Thứ Ba, 14 tháng 12, 2010

MIẾU VĂN THÁNH MINH HƯƠNG
Khi tiền hiền Minh Hương dời sang vị trí mới, thì trên nền cũ của Tụy Tiên Đường một thời gian sau, miếu Văn Thánh Minh Hương được khởi dựng.
Miếu được định vị theo địa chỉ hiện tại: Số 20 đường Phan Chu Trinh, khối An Thái, phường Minh An, thành phố Hội An.

Miếu Văn Thánh Minh Hương (người Hội An thường gọi là đình Viên Chỉ) có ngôi nhà Đông đã bị phá hủy từ lúc nào không biết.
Khi ngôi miếu vào giai đoạn hoàn thành, dân làng Minh Hương đã thỉnh mời danh sĩ triều Nguyễn là ngài Đặng Huy Trứ (1825-1874) tự Hoàng Trung, quê làng Thanh Lương, huyện Hương Trà, phủ Triệu Phong, trấn Thuận Hóa (Thừa Thiên - Huế) viết văn bia lưu niệm.
Ông Đặng Huy Trứ là người giàu lòng yêu nước và có tinh thần cải cách. Ông đỗ Giải Nguyên năm 1847, dạy học, viết sách, làm quan từng kinh qua chức vụ: Tri huyện, Tri phủ, bố Chánh, Ngự Sử, Biện lý bộ Hộ, Khâm phái quân sự. Ông hai lần công cán đến Trung Hoa để tìm hiểu kỹ thuật. Ông từng lập Ty Bình Chuẩn ở Hà Nội (1866) lo việc kinh doanh và lưu tâm đến việc đóng tàu đúc súng cho triều đình. Năm 1869, ông mở hiệu ảnh đầu tiên rồi hiệu sách, nhà in tại Hà Nội. Ông cùng Hoàng Kế Viêm lo việc chống Pháp những năm 1873-1874 và mất tại Đồn Vàng, Hà Tây khi đang trong quân ngũ. Ông để lại tác phẩm "Đặng Hoàng Trung thi sao" (Trích Bách Khoa Toàn Thư Việt Nam).
Giữa tiền đường, bức hoành phi đã hoen màu mực ghi:
宮 成 大
ĐẠI THÀNH CUNG
Hoàng triều Tự Đức, tuế thứ Mậu Thìn
Minh Hương xã, Đoan Ngọ nhật phụng cúng

Dưới đây là phần dịch nghĩa bi ký của Thượng Tọa Thích Hạnh Niệm.
Mùa thu năm Mậu Thìn (1868) ta ngụ ở đất Việt, được người từ Minh Hương, Quảng Nam đem tin về việc xây dựng đền thờ Văn Thánh đã hoàn thành và xin lời của ta. Ta nói đó là một nghĩa cử! đã lập bia ghi lại chưa? Người đó nói chưa. Phàm việc phụng thờ đại thánh là việc lớn, phải viết văn bia để truyền lại cho đời vậy.
Minh Hương xưa nay chưa có đền thờ Văn Thánh nhưng người khoa bảng trước sau xuất hiện, thật là lớn thay! Đạo của Thánh nhân, không phải chờ đợi có đôi ba thước tường, vài hàng cột phụng thờ rồi sau mới ban phước cho. Nay chư vị thân hào đã vì nghĩa mà xây dựng Thánh Từ  để báo đáp Thánh Ân, ta lại tiếc gì lời. Tuy nhiên, điều đáng lo là sau khi các bậc tiền bối trong làng từ ông Trương đến ông Thi, ông Lý, Thái, Hồng mất rồi, việc hành chính trong làng không có gì khởi sắc. Gần đây, số dân đinh giảm, tiền thuế thì tăng, lợi tuất thu từ chợ mất, đường buôn bán thì ủng tắt, năm Giáp Tý bị đói khát, năm Ất Sữu bị hỏa tai, làng đã thiếu hụt tài chính từ lâu rồi. Những đền thờ Thần, những chùa thờ Phật người trước đã xây dựng, được đồng hương cúng phụng trải qua nhiều năm bị hư hoại vẫn chưa rãnh để sửa chữa, huống nữa là Thánh từ mới xây dựng cũng chỉ xuất từ tài sản trên mười ngón tay của đồng hương! Thế rồi việc cát, nước không đúng độ, không phù hợp và từ sáng đến tối cứ mãi thay đổi, công việc vật liệu không đúng kích thước, rồi thay rui, đổi ngói cùng với lâu ngày sinh biếng nhác trễ lười, tâm lực không liên tục để rồi hương khói tiêu điều, tường nhà hư sụp. Đó là điều ta lo vậy. Hãy từ từ xem xét giải quyết có thể thành tựu vậy.

 Văn bia năm 1871 còn lưu tại nhà Tây
Mùa hạ năm rồi, ta ở tại làng Long Biên, Thưởng thọ Chánh Cữu Phẩm Tú tài Trương Hoài Bang lại đến thỉnh. Ta nói với ông, ta chờ đợi chính vì lý do đó. Mùa hạ này, ta ở trong quân tại Bắc, có người từ phương Nam đến, ta hỏi thì được biết không phải lo ba vấn đề trên. Ta nói: "Đến thờ xây dựng đến nay đã được ba năm rồi vậy".
Đạo trời cứ ba năm có một tiểu biến. Bởi vì để đối phó với sự thay đổi ba năm mà nay đã làm được việc có thể chịu đựng cả trăm năm, vì vậy phải có văn bia. Do vậy cho nên ta gối trên vũ khí mà viết bài ký này.

Đền thờ này xây dựng tại nền cũ đình tiền hiền ấp Hương Định theo Nhâm sơn Bính hướng kiêm Hợi, Tỵ (Bắc-Tây Bắc và Đông-Đông Nam - theo la bàn Bát quái). Ngày 10 tháng 9 mùa thu năm Đinh Mão (1867) đắp nền.
Ngày 25 tháng 11 thượng lương. Ngày 16 tháng 3 năm Mậu Thìn (1868) cáo thành do ông Trương Hoài Ban chủ trương xây dựng.

Năm thứ hai mười bốn Hoàng triều Tự Đức, ngày rằm tháng tư, mùa hạ năm Tân Mùi(1871).

Bang Biện Lượng Bình Ninh Thái quân vụ, đỗ đầu kỳ thi hương khoa Đinh Mùi (1847) Đặng Huy Trứ kính ghi.
Toàn xã Minh Hương đồng phụng lập
Thí sinh Cộng Quán thành kính viết
NHỮNG LẦN TRÙNG TU
Lần thứ nhất: Tháng 2 năm Tân Hợi (1911)

Xà cò tiền đình ghi:
"Đại Nam, Duy Tân ngũ niên, tuế thứ Tân Hợi, trọng xuân kiết nhật"
Lần thứ hai: Vào tháng ba năm 1938

Mặt trong hai trụ chính cổng tam quan ghi:
"Bảo Đại thập nhị niên tam nguyệt nhật
Minh Hương xã bổn xã đồng trùng tu"
BÀI VỊ:
Chánh điện đặt khóm to thờ thần chủ Khổng Tử:


至 聖 先 師 孔子 神 位
CHÍ THÁNH TIÊN SƯ KHỔNG TỬ THẦN VỊ

Hai gian Đông - Tây thờ Tứ Phối.
Gian đông thờ thần chủ TỬ TƯ và NHAN HỒI:
THUẬT THÁNH TỬ TƯ TỬ THẦN VỊ
KẾ THÁNH NHAN TỬ THẦN VỊ
Gian tây thờ TĂNG TƯ và MẠNH TỬ:
TÔN THÁNH TĂNG TỬ THẦN VỊ
Á THÁNH MẠNH TỬ THẦN VỊ

"Thuở ấy, làng Minh Hương chưa có người khoa bảng: đỗ Đại khoa (Tiến sĩ), đỗ Tiểu khoa (Cử nhân) mà chỉ có 8 Tú tài, 6 Văn giai, 1 Chánh cữu phẩm, 2 Tùng cữu phẩm mà đã đồng tâm hiệp sức huy động nhân tài vật lực xây miếu Văn Thánh là một ngoại lệ đáng trân trọng." (Nhà giáo Phạm Thúc)


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét