Thứ Hai, 4 tháng 9, 2017

NGƯỜI TRIỀU CHÂU HỘI AN


Người Triều Châu ở Hội An trong sinh hoạt có những đặc điểm rất khác, rất riêng tư so với 4 bang còn lại: 
1/ DU HỒ.
Du hồ là đội nhạc công có nhạc cụ gồm: 10 phèng la, to, nhỏ, mỏng, dày khác nhau; 10 xập xả; 4 kèn chia thành 2 hàng dọc, đi đầu là 1 trống chầu biểu diễn theo nhiều nhạc điệu khác nhau trong các ngày lễ, vía, tết…
2/ BÁT BỬU
Là 8 cái bát chứa các hình tượng (3D) như nhà, bò, trâu, dê… làm bằng các loại đậu (ngũ cốc) chưng cúng vào dịp rằm tháng giêng.
3/ CÚNG VẬT PHẨM SỐNG
Ngoài các con heo quay, gà luộc, bánh bao, chè, xôi do các hiệu buôn tiến cúng, người Tiều cúng các vật phẩm sống như sau:
1 con heo sống, 1 con dê sống, vài con ngỗng sống và vài con gà sống không nhổ trụi hết lông, còn chừa 1 ít trên đầu, trên cánh, trên đuôi.
4/ KHÔNG ĂN TIỆC
Người Tiều không tổ chức ăn tiệc mà gom lại chia đều cho bang dân và bang khách. Cứ 2 người thì khiêng 1 cái xững chứa thức ăn đồ cúng đi đến từng nhà theo từng con đường, giàu nghèo được chia như nhau, cúng ít nhiều hoặc không dự cúng cũng được chia như nhau. Riêng đầu heo quay (Thủ) thì kỉnh cho bang trưởng và 4 chi thì kỉnh cho 4 vị góp công lớn trong việc cúng tế. Ông thủ từ đương nhiên có 1 chi.

Thứ Hai, 7 tháng 8, 2017

BÀ THIÊN
Người Hội An hơn trăm năm trước đã nhắc tên bà như một người giỏi kinh doanh và giàu lòng từ tâm. Bà đã sức tiền đắp con đường từ nhà thờ Công giáo đến miếu Ông Cọp để người dân Trường Lệ tiện lối giao thông. Thêm nữa, rải rác khắp nơi, bà cho đào nhiều giếng để dân quê lấy nước ngọt khỏi phải hứng nước mưa. Ở các vùng xa xôi Quế Sơn, Đại Lộc như được biết, bà ra công làm cầu đắp đường, có nơi bà cúng tiền cho dân địa phương xây miếu vọng ngưỡng tâm linh.
Dưới đây là bia mộ bà được ghi lại, vị trí là... Hồ bà Thiên Hội An.
- Hàng chữ chính giữa:
Hiển tỷ trấp nhất thế tổ, La Cẩm Hoa công, phó thất Phan Thị An nhân chi mộ
(Mộ của mẹ ruột tên Phan Thị An, là vợ thứ của ông tổ đời thứ 21 La Cẩm Hoa.)
- Hàng bên trái (nhìn vào)
-Đệ bát nam La Bửu Tường
-Đệ thập nam La Đức Tường
kỵ tử tôn tằng huyền, đông lập
thạch
(Con trai thứ 8: La Bửu Tường
Con trai thứ 10: La ĐứcTường
cùng con, cháu nội, cháu gọi cố, cháu gọi tổ, cùng lập bia đá.)
- Các hàng bên phải, dich nghĩa như sau:
Mẹ ở tỉnh Quảng Đông, huyện Đông Quản, làng Hải Khê Thủy, là người vợ thứ của ông tổ đời thứ 21 La Cẩm Hoa.
Nguyên quán của mẹ ở huyện Quỳnh Châu, con gái ông Phan Tam Hưng. Bà sinh vào năm Hàm Phong thứ 4(1853), năm Giáp Dần, tháng 7, ngày 5, giờ Thìn. Bà mất vào năm Dân Quốc thứ 3 (1914), năm Giáp Dần, tháng 7, ngày 21, giờ Ngọ
Mộ nằm hướng phía sau là cung Giáp, hướng phía trước là cung Dần, nằm trong 2 cung Khôn và Cấn.
(Cách ghi này là căn cứ theo bản đồ Bát quái. Nhìn vào Bái quái thì chính là mộ xoay lưng (mặt sau) về hướng Tây Nam, mặt bia hướng (mặt trước) về Đông Bắc).

Thứ Bảy, 29 tháng 7, 2017

YẾN.
Từ thế kỷ 18, người Đông Nam Á kể cả người Chàm đã biết công dụng của yến sào.
Ở Hội An, theo truyền khẩu, làng Thanh Châu - Cẩm Thanh là nơi đầu tiên khai thác, do hai tộc Trần, Hồ đứng đầu. Ông Hồ Văn Hòa và con cháu thay nhau lĩnh quản công việc do triều đình nhà Nguyễn giao phó.
Thanh Châu có miếu tổ nghề yến được xây trước năm 1848, văn bia ghi lại:
“Tự Đức vạn niên chi nhất, tuế thứ Mậu Thân, quý thu, thượng hoán cát nhật. Thanh Châu xã, yến hộ bổn xã bổn hộ đồng bái…
Linh từ tải tập. Tư nhân, cựu vũ trùng phần tân quy…”
(Năm thứ nhất Tự Đức vạn năm, năm Mậu Thân1848, ngày lành thượng tuần tháng chín, các hộ làm nghề yến sào xã Thanh Châu đồng bái…
Miếu linh tu bổ lại. Quy mô to lớn…)
Ông Hồ Ký (Hồ Viết) là con cháu đời sau kể cho nghe…
“Khai thác phải theo mùa, theo tháng, Đoàn thuyền khai thác gồm nhiều chiếc chia từng nhóm 3 chiếc, một chiếc chở thợ, một chiếc chở quân hộ tống bảo vệ chống cướp, một chiếc chở lương thực và hỏa đầu quân”.
Có người lại kể rằng, con yến ở cù lao Chàm nguyên sống ở đảo Hải Nam Trung Hoa, đến mùa động dục thì bay về đây kết bạn làm tổ sinh sản.
Có bao giờ bạn nghĩ, rằng ăn yến sào là ăn nước miếng và ăn nước mắt của chúng khi phá tổ chúng không? Đồng thời có biết cơ man là rủi ro rình rập những người bám mình trên vách đá cheo leo hàng tuần hàng tháng trong hang động đó không??
Ảnh không biết tác giả và năm chụp.

Chủ Nhật, 23 tháng 7, 2017

XÓM DINH HỘI AN.
Tên gọi xóm Dinh được hình thành từ sau năm 1806, khi có dinh quan Binh Bộ Thượng thư Nhuận Trạch Hầu Nguyễn Tường Vân.
Càng về sau, xóm phát triển về phía bắc, kể cả ngay trên đất quan ngài, khi dinh được trùng tu năm 1909. Và khi chiến tranh 54 – 75 xảy ra, dân cư các nơi tràn về làm nơi cư trú tạm thời, lâu ngày làm nhà kiên cố nên diện tích đất bốn mặt của Dinh dần bị thu hẹp.
Cụ Nguyễn Tường Vân, gốc người Thanh Hóa, sau di cư vào Gia Định theo chúa Nguyễn Ánh ra đánh Quảng Nam lập được công lớn, đóng quân tại cửa Đại Chiêm, Hội An, rồi định cư tại xã Cẩm Phô, huyện Diên Phước, phủ Điện Bàn (nay là phường Cẩm Phô, Hội An). Năm Minh Mạng thứ 1 (1820), cụ được thăng chức Binh Bộ Thượng Thư, tước Nhuận Trạch Hầu.
Trong nhà thờ tộc Nguyễn Tường hiện lưu giữ 11 sắc phong của các vua triều Nguyễn ban cho các thành viên trong gia tộc, từ đời vua Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức cho đến Thành Thái. Chính trong một sắc phong xưa nhất này, ta được biết thêm, trước khi là thượng thư bộ Binh, ngài là quan bộ Hộ (trước năm 1808).
Một dòng tộc một thời văn võ song toàn đã qua đi. Những Nhất Linh (Nguyễn Tường Tam), Thạch Lam (Nguyễn Tường Lân), Hoàng Đạo (Nguyễn Tường Long) hồn linh có quay về cố thổ hãy nhớ ghé về miền quê Đại Chánh (Đại Lộc) thăm mộ Nguyễn Tường Vân thượng thư!!
Ảnh chụp một góc xóm Dinh sau chùa Cầu năm 1969. Không rõ tác giả.

Thứ Sáu, 21 tháng 7, 2017

CHÙA HẢI NAM
Gọi là chùa Hải Nam hay Hội Quán Hải Nam chỉ là cách gọi theo khẩu ngữ quen thuộc của người Hội An. Tên chính thức gọi cho đúng phải là QUỲNH PHỦ HỘI QUÁN.
Hải Nam xa xưa là một phủ của tỉnh Quảng Đông với tên gọi tắt là… QUỲNH!
Hội quán Quỳnh phủ được khởi dựng năm 1875 với tên ban đầu là miếu NGHĨA LIỆT HUYNH ĐỆ. Văn bia lưu giữ nơi này ghi rõ:
“Năm Quang Tự thứ nhất (1875), tại phố Hội An, thương nhân người Quỳnh Phủ là Ngô Đình Xương, Trần Tinh Huy cùng các giới buôn bán, trọng lẽ âm dương, xem mạch nước xây dựng miếu Nghĩa Liệt Huynh Đệ tại phía đông của Hội An”
(Quang Tự sơ niên, Hội An phụ (phụ nghĩa là bến, thương cảng), Quỳnh phủ thương, Ngô Đình Xương, Trần Tinh Huy đồng chúng thương đẳng nghị nhiên tập dịch tương kỳ âm dương, quan kỳ lưu tuyền mưu kiến Nghĩa Liệt Huynh Đệ miếu ư Hội chi đông thiên.)
Hội quán được trùng tu nhỏ nhiều lần cho đến gần 100 năm sau thì được đại trùng tu năm 1971. Về tích thờ 108 oan linh đã post rồi nên không ghi lại ở đây.
Trước khi nhà lầu trong ảnh bị đập phá xây lại như bây giờ dòng chữ Nho tâm tình hội phủ cũng bị xóa đi không thấy viết lại:
月 臺 靈 緒 在 万 無 一 日不 思 鄕
Nguyệt đài linh tự tại, vạn vô nhất nhựt bất tư hương.
(Trăng vẫn sáng mà chẳng ngày nào ta chẳng nhớ quê)
Bây giờ ngồi viết, chỉ nhớ trường Diên Hồng mà trước đó là trường Dục Trí dạy văn ngôn Hoa ngữ cho bang chúng Hải Nam.
Trường Diên Hồng có trước trường Trần Quý Cáp, và lúc chưa có trường trung học Bồ Đề thì học sinh các trường khác ở huyện xa hay như Chơn Phước Thiện ở Hội An, muốn học tiếp lên đệ ngũ, đệ tứ thì phải đến đây.
Chúng tôi cũng được học ở đây, nhưng là học hè thêm môn toán, do thầy Đỗ Cao Hữu dạy. Dãy nhà lầu trong ảnh là nơi được lấy một phần làm phòng hiệu trưởng kiêm phòng giáo sư. Thời đó thầy Thống làm hiệu trưởng, thầy Trí dạy Pháp văn. Sau này chúng tôi được học cours với thầy Trí tại nhà ông.
Ảnh không biết của ai và chụp năm nào.

Thứ Hai, 17 tháng 7, 2017

CHÙA LONG TUYỀN HỘI AN
Tại ấp Hậu Xá, xã Thanh Hà, phủ Điện Bàn vào năm 1909, một nữ thí chủ Hoa kiều họ Vương đã cúng dường khu vườn của mình để ban sơ xây nên một ngôi chùa tranh do Hòa thượng Phổ Thoại (1909-1954) khai sơn và đặt tên là Long Tuyền Tự.
Kế tục trù trì đời thứ hai: Hòa thượng Đương Như (1955-1961)
Kế tục trù trì đời thứ ba: Hòa thượng Thích Chơn Phát (1962-2016).
Năm 1913, chùa ngói được dựng lên với chánh điện, tiền đường và hậu tổ.
Năm 1924, xây tháp Đa Bảo giữa tiền đình chùa, đông đường, nhà trú và giếng nước.
Năm 1965, kiến thiết tăng đường.
Năm 1969, xây thiền đường, nhà thiện tín, tịnh khố và tái thiết tịnh trù.
Năm 1970, xây giảng đường Phật học viện.
Năm 1984, tái thiết tháp Đa Bảo.
Năm 1987, xây hộ pháp đường.
Năm 1988, kiến thiết tam quan mới xoay về hướng đông, xa xưa xoay hướng nam, giờ thành cổng phụ.
Từ năm 1993 đến năm 1994 đại trùng tu Chánh điện, Hậu tổ, Tiền đường.
Chép lại như trên để thấy việc xây dựng chùa cảnh phục vụ Phật sự tốn rất nhiều công sức, phải trải qua nhiều năm vì lý do tài chính, chưa kể phải nuôi dạy chúng điệu từ mọi miền đất nước trong nhiều năm cơ cực chiến tranh, có lúc… phải đi xin ăn.
Ở góc độ khác, một niềm tự hào lớn, thời đời trụ trì thứ ba, đã vận động thành lập nên Phật học viện tỉnh Quảng Nam, nhằm đào tạo tăng tài cung ứng cho Giáo hội, rất có uy tín thuở ấy. Ngày 20 tháng 2 năm 1971, viện được phép khánh thành giảng đường (đến nay vẫn còn) đồng thời khai giảng lớp học đầu tiên dành cho tăng sinh có trình độ đệ tứ trở lên. Tăng sinh được học chương trình nội điển đồng thời với ngoại điển thật đầy đủ. Mỗi khóa học là bốn năm, một năm học 10 tháng. Mỗi năm tuyển mở 2 khóa vào mùa xuân và mùa thu. Viện đã được một số các nhà hằng tâm hằng sản trong và ngoài giáo hội đứng ra bảo trợ tài chánh.
Ban giám đốc học viện có:
- Giám viện kiêm giám luật: Đại đức Thích Chơn Phát
- Phó giám viện: Đại đức Thích Như Vạn
- Giám học: Đại đức Thích Như Huệ
- Giám sự: Đại đức Thích Chánh Thiện
- Quản chúng: Đại đức Thích Như Luận.
Hội đồng giáo sư có:
- Kinh và luật học: Đại đức Thích Chơn Phát
- Diễn giảng: Đại đức Thích Như Huệ
- Hán học: Đại đức Thích Như Vạn
- Hành chánh học và nghi lễ: Đại đức Thích Long Trí
- Thế học: Giáo sư Phạm Phú Hưu
Giáo sư Phan Khôi
Giáo sư Võ Văn Mạo

Chủ Nhật, 16 tháng 7, 2017

CHÙA VẠN ĐỨC HỘI AN
Năm 1695, theo lời thỉnh mời của chúa Nguyễn Phúc Chu, phái đoàn thập đại sư từ Trung Hoa sang Việt Nam đã đến Huế để truyền giáo, trong đó có hòa thượng Minh Hải sau khai sơn chùa Chúc Thánh và hòa thượng Minh Lượng khai sơn chùa Vạn Đức.
Chùa Vạn Đức khởi nguyên dựng lập năm 1699 tại thôn Đồng Nà xã Thanh Hà hướng mặt ra phía bắc bên bờ sông Đế Võng do một gia đình Phật tử phát tâm hỷ cúng. Chùa ban đầu có tên là Lang Thọ (dân tình thường gọi là chùa Cây Cau), chỉ là một am tranh cho đến 14 năm sau mới xây được ngôi Bửu điện.
Khi việc trùng tu ngôi tam bảo tạm ổn, ngài Minh Lượng đã thỉnh hài cốt của song thân từ Trung Hoa sang. Lập xong hai mộ phụ mẫu trong đất chùa, ngài lặng lẽ xuôi nam tiếp tục sự nghiệp hoằng pháp.
Đến đời hòa thượng Phổ Triêm, trụ trì đời thứ ba, chùa thêm 1 lần đại trùng tu, chuyển hướng xoay lưng lại sông Đế Võng. Đến lúc nay chùa Lang Thọ (Cây Cau) cải danh lấy tên mới là… Vạn Đức!
Chùa Vạn Đức đã trải qua 14 đời trụ trì, xin chép lại tiểu sử 3 vị đầu tiên.
1/ Trù trì khai sơn: Minh Lượng
Ngài thế danh là Lý Nhuận, cha tên Lý Ân, mẹ tên Phan Thị Tề, sinh ngày 26 tháng 4 năm Bính Dần 1662 tại phủ Triều Châu, tỉnh Quảng Đông Trung Hoa. Ngài thị tịch nơi đâu chưa rõ nhưng căn cứ long vị thờ ở chùa Thập Tháp, ngài tịch vào ngày rằm tháng 7 năm Kỷ Sửu 1769.
Ngài, là đệ tử của tổ nào hiện chưa rõ, với pháp danh Minh Lượng, pháp tự Nguyệt Ân, pháp hiệu Thành Đẳng đời thứ 34 môn phái Lâm Tế thuộc dòng kệ của tổ Đạo Mân.
Sau khi rời chùa Lang Thọ, ngài vào nam khai sơn chùa Đại Giác ở Biên Hòa (Đồng Nai). Đây là ngôi chùa để người đồng hương của ngài lánh nhà Thanh sang Việt Nam, được chúa Nguyễn chấp nhận, có nơi chiêm bái tu hành.
Về sau ngài tiếp tục đi nhiều nơi hành đạo nên ít người biết được hành trạng đầy đủ của ngài.
Thời nhà Lê, chúa Nguyễn đã ban cho ngài một chiếc y gấm và một thế đao. Những năm 70, chúng tôi còn thấy để thờ tại chùa Vạn Đức.
Đời ngài tu theo đạo lý Bát Nhã nên ít lưu lại chứng tích.
2/ Trù trì đời thứ 2: Phật Tuyết – Tường Quang
Hiện nay chưa xác định được danh tánh và quê quán của ngài. Ngài sanh năm 1739, xuất gia với tổ Minh Lượng nên có pháp danh, pháp tự như trên. Sau khi ngài Minh Lượng vào nam, ngài đến cầu pháp với tổ Ân Triêm tại chùa Phước Lâm nên có pháp danh Pháp Ấn, pháp hiệu Quảng Độ. Ngài cũng khai sơn chùa Kim Liên ở ấp Trường Lệ. Ngài tạ thế ngày 17 tháng 9 năm 1811.
3/ Trù trì đời thứ 3: Phổ Triêm – Phước Sơn
Ngài thế danh là Lê Công Mạo, sinh năm 1735 tại Hoằng Hóa Bắc Kinh, vốn chuyên nghề dạy học và làm thuốc. Sau nhân chạy loạn vào ngụ tại xã Sơn Phô, Diên Phước, Điện Bàn, Quảng Nam. Ngài xuất gia sau thời Tây Sơn, tu học tại chùa Vạn Đức lúc đã hơn 50 tuổi với pháp hiệu Phổ Triêm.
Ngày 28 tháng 10 (âm lịch) năm 1832, ngài lên giàn tự thiêu sau khi phát nguyện để lại ngón tay cái (đã thất lạc). Tang lễ ngài có đại diện triều đình tham dự và vua Minh Mạng sắc tứ thụy hiệu là Phước Sơn hòa thượng.
-------
Cách đây mới 5 - 10 năm, chùa Vạn Đức lại đại trùng tu, lần này chùa xoay 180 độ, hướng nhìn ra sông. Chúng tôi, bốn huynh đệ, một lần có đến ngoạn cảnh chùa nhưng chúng tôi không thấy 2 ngôi mộ song thân của tổ khai sơn như trước đây chúng tôi vẫn thấy. Chúng tôi dần đọc các bia mộ trong chùa nhưng chưa tìm ra. Lúc này có một tăng sĩ cũng đang dạo ngang, người nói như đủ cho chúng tôi nghe… “Các thầy lại cải tổ!”.
Cho đến giờ tôi vẫn chưa hiểu hàm ý câu này: Cải tổ là… cải tổ hay là cải lời tổ, cải lại tổ???
Bài này gom góp nhiều tư liệu trong đó có sử liệu do Phật học viện Quảng Nam ấn hành. Ảnh chưa biết tác giả và năm chụp.

Thứ Bảy, 15 tháng 7, 2017

CHÙA HẢI TẠNG
Nơi biển đông, trên đảo Tiêm Bát La, thường gọi cù lao Chàm, có ngôi làng Tân Hiệp thuộc thị xã Hội An. Tại đây, vào năm Đinh Mão 1687 đến năm 1691, thời chúa Nguyễn Phúc Trăn trị vì, Thiền sư Hương Hải đã kiến dựng một ngôi chùa mang tên Hải Tạng Tự.
Lúc đầu, đây chỉ là thảo am tu hành, sau mới dựng nên chùa ngói.
Đến đời chúa Nguyễn Phúc Chu (1691-1725), Chúa lập thiền tỉnh viện ở núi Quy Cảnh và thỉnh ngài vào đất liền về hoằng dương và truyền đạo tại đây.
Ngôi chùa này về sau có ngài Viễn Công tỳ kheo dến trụ trì và tịch nơi đó, tháp ngài được dựng phía tây ngôi chùa.
Năm Nhâm Ngọ, 1822, môn đồ vận động đúc quả Đại Hồng Chung treo tại chùa này dưới sự chứng minh của tổ Minh Giác trụ trì chùa Phước lâm.
Đến năm 1848 (Tự Đức nguyên niên) chùa được tháo dỡ di dời và phục tu cách chùa cũ 200 mét về hướng tây như hiện nay.
Bên trên trích một phần tư liệu dạy giáo sinh của Phật học viện Quảng Nam trước năm 1975.
Dưới, ảnh chùa Hải Tạng, chưa biết tác giả và năm chụp.

Thứ Sáu, 30 tháng 6, 2017

CHÙA PHÁP BẢO HỘI AN.
Từ những năm 1934,1935 chư vị Hòa Thượng Thích Đôn Hậu, Thích Mật Nguyện đã vào Hội An giảng dạy, thuyết pháp, khuyến hóa quy tụ được một số đông tín đồ Phật giáo. Các ngài đã mượn nhà thờ ông thông Đăng (Trịnh Văn Đăng) làm Niệm Phật Đường. Lúc này Tỉnh giáo hội Phật giáo Quảng Nam đã được thành lập và định mượn chùa làng Cẩm Phô (chùa Viên Giác bây giờ) để làm trụ sở tỉnh hội nhưng bị hội đồng hương lão từ chối.
Tỉnh giáo hội quyết định vận động tín hữu quyên tiền mua đất và kết quả là chùa tỉnh hội (đất hiện nay) được hình thành vào năm 1936. Trong thập niên 36-46, tỉnh hội thành lập được 8 chi hội ở các huyện và gần 400 khuôn hội tại các xã trong toàn tỉnh.
Các đời trụ trì:
THÍCH ĐỒNG CHƠN (1942-1947)
THÍCH ĐỊNH TUỆ (1947-1948)
THÍCH TRÍ GIÁC (1948-1963)
THÍCH TRÍ MINH (1963-1971)
THÍCH NHƯ HUỆ (1971-1981)
THÍCH LONG TRÍ (Phát nguyện kiêm nhiệmTrụ trì 1981- 1990)
Năm 1990, Đại Đức Thích Hạnh Niệm đang trú trì chùa Cẩm Hà đã được ban trị sự tỉnh Quảng Nam Đà Nẵng bổ nhiệm và chính quyền thị xã Hội An thống nhất về làm trụ trì chùa Pháp Bảo cho đến ngày nay.
(Phần đại đức Thích Hạnh Niệm, tôi, trích nguyên văn trong Kỷ yếu chùa Pháp Bảo tháng 3 năm 2010 – Không chịu trách nhiệm câu, từ.)
Dưới là ảnh cổng chùa Phật Học sau đổi Tỉnh Hội rồi Pháp Bảo, không biết tác giả và năm chụp.