Thứ Năm, 31 tháng 10, 2019

DI CHÚC ÔNG TÔN VĂN VIẾT SAU CHÙA BÀ - TRƯỜNG LỄ NGHĨA

Tôn Trung Sơn là nhân vật có tầm vóc ảnh hưởng lớn, không chỉ đối với Trung Quốc mà còn đối với cả nhiều nước trong khu vực.
Tạ thế, ông có để lại, ngoài Chính-Trị-Di-Thư, còn có “Di huấn của Thủ tướng”, “Di thư gửi Chính phủ Liên Xô” (do Uông Triệu Minh viết thay) và “Gia sự di thư” (do Tôn Trung Sơn tự viết).
Chính Trị Di Thư được đắp nổi trên tường sau lưng điện thờ trong Trung Hoa Hội Quán (Chùa Bà, chùa Ngũ Bang, Trường Lễ Nghĩa). Người viết chữ để thợ đắp là ông bang Xú, tức La Doãn Trung, anh ruột ông La Doãn Chánh (Nhạc sĩ La Hối) và ông La Doãn Trang (Ông Năm Chón).
Cũng nghe kể trong di chúc này, trước đây có bốn chữ “Dĩ Nga Vi Sư” tức chọn Nga làm thầy, đã bị kiểm duyệt bỏ!
PHIÊN ÂM:
Tôn công Trung Sơn di chúc.
Dư chí lực quốc dân cách mạng, phàm tứ thập niên, kỳ mục đích tại cầu Trung Quốc chi tự do bình đẳng.
… … …
DỊCH NGHĨA:
Di chúc ông Tôn Trung Sơn.
Tôi hết sức phục vụ cách mạng Quốc dân trong 40 năm, nhằm mưu cầu Trung Quốc tự do bình đẳng.
Kinh nghiệm trong 40 năm, tôi nhận biết sâu sắc rằng muốn đạt mục đích ấy tất phải kêu gọi dân chúng toàn thể giới yêu chuộng hòa bình cùng dân tộc ta đấu tranh chung.
Hiện tại, cách mạng chưa thành công, đồng chí ta cần thực hiện theo soạn thảo của tôi về “KIẾN QUỐC PHƯƠNG LƯỢC”, “KIẾN QUỐC ĐẠI CƯƠNG”, “TAM DÂN CHỦ NGHĨA” và “TUYÊN NGÔN ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU TOÀN QUỐC LẦN THỨ NHẤT” mà tiếp tục nỗ lực quán triệt.
Chủ trương gần đây mở “Quốc dân hội nghị” và bãi bỏ các điều ước bất bình đẳng cần phải xúc tiến trong thời gian nhanh nhất.
Đó là ước nguyện gửi lại.
(Lạc khoản, cuối cùng, bên trái ghi)
Trung Hoa Dân Quốc, năm 16 (1927), kính viết chữ.

Chủ Nhật, 13 tháng 10, 2019


VĂN BIA
“DƯƠNG THƯƠNG HỘI QUÁN CÔNG NGHỊ ĐIỀU LỆ”

Năm Vĩnh Hựu (1735-1741) thứ bảy (1741) (Vĩnh Hựu là niên hiệu của vua Duy Thìn, Việt Nam, miếu hiệu là Lê Ý Tôn), thuyền trưởng và thuyền buôn các tỉnh Trung Hoa sang buôn bán ở Việt Nam cùng lập bản công nghị điều lệ gồm 10 điều khắc trên bia đá hiện lưu trong Trung Hoa Hội Quán (Chùa Bà, chùa Ngũ Bang Hội An). Đây là chứng tích lịch sử về Văn hóa giao thương của những người khách trú cách đây 300 năm.
Phiên âm nguyên văn:
“DƯƠNG THƯƠNG HỘI QUÁN CÔNG NGHỊ ĐIỀU LỆ
Thiên hội quán chi thiết nam lai giao hỹ. Tuy khóa hội đồng nghi sự chi sở thật vi đôn lễ, trọng nghĩa chi địa.
… … …”
Dịch nghĩa: (Phạm Thúc Hồng dịch)
HỘI QUÁN DƯƠNG THƯƠNG ĐIỀU LỆ CHUNG
Phương trời nam thiết lập hội quán đến giao dịch. Là nơi bàn việc chung nhằm đề cao Lễ, tôn trọng Nghĩa.
Dân ta giữ công bằng, rõ phải trái, dừng tranh chấp. Cho nên, không có việc nào sánh kịp.
Xuân, thu, ngày rằm, mồng một, phụng thờ Thiên Hậu Thánh Mẫu. Khi cầu đảo, lúc vui mừng đều xưng danh hiệu.
Người nước ngoài và người trong nhà chung kinh doanh không phân biệt, đồng long đồng sức giúp đỡ. Cho đến bệnh tật, hoạn nạn đều tương trợ. Thật là phước thiện không sao kể hết.
Công của hao phí nhiều. Trước đây, lễ lệ ba miếu có một lượng.
Nay bỏ lệ không nộp, do khách nghi ngờ thuyền trưởng chi tiêu riêng mà không nộp vào công quỹ. Thực ra thuyền trưởng chịu tiếng xấu vì chưa thu được thì làm sao nộp?
Thật là có danh mà không thực. Tương lai việc thờ cúng khó đầy đủ, huống hồ việc xây dựng mới nền nhà phía trước chưa hoàn thành.
Nay cùng bàn luận tiến hành tu chỉnh đầy đủ và truy nguồn gốc từ trước khi lập bia cho đến về sau thành quy lệ không thiên vị, thật sự vô tư, hết long hết sức tốt lành vậy!
Nay trình bày điều lệ công nghị bên trái như sau:
1/ NGHỊ:
Cúng miếu ghi 1 lượng ba ly vàng. Hội quán lập sổ bộ, gửi mỗi thuyền một bản, giao công ty theo đó mà kê khai. Mỗi ngày xuất tờ khai ở sổ bộ, phải giao lập tức cho người Lý sự biết để lưu, nhằm cất giữ. Số tiền ấy quy cho thuyền trưởng giao và nhận.
2/ NGHỊ:
Hội quán lập quỹ lớn. Mỗi người giao tiền ghi vào sổ quỹ. Nếu dùng thì mỗi người phải khai nhận trước mọi người. Không ai tự chiếm giữ. Vào một ngày quy định, các thuyền đều tập trung, thuyền trưởng họp kiểm tra sổ sách, mỗi năm một lần.
3/ NGHỊ:
Các bến cảng không phân biệt thuyền nhỏ và thuyền không chở hàng, mỗi thuyền phải nộp năm quan tiền.
4/ NGHỊ:
Khi không thuận nước, gặp nạn, khách trú tại hội quán, mỗi người được cấp tiền ăn 300 đồng, 3 tháng làm một kỳ. Khi gió mùa, thuyền buôn đến nhưng không có người thân thích để nhờ cậy, thì cho ở tạm, không cấp tiền ăn. Đến hạn mọi thuyền người Hoa khởi hành, không được ở nữa.
5/ NGHỊ:
Gặp gió, người không thân thích bị bệnh trong hội quán, mỗi tháng cấp tiền ăn 300 đồng, đến ngày thuyên giảm không được ở lâu. Hòa thượng và người giữ chùa phải hỏi người bệnh quê quán, tên họ, đi thuyền nào nhằm tránh giả dối.
Nếu chẳng may bệnh nhân chết, cấp 2 quan tiền để lo việc chôn cất. Chôn tại đâu thì báo người Lý sự ghi chép nhằm báo người thân của họ biết, để mồ mả người chết đều được cất bốc.
6/ NGHỊ:
Côn đồ không nghề tụ tập đánh bài, ăn nhậu, hút nha phiến, trộm cướp không cho cư trú trong hội quán. Nếu ương bướng, người Lý sự lập tức trình quan để truy cứu trục xuất.
7/ NGHỊ:
Khách đến cưới vợ, mang thai phải đăng ký tỉnh nào, quê quán ở đâu, làm giấy giao cho vợ cất giữ. Đến ngày sinh con trai, gái, thì người thân thích của vợ làm giấy báo hội quán rõ ràng.
Người Lý sự ghi vào sổ bộ ngày, tháng nào, tên người vợ, nơi cư trú rõ ràng, để không bị thất lạc về sau.
8/ NGHỊ:
Nếu hội quán có dư tiền, không được cho vay sinh lời, không cho tạm mượn nhằm đề phòng khi thình lình xảy ra tai nạn gió nước để kịp thời ứng phó, không chậm trễ.
9/ NGHỊ:
Hội quán mua sắm đồ dùng trong nhà và do khách tặng phải ghi vào sổ sách. Hoặc nhiều năm hư hại, người Lý sự xem xét sửa chữa. Hoặc cho mượn bị hư, phải chỉnh sửa. Hoặc thất lạc, Hòa thượng và người giữ chùa phải thêm vào cho đủ. Lý sự nên kiểm tra không báo trước. Hòa thượng và người giữ chùa không được từ chối việc quản thủ đồ vật.
10/ NGHỊ:
Lý sự hội quán không gian dối, không từ chối việc được giao, cũng không thông đồng đưa người vào xã Minh Hương, phải công bằng làm việc. Hoặc đi nơi khác hoặc về nước Trung Hoa, Lý sự họp bàn, cử một người Trung Hoa mới thành thật để điều hành công việc, không tự ý tiến cử. Nhất thiết không để hoang phế sự nghiệp tiền nhân.
Các khoản mục trên đây. Thật là cẩn thận vậy!!
Vĩnh Hựu, thứ bảy, năm Tân Dậu (1741), tháng ba, ngày tốt.
Thuyền trưởng và thương buôn các tỉnh cùng lập.