Thứ Sáu, 29 tháng 4, 2011

CẨM PHÔ HỌC TRƯỜNG

Như mọi nơi, Hội An có nhiều trường tiểu học. Nhưng để có một trường tiểu học còn lưu lại văn bia kỷ niệm thành lập trường như trường tiểu học Cẩm Nam thì Hội An có một.
Trở lại trước thế kỷ XVIII, cựu xã Cẩm Phô từng đóng “bản doanh” trên đất Cẩm Nam, đình tiền hiền của xã lần đầu được xây cất trên đất Nam Ngạn, đã bị thủy phá hoàn toàn, sau chuyển dời về bên này sông gần đình Hương Hiền Cẩm Phô.

Trước năm 1960, đất của ba ngôi nhà này (cạnh lò bún ông Hòa đường Duy Tân) là nền của đình Tiền Hiền Cẩm Phô. Đình xoay về hướng đông nhìn xuống biển.

Năm 1943, viên quan hương chức cựu xã Cẩm Phô xin tiền canh tác công điền cộng với sự đóng góp của dân bổn xã, các nhà hảo tâm cùng xây dựng trường học mang tên ban đầu là Cẩm Phô Học Trường để giảng dạy bậc yếu lược tương đương từ lớp một đến lớp ba bây giờ.
Trường tọa lạc tại thôn Xuyên Trung, phường Cẩm Nam, đã qua nhiều lần trùng tu nên không còn dấu vết cũ, chỉ còn lại văn bia xây dựng trường lập vào năm Bảo Đại thứ 16 tức năm Quý Mùi năm 1943. Tên mới hiện nay là “Trường Tiểu Học Trần Quốc Toản”

 Văn bia lập năm 1943

Cựu học sinh trường lập tháng 8/2009

"Bảo Đại năm 16, Quý Mùi, tháng 9 ngày tốt, phường Cẩm Phô ta.
Tiếp tục thấy như thế này: Dưỡng dục quý yêu con trẻ chính là làm lợi cho quốc gia.
Thanh niên ngày nay tức là người anh tuấn mai sau vậy!
Triều đình ban ý tạo rừng học trò (sĩ lâm) đối với các lớp ấu học, lập học hiệu, tôn kính ngành sư phạm, phải hết lòng ân cần vậy!
Kế theo, con trẻ phải thông minh, nên sức cho các địa hạt bên dưới như xã thôn lập trường bậc yếu lược.
Xã ta, phường ta cùng đồng thuận để mười ba mẫu ruộng công tốt, trình xin khoản tiền canh tác ruộng trong ba năm để mua nguyên vật liệu kiến tạo "Trường học Cẩm Phô" tại xứ Châu Trung, chẳng bao lâu ngày đã hoàn thành.
Từ nay về sau, con trẻ tung tăng rảo bước như đàn chim về cửa trường để học tập thành thục theo giáo huấn.
Việc tốt lớn của xã phường ta đã hoàn thành. Các khách nhân cũng vui mừng cúng tiền. Nay liệt kê vĩnh viễn khắc tên thơm bên trái... ... ...
Xã phường ta cùng tạo dựng.
Người thực hiện tên là Bàng Đông Hoàng.
Tuân hành."

Thế hệ hậu sinh hiện tại cần tiếp tục phát huy truyền thống văn hóa xã nhà nhằm thông điệp cho thế hệ tương lai về khúc tráng ca hành trình mở đất quê hương của ông cha.

Học trò đọc: "Tiên học lễ, hậu học văn" 
Nhưng đôi khi có phụ huynh lại đọc: "Tiên học phí, hậu học thêm!!"




Chủ Nhật, 24 tháng 4, 2011

ĐÌNH SƠN PHONG
(Theo tư liệu của nhà khảo cứu Phạm Thúc Hồng và thực tế khảo sát)

Đình cổ Sơn Phong được lập từ khi nào hiện chưa có chứng liệu khả tín.
Nhưng hiện nay đang tồn tại trong đình bức hoành phi do chúa Nguyễn Phúc Chu ngự bút ban tặng vào năm 1715 và đích thân Chánh hậu của ngài dâng cúng tại đình. Đình lúc đó chỉ là miếu nhỏ thờ thần bổn xứ Tầm Vông.

 CỨU THẾ ĐỘ NHÂN
Vĩnh Thịnh thập nhất niên, tuế thứ Ất Mùi (1775), bát nguyệt, thập nhất nhật, đề Quốc Chúa Thiên Túng đạo nhân, ngự bút.

Đến khoảng trước năm 1800 làng Phong Niên được thành lập trong địa phận của Tầm Vông xứ, miếu Tầm Vông cải gọi là đình Phong Niên và được tu bổ lại khoảng trước năm 1822. Từ đó về sau không biết có lần trùng tạo, tăng kiến nào không thì chưa rõ vì trong đình hiện không có bi ký hoặc di chỉ ký thác cho hậu thế. Mãi đến năm 1935 cựu lý trưởng Nguyễn Văn Sâm có phụng cúng một khám thờ ghi ngày 10 tháng 3 năm Ất Hợi.

 Ba hàng trên: Giữa VẠN CỔ ANH LINH
Phải THIÊN HOÁN VĂN CHƯƠNG, Trái THÁNH ÂN HẠO ĐẢN
 Câu đối: Thiên khố tinh huy vạn sự long
Thần quang phong chiếu thiên tường tập
 Năm 1974, Pháp sư Nguyễn Văn Ba vẽ biểu tượng long sư vào lòng khám.

Năm 1944, đình Sơn Phong ra đời trên cơ sở tôn tạo đình Phong Niên nhỏ thấp thành đình Sơn Phong cao lớn hơn. Xà cò đình Sơn Phong ghi:

Đại Nam, Bảo Đại thập tứ niên, tuế thứ Giáp Thân, bát nguyệt thu, thập ngũ nhật, Mão thời thượng lương. Điện bàn phủ, Phú Triêm tổng, Sơn Phong xã Viên hào, lý hương tịnh chánh ngụ đồng kiến tạo.
Nước Đại Nam, vua Bảo Đại năm thứ mười bốn, Giáp Thân (1944), giờ Mão ngày rằm tháng tám mùa thu thượng lương. Phủ Điện Bàn, tổng Phú Triêm, xã Sơn Phong. Viên chức xã và dân chính cư cùng xây dựng.
(Đúng ra nên dùng "trùng kiến": xây dựng lại, hoặc "tăng kiến": xây tăng thêm thay cho "kiến tạo" thì sát đúng thực tế hơn vì trụ đình Sơn Phong tận dụng nối thêm 1/3 trụ đình Phong Niên, dấu tích còn để lại).

Cùng trong năm 1944 khánh thành đình mới, xã Sơn Phong có hoành phi SƠN PHONG ĐÌNH thì năm sau dân cựu ấp Sơn Tây thuộc xã Sơn Phô cũng phụng cúng hoành phi tỏ lòng hoài niệm về sự hòa nhập vào xã mới Sơn Phong từ trước năm 1899.

PHỔ ĐỒNG NHÂN (Người cùng xóm dân)
Bảo Đại thập cữu niên đông (1945), Sơn Tây ấp toàn dân phụng cúng.
Năm 1974, Sơn Phong lúc này là đơn vị hành chính cấp ấp/thôn, có xây lại tiền đường bằng bê tông cốt thép, lợp ngói âm dương, trang trí Long, Lân, Quy, Phụng. Kinh phí trùng tu do dân phụng cúng là 1.400.000 đồng tiền Sài Gòn. Ban trùng tu gồm các ông Trương Tích, Hồ Viết, Phạm Đắc...
Năm 2000, 2002, 2008 thêm ba đợt trùng tu nữa.

Hiện nay đình Sơn Phong còn lưu giữ năm sắc vua ban mà năm 1946, khi quân Pháp tiến chiếm Hội An đã vào đình mang các sắc này toan đốt, thì lý trưởng làng Sơn Phong lúc đó là ông Lý Tý đã hoảng hốt chạy đến  ra dấu đây là sắc phong thờ cúng không phải tài liệu của Việt Minh nên còn tồn tại đến bây giờ. (Ông Hồ Viết, tục danh là Ký, kể lại).

Sắc phong của vua Tự Đức năm 1853

"Thượng Đẳng Thần là Đại Càn Quốc Gia Nam Hải Thánh Nương tứ vị tôn thần, nguyên tặng Hàm Hoằng, Quang Đại, Chí Đức, Phổ Bát, Hiển Hòa.
Thần giúp nước, giúp dân, xưa nay linh ứng rõ ràng.
Mệnh trời nhớ mãi công thần che chở nên tặng là Thượng Đẵng Thần Hàm Hoằng, Chí Đức, Phổ Bát, Hiển Hóa, Trang Huy.
Vẫn giao xã Cẩm Phô, tổng Diên Phước y theo cũ mà phụng thờ Thần, ngõ hầu xem xét bảo vệ cho dân đen ta.
Hãy tuân theo!
Tự Đức năm Quý Sữu (1853), tháng mười một, ngày hai."

Sắc phong của vua Duy Tân năm 1909

"Sắc cho xã Phong Niên, huyện Diên Phước, tỉnh Quảng Nam.
Theo như trước thờ cúng thần Thành Hoàng Bảo An, Chánh Trực, Hựu Thiện, Đôn Ngưng, Dực Bảo, Trung Hưng.
Nay ban sắc phong theo đó mà thờ.
Duy Tân lên ngôi năm thứ nhất, nhà vua ban ơn thăng phẩm trật đặc biệt, chuẩn y thờ cúng theo cũ, theo lễ quốc lễ quy định thờ cúng.
Duy Tân năm thứ ba (1909), tháng tám, ngày mười một."

Ngoài ra còn hai sắc phong của vua Thiệu Trị năm 1843 và một sắc phong của vua Tự Đức năm 1850.
Trường hợp sắc của xã Cẩm Phô lại nằm trong đình Sơn Phong thì không lý giải nổi. 
Bia chùa Bà Mụ, một cái lạc xuống đình Ông Voi, cái kia đến Minh Hương Phật Tự. 
Đá mà còn chạy được huống hồ giấy!!

Ngàn xưa dân ta vẫn thờ Thần dù có sắc hay không.





Thứ Sáu, 15 tháng 4, 2011

SƠN PHONG ĐỆ TỨ PHƯỜNG
(Theo tư liệu của nhà khảo cứu Phạm Thúc Hồng và thực tế khảo sát)

Phố cũ Hội An khống chế từ “Thượng chùa cầu” đến ”hạ Âm Bổn”. 
Vậy qua khỏi mốc giới Âm Bổn là gì? – Là: Sơn Phong đệ tứ phường (không tính cựu xã Cổ Trai đã nhập vào Minh Hương xã).

Dấu chân tiền nhân bạt đất khơi nguồn đã kiêu hãnh đi vào quá khứ, dù chỉ còn lại đây vài vết tích nhỏ nhoi, nhưng vẫn phảng phất hành trình bi hùng dựng làng mở đất.

Đình Sơn Phong trên đường Nguyễn Duy Hiệu

Cho đến nay, trong văn tế cúng đình làng và trong nhiều hộ dân cư Sơn Phong vẫn còn tuyên địa danh: TẦM VÔNG XỨ. Việc truy tìm cho thấy quá nhiều lý giải chắp vá và vay mượn. Theo ghi chép của ông Hương Quợt (tính đến nay đã hơn 150 tuổi) làm thầy phù thủy tại bản quán Sơn Phong thì hai chữ Tầm Vông được truyền khẩu từ xa xưa, từ thời người dân Chàm còn đang cộng cư chung sống với người Việt, bằng chứng còn đây: Ngôi cổ miếu đã tồn tại hơn 300 năm (bây giờ là đình Sơn Phong) thờ nữ thần Chàm “Thiên Y A Na” gọi là miếu “Tầm Vông”.

 
Ông Bùi Thi, 95 tuổi, hương lão Sơn Phong phường.

Trên, tạm cho là phần sơ sử. Bước vào Sơn Phong cận đại, căn cứ theo bản truyền thi ngày 2 tháng 3 năm Minh Mạng thứ bảy (1826) của dinh Quảng Nam gửi hương chức các xã và bang trưởng Hoa kiều có nội dung sau:
“Tỷ lai, chư Thanh thuyền lai thương Hội An phố.
Kỳ thuyền sưu đình nghị tại Minh Hương, Hội An, Cổ trai, Đông An, Diêm Hộ, Hoa Phố, lục xã địa phận...”
(Gần đây, các thuyền người Thanh đến buôn bán tại phố Hội An. Các thuyền ấy dừng đỗ tại Minh Hương, Hội An, Cổ trai, Đông An, Diêm Hộ, Hoa Phố, địa phận của sáu xã...)

Và theo “Việt Nam khảo cổ tập san – Chen Chin Ho – Bộ Quốc gia giáo dục – 1962”:
“Hội An phố nguyên là đất các xã Thanh Hà, Cẩm Phô, Trà Nhiêu, Cổ Trai, Hội An và sau khi Minh Hương xã được thành lập thì Hội An phố gồm các xã Minh Hương, Cẩm Phô, An Thọ, Phong niên, Hoa phố và Hội An. Hiện nay, An Thọ, Phong Niên và Hoa Phố nhất hợp lại thành Sơn Phong thôn”.

Tính đến trước năm 1850:
Xã Hội An: gồm các đường từ Phan Châu Trinh đến sân vận động Hội An và cả con đường Lê Lợi (có Hội An đình tức đình Ông Voi và Hội An Tiên Từ)

Đường Lê Lợi thuộc cựu xã Hội An
Xã Minh Hương: Từ chùa Cầu đến Quan Thánh miếu, từ bờ sông đến đường Phan Châu Trinh gồm hai ấp Hương Thắng và Hương Định.
Xã Cổ Trai: Từ Quan Thánh miếu đến đường Hoàng Diệu hiện nay (Năm 1883 theo đề nghị của ông lý trưởng Lý Hữu Huân, xã Cổ Trai sáp nhập vào xã Minh Hương. Theo truyền ngôn, xã Cổ Trai có xóm Mậu Tài, dân đinh khoảng 9 người chuyên nghề đồng, thau, chì, cước từ Huế vào định cư. Họ đã lập miếu Mậu Tài ngay góc ngã tư Hoàng Diệu – Nguyễn Duy Hiệu. Ngôi miếu này đã bị hư sập không còn vết tích).
Xã An Thọ: Trước gọi là Đông An là khu đất từ đường Hoàng Diệu đến đình Sơn Phong và từ bờ sông đến ranh giới Trường Lệ, Cẩm Châu. Xã An Thọ có miếu An Thọ bên cạnh cây đa đối diện với miếu Mậu Tài theo trục đường Nguyễn Duy Hiệu. Miếu này cũng bị hủy hoại cách nay hơn 50 năm.
Xã Hoa Phố: Tiền thân của xã Sơn Phô, nay là Sơn Phô I và Sơn Phô II thuộc phường Cẩm Châu
Xã Phong Niên: Trước gọi là Diêm Hộ, đất được tính từ đình Sơn Phong đến ranh giới khối phố Sơn Phô. Xã Phong Niên có Đình Phong Niên nay cải là Đình Sơn Phong.

Ngã tư Nguyễn Duy Hiệu - Hoàng Diệu. 
Ngày trước, trên lề trái là miếu Mậu Tài, trên lề phải là miếu An Thọ.
ĐỊA DANH SƠN PHONG RA ĐỜI
Theo “Cư dân Faifo Hội An trong lịch sử” của Nguyễn Chí Trung:
“Thời Pháp thuộc: Năm 1898 (20/10) vua Thành Thái ra chỉ dụ thành lập thị xã Faifo làm tỉnh lỵ Quảng Nam. Đến 30/8/1899 Toàn quyền Đông Dương lúc ấy là Foures ký nghị định chuẩn y đạo dụ trên gọi là VILLE DE FAIFOO và phạm vi hành chính gồm các xã Hội An, Cẩm Phô, Minh Hương, Sơn Phong”

“...đáng chú ý là ngay trên phường Sơn Phong ngày nay, nguyên trước là đất của các làng nhỏ hợp thành vào thế kỷ thứ XVIII, đó là Phong Niên, An Thọ, Đại An. Sau được nhập lại thành làng An Phong và nhập thêm làng mới là Mậu Tài. Đến khi trở thành Sơn Phong là do Công sứ Pháp cắt 18 mẫu đất của làng Sơn Phô nhập vào”.

Như vậy, Sơn Phô cắt số đất là: 18 mẫu trung kỳ x4970 mét vuông/mẫu = 89460 mét vuông. Số đất này thuộc ấp Sơn Tây của làng Sơn Phô nhập vào Sơn Phong vì vào đầu năm 1945 nhân dân ấp Sơn Tây phụng cúng hoành phi tại đình Sơn Phong để tỏ lòng hoài niệm về sự hòa nhập vào xã mới.

Vậy Sơn Phong được hình thành từ các xã ấp có tên gọi cũ là An Thọ, Phong Niên, Đại An (chưa rõ nằm ở đâu), Sơn Tây, An Hòa.
Xã hiệu Sơn Phong ra đời trước năm 1899, là tên ghép của Sơn Tây hoặc Sơn Phô và An Phong.
(Theo ông Phạm Thúc Hồng: “Thời điểm xuất hiện xã hiệu Sơn Phong vào năm 1899 nhưng vào năm 1909, sắc phong của vua Duy Tân vẫn còn dùng xã hiệu Phong Niên. Xét độ tin cậy của hai văn bản thì văn bản hành chính năm 1899 của Nam triều và Toàn quyền Đông Dương có tính pháp lý nhà nước cao nhất. Còn sắc phong thần là việc làm thường xuyên trong phạm vi tín ngưỡng do Bộ Lễ Nam triều trình tấu cho vua chuẩn y)

Tháng 7 năm 1956, chính quyền Sài Gòn lập khu hành chính Cẩm Phô thuộc quận Điện Bàn chia thành 9 xã mới: Cẩm Hà, Cẩm Châu, Cẩm An, Cẩm Thanh, Cẩm Nam, Cẩm Kim, Hội An, Cẩm Hải (nay là Điện Dương), Xuyên Long (nay là Duy Vinh). Các xã Cẩm Phô, Hội An, Minh Hương, Sơn Phong thành các thôn, ấp thuộc xã Hội An.
Tháng 7 năm 1962 thành lập quận Hiếu Nhơn thay cho khu hành chính Cẩm Phô, Sơn Phong vẫn là cấp thôn ấp của xã Hội An.
Sau năm 1975, Sơn Phong là đơn vị hành chính cấp xã phường.

QUÁ TRÌNH MỞ ĐẤT
Xét Theo địa mạo, vùng đất Sơn Phong hình thành hai khu vực khác nhau:
Vùng cựu địa
Là vùng đất đường Nguyễn Duy Hiệu trải dài về phía Bắc giáp với Trường Lệ (Cẩm Châu) hiện nay. Vùng đất này đã có người Chàm sinh cư có niên đại hình thành từ cổ sơ rồi sau đó người Việt tiếp cư.
Vùng tân bồi:
Trải dài từ đường Nguyễn Duy Hiệu đến bờ sông, từ đường Hoàng Diệu đến giáp ranh Sơn Phô. Những năm 1700, khu vực này là sông. Quá trình tân bồi diễn ra hai giai đoạn:
Một: từ những năm 1800 đến trước năm 1840, dòng Thu Bồn cạn dần về phía hạ lưu, phù sa bồi đắp thành một dãi đất từ chùa Cầu đến chùa Sư Nữ hiện nay. Năm 1841, một con đường mới được mở ra (và phát triển đến năm 1883 là hoàn tất với tên là Tân Lộ là đường Nguyễn Thái Học bây giờ). 

Đường Bạch Đằng
Hai: từ 1850 đến trước năm 1886, sông Thu Bồn tiếp tục bị bồi lấp phía hạ lưu, nhiều trận lụt lớn đã kéo đất lấp dần sông và đắp thêm từ cuối đường Nguyễn Thái Học về đến cồn Chài, vết tích còn lại cho đến bây giờ là con lạch Lò Vôi phía sau chùa Sư Nữ. Cũng trên vùng đất tân bồi này, năm 1878 con đường Bạch Đằng được hình thành cho đến cuối năm 1886. Còn đất Sơn Phong tuy được mở rộng nhưng khu này còn lầy lội và chính phủ Pháp cũng như Nam triều không để ý đến. Lúc này, tại đây, sự tụ cư chỉ mang tính tự phát. Theo lời các vị cao niên kể lại, lúc này chưa có con đường mang tên Phan Bội Châu, đây chỉ là nổng cát lẫn sình. Ông đội Xình (Police), quản lý khu chợ Hội An cho đem rác đổ xuống nơi này.
Đường Phan Bội Châu

Thời kỳ chiến tranh (45-54), Sơn Phong thành nơi tiếp cư của người dân Cẩm Thanh, Cẩm An, Duy Nghĩa, Duy Vinh... đến trú ngụ.



Thứ Sáu, 8 tháng 4, 2011

MIẾU ÂM LINH NAM DIÊU

Bên vệ đường, nằm riêng biệt, miếu âm linh Nam Diêu dõi theo bóng người qua lại trên con đường hẹp mà ngày xưa là huyết lộ nối liền tổng Phú Triêm với cổ trấn Hội An.



"Hồn ta như miếu cô quạnh lắm" (DTL)
Giữa là miếu Âm Linh, bìa phải là miếu Sơn Tinh

Bước vào miếu thấy trống huơ trống hoác, gian giữa thờ hai chữ ÂM LINH (linh hồn ở cõi âm), gian tả hữu cùng thờ các thứ bậc với các chữ TẢ BAN - HỮU BAN.

Giữa tiền đình hai câu đối đắp nổi:

Âm cảnh thiên thu an tịnh mộ
Dương gian phụng tự kế trường tồn
Nơi âm cảnh ngàn năm yên mồ mả
Tại dương gian vạn thuở cúng cô hồn
Lúc xóm ấp Nam Diêu lập miếu này cũng là lúc chiến tranh đang thời ập đến (tiếp năm sau vua Thành Thái bị Pháp bắt đi đày) cho nên nhìn đôi liễn sẽ thấy ngay lòng mơ ước yên hòa:

Âm phò mặc trợ hữu nhân dân
Linh ứng hưu tranh hộ bổn ấp
Lặng lẽ âm phò giúp nhân dân
Linh hiển giữ gìn an bổn ấp

Hưu tranh!: Dừng lại sự tranh giành, hòa bình hãy đến!.

Thành Thái bát niên lục nguyệt nhị thập nhựt thân bài Nam Diêu bổn ấp đẵng đồng cung tạo
Thành Thái năm thứ tám (1896) tháng sáu ngày hai mươi giờ Thân, thứ bậc ấp ta đồng cung tạo.







 

Thứ Ba, 5 tháng 4, 2011

MIẾU TỔ NGHỀ GỐM NAM DIÊU

Nghề gốm là nghề thủ công, một thời là nghề truyền thống. Sự kế thừa dần nâng cao sự tinh xảo, càng thăng tiến nghề nghiệp càng thấu tri ân đức tiền nhân. Dân ấp nghề gốm Nam Diêu tôn vinh tổ nghề mình là thợ trời:

Gian giữa miếu thờ Tổ sư với hai chữ THIÊN CÔNG
天 工
(Thợ Trời)
 Cũng đứng nơi gian giữa này mà nhìn lên mái, xà cò ghi:

  "Tự Đức nhị thập nhất niên bát nguyệt cát nhựt Nam Diêu ấp bổn nghệ đồng kiến thuân"
Tự Đức năm thứ hai mươi mốt (1868), ngày tốt tháng tám, ấp nghề Nam Diêu ta cùng dựng.

Sang gian tả, là nơi thờ các bậc phối tế với hai chữ:
Sáng Thùy
(Sáng tạo và truyền lại)
Lại nhìn lên, xà cò ghi:

"Thành Thái Ất Tỵ niên thập nguyệt cữu nhựt thân bài Thanh Hà xã Nam Diêu ấp đồ nghệ bổn nghệ đồng tái tạo"
Thành Thái năm Ất Tỵ (1905), giờ Thân ngày chín tháng mười, ấp Nam Diêu xã Thanh Hà học trò nghề ta cùng dựng lại.

 Gian hữu vẫn thờ chư bậc phối tế với niềm tin:
樂 利
 Lạc Lợi
(An vui và lợi nhuận)
Xà cò gian hữu ghi:  

 "Bảo Đại bát niên chánh nguyệt cát nhựt Thanh Hà xã Nam Diêu ấp đồng sùng tu"
Bảo Đại năm thứ tám (1933) ngày tốt tháng giêng ấp Nam Diêu xã Thanh Hà đồng bái sửa.

Ít nhất qua ba lần kiến tạo trùng tu những câu đối trong miếu xưa như vừa nhắc nhở vừa trân trọng công đức tiền nhân, cho hậu thế có dịp suy gẫm:
Vãng quá lai giả tục
Tiền sự tác chi sư
Thời gian qua, người sau tiếp
Việc làm trước, tạo nên thầy

Toàn dân cộng ngưỡng tiền công đức
Chư tộc hòa sinh cựu chỉ cơ
Toàn dân ngưỡng vọng công đức trước
Chư tộc an vui nền móng xưa
                                                                    (Nhà giáo Phạm Thúc dịch)






Thứ Sáu, 1 tháng 4, 2011

MIẾU THẦN NAM DIÊU

Trong cụm miếu ở ấp Nam Diêu, miếu thờ thần bổn xứ được định vị kề miếu tố nghề gốm như một tổ hợp tách rời. Địa chỉ hiện tại: Khối năm, phường Thanh Hà, thành phố Hội An.

Bên trái là miếu Tổ nghề gốm, giữa là miếu thờ Thần bổn xứ, bên phải là miếu Âm linh.

Nội thất miếu với gian giữa thờ đắp nổi chữ
THẦN
Và hai câu đối:
Ngọc chúc chiếu trung linh hữu mục
Kim yên đáo xứ diệu vô tồn
Đèn ngọc thấu lòng, hiển linh như có mắt
Yên vàng khắp xứ, huyền diệu tựa chân không
Gian đông và tây thờ các chữ:
QUANG TIỀN
DỤ HẬU


Câu đối hai trụ giữa hiên tiền đình:
Văn bảng chương đồ nguyên Bắc địa
Danh truyền điển tích chiếm Nam bang
Câu đối hai trụ bên hiên tiền đình:
Thánh đức uy linh, phù hộ hương thôn an lạc
Thần ân hiển hách, độ trì trăm họ khang ninh

Trong cụm miếu tứ sở này chỉ có miếu thờ thần là còn bi ký. Nhưng nhìn vào tiêu đề nội dung văn bia là thấy... "tối thui mặt mày": LONG PHI ẤT TỴ!!.
Long Phi Ất Tỵ có thể là năm 1785, 1845, 1905...
Dưới đây là phần dịch nghĩa văn bia do Kim Tâm Thích Hạnh Niệm thực hiện.

"Long Phi, mùa thu năm Ất Tỵ khắc bia.
Xã Thanh Hà, ấp Nam Diêu, các bậc thân hào của ấp ta.
Từng nghe rằng: Chớ làm điều mà trước tuy đẹp nhưng không sáng, chớ làm điều mà về sau tuy thạnh mà không được truyền lại. Người xưa có lời như vậy. 
Thái miếu của ấp ta được tiền nhân xây dựng đã từ bao năm, người xưa sửa sang đổi mới cho đến ngày nay không còn lưu dấu tích. Đến bây giờ thấy không được thư thái, chỉ muốn sửa sang nhưng mỗi lần đề khởi thì lại không toại ý. Nay hân hạnh thay, đồng nhân cùng khuyến khích, đồng tâm đồng lực cùng nói rằng: " Cây tùng cây bách cao già không khỏi cái lo khô hoại trong sớm chiều, đâu bằng lo xây dựng để nhà xong ngói vẹn đâu đó được cái thế an ổn vững bền". Như vậy bằng làm móng y hướng cũ, chế dùng theo quy củ mới một phen chấn chỉnh, trên lầu dưới tẩm, rất mực trang nghiêm, trong đường ngoài hiên, vô cùng tráng lệ, thành không phải trong ít ngày, chẳng lo phải tốn vài ba trăm ngân khoản, chỉ trông mong sao hàng trăm năm đẹp mắt bàng quan thiên hạ. Lúc bây giờ về sức lực thì đốc công, thủ bổn, không ít người, lại có cả người chuyên lo việc văn thư và trưởng biện phái. Về tài chính thì có tiền cho làm rẻ ruộng thừ tự của ấp hơn một trăm đồng, lại có tiền cúng. Từ một đồng trở lên đều có ghi vào bia chí, mười đồng trở lên đều có thêm thịt phần kỉnh và văn từ phổ khuyến khi làm lễ cáo thành tân miếu.
Thành thật mà nói, nếu chẳng phải có tâm lực thì không thành tựu được. Ấp ta phải khắc bia lưu lại ngàn sau để khuyến khích kẻ có tâm lực hiện thời, cũng như để ngày sau kẻ có tai mắt suy nghĩ vậy. Đó là lý do dựng bia và ghi rõ họ tên chư vị đã phát taamcungs vào việc trùng tu dưới đây: ... ... ...
Phụng chí: Tú tài Nguyễn Tải."


Văn bia miếu thờ Thần Bổn xứ ấp Nam Diêu

"Chớ làm điều mà trước tuy đẹp nhưng không sáng, 
Chớ làm điều mà về sau tuy thạnh mà không được truyền lại."
Người xưa có lời như vậy.