ĐÌNH ÔNG VOI
Xa xưa Hội An là làng, rồi là xã.
Đất xã Hội An khá rộng, sau nhượng bớt cho Minh Hương.
Bây giờ Hội An là tên của thị xã, rồi thành phố. Địa danh làng, xã Hội An không còn nữa.
Tiền hiền Hội An
Trước kia khi hai con đường Bạch Đằng và Nguyễn Thái Học chưa có, thì, con đường đất chạy từ miếu Ông Cọp ra đến bờ sông (giữa đường Cường Để và Nguyễn Thái Học bây giờ) là con đường huyết mạch của người làng Hội An để ra sông giặt giủ, lấy nước. Riêng đoạn từ nhà thờ Đạo đến miếu Ông Cọp được bà Thiên (bà LA THIÊN THÁI) ra tiền thuê phu mở rộng thêm sau này.
Hội An có câu: "Đất: Cữu Cang - Nhà: La Thiên Thái". Ông Cửu Cang nhiều đất quá nên để vài mẫu ở Trường Lệ trồng cây trảy để chọn cây đẹp làm cần câu... chơi.
Còn bà La Thiên Thái ở Hội An có đến 84 cái nhà, chưa kể La Thiên Thái ở Huế.
Trên đoạn đường này, bà Thiên cũng cho đào một giếng nước cho dân Xóm Mới, Trường Lệ lấy nước (vì gánh bộ từ sông về quá xa).
Giếng bà Thiên (nằm trong hẻm cách miếu Ông Cọp 200m). Hằng ngày thấy quá nhiều người sử dụng giếng nước (vì gần chợ), chủ ngôi nhà sau giếng nước xin phép chính quyền đúc nắp bê tông đậy hẳn lại để bảo tồn di tích. Từ cây trụ thép trở ra, ngày xưa là đất lao xá. Phạm nhân cũng từng múc nước giếng này để tưới rau khu vực bên trong.
Như vậy, đường Lê Lợi là con đường "ăn-nói" của dân xã-làng Hội An. Miếu Tiền Hiền và Hội An Đình (tức đình Ông Voi) cùng nằm trên con đường này.
Một phần mặt tiền còn lại của Đình Ông Voi (nhìn về hướng nam). Cổng chính đã bị xây kín và án ngang bởi ngôi nhà 2 tầng làm nhà trẻ (xem ảnh). Mặt bên đã phá hủy hoàn toàn và xây mới tạo lối ra vào cho nhà trẻ.
Mặt sau đình Ông Voi khuất sau nhà dân.
Cũng vì cặp voi chầu này mà ĐÌNH HỘI AN "biến thành" ĐÌNH ÔNG VOI.
Trong bi ký "Phổ Đà Sơn Linh Trung Phật" ở động Hoa Nghiêm núi Ngũ Hành Sơn (Non Nước) có niên đại 1640, đã xuất hiện địa danh "Hội An xã".
Suốt chiều dài lịch sử, xã Hội An chuyên hoạt động thương nghiệp và tiểu thủ công nghiệp nhưng do truyền thừa văn hóa làng xã nông thôn nên dân xã đã dựng đình làng làm nơi thờ tự thành hoàng và các vị thần khác bảo hộ cho xã mình. Theo tập quán phổ biến xưa, khi hình thành làng xã và có xã hiệu tất có điểm thờ tự đồng thời để có nơi sinh hoạt cộng đồng, đình Hội An có khả năng được xây dựng cùng khoảng thời gian đó.
Từ sân nhìn vào, tiền đình rộng khoảng 10 mét, sâu 7 mét dạng hình chữ U. Phần lõm là cửa ra vào, vì kèo kiểu kẻ chuyền đặt trên những cột gỗ tròn và vuông, chân tán đá.
Nối tiền đình và chính đình là khoảnh sân rộng nền thấp lát đá Thanh, đá muối. Chính đình gồm 3 gian. Hàng hiên có 4 cột đá hình trụ vuông khắc các câu đối:
Hội thủy chung linh thiên hải bắc
An dân phong điển quốc gia nam
Phước chỉ thanh linh tề tả hữu
Kiệu sơn chính khí trấn tây nam
Bảy hiên gỗ chạm hình quả trám và nụ hoa. Các hàng cột trong bằng gỗ tròn, chân tán đá 2 thớt. Thớt hình bát giác ở dưới dày 12 phân, cạnh 20 phân. Thớt trên tròn đường kính 34 phân. vì kèo chính đình kiểu chồng rường, không trang trí có xà cò ghi lại thời điểm trùng tu:
THÀNH THÁI ĐINH MÙI NIÊN, HỘI AN XÃ QUAN VIÊN CẢI TẠO, KIM QUÝ TỴ NIÊN THẤT NGUYỆT CÁT NHẬT BỔN XÃ, HỘI ĐỒNG HƯƠNG CHÍNH TRÙNG HƯNG
Xà cò chính đình
Qua chính đình là hậu tẩm rộng 3,9 mét, sâu 3,6 mét. Giữa hậu tẩm là bệ thờ, khóm gỗ chạm trổ công phu với tứ linh,mặt trời, hoa dây, mây lửa.
Giữa khóm đặt hai hộp sắc phong và ba bài vị thần chủ
Bài vị chính giữa: CHÍ ĐỨC THÀNH HOÀNG TÔN THẦN CHI VỊ
Bài vị bên phải: THỔ ĐỊA PHƯỚC ĐỨC CHÁNH THẦN CHƯ VỊ
Bài vị bên trái: SẮC TỨ: HỘ QUỐC TỲ DÂN LỢI VẬT THÁI GIÁM BẠCH MÃ THẦN VỊ
Trong hậu tẩm có cầu thang lên gác gỗ, chính giữa khám thờ thần chủ Đại Càn
Tượng Phật Quan Âm (phía trước) và tượng thần chủ (trên ngai) đã bị thất lạc
Hai câu liễn hai bên ghi:
THANH TỊNH KIẾN NHƯ LAI
TỪ BI QUAN THẾ CHÍ
Hai câu liễn hai bên ghi:
THANH TỊNH KIẾN NHƯ LAI
TỪ BI QUAN THẾ CHÍ
Bài vị thần chủ đình Hội An:
ĐẠI CÀN NAM HẢI QUỐC GIA TỨ VỊ THÁNH NƯƠNG VƯƠNG
Bài vị xoay về hướng đông (bên cạnh):
CUNG THỈNH NGŨ HÀNH THÁNH MẪU TIÊN NƯƠNG
Tường đông có một bàn thờ đặt 3 bài vị:
Bài vị chính giữa:
SẮC TẶNG: TỀ THÚC PHIẾM ÁI NGUYỄN PHU NHÂN TRUNG ĐẴNG THẦN
Bài vị bên phải:
SẮC TẶNG: MỸ ĐỨC THU BỒN NGUYÊN BÔ BÔ TRUNG ĐẴNG THẦN
(gốc người Chàm)
Bài vị bên trái:
BẠCH THỐ KIM TINH THẦN NỮ CHI LINH VỊ
Hỏi người có tuổi gốc xã Hội An rằng trong đình Ông Voi thờ ai thì họ cùng trả lời như nhau: "Thờ bà ĐẠI CÀN NAM HẢI, thờ cô THUYỀN CHÀI, thờ cô VỌNG PHU, thờ cô CÔ CÁT. Họ cùng kể rằng thời vua Tự Đức, bà ĐẠI CÀN nhập đồng trong cung vua đòi sắc phong cho đình. Trong đình còn 2 bia đá quá mờ nếu đọc được biết đâu giải mã được chuyện này.
Ngoài ra trong đình cũng có tấm bia đá ghi công đức đóng góp dựng đình bị bỏ phơi mưa nắng ngoài sân.
UỐNG NƯỚC... QUÊN NGUỒN!!
Đính chính: Khi làm bài này, đến đoạn tấm bia ngoài sân, không chịu nhìn trước ngó sau, cứ thấy bia đào từ trong đất đình lại liếc sơ thấy ghi tiền cứ tưởng là bia công đức đình Ông Voi. Bửa ni táy máy nhìn lại té ra "bé cái lầm". Hàng chữ bên phải ghi:
KHẢI ĐỊNH THẤT NIÊN NHUẬN NGŨ NGUYỆT CÁT NHẬT
(Khải Định năm thứ bảy, ngày tốt, tháng năm nhuận)
CẨM HÀ, HẢI BÌNH NHỊ CUNG
SỞ HỮU LẠC ĐỀ NGÂN NGUYÊN KỈNH LIỆT DU TẢ
(Cẩm Hà - Hải Bình đệ nhị cung
Ghi chủ cúng tiền kê bên trái)
Hàng bên trái phía dưới ghi: BỔN XÃ ĐỒNG CHÍ (Xã ta cẩn ghi).
Riêng mấy chữ uống nước quên nguồn thì thôi xí xóa và ghi lại: ẨM THỦY BẤT TƯ NGUYÊN vì bia này là bia ghi công đức dựng chùa Bà Mụ "lưu lạc" đến đình Ông Voi, đất vùi cát lấp gần 100 năm mới được đào lên rồi bị vứt bừa ra đó!!.
Cảm ơn chú Soncuongde. Bài này vaf các bài khác trên blog của chú rất quý. Nếu được mong hỏi chú một vài điều d/c email: ngoc.hong.nguyen@asu.edu. Trân trọng
Trả lờiXóa