Thứ Sáu, 21 tháng 1, 2011

TỪ SÀI THỊ ĐẾN SÀI GÒN

Nguyễn Văn Xuân

NHÀ NGHIÊN CỨU NGUYỄN VĂN XUÂN. ẢNH NGUỒN INTERNET.

Ngày nay danh tiếng Sài Gòn, càng ngày càng nổi bật tuy nó đã được mang tên mới Thành phố Hồ Chí Minh hoàn toàn thay thế. Trước kia, các sử gia thường thắc mắc về tên riêng của Sài Gòn. Có người ngờ là nó đi từ Preikor có nghĩa là cây gòn mà ra. Thời bấy giờ, toàn bộ vùng Sài Gòn – Gia Định hiện nay là một rừng gòn vĩ đại và hiển nhiên chẳng ai biết khai thác để làm gì. Có người lại cho nó phát xuất từ một tiếng ở phía Nam Trung Quốc Thầy Ngôn đọc nghe giống như Sài Gòn v.v… Còn nhiều cách giải thích khác nhau nhưng chưa có cách giải thích nào đứng vững từ phía người Pháp hay các học giả Việt.

Muốn tìm cho ra cỗi gốc của một danh từ riêng cần phải lưu ý tới lý do đầu tiên đã xuất phát nó. Không thể nào không tìm ra nơi xuất phát, lý do và hoàn cảnh xuất phát mà đoán định được sự hiện hữu của nó. Chẳng hạn muốn tìm hiểu một số đại từ của Đà Nẵng, Hội An ở miền Trung v.v… thì trước hết phải nghĩ nguồn gốc tiếng Chăm còn những tiếng có pha âm vận Âu châu thì không thể bỏ qua nguồn gốc Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha mặc dầu sau này tiếng Pháp đã tràn ngập để thay lần các từ đã có từ thuở ban đầu. Như Hội An được gọi Faifoo thì nguồn gốc xa xôi và đầu tiên âm từ Hai phố ( chứ không phải Hải Phố như có người nghĩ, xem lại bản đồ A. de. Rhodes ) Nhật hoặc phố Tàu. Hoài phố hoặc Hội phố cũng là những chữ mới nghĩ ra sau này. Còn như Tourane thì thật tình phải đi từ chữ Toron và phải nhờ một người Bồ Đào Nha hay Tây Ban Nha đọc lên để xác định âm ấy xuất phát từ đâu.. Một đại uý người Bồ Đào Nha cho biết thành phố Đà Nẵng thời ông ta có tên Cửa Hàn rất thuận lợi cho tàu lớn đến đậu. Giữ cửa Hàn là một chức vụ Thủ ngự Hàn, đọc gọn: Thủ Hàn. Phiên âm theo lối Bồ Đào Nha là Toron rồi Pháp đọc là Tourane.
*
Trở lại tên Sài của Sài Gòn, nguyên sau 1602, khi chúa Nguyễn lập cơ sở thương mãi ở Hội An thì tàu bè ngoại quốc và trong nước vãng lai nhiều. Bấy giờ ban đầu các thuyền bè này đậu tại ở Trà Nhiêu, nơi hiện nay còn các dấu tích của một thị trấn cũ. Nhưng Trà Nhiêu nhỏ hẹp không thể có tương lai lớn nên phải lấy Hội an để tiện cho việc xuất nhập khẩu, có khả năng trở thành đô thị phồn thịnh. Từ Trà Nhiêu đến Hội An có một vũng nước cực lớn, rộng có thể thuyền bè đậu được để vào thành phố. Trên bản đồ đời Lê còn thấy lưu lại tên của bến cảng quốc tế này. Cũng cần nhớ thêm tàu lớn thời ấy muốn vào Hội an dù tàu đậu ở Cù Lao Chàm hay Đà Nẵng cũng đều được các thuyền đánh cá kéo đi. Từ bến cảng quốc tế này, các tàu bè đều cần đến củi và nước sạch để giải quyết sinh hoạt khi ở lại hay tiếp tục hành trình. Củi nước, đặc biệt củi là vấn đề cực kỳ quan trọng cho tàu bè đô thị cũng như cho dân địa phương. Vì thế phải lập một chợ lớn chuyên việc buôn củi bao gồm các thợ đốn củi, các thuyền và bè và lái buôn cho toàn nhiệm vụ này ( ta cũng cần nhớ thêm vào các thế kỷ trước, khắp Xứ Đàng Trong, đường bộ còn rất sơ sài mà giao thông bằng đường thủy là chính ). Đội thủy binh lớn nhất gồm hàng trăm, ngàn ghe thuyền đều hiện diện trên con sông Cái từ Chợ Củi của dinh trấn Thanh Chiêm dẫn xuống Hội An đến tận hải khẩu Đại chiêm. Chợ Thanh Chiêm ngoài việc phục vụ các nhu yếu phẩm cho dinh trấn quan trọng bậc nhất của Xứ Đàng Trong cũng là chợ cung cấp củi cho lực lượng dân, quân, chính và cả tàu bè ngoại quốc như nói trên. Do đó nó mặc nhiên được mang tên Chợ Củi Sài Thị và con sông chảy qua đó ( Sài Giang ) được mệnh danh sông Chợ Củi. Sông Chợ Củi do đó được chính quyền công nhận và được đưa vào thờ cùng với các cơ sở quan trọng của đất nước tại kinh đô gọi là Tự điển. Vậy khi công nương Ngọc Vạn được gả về cho vua Chân Lạp để trở thành hoàng hậu và đất Preikor xem như món sính lễ để Xứ Đàng Trong có quyền mở một đặc khu kinh tế trên đất Chân Lạp ( 1623 ) theo mô hình Hội an thì tất nhiên nó phải theo những thể thức, cơ chế hình thành Hội an. Trước tiên là hải quân của chúa Nguyễn phải lập một chợ củi lớn để phục vụ cho chính mình, cho ghe thuyền của người Việt và của nhiều nước Đông Nam Á đến buôn bán với thành phố mở này. Việc tiếp theo là quản lý và thu thuế. Nếu chợ củi ở trấn Thanh chiêm hay trấn Quảng Nam có tên Sài Thị và con sông chảy qua miền đất đó có tên Sài giang thì ta không ngạc nhiên gì vùng đất mới này được mang tên mới là Sài Gòn tức là chợ củi ở vùng đất của rừng gòn.

Chữ Hán gọi là Sài Côn có nghĩa là cây củi còn tiếng Việt Nam gọi Sài Gòn cũng có nghĩa củi gòn. Chung qui cũng lấy chữ Sài làm căn bản để chỉ một vùng tiếp tế củi (và nước ) cho ghe thuyền. Để xác định thêm cho nhận định này, ta cần nhắc thêm câu ca dao rất thịnh hành  của miền Trung và nhất là của kinh đô:

Hết gạo thì có Đồng Nai

Hết củi thì có Tân Sài chở ra

Tân Sài tức là Sài mới. Nó mặc nhiên xem chợ củi là cựu Sài. Qua câu ca dao ấy, ta được biết kinh đô Huế  bấy giờ ăn gạo Đồng Nai và chụm củi Sài Gòn. Sự trao đổi hàng hóa giữa Hội an và Sài Gòn bấy giờ rất mật thiết. Còn việc quản lý Sài Gòn cũng rút kinh nghiệm cũ để ổn định và phát triển xứ sở mới này. Tất nhiên ngoài quân đội người Việt còn thì những người thâu thuế, lập cửa hàng buôn bán giao cho người Tàu quản trị. Người Tàu miền Nam bao gồm Quảng Châu, Phước Kiến v.v… đã góp phần mở mang thị trấn mới này. Sau khi nhà Thanh đánh tan nhà Minh, các đội hải thuyền quân bại trận đổ tới Đà Nẵng thì chúa Nguyễn Phước Tần biết ta không thể để họ lưu lại vùng đất chật hẹp này. Nguyễn Phước Tần đã khôn khéo điều động họ vào Nam. Học giả Phương Đình Nguyễn Văn Siêu trong tập Đại Việt Địa Dư Toàn Biên  Nhà xuất bản Văn Hóa ghi nhận: ” Thái Tông Hiếu Triết hoàng đế ( Phước Tần 1648 – 1687 ) lũ Tổng binh là Trần Thắng Tài, Cao Lôi Liêm cũ của nhà Minh theo về ta. Chúa cho lũ ấy ở đất Đông Phố nước Cao Man, mở đất lập phố sầm uất có vẻ Trung Hoa. Hiển tông Hiếu Minh Hoàng đế ( Phước Châu 1691 – 1725 ) năm Mậu Dần sai Chưởng cơ Nguyễn Hữu Kính đi kinh lược Cao Man. Lấy xứ Đồng Nai làm huyện Phúc Long, đặt dinh Trấn Biên ( Thời quốc sơ những chỗ đầu địa giới gọi là trấn dinh ) thuộc phủ Gia Định, mộ những dân xiêu tán cho ở vào đất ấy”



Xem qua như thế thì thành phố Sài Gòn đã khởi lên ban đầu như một ”đặc khu kinh tế” thứ hai sau Hội an ở Xứ Đàng Trong. Cái tên Sài cũng đi từ Chợ Củi dưới quyền điều động của dinh trấn Thanh chiêm ( tổng trấn Quảng Nam ) và nó đã là cơ sở vững chắc cho sự trao đổi hàng hóa giữa Hội An với đất phương Nam. Thời kỳ quân nhà Minh đổ sang thì bọn Trần Thắng Tài đã lập thành phố xá có nề nếp và kiểu cách giống một thị trấn ở miền Nam Trung Quốc giữa lòng Gia Định. Gia Định bấy giờ chắc rất nổi tiếng về buôn bán cũng như Đồng Nai nổi tiếng về lúa gạo. Còn thấy dấu vết qua câu ca dao:
Nhà Bè nước chảy chia hai
Ai về Gia Định Đồng Nai thì về

Từ thế kỷ 17 đến nay, 4 thế kỷ trôi qua, Sài Gòn trải qua bốn thời kỳ thay đổi lớn: Thứ nhất: Thời kỳ hoàng hậu Ngọc Vạn vợ Chey Chetta II. Thứ hai: thời kỳ Trần Thắng Tài và Cao Lôi Liêm. Thứ ba: Chưởng cơ Nguyễn Hữu Kính đi kinh lược Cao Man. Thứ tư: Khi người Pháp sang thay đổi hẳn cơ cấu tổ chức, mở mang theo lối Tây phương để có bộ mặt Âu hóa mới hẳn như ngày nay.

Nếu Sài thị hay Chợ Củi một địa điểm cực kỳ quan trọng tiêu biểu cho sức mạnh phát triển đất nước của Xứ Đàng Trong thì tất cả đều đã thay đổi. Di tích của Chợ Củi chỉ lưu lại cái tên không ai quan tâm nữa tuy mới đây, đầu thế kỷ XX, Huỳnh Thúc Kháng và các bạn ông đã được giáo dục đào tạo tai trường Đốc Quảng Nam dưới bóng Văn Miếu của bậc vạn thế sư biểu mà Huỳnh Thúc Kháng cho là chốn phồn hoa đô hội. Cả con sông mang tên Sài Giang tức là sông Chợ củi đến nay cái  tên cũng không còn. Độc giả xem bản đồ chữ Hán còn thấy rõ hình ảnh con sông này từ ngọn nguồn ( Sài giang thượng nguyên ) và trên con đường nó đổ xuống Hội an còn được ghi dấu vết cũ cũng được ghi Sài Giang thì nay đã hoàn toàn đổi thành sông Thu Bồn không biết do ai đã đổi và đổi vào lúc nào mặc dầu kinh đô vẫn còn ghi tên nó ở Tự điển. Con đường sắt dẫn từ Hội An ra Đà Nẵng cùng tòa sứ rồi đến thành tỉnh Quảng Nam trên bản đồ với văn miếu và trường Đốc cũng từng bước rơi vào quên lãng. Sài Thị mất nhưng Sài Gòn vẫn mỗi ngày một phát triển và mới đây được kỷ niệm ba trăm năm một cách long trọng dù nó được đổi sang tên mới về hành chính nhưng còn tên cũ vẫn sống mãi trong lòng dân.

Nhưng niềm an ủi lớn nhất của Sài Giang tức con sông Chợ Củi chảy qua cửa Đại Chiêm thì thành phố Hội An ( vật dâng hiến của sông này ) may mắn thay được ghi nhận là di tích văn hóa thế giới. Hội An phải chăng mang rõ dấu ấn của Sài Gòn cũ nhưng đã bị  hủy diệt hẳn từ thuở Tây qua. Sài Gòn mới ngày nay càng ngày càng phát triển rất xứng đáng với tên Tân Sài đã có từ thế kỷ XVII, XVIII./.
                (Trích từ http://antontruongthang.wordpress.com)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét