Chủ Nhật, 26 tháng 12, 2010

MỘT THỜI VANG BÓNG

Trước khi có một cái tên thống nhất, Hội An còn có những tên gọi khác như Hồ Bi, Cổ Chai, Cổ Tam, Faifoo, Hai Phố, Hải Phố, Lâm Ấp...mà các tài liệu thư tịch cổ đã ghi lại.

Hầu hết những di tích cổ kính mà du khách được thưởng lãm trên đất Hội An bây giờ, một thời từng được dựng xây trên hoang liêu đổ nát của cuộc nội chiến tương tàn tay ba: Nguyễn - Trịnh - Tây Sơn.

Ngược dòng thời gian thêm một tí nữa, những cái tên Chiêm cảng, Đại Chiêm hải khẩu (Cửa Đại), Chiêm Bất lao (cù lao Chàm), Trà Nhiêu, Trà Quế, Trà Quân quanh đây, hay xa hơn - kinh đô Trà Kiệu, gợi nhớ hơn một lần người dân Hời từng có mặt ở đây mà dấu tích còn để lại là vài cái giếng Chàm ở Cẩm Hà, Cẩm Thanh, Trà Quế, miếu thần Chàm ở Thanh Hà, các bài vị ở đình ông voi, đình Sơn Phong thờ nữ thần Poh Nagar (chúa Ngọc) hay lời khấn vái khi cúng đất đai của dân làng cựu Sơn Phong còn truyền lại đến bây giờ: Tầm Vông xứ.

 Giếng Chàm ở Trà Quế
Từ thế kỷ XIV và đặc biệt, thế kỷ XV đã có cư dân người Việt sinh sống ở đây. Căn cứ vào bia cổ, gia phả, xà cò đình chùa, nhà thờ tộc, từ thời Lê Hồng Đức (1470-1471) đã có làng Võng Nhi (thuộc Cẩm Thanh bây giờ) và trước năm 1553 đã có xã hiệu Cẩm Phô, Hoài Phố trong lòng nội thị Hội An.

Năm 1602, Chúa Nguyễn Hoàng muốn xây dựng nghiệp lớn truyền lập dinh trấn Thanh Chiêm, giao cho con là Nguyễn Phúc Nguyên mở đặc khu Hội An giao thương với các nước. Cùng lúc, ở Đông Á và Đông Nam Á, đại thương nhân Nhật được cấp phép ra nước ngoài buôn bán (trước 1636), nhà Minh bỏ lệnh cấm buôn bán với miền Đông Nam Á và sau đó việc Minh thua Mãn (1644) đã gây ra trào lưu di tản của người Hoa đến Đàng Trong. Phía Tây, các nước đang phát triển cách mạng tư sản, đi tìm thị trường và nguồn hàng ở phương Đông cho đến tận Viễn Đông đã dẫn đến sự hưng thịnh cho đô thị - thương cảng Hội An.
Dưới đây là bài của Nguyễn Phước Tương viết năm 1998.
Vào cuối thế kỷ 16, dư­ới thời các Chúa Nguyễn, Hội An đã trở thành một đô thị thương cảng sầm uất. Thư­ơng thuyền các nước Bồ Đào Nha, Hà Lan, Anh, Tây Ban Nha... từ Tây âu, Nhật Bản, Phi Luật Tân từ Viễn Đông; Trung Hoa, Nam Dương, Thái Lan, Mã Lai từ Đông Nam Á hàng năm đến mua bán tấp nập thông qua hội chợ quốc tế tổ chức kéo dài trong nhiều tháng.
Ngoài chủ tr­ương mở rộng cửa đón th­ương khách n­ước ngoài đến buôn bán, Chúa Tiên Nguyễn Hoàng còn cho phép hai giới thư­ơng nhân n­ước ngoài là người Nhật và người Hoa tìm địa điểm thích hợp để dựng phố buôn bán lâu dài và cũng từ đó ra đời Phố Nhật Phố Khách vào cuối thế kỷ 16 đầu thế kỷ 17.
Trong thực tế lịch sử, Phố Nhật đã ra đời sớm hơn. Có lẽ vào khoảng 1598, một số th­ương gia giàu có Nhật Bản đã đến buôn bán ở Hội An và xin phép Chúa Nguyễn lập phố, dựng chùa. Lúc bấy giờ phố Nhật trên cảng thị Hội An được gọi là Nhật Bản Nhai, nằm phía đông về hư­ớng mặt trời mọc, trên vùng đất thuộc phư­ờng Minh An của thị xã Hội An hiện nay. Ng­ười Nhật cũng là người nước ngoài đầu tiên đến sinh sống trên đất Hội An. Tuy nhiên trước khi họ lập phố ở đây cũng đã có một số thương nhân người Hoa đã đến Hội An buôn bán như trường hợp của nhà buôn Trần Tấn Tùng vào năm 1577. Và cũng có một số thư­ơng nhân người Nhật cũng đã đến buôn bán sớm hơn ở Hội An như Bạch Tồn Hiển Quý vào năm 1585 và sau đó là Suetsuga và Funamoto.
Trên khu phố do mình xây dựng, cộng đồng ngư­ời Nhật đã lần l­ượt dựng nên các công trình kiến trúc lớn như­ Nhật Bản Dinh, Tùng Bản Dinh Tùng Bản Tự khang trang, lộng.
Tùng Bản Tự hay Chùa Tùng Bản do th­ương gia ng­ười Nhật là Shichirobei đầu tư­ xây dựng trư­ớc năm 1640. Sở dĩ  có tên gọi như­ vậy bởi vì Tùng Bản là hiệu của thương gia đó. Theo sơ đồ nằm ở bờ bắc Sài Giang, tức sông Hội An hiện nay, và về phía đông của Tùng Bản Dinh hay Dinh Tùng Bản. Ng­ười ta còn phát hiện trên văn bia “Phổ Đà Sơn Linh" dựng vào năm 1640 tại động Hoa Nghiêm của Ngũ Hành Sơn ở Đà Nẵng tên Nhật Bản Dinh đ­ược nhắc đến chín lần và tên Tùng Bản Dinh đư­ợc nhắc đến một lần.
Nhà nghiên cứu Pháp Noel Peri, trong tác phẩm “Tiểu luận về mối quan hệ giữa Nhật Bản và Đông D­ương ở  thế kỷ 16  và 17” đã viết rằng Phố Nhật vào thế kỷ 17 dài chừng ba trăm hai m­ươi mét, gồm hai dãy nhà nằm gần một cái chợ và bán đủ các mặt hàng. Các dãy nhà đó chạy theo trục một con đường nằm một bên hải cảng có nhiều tàu thuyền cập bến, họp thành đô thị Nhật Bản (1)
Nhà nghiên cứu chuyên sâu về đô thị cổ Hội An ngư­ời Nhật là Ongura Sadao trong tác phẩm “Người  Nhật thời kỳ thuyền Châu ấn” đã viết như­ sau: Phố Nhật kéo dài tới ba ô đường  Ở cả hai bên đ­ường , ngay cạnh bờ sông. So với phố ngư­ời Đ­ường (tức phốl khách) thì phố Nhật gồm cả những ngôi nhà hai tầng, có cấu trúc cầu kỳ hơn, các ngôi  nhà làm sát nhau. Trong đó có ngôi nhà ba tầng làm rất cầu kỳ. Có thể ngôi nhà đó là nơi hội họp của người Nhật trước đây. Ở  những ngôi nhà nhìn ra đ­ường th­ường có mái hiên để chốn gnóng. Không có chỗ nào là không giống dáng dấp của những căn nhà của dòng họ Chaya ở Owari "(2)
Dòng họ Chaya (hay Trà Ốc) là một trong những dòng họ đại thư­ơng gia Nhật Bản đến buôn bán khá sớm ở cảng thị Hội.An. Th­ương gia của dòng họ đó là Chaya  Shirojiro đến Hội An vào những năm 1615-1624 và là ng­ười đã ra lập ra bản đồ hàng hải Giao Chỉ (tên gọi Đại Việt của ngư­ời Nhật) vào đầu thế kỷ 17 gọi là “Giao Châu Dịch Đô Hải Đồ”, trong đó kèm theo một bức tranh màu vẽ về quanh cảnh Phố Nhật ở cảng thị Hội An, đư­ợc gọi là “Giao Chỉ Mậu Dịch Đô Hải Đồ”, trong đó kèm theo một bức tranh màu vẽ về quang cảnh Phố Nhật ở cảng thị Hội An, được gọi là “Tranh Chaya” mà hiện nay bức tranh này còn lưu trữ tại Chùa Jomyo Thành phố Nagasaki ở Nhật Bản.

Vào thời cực thịnh, Phố Nhật ở cảng thị Hội An đã  có mặt trên một ngàn thương nhân Nhật Bản sinh sống và lập ra nhiều cửa hiệu buôn lớn. Vào thời đó có mười dòng họ thương giàu có đến buôn bán với cảng thị Hội An như ­Suminokura, Kiya, Sueyoshi, Funamoto, Suetsugu, Araki, Hirano, Hashito... trong đó dòng họ Chaya đã m­ười một lần chở hàng đến buôn bán với cảng thị Hội  An, đặc biệt là vào năm 1623 Chaya Shiroiiro đã đưa ba trăm tấn hàng cùng ba trăm thủy thủ làm cho Chúa Nguyễn nức lòng(3) . Nhiều thương gia Nhật Bản đã kết hôn với phụ nữ Việt nam như­ ông Heizaburo lấy bà Nguyễn Thị Chức, ông Shurikan lấy bà Đỗ Thị Mặn, ông Achiko lấy bà Cụ Thị Chủng, ông Kadoya lấy bà Nguyễn Thị  Nụ, ông Heizaemon lấy bà Nguyễn Thị Nở....
Quy mô Phố Nhật lúc này dài ba, bốn dặm với chừng một trăm nóc nhà, vì lẽ đó mà những th­ương nhân ph­ương Tây đến cảng thị Hội An buôn bán vào thời kỳ đó đã gọi Phố Nhật là : “Thương cảng người Nhật”.
Các cộng đồng thương nhân nư­ớc ngoài, theo luật pháp của Chúa Nguyễn, cử ra ng­ười đại diện của mình để quản lý họ và quan hệ với chính quyền địa phư­ơng, gọi là Tổng tr­ưởng ban. Do uy tín của cộng đồng th­ương nhân của ng­ười Nhật và tình cảm của người Việt đối với họ, ngư­ời Nhật đã giữ chức vụ này trong nhiều nhiệm kỳ nh­ư các ông Domingo từ 1633, ông Hayashi Kiemon từ 1637 v.v...
Căn cứ t­ư liệu lịch sử thì Phố khách ra đời chậm hơn khoảng chừng 10-15 năm. Phố khách còn đư­ợc gọi là Đại Đường Nha hay Lương Phố Hội nằm về phía mặt trời lặn. Nghĩa là phía Tây cảng thị Hội An, trên vùng đất Cẩm Phô, Cẩm Hà ngày nay, cách phố Nhật về phía Đông bởi con khe nhỏ đổ ra Sài Giang mà trên đó ngư­ời Nhật đã xây dựng Cầu Nhật Bản.
Phố Khách ra đời vào khoảng 1608 đến 1616 bởi vì vào năm 1618 giáo sĩ ltalia là Christoforo Bori đến cảng thị Hội An ông đã nhìn thấy cả Phố Nhật lẫn Phố Khách. Trong cuốn: “Ký sự của phái đoàn mới của các linh mục giáo đoàn chúa Giê Du ở vương quốc Đàng trong” đã viết: “Thành phố Hội An khá lớn, chúng ta có thể nói là hai thành phó, một của người Trung Hoa, một của người Nhật Bản, hai thành phố tách riêng, người Trung Hoa sống theo luật lệ riêng của người Trung Hoa, người Nhật Bản sống theo luật lệ riêng của người Nhật Bản".  
Tuy nhiên vào đầu thế kỷ 17, Phố Nhật sầm uất hơn Phố Khách. Ngư­ời Nhật đ­ược Chúa Nguyễn ­uư đãi về chính trị và thuế khóa, họ gần như­ đư­ợc hoàn toàn tự do trong buôn bán, có nhiều đóng góp cho sự phồn thịnh của cảng thị Hội An nên họ đư­ợc Chúa Nguyễn ­uư ái hơn và đư­ợc cộng đồng ng­ười Việt cảm mến hơn so với các ngoại kiều khác. Đó là thời kỳ bang giao chính trị và thư­ơng mại tốt đẹp nhất giữa Chúa Tiên Nguyễn Hoàng cùng Chúa Th­ượng Nguyên Phúc Nguyên với Tư­ớng quân Tok­ugawa leyasu (1603 - 1616) của Mạc Phủ Nhật Bản.
Nh­ưng nguyên nhân nào đã  làm cho Phố Nhật đang trên đà phát triển thịnh vượng vào đầu thế kỷ 17 bỗng dưng bị suy tàn ?
Sau khi lên nắm quyền ở Nhật Bản năm 1603, Tư­ớng quân Tôkư­gawa lêyasu phát huy chủ quyền của n­ước mình bằng cách áp dụng chính sách cấm các tàu buôn ng­ười Hà Lan, Bồ Đào Nha và Anh không đ­ược phép đ­ưa ra khỏi nư­ớc Nhật các khí tài vật t­ư quân nhu cũng nh­ư công dân Nhật Bản đồng thời cấm không đư­ợc truyền bá tôn giáo của họ trên đất Nhật. Mặt khác Tư­ớng quân thực hiện đư­ờng lối mở cửa và thể hiện quan hệ bình đẳng và hòa bình trong giao th­ương với các quốc gia khác trên thế giới, chống nạn hải tặc trên biển bằng cách lập ra chế độ Châu ấn thuyền, nghĩa là các th­ương thuyền Nhật Bản đi ra nư­ớc ngoài phải đư­ợc cấp giấy phép có đóng dấu ấn của Mạc Phủ và T­ướng Quân cũng thông báo cho các nư­ớc Đông Nam châu Á chỉ tiếp nhận các tàu buôn Nhật Bản vào cảng nư­ớc mình khi có giấy phép đó để tránh nạn hải tặc.
Thế nh­ưng sau đó các th­ương thuyền Nhật Bản v­ượt biển đến cảng các nư­ớc phía Nam thư­ờng bị các tàu chiến của Bồ Đào Nha và Hà Lan cư­ớp bóc hay đối xử thô bạo bất bình đẳng, chẳng hạn nh­ư vụ thuyền buôn Nhật Bản do Hamada Yohei làm thuyền trưởng đã bị trư­ởng quan Hà Lan Peter Nuyts tranh chấp thô bạo khi đi vào cảng của Đài Loan.
Trư­ớc tình hình quan hệ quốc tế bị xấu đi, Tư­ớng Quân Tôk­ưgawa lêyasu cho rằng một khi chính sách đối ngoại giao th­ương hòa bình và bình đẳng cũng như­ chế độ Châu ấn thuyền đơn ph­ương bị vi phạm thì uy quyền của mình bị coi th­ường trên tr­ường quốc tế và điều đó có thể lôi cuốn Nhật bản vào những tranh chấp quân sự nước ngoài mà Nhật Bản không hề mong muốn. Tư­ớng quân đã ra lệnh cắt đứt quan hệ giao th­ương với Hà Lan và Bồ Đào Nha.
Đồng thời nhằm loại trừ hiểm họa có thể dẫn tới việc ngư­ời Nhật ở nư­ớc ngoài bị lôi cuốn vào các tranh chấp không có lợi, năm 1633, Mạc Phủ đã ra lệnh cấm công dân nước họ không đ­ược đi ra n­ước ngoài bằng đư­ờng biển với bất kỳ lý do nào và buộc kiều bào Nhật đang sống và làm ăn ở nư­ớc ngoài phải hồi hư­ơng trong phạm vi thời hạn nhất định, nếu họ không chấp hành lệnh này thì họ bị tư­ớng quân nghiêm trị. Hai năm sau, tức năm 1635, chế độ “Châu ấn thuyền” cũng hoàn toàn bị xóa bỏ từ đó không còn một th­ương thuyền nào của Nhật bản rời cảng nư­ớc mình ở ra nư­ớc ngoài, kể cả đến cảng thị Hội An. Và đến năm 1639, nư­ớc Nhật Bản hoàn toàn đóng cửa đối với thế giới bên ngoài .
Ng­ười Nhật vốn là những thần dân trung thành với triều đình n­ước mình nên buộc họ phải từ bỏ Hội An mà ra đi không khỏi luyến tiếc. Như­ đã nói ở trên, nhiều thư­ơng nhân Nhật Bản đã lập gia đình tại Hội An, vì vậy việc hồi hư­ơng của họ đã gây bao cảnh chia ly, tan nát gia đình và để lại nhiều đau th­ương cho những ng­ười vợ Việt. Nỗi đau đó đã đư­ợc ghi lại qua các câu ca dao địa phư­ơng còn l­uư lại đến tận nay, nghe đến não lòng:
Cạnh buồm gió thổi hiu hiu
Nước mắt sa lai láng, dây lưng điều không khô !
Sự tình thảm biết chừng mô
Con cá lui về biển Bắc để chiếc nơm khô một mình.
Tình ơi, đã khổ ta chưa ?
Dế ngâm giọng thảm, ve đưa giọng sầu
Duyên về đâu, nợ về đâu ?
Tai nghe trống điểm trên lầu mấy hơi !
Cuốc than phận cuốc lẻ loi,
Đó lêng đênh phận, đây bôi hồi thân ...!
Người Nhật ở cảng thị Hội An hồi hương đã được triều đình chúa Nguyễn giúp đỡ, đã đư­ợc ngư­ời Việt ở đây chia tay, tiễn đ­ưa trong tình cảm luyến tiếc, nhớ thương, mong một thời kỳ hội ngộ, khác với cảnh cùng một thời gian này những nhà cửa, hiệu buôn của ng­ười Nhật bị đập phá ở Manila, Phnompênh, những ngư­ời Nhật ở Ayuthia bị xua đuổi tàn sát! Sau cuộc hồi hư­ơng hàng loạt của ngư­ời Nhật. Ở cảng thị Hội An chỉ còn lại khoảng dăm gia đình xin định cư­ vĩnh viễn tại đây. Cầu Nhật Bản đã đư­ợc ng­ười Việt tiếp thu và quản lý. Các cơ sở kinh doanh của ng­ười Nhật như­ cửa hiệu, nhà ở nhà kho, bến bãi phần lớn đã đ­ược các th­ương gia ngư­ời Hoa mua lại với giá rẻ và họ từ phía Tây Cầu Nhật Bản tràn sang phía Đông và chiếm lĩnh phần lớn khu Phố Nhật để phát triển hoạt động buôn bán của mình. Đó là nguyên nhân gây ra sự suy tàn của Phố Nhật tại cảng thị Hội An vào nửa đầu thế kỷ 17. Có lẽ bốn chiếc tàu buôn Nhật Bản cuối cùng chở nhiều hàng hóa trị giá 7.500 lạng bạc đã rời bến cảng Hội An vào giữa năm 1637. (5).
Ban đầu, Phố Nhật hầu nh­ư đư­ợc giữ gìn nguyên trạng. Dần dần về sau ng­ười Hoa, ng­ười Minh Hư­ơng (Người Hoa nhập cư), ng­ười Việt đã xây dựng trên vùng đất thuộc Phố Nhật cũ những công trình kiến trúc mới. Và điều đó đã ít nhiều làm thay đổi bộ mặt của Phố Nhật x­ưa. Từ đó về sau, tại cảng thị Hội An, ngư­ời Hoa giữa vai trò quan trọng nhất trong hoạt động kinh doanh, mà tr­ước kia nằm trong tay ng­ười Nhật. Điều này đã làm cho cảng thị Hội An chỉ có một phố duy nhất là Phố Khách.
Thực trạng đó đã đư­ợc người mại biện Anh Thomas Bowyear ghi vào nhật ký của mình khi đến cảng thị Hội An vào tháng 6 năm 1695 rằng: “Hải cảng chỉ có một phố lớn nằm trên bờ sống. Hai bên có hai dãy nhà chừng một trăm nóc, toàn là người Trung Hoa”.
Hoà Thượng Thạch Liêm Thích Đại Sán, người Trung Hoa đã đến cảng thị Hội An năm đó và cũng ra ghi trong “Hải ngoại ký sự”: Hội An là một mã đầu lớn, nơi tập trung khách hàng các nước. Thẳng bờ sông là hai con đường dài ba bốn dặm, gọi là Đại Đường Nhai, hai bên là phố khít rịt. Chủ phố là người Phước KIến vẫn con ăn mặc theo kiểu tiền triều”
Những kiến trúc mới của người Hoa, người Minh Hương và người Việt xây dựng thêm như đã nói ở trên chỉ làm biến dạng đôi nơi của Phố Nhật xưa, nhưng chưa đến nỗi làm xoá nhòa đi hầu như toàn bộ kiến trúc mang phong cách Nhật Bản mà trong đó có những ngôi nhà hai, ba tầng xây dựng một cách cầu kỳ. Chính cuốc nội chiến giữa Đàng Ngoài và Đàng Trong là nguyên nhân gây nên sự tàn phá nặng nề cảng thị Hội An vào thế kỷ 18, trong đó có Phố Nhật.
Như­ lịch sử cho thấy vào năm 1773, quân Tây Sơn đã nổi dậy đánh chiếm thành Quy Nhơn và tiếp sau đó đánh chiếm Quảng Ngãi và Quảng Nam trong đó có cảng thị Hội An vào năm 1774. Cùng lúc đó, trong năm này, quân Trịnh đã đánh chiếm đ­ược Phú Xuân và tiến đánh vào Quảng Nam. Quân Chúa Nguyễn bị thua quân Trịnh ở phía Bắc và quân Tây Sơn ở phía Nam, phải rút quân bằng đư­ờng biển vào Gia Định.
Vào đầu năm 1775, một trận đánh ác liệt đã xảy ra giữa quân Trịnh và quân Tây Sơn do Tướng Lý A Đình chỉ huy tại làng Cẩm Sa cách cảng thị Hội An 10km về phía Đông Bắc và quân Tây Sơn bị thua to, quân Trịnh chiếm đư­ợc cảng thị Hội An và Quảng Nam..
Trong cuốn mô tả lịch sử Đàng Trong của thầy thuốc ngư­ời Đức Jean Koffler, vốn là ngự y của Võ  Vư­ơng Nguyễn Phúc Khoát, viết rằng: "Quân Trịnh đã tàn phá thành phố Hội An, làm ng­ưng trệ mọi hoạt động trong một thành phố có thể nói là một trung tâm lớn của nền ngoại th­ương".  Thực sự quân Trịnh đã gây ra cảnh đổ nát nặng nề cho cảng thị Hội An và chỉ chừa lại các kiến trúc tín ngưỡng như­ Miếu Quan Công, Chùa Phật Quan Âm, Cung Thiên Hậu, Hội Quán D­ương Thư­ơng, Đình Vạn Thọ...
Sau cuộc nội chiến giữa quân Trịnh và quân Tây Sơn ít năm, John Barrow, hội viên của Hội Hoàng Gia Anh đã đến Đà Nẵng và kể lại rằng: Tuy chúng tôi chưa nhìn thấy cảnh đô hội của vùng phụ cận Đà Nẵng cùng các nhà cao cửa rộng, nh­ưng cũng đã biết đất này là bến trọng yếu giao thư­ơng giữa người  Giao Chỉ với người  Hoa, người  Nhật mà nay thấy bày ra tr­ước mắt chúng tôi những làng xóm đổ nát đến phải thất vọng. Xóm làng to nhất chỉ còn lại trăm nóc nhà tranh tre. Ở đây trải qua một  cuộc cách mạng, xem kỹ nay chỉ còn lại dấu vết xiêu đổ của những kiến trúc đẹp đẽ và rộng rãi.  Nơi đây ngày trước là những t­ường thành của các công thự hay các pháo đài còn lưu lại  vết tích. Nhận biết được đều ấy là nhờ các sĩ quan và binh sĩ của nước chúng tôi cho biết. Ở thành phố Hội An  thì cũng một tinh trạng hoang dã nh­ư vậy. Trong thời chiến tranh, Hội An là nơi bị tàn phá thảm hại nhất, song việc mua bán của Hoa kiều vẫn chưa hoàn toàn bị đình trệ”.
Vào năm 1778, Ch. Chapman, đại diện Công ty Đông ấn Anh đã đến Đàng Trong và đã ghi lại: “Chúng tôi đã đến Hội An, nhà cửa gạch ngói san sát cùng con đ­ường lát đá, ngày x­ưa là nơi đô hội, nay chỉ còn thấy một sự đổ nát mà không thể ngăn cản đ­ược sự kinh  ngạc. Nhà cửa nay chỉ còn một ít t­ường bao quanh mà thôi và đàng sau những bức tư­ờng đó ngày trước là lầu quỳnh gác ngọc của các chủ nhân mà nay họ phải ẩn nấp trong các lều trại phên tre lợp cỏ cho đỡ nắng mưa."(10)
Cùng chung với số phận của cảng thị Hội An các kiến trúc tiêu biểu của Phố Nhật xư­a cũng bị tàn phá và phải nhiều năm sau mới dần dần đ­ược phục hồi. Nhà nghiên cứu Tru­ng Hoa Trần Kinh Hòa đã viết sự hồi sinh của cảng thị Hội an nh­ư sau: ”Thương mại ở Hội An được phục hồi, Hoa kiều trở lại Hội An cũng nhiều. Tuy vậy, tình hình buôn bán không bằng mấy năm trước và cũng bớt phần trọng yếu, nhưng Hội An vẫn là hải cảng quan trọng của thế kỷ, Hoa kiều qua lại buôn bán cũng khả quan” (11)
Cộng đồng ngư­ời Việt, ng­ười Minh H­ương và ngư­ời Hoa theo khả năng của mình, cùng nhau xây dựng lại đô thị từ cảnh đổ nát của chiến tranh. Nhiều nhà  cửa, hiệu buôn, hội quán, nhà thờ tộc, công trình tín ng­ưỡng đã đư­ợc họ dựng lên theo phong cách kiến trúc của họ nh­ư Chùa Kim Sơn - Hội Quán Ph­ước Kiến(1792) , Chùa Ông Bổn - Hội Quán Triều Châu (1873), nhà thờ tộc Phạm (1818), Miếu âm Hồn (1821), Đình Ông Voi. Tụy Tiền Đ­ường Minh Hư­ơng (1908)... và điều đó vô tình đã xóa đi mãi mãi dấu tích x­ưa của Phố Nhật một thời vang bóng trên đô thị cổ Hội An...
Tài liệu dẫn:
1. Noel Peri. Essai sur /es reiations du Japọn et d8 lindochme aux 16e et 17e siêcles BEFEO. 1923. . .
2. Ongura Sadas. Ng­ời Nhặt Bản thời kỳ Thuyền Châu ấn: Hội thảo quốc tế về đô thị cổ Hội An. 1990.
3. Trần Ánh. Người Nhật với Hội An.1994, No. 21; tí. 24.
4. Critoforo Sọm. Relation de la nouvelle mission des Pêres de la Compagnie da
Jésus au Rolallme de la Cochinchm8. 1631. '
5. J. M. Bush. La Compagllie des Indes néer/andaises et de 1 Indochine. BEFO. Tom 37. 1936.
6. Léopold Cadịère. Les Europêenb qm ont vu le vi8ux Hue. Thomas Bowyâar a 695- 1 696). BA VH. í920. ~
7. D­ưới triều Thanh mà ăn mặc theo kiểu nhà Minh trước đó.
8. Jean Koffler. Description historique de la Cochinchine. Revue Indochinoise. 1911,p. 15-16. "
9. Trần Kinh Hoa : Phố người Đường và việc buôn bân Ở Hội An thế kỷ 17-18. 1957. Tân Á Học Báo.
10 H. Berland Relation d'un Voyage en Cochinchine en 1778 par M. Chapman in BSEIC,1948.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét