Thứ Sáu, 19 tháng 11, 2010

HAI MƯƠI NĂM HÀNH TRÌ NƠI PHỐ CHỢ

Cách Tổ đình Chúc Thánh khoảng 500 mét về hướng tây-bắc là chùa Phước Lâm, do đệ tử lớn, đắc pháp của tổ Minh Hải là Thiệt Dinh khai sơn.

Ban sơ khởi thỉ, Phước Lâm là một thảo am để Tổ tu tập thiền. Đến đời trù trì thứ 3 mới xây dựng lại tất cả. Đây là lần trùng tu đầu tiên nhưng lại là quy mô nhất từ trước đến nay.
 Tam quan chùa Phước Lâm nhìn từ bên trong
Vị trù trì đời thứ ba là Hòa thượng PHÁP KIÊM LUẬT OAI MINH GIÁC, đời thứ 36 dòng Lâm Tế Chúc Thánh (Tổ thứ 34 Thiền phái Lâm Tế Trung Hoa MINH HẢI là tổ thứ nhất của dòng kệ Minh Hải phát xuất từ Quảng Nam gọi là dòng Lâm Tế Chúc Thánh), Ngài là huynh đệ với vị trù trì đời thứ 2 Pháp Ấn Tường Quang-Quảng Độ (cùng là đệ tử của hòa thượng Thiệt Dinh, tự Chánh Hiển, hiệu Ân Triêm).

TỔ SƯ MINH GIÁC
Tổ sư thế danh Võ Đức Nghiêm, sinh giờ tuất ngày 15 tháng 1 năm Đinh Mão (1747) tại làng Ngọc Trì, phủ Tư Nghĩa, trấn Quảng Nam (nay là thôn Ngọc Trì, huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi).

Sinh ra từ làng quê nghèo nhưng may được thụ hưởng nếp nhà Nho phong, năm 12 tuổi, Ngài có chí nguyện xuất gia, rời quê nhà hơn 100km tìm đến Hội An (bấy giờ thuộc phủ Điện Bàn) xin thọ giáo quy y với Tổ Ân Triêm chùa Phước Lâm với Pháp danh là Pháp Kiêm, tự là Luật Oai.

Nơi đây Ngài chuyên cần tinh tu kinh luật, được sư phụ thương yêu và pháp lữ kính mến. Gần mười măm tu hành Ngài xin sư phụ về thăm viếng song thân, mà chính Ngài cũng không biết chính chuyến đi này đã đưa Ngài rẽ sang lối khác.

Một loài súng
  Súng và Sen

Bấy giờ, bối cảnh đàng Trong đang hồi loạn lạc, chúa Nguyễn Phúc Khoát qua đời, chúa Nguyễn Phúc Thuần kế vị (1765) là đời Chúa cuối cùng (thứ 9) của họ Nguyễn, mới 12 tuổi, quyền hành nằm gọn trong tay Trương Phúc Loan làm nhiều điều bạo ngược, dân tình đói khổ, loạn xảy ra khắp nơi trong đó có giặc mọi Đá Vách nổi lên cướp phá gây bao điêu linh khốn khổ. Lúc này nhà Chúa ra lệnh bắt dân sung lính, nhà có hai con trai thì một phải đi.

Về đến quê hương trong cảnh loạn ly chết chóc, ngài không cam để anh em mình đưa thân trước lằn tên mũi đạn nên chấp nhận tòng quân đánh giặc mọi Đá Vách. 

Đường tu khép lại từ đây.
Hai mươi năm gian khổ đi qua, thể hiện hạnh nguyện nhập thế cứu đời, Ngài đã dẹp xong đám giặc cỏ, được chúa Nguyễn phong chức Chỉ Huy, một chức tướng quan trọng thời bấy giờ. Tuy nhiên, dù biết gia đình đang nương nhờ danh phận hiện có, Ngài vẫn quyết chí xả bỏ, lần nữa từ giã quê hương tìm lại chốn tòng lâm xưa cũ cùng Thầy bạn tiếp bước tu hành.
 Bia tháp Hòa thượng Minh Giác
"LÂM TẾ TÔNG
Tam thập lục thế Minh Giác Hòa thượng chi tháp
Tân Mão niên mạnh xuân cát đán
Hiếu đồ đồng lập"

Buổi hội ngộ của Ngài cùng Sư phụ và pháp lữ làm bao kẻ ngỡ ngàng: Một võ tướng đương triều dám cởi áo từ quan chối bỏ vinh hoa chọn đường khổ hạnh!!. Sau đó Ngài xuống lời thề xin được làm thân quét chợ 20 năm nữa để mong trả sạch nghiệp đời mà 20 năm chinh chiến gây ra.
Thời gian như bóng câu qua cửa. Hai mươi năm đủ để Người điều phục thân tâm, hạnh nguyện viên thành. Năm 1798, Ngài được tín đồ Hội An cung thỉnh về làm trù trì chùa Di Đà tức Chiên Đàn Lâm- Minh Hương Phật Tự bây giờ và suy tôn ngôi Hòa Thượng với hiệu là Minh Giác.
Thời gian sau, Ngài xin về lại chùa xưa, nơi đầu đời xuất gia quy Phật.
Cuộc đời Ngài là điểm son chói lọi trên trang sử Thiền phái Lâm Tế Chúc Thánh.
Khi biết vô thường sẽ đến, Ngài triệu tập đồ chúng lại dặn dò và xả bỏ báo thân nhẹ nhàng.
Ngài tịch vào giờ Tý ngày 10 tháng 11 năm canh dần 1830, trụ thế 84 năm.
Mộ Tổ sư Minh Giác tại chùa Phước Lâm

Hiện nay tại Tổ đình Phước Lâm còn lưu câu đối mà một nhân sỹ đã nêu lên công hạnh của Ngài:
BÌNH MAN, TẢO THỊ, LƯỠNG ĐỘ GIAN LAO, XUẤT GIA KỲ PHÁT NGUYỆN VƯU KỲ, BÁT DẬT SANH THIÊN THÀNH CHÁNH GIÁC.
TẠO TƯỢNG, CHÚ CHUNG, NHỊ THUNG CÔNG ĐỨC, CÁCH CỰU HẢO ĐẢNH TÂN CỐ HẢO, THIÊN THU GIÁC THẾ VĨNH TRUYỀN ĐĂNG.

(Dẹp giặc, quét chợ, mấy độ gian lao, xuất gia lạ, phát nguyện lại rất lạ, tám chục tiêu diêu thành chánh quả.
Tạo tượng, đúc chuông, biết bao công đức, sửa lỗi đẹp, canh tân càng thêm đẹp, ngàn năm sáng rực ngọn đèn thiền.)
                                                      Tì Kheo Thích Hạnh Niệm dịch


Đường vào chùa

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét