội Pháp lấy đi vào khoảng năm 1946-1948. 
Trong một lần đến Bảo Tàng Paris-Pháp, ông Hột (Hoàng Hiệp đời thứ ba) có nhận ra cái nắp này thông qua niên hiệu khắc trên nắp và số đo chu vi nắp.

 Bảng hiệu HOÀNG HIỆP... còn đó.

BÀI THƠ TRÊN CỬA SỔ
Đối diện nhà Hoàng Hiệp này (ảnh) cũng là nhà... Hoàng Hiệp. 
Trên những cánh cửa mặt võng nhà này có bốn bài thơ khắc gỗ thủ công gắn trên mặt cửa, giờ đã thay bằng lá sách gỗ.
Nhà Hoàng Hiệp, trước đây có bốn bài thơ khắc trên cửa sổ.

Dưới đây là nội dung bốn bài thơ do nhà giáo Phạm Thúc Hồng phiên âm Hán-Việt, dịch nghĩa, dịch thơ.
"Chân dung" các bài thơ
Bài thứ nhất:
Phiên âm: 
Đàn bản kim tiêu cụ
Sinh ca thử địa tuyên
Ngân hoa liên cự chiếu
Đào lý yến phương viên
Dịch nghĩa:
Bộ gõ đàn hương đêm nay
Nhịp sênh ca tại đất này 
Đèn sen bằng bạc soi sáng
Tiệc vườn đào mộng tỏa hương thơm
 Dịch thơ:
Đàn ai réo rắt đêm nay
Mà ngơ ngẩn nhịp ca say đất này
Đèn sen bạc sáng vườn cây
Lung linh yến tiệc ngất ngây mận đào
Bài thứ hai:
Phiên âm:
Tửu túng hào hoa ẩm
Phong lưu tưởng thượng tại
Khai diên khuynh ngọc dịch
Đáo tòa mãn kim tôn
Dịch nghĩa: 
Uống rượu phóng túng hào hoa
Thích hợp theo cách phong lưu
Mở tiệc sang trọng chu đáo
Bày biện chén vàng đầy nhà
Dịch thơ:  
Rượu say phong thái hào hoa
Phong lưu nâng chén thiết tha gọi mời
Tiệc hoa nghiêng ngã rong chơi
Khắp nhà rượu rót đầy vơi chén vàng

Thư pháp tài hoa cộng nghệ thuật khắc gỗ
Bài thứ ba:
Phiên âm:
Lục nghĩ phù sơ ấp
Giang loa lãng sạ phiên
Hoan lưu tư xúc tịch 
Tiếu bỗng khuyến lâm hiên

Dịch nghĩa: 
Men rượu ban đầu thấm vào
Vài vòng sóng loang mặt sông
Vui vẻ còn lo việc mở tiệc 
Tiếng cười vang dưới hiên nhà
Dịch thơ:  
Men say đã thấm vào lòng
Mấy vòng sóng nhỏ mênh mông sông dài
Tiệc vui lưu luyến nào phai
Cười vang mời rượu cùng ai hiên ngoài
Bài thứ tư:
Phiên âm:
Bửu điền san hô thái
Hương lao hổ phách ôn
Túy nghi yêu hiệp khách
Tỉnh hoan giải vương tôn
Dịch nghĩa: 
Trâm cài san hô chiếu sáng
Chén hổ phách rượu nồng ấm
Say nên yêu cầu hiệp khách 
Tỉnh cuộc vui đời vương tôn

Dịch thơ:  
San hô trâm ngọc sáng hồng
Chén hổ phách, rượu ấm nồng tỏa hương
Say rồi hiệp khách người thương
Vương tôn chợt tỉnh gió sương một đời

Ất Mùi, Đoan Ngọ tiền nhất nhật
Lục Ty Không viên thi phẩm
Hạnh Đàn chủ nhân thư
(Một ngày trước tết Đoan Ngọ năm Ất Mùi
Sao chép thi phẩm Ty Không Viên
Chủ nhân Hạnh Đàn viết)

Tiệc hoa rồi cũng tàn, men rượu nồng cũng tan. Hiệp Khách hay Vương Tôn rồi cũng phải tỉnh táo đối diện cuộc đời.
 

Tập "Thi Không Viên" và Hạnh Đàn chủ nhân đã phủ mờ trong lớp bụi thời gian chẳng biết hiện diện tự thủa nào, chỉ còn lưu lại một dấu vết thời điểm khắc bài thơ không rõ ràng: Năm Ất Mùi trước têt Đoan Ngọ một ngày!.







Thứ Hai, 8 tháng 11, 2010


ĐỒN LÊ DƯƠNG VÀ ÔNG BẢY HÒA
Tại Hội An thời Pháp chiếm đóng, họ đã lập bốn đồn lính: Đồn lớn, Đồn magine, Đồn Tiếp Lực và Đồn Lê Dương. 
Có mười hai pháo đài được xây dựng: Cẩm Nam 3 cái (thôn 1, đã bị chìm xuống sông), gần chợ cá Hội An 1 cái (bị đẩy xuống sông). Trong Hội đồng xã Hội An (Công an thành phố Hội An) 1 cái, ngã tư Nhị Trưng-Nguyễn Công Trứ 1 cái, đối diện nhà chè phía đường Nguyễn Huệ 1 cái, phía sau tòa hành chánh tỉnh đối diện cổng sau sân vận động 1 cái, tất cả 4 lô cốt này đã bị phá. Đồn Lớn (đường Phan Chu Trinh) 2 cái, đồn Tiếp lực 1 cái (hẻm Khổng miếu), An Hội 1 cái, ba nơi này hiện còn 4 cái.

 
Lô cốt Pháp trong nhà dân ở An Hội

Móng ngôi nhà này là lô cốt Tây bị đẩy xuống sông 
(Hiệu buôn Quảng Thắng - cạnh chợ cá Hội An)

ĐỒN LÍNH LÊ DƯƠNG
Đồn nằm trên đường Phan Châu Trinh khống chế bởi hai con đường cắt ngang Nguyễn Huệ và Hoàng Diệu, chủ yếu là phía bắc (gara Mai), cộng với lô đất trống đối diện nằm phía sau đình Tín Nghĩa.
Ngoài đất đình, tất cả đất còn lại thuộc sở hữu bà Nghè Thanh.
Thời đó đoạn đường này bị rào kín hai đầu.

 Cổng nhà bà nghè Thanh
Ngay góc ngã tư Phan Châu Trinh – Nguyễn Huệ, trước đó đã có xưởng chế biến chè (nguyên liệu lấy từ Phú Thượng, Huế) nên thường gọi là “nhà chè”.

Nhà chè
“Mãn mùa chè nệm cuốn sàng treo
Ta về bỏ bạn gieo neo một mình
Bạn ơi...,
Chớ có buồn tình,
Mùa nay không gặp, hẹn mình mùa sau”
                                  Ca dao Hội An

Đồn Lê Dương là đồn dành riêng cho “lính đánh thuê” hầu hết là người Maroc, Congo, Tuynidi, Sénégal... Người Hội An thời đó quen gọi là đồn lính Ma rốc hoặc đồn... tây đen rạch mặt.
Tuy nhiên trong đám đen vẫn lưa thưa vài đốm trắng. Những người lính trắng này là người Đức, tù binh của Pháp vì không chịu nổi sự đày ải và thiếu ăn nên tình nguyện làm lính viễn chinh.

ÔNG BẢY HÒA
Một lần, những người lính Đức lê dương vì uất ức người Pháp đã dùng than vẽ trên bức tường gần ngã tư Lê Lợi – Nguyễn Thái Học (bây giờ) hình một madame lõa thể và vẽ thêm một người đàn ông chui qua chân con đầm đó có ghi chú bằng tiếng Đức lời lẽ thóa mạ người Pháp rồi cười nói huyên thuyên.

Những người lính Đức lê dương đã vẽ trên bức tường màu vàng này. 

Lúc đó, vô tình ông Bảy Hòa từ nhà gần đó đi ra, đã nói với những người Đức, đại ý là ông đọc, hiểu được thì người Pháp cũng có thể như vậy, và hậu quả, di hại sẽ khôn lường.
Vô cùng kinh ngạc rồi xóa vội bức hí họa, chiều đó những người lính này mang quà đến tặng và cảm ơn ông.
Ông giỏi cả bốn thứ tiếng: Anh, Pháp, Đức, Hoa.
Ông từng viết lời Hoa cho ca khúc (mà sau này Thế Lữ đặt lời Việt là "Xuân và tuổi trẻ") của La Hối.
Ông là tác giả bài thơ "Mộng Doãn Chánh" mà sau này La Xuân phổ nhạc lấy tựa là: "Tôi trở về Hội An".
Khi móng vuốt đã lộ ra, người Hội An từ đó biết đâu là hổ, biết đâu là rồng.

Ông Bảy Hòa tên tộc là Diệp Truyền Hoa, người gốc Quảng Đông, là cậu của ông Sùng, người có gia tài đồ cổ lớn nhất Hội An.
Ông Diệp Truyền Hoa từng theo học đại học Thanh Hoa, Bắc kinh Trung Quốc.

Cũng thời gian này, nhà văn TAM ÍCH cùng với ông Đàm Quang Nhơn (chồng cô mụ An, chị ông Huỳnh Sỏ) hoạt động Việt Minh trong nam bị thực dân Pháp bắt đưa đi an trí tại Hội An. Chính nơi này hai ông kết thân, rồi ông Tam Ích thành “rể Hội An”, nên duyên với chị ông Bảy Hòa (bà Diệp Truyền Vân).
Ở Hội An, ông Tam Ích thường được mọi người gọi là “ông giáo”.

Khi chồng mãn hạn lưu đày, bà Vân theo chồng vô Sài Gòn (ở trong hẻm đường Nguyễn Thiện Thuật), ông Bảy Hòa cũng bỏ Hội An xuôi nam.

Vào đất Sài Gòn, ông Bảy Hòa chuyên dịch các báo như New York Times, Paris Match ra tiếng Hoa đăng báo kiếm sống qua ngày. Thời gian sau ông được người đồng hương là ông Hòa Ên tức Huỳnh Hoa Anh hiệu Huỳnh Nhơn Lợi giới thiệu đi thi để làm việc cho hãng BGI Pháp. Kết quả đợt đó ông được tuyển chọn, hứa hẹn được cấp biệt thự, xe hơi có tài xế riêng nhưng ông bỏ ngang. Sau đó ông Tam Ích giới thiệu ông đi dạy triết đông cho các đại học ở Sài Gòn và cả Huế.
Nhà ông Hòa Ên ở ngã ba Nguyễn Thái Học-Trần Quý Cáp Hội An

Ông Bảy Hòa sinh năm 1919, qua đời năm 1972. Sau khi ông mất gia đình có kể lại: Ông sinh thiếu tháng, đến 5 tuổi vẫn còn nằm nôi, thức đêm nhiều, chịu khó tự học, chọn bạn mình, ông Phan Thêm tức Cao Hồng Lãnh, làm thầy để học thêm tiếng Pháp (Ông Phan Thêm, người Hội An thường gọi là ông Năm Thêm từng hoạt động Việt Minh. Trước năm 1954 ông bị Pháp bắt giam ở nhà lao Nha Trang, người giải cứu ông thoát khỏi tù là bạn đồng môn: anh ông Tiết Yên.).