Thứ Hai, 26 tháng 7, 2010

HUỆ NGÃ ĐỒNG NHÂN

CHÙA PHƯỚC KIẾN
Trong Website, hoặc trên bìa vài tạp chí, nơi phông block lịch và nhất là hầu hết du khách ghé chùa thường chụp cổng "chào" PHƯỚC KIẾN HỘI QUÁN hoặc Tam Quan HUỆ NGÃ ĐỒNG NHÂN: (Lòng này tri ân người cùng hội cùng thuyền).
Do vậy, thư này chỉ chụp đăng những vị trí không ai muốn (hoặc không đáng) chụp nhưng tin rằng sẽ nhắc lại vài chuyện, chung có, riêng có và, có
...
người nhớ người quên.

Đây là lối vào nhà Thái Tú Phong Thạnh.
Chắc chắn rằng lũ chúng tôi vào ra cái "cổng" này nhiều hơn cái cổng chùa. Qua khỏi "ải" này rẽ trái mười mét là đến giếng nước. Cái giếng nước này bây giờ bị gông như thế này đây!!

Tôi bắt đầu tập tạ từ năm 1973, lý do có liên quan đến cái giếng này. Ngày đó thấy anh Hòa, anh Bình, anh Hà ở chung nhà bác Lũ cạnh chùa (cả 3 anh bây giờ đều đã quy tiên) xách nước 2 tay 2 thùng thấy mà phục sát đất. Thế là cặm cụi "đẩy-hít" và kết quả bây giờ... như thế này đây!

Đó là chuyện ngày xưa mơ ước giống lực sĩ Kiến Càng.
Ở đời CẦU THÌ ĐƯỢC - ƯỚC THÌ THẤY, ngẫm lại thấy giống kiến thiệt, ngày xưa bụng có 6 cục, bây giờ 6 cục dồn lại thành 1... hủ nước lèo), chỗ nào "càng" (được) thì "càng", chỗ nào "kiến" thì "kiến".

Cũng tại chỗ giếng này, Thái Tuấn Hoàng xúi bọn nhỏ leo lên thành giếng rồi bu lên tường trèo qua mép nhà ông Tường Quang coi phim con heo. Hồi đó đứa nào cũng nghĩ là phim... con heo thiệt - Kết quả bị ông Liệu lấy chỗi "quét" và chửi là đồ con nít mất dạy.

Trở ra rồi đi vào chùa theo hướng hành lang phía đông.
Những năm Hội An còn bị pháo kích tơi tả, chùa chiền cũng có "phần chia" bởi vì mấy "ảnh" cứ cối đại vào tỉnh đường và tiểu khu Quảng Nam mà không có DLO (chưa kể còn có "kiểu", súng thì 81 nhưng đạn thì 80 không biết có đúng không??). Riêng chùa Phúc Kiến thì ÔNG BÀ cho nổ ngoài sân trên cây sứ


còn vô trong thì đưa vào máng xối nhưng không nổ chờ Công binh lên tháo đem về.


Cảnh tượng trưng như vậy, còn người, trước hết phải nhớ đến bác Tư, ba của Thạnh (mà Thạnh thì gọi là Chú - còn khi bị la rầy thì nói là bị Khọm chiếu). Ông thường mặc bộ đồ bà ba trắng, hút thuốc vấn Cẩm Lệ rất nhỏ chỉ đủ vài hơi. Ông từng lục tìm sách xưa dấu dưới bệ thờ khẳng định cho biết rằng: Lục Tánh Vương Gia là sáu vị tướng đồng thời là thầy thuốc cùng ở Phúc Kiến nhưng thuộc sáu đời khác nhau, là niềm hãnh diện cho người dân trên miền đất có con sông MÂN hùng vĩ chảy qua.

Đối diện bên kia là nhà bà Năm bán mắm dưa. Vô nhà bà mùi mắm nồng nặc nhưng múc ra chén thì thơm ngon đáo để.

Gần bên là nhà ông Sáu Phú. Còn nhớ lúc nhỏ thấy ông vót tre rồi phất giấy làm người làm ngựa cảnh Thái tử Tất Đạt Đa rời bỏ hoàng cung phóng ngựa qua sông có ông Sa Nặc theo sau nắm đuôi ngựa. Thời gian sau ông yếu dần rồi mất. Phía sau nhà ông, ba hồ cá rô thia Tàu cũng đồng loạt theo ông đi luôn, người ta đồn rằng cá đi theo chủ, sau đó mới phát hiện là ông mất đi bọn cá cũng hêt hưởng mùi sái thuốc nên cũng chết luôn.

Bà bốn Thứ, bà cô của Hải "dái doi" để lại cho cháu ngôi nhà lụp xụp nhưng làm ăn được. Hải bây giờ đã có nhà lầu.

Nhìn quanh cảnh, người thay đổi khá nhiều.

Ngày xưa hai hàng keo và mấy cây phượng già dẫn vào tam quan đã phải ra đi nhường chỗ cho đợt đại trùng tu theo kiến trúc hiện đại. Đến hai cái ghế "đá" là nơi tình tự của những cặp tình nhân cũng bị hô biến thay cho cặp ghế xi măng có khác gì đâu!!

Cảnh cũ người đây luống đoạn trường.














Thứ Sáu, 23 tháng 7, 2010

MỘ PHI CÔNG CỐ ĐẠI TÁ 
PHẠM PHÚ QUỐC

Chùa Phước Lâm Hội An




Mộ phi công Cố Đại Tá Phạm Phú Quốc trong chùa Phước Lâm









Ngày 19-4-1965, cách thị xã Vinh về phía đông nam 10km, lúc đó là 15 giờ 04 phút, phi cơ Phạm Phú Quốc bị rơi và ông đã tử nạn tại Hà Tĩnh làm sôi động một thời gian. Sự việc cùng thời gian trôi qua cho tới ngày Bắc-Nam thống nhất.

Sau khi cuộc chiến kết thúc, việc tìm hài cốt của đại tá Phạm Phú Quốc đã được sự giúp đỡ của đại tá Phạm Quế Dương, một sĩ quan phòng không của quân đội Bắc Việt.

Theo chính quyền huyện Thanh Hà tỉnh Hà Tĩnh được biết xác phi công Phạm Phú Quốc đã được chôn cất bởi dân chúng với quan tài chu đáo với bia ghi " mộ ông Phạm Phú Quốc".
Tuy được chôn cất cẩn thận nhưng một thời gian dài không người trông nom nên đã mất dấu tích. Đại tá Phạm Quế Dương đã giới thiệu cho gia đình Phạm Phú Quốc một người chuyên tìm hài cốt thất lạc : Ông Đỗ Bá Hiệp nổi tiếng có khả năng ngoại cảm (Telepathy) đã cùng gia đình về vùng Cồn Cỏ, Hà Tĩnh để tìm di hài phi công Phạm Phú Quốc.
Dưới đây là bài tường thuật của ông Phạm Quế Dương:

Năm 1990 gia tộc anh Quốc từ miền Nam ra Hà Tĩnh tìm xin hài cốt anh ấy đưa về quê ở Quảng Nam. Nhưng các cơ quan tỉnh, huyện, xã ở đây chỉ có thể xác nhận trong văn bản: "hài cốt của ông Phạm Phú Quốc đã được tỉnh đội Hà Tĩnh và huyện Thạch Hà cất bốc, trong khi cất bốc đều có quan tài chôn cất chu đáo. Cơ quan quân sự huyện Thanh Hà đã nhất trí vối gia đình Phạm Phú Quốc: "khi truy tìm được nơi chôn cất cụ thể sẽ thông báo sau".

7 năm sau -1997- được biết có ban liên lạc giòng họ Phạm trong UNESCO có thông tin nhờ ban liên lạc giúp đỡ. Tôi là thành viên trong ban liên lạc giòng họ Phạm được giao làm việc này...

Tháng 5-1997, ban liên lạc đã gửi văn bản tới các cơ quan chính quyền tỉnh Hà Tĩnh giúp đỡ việc xác minh địa điểm chôn cất anh Phạm Phú quốc. Sự việc vẫn yên lặng. Tháng 9 -tháng 12-1997 ban liên lạc gửi liên tiếp hai văn bản tới các cơ quan tỉnh Hà Tĩnh và cả Đoàn Đại Biểu Quốc Hội tỉnh Hà Tĩnh. Tháng 2, 3, 4-1998 ban liên lạc được các cơ quan xã, huyện tỉnh Hà Tĩnh trả lời hoàn toàn tán thành và ủng hộ việc tìm hài cốt phi công Phạm Phú quốc. Song thật sự chỉ biết mộ anh Phạm Phú Quốc đã được dời về nghĩa trang Cồn Cổ. Do thời gian quá lâu mộ thất lạc không xác định được nơi chôn cất cụ thể.

Ngày 01-5-1998 tôi và một anh bạn nhà báo vào Hà Tĩnh, được sự giúp đỡ tích cực của báo giới Hà Tĩnh, chúng tôi gặp các cấp. Họ đều tiếp chu đáo, thành thật trình bày sự việc như trên. Chúng tôi ra nghĩa trang Cồn Cổ mênh mông, bao nhiêu là mộ và không ai biết được mộ anh Quốc ở đâu. Chúng tôi xin phép địa phương mời ông Đỗ Bá Hiệp, một nhà ngoại cảm nổi tiếng đã giúp tìm mộ bao người thất lạc, giúp cho việc này. Họ nhất trí.

Ngày 07-5-1998, ban liên lạc đã thảo văn bản mời ông Đỗ Bá Hiệp, đồng thời báo cáo địa phương. Ông Đỗ Bá Hiệp nhận lời. Được tin ngay ngày hôm sau, 08-5-1998 , bà chị anh Phạm Phú Quốc đã 83 tuổi cùng cháu gái bay ra Hà Nội gặp ô. Đỗ Bá Hiệp.
Sáng 11-5-1998 , tôi làm liên lạc đưa ông Đỗ Bá Hiệp và ông Doãn Phú, nhà địa lý thân quen ô. Hiệp cùng bà chị, cháu gái anh Phạm Phú quốc vào Hà Tĩnh.

Sáng hôm sau, 12-5-1998 , ra nghĩa trang Cồn Cổ. Chúng tôi nghĩ ông Đỗ Bá Hiệp sẽ vào bên trong nghĩa trang, nhưng ông chỉ đi trên đường bên ngoài nghĩa trang. Khi ông nhìn lên trời cao, lúc ông nhìn xuống như nhìn cái gì đó sâu trong lòng đất. Chúng tôi vẫn đi theo phía sau ông. Bỗng ông rẽ vào phía đường bên kia nghĩa trang, một vùng đất rộng lồi lõm sát với ruộng nước và dừng lại chỉ xuống một chỗ đất bằng phẳng. Ông bảo : "Mộ anh ấy ở đây. Bên mô cát bên phải này hai bước, bên hố nước bên trái này một bước. Chú ý đánh dấu để khỏi lẫn. Đến ngày 10-10 ta mới được bốc." Một lát sau ông lại bảo : "số lính của anh ấy là số 0 gì đó rồi 4, hai số cuối cùng là 65 hay 56." Theo thói quen tôi ghi số hiệu trên vào tờ cart visit vì không mang theo sổ tay.

Ra về, khoảng nửa tháng sau tôi nhận được điện thoại gia tộc anh Quốc nhờ tìm hộ số quân của anh Quốc. Tuy nhận lời nhưng không biết tìm ở đâu. Mấy hôm sau tôi sang thư viện báo Quân Đội Nhân Dân nhờ lục tìm trong báo cũ. Trong số báo QĐND ngày 22-4-1965 tả việc máy bay anh Quốc bị bắn rơi, viết cụ thể : "Phạm Phú Quốc chứng minh thư số 007. 455 cấp 01-12-64 tư lệnh đoàn máy bay khu trục số 23, tư lệnh sân bay Biên Hòa, quân hàm trung tá ". Thật kỳ lạ ! thông tin của ô. Đỗ Bá Hiệp về số lính với số chứng minh thư của anh Quốc ghi trong báo gần giống nhau đến thế!

Ngày 09-10 Âm Lịch tức 27-11-1998 , ông Đỗ Bá Hiệp bận không vào Hà Tĩnh được, nhưng ông đã hướng dẫn tỉ mỉ việc đào tìm mộ. Tôi nhờ nhà tôi cùng đi với cháu gái anh Quốc vào lo việc này. Nhà tôi vốn rất thành tâm nên sẵn lòng giúp đỡ như việc nhà. Ngay chiều tối hôm đó, vào xã Thạch Trung. Chúng tôi xin phép địa phương và họ đã giao cho đội phục vụ nghĩa trang lo việc bốc mộ sáng sớm hôm sau.

Sáng hôm sau trời vẫn mưa, phải làm lều che nơi bốc mộ. Đào sâu gần nửa thước không thấy gì đã lo. Nhưng may sao chỉ thêm vài nhát xẻng nữa là một vũng nước đen rồi thấy Cốt hòa lẫn trong đất bùn. Đúng như địa phương nói từ năm 1976 hài cốt anh Quốc dời chuyển từ trong làng ra đây, cốt để trong tiểu gỗ và đã hơn 20 năm tiểu gỗ không còn chỉ còn xương cốt. Xương cốt anh Quốc được bới tìm chu đáo, rửa sạch bằng nước thơm rồi đặt vào tiểu quách. Bà con đến xem khá đông cùng thắp hương viếng Anh... 

Ngay chiều hôm đó 28-11-1998. Hài cốt phi công Phạm Phú Quốc được đưa về quê quán, chùa Phước Lâm, thị xã Hội An tỉnh Quảng Nam... 

Mộ anh Phạm Phú Quốc đã được xây cất nghiêm trang với bia đá khắc hình và tên tuổi Anh cùng những hàng chữ đầy nghĩa tình với Người đã khuất."



BEETHOVEN ĐƯỢC THỜ TẠI HỘI AN

Đối diện với chùa Âm Bổn và Nhà-Máy Đèn có một cây trụ điện bằng bê tông có khoét những lỗ hỗng dọc theo thân để thợ điện leo lên sửa khi cần.

Chính trong một lỗ trống ngang với tầm mắt, ai đó đã đặt một lư hương rồi dùng hồ xi măng cố định lại và ngày ngày nhang khói cho CÔ-BÁC.

Một hôm, (hình như thấy thừa) người ta đem cần cẩu hạ cây trụ điện này. Nhưng trước khi hạ mấy ông công nhân nhà đèn khấn vái xin "thỉnh" đem qua bên kia đường, đặt trên trụ đá cột mốc xác định ranh giới chùa Triều Châu có từ năm 1852 (hơn một trăm rưỡi năm rồi).

Được vài tháng, (có lẽ một ngày"đẹp trời") thằng Minh khùng từ đâu không biết đem đến cái tượng ông Bít Tô Văn, cúi xuống gỡ một viên bloc lót đường làm đế rồi trịnh trọng lạy ba lạy, xá ba cái (Thiên, Địa, Nhân) và bỏ đi.

Mấy hàng quán xung quanh thấy có chỗ thắp hương thì cứ thắp.. tới (Trong ảnh chân nhang còn mới rợi!!). Vui nhất là mấy thằng Tây (từ ba lô đến đại gia) chụp hình lia lịa.

Nam mô Bồ Tát BÍT-TÔ-VĂN muôn năm!!









Thứ Năm, 22 tháng 7, 2010

S.đến nhà anh Bân lúc sáu giờ chiều. có hai cô gái khoảng hai mươi mời mua áo quần, S. từ chối và thử hỏi đây có phải nhà chú Bân ngày xưa không, cả hai trả lời không biết.
Phía hiên nhà (có chiếc honda), nơi ấy, U (ngày đó chưa già) vẫn ngồi quay tơ để đổi gạo. Nếu mọi chuyện không xảy ra, thì U được nuôi nấng cho đến già đâu phải làm việc.
Những người già còn sót lại ở Hội An vẫn thường nhắc chuyện xưa như:
Tía, má anh Bân có một hiệu buôn tên Liên Hoa ở phía trên cùng đường Nguyễn Thái Học.
Má anh Bân có tên hay lắm, bà còn có biệt tài là nếu ai không lấy vòng đeo tay ra được bà sẽ lấy ra giùm cho (nhưng phải ngủ một đêm tại nhà bà và còn được thưởng thức món chè hạt sen đường phèn tự tay bà nấu đãi)
Ngày bà còn trẻ, bà có học chữ Hoa tại chùa Phúc Kiến. Bạn của bà là bà Nam Hưng (vợ ông Dương Lai Phát) và bà Bốn Mua(ơt trong hẽm Cà phê THYTHY).