Thứ Ba, 31 tháng 8, 2010

VÀI HÌNH ẢNH KHÁC (3)


DƯƠNG THƯƠNG HỘI QUÁN
THIÊN HẬU CUNG: Chánh điện thờ Bà THIÊN HẬU THÁNH MẪU trong chùa Ngũ Bang.
Xa xưa chùa Ngũ Bang là... DƯƠNG THƯƠNG HỘI QUÁN, sau đó giao cho người bang Gia Ứng đại diện trông coi. Người Gia Ứng không có tiền lập chùa miếu nên cũng không có Hội quán cho riêng mình.

Phố cổ Hội An ở miền trung Việt Nam đã trở thành di sản của văn hóa thế giới. Trong nội thành các chùa chiền tông miếu hội quán người Hoa mang sắc thái cổ xưa.

Trước khi người Pháp xây dựng quốc lộ, đường sắt nam bắc, và cảng Đà Nẵng, Hội An nhờ dựa vào giao thông đường sông nhanh chóng và ưu thế về vị trí địa lý đặc biệt của mình nên trở thành cửa ngõ cho quan hệ đối ngoại, trở thành một thương cảng phồn hoa, và từ đây cũng xây dựng nên nhiều chùa chiền tông miếu hội quán người Hoa mang sắc thái đặc trưng. Năm Khang Hi thứ 34 (1695) triều Thanh, vào tháng 2, hòa thượng Thạch Liêm (hiệu Đại Tiên) có đến Hội An và ở lại hơn một năm. Trong cuốn sách “Hải ngoại ký sự”của mình có viết: ”thương cảng Hội An có nhiều hàng hóa và khách khứa từ các nước, một con đường thẳng ven sông dài khoảng 3-4 dặm, có tên là Đại Đường (vua Minh Mạng năm 1826 đổi tên thành Tây hương lộ) (nay là đường Cường Để), hai bên đường các hàng quán nhà cửa nối tiếp nhau, đều là người Phiên (Quảng Đông, Quảng Tây, Triều Châu, Hải Nam, Hẹ), người Mân (Phước Kiến, Hẹ) sinh sống…”.

Hội quán người Hoa được xây dựng sớm nhất tại Hội An là Trung Hoa Hội Quán, tương truyền được xây dựng vào triều Minh thời kỳ vua Thành Hóa (1465-1487), năm 1741 có tên gọi là: “Dương Thương Hội Quán” cũng từng gọi là “Giang Triết hội quán”, bên trong hội quán có ba tấm bia đá có văn tự ghi chép.

Tấm bia thứ nhất được ghi chép vào triều Thanh vua Càng Long năm thứ 6 (1741), do các thuyền trưởng ,các thương nhân lập nên, ghi lại hội quán xuất xứ từ đâu: ”việc xây dựng hội quán này, do đã có từ lâu rồi, tuy gọi nơi này là hội đồng nghị sự, thực ra chỉ là nơi bàn tán các lễ nghi và quan hệ” .

Tấm bia thứ hai được dựng lên vào triều Thanh vua Hàm Phong năm thứ 5 (1855) ghi chép lại việc trùng tu cửa chánh.

Tấm thứ ba vào năm 1928 ghi lại việc đổi tên thành Trung Hoa hội quán, trong bia đá có đề cập đến bảo vật của hội quán, đó là cái đỉnh sắt 500 năm tuổi.


DI CHÚC CỦA ÔNG TÔN VĂN

Đắp nổi trên tường sau điện chùa Bà


CỔNG VÀ NGÕ
Của nhà thờ tộc Trần Minh Hương (phân biệt với nhà thờ tộc Trần Hội An) trong kiệt Âm Hồn

Cổng


Ngõ... hạnh

MIẾU ÂM HỒN
Sân trước miếu Âm Hồn


CHÙA QUẢNG TRIỆU
Chùa nhìn ra bờ sông An Hội

Nghe kể rằng, trước khi xây chùa người Quảng Đông có mời thầy địa từ Trung Hoa qua xem thế đất và đã nói rằng: "Khi nào có trâu ăn cỏ trước chùa là công cuộc làm ăn bắt đầu lụn bại".
Sau đó khi cồn đất An Hội được bồi lên thì đa phần người Quảng Đông bỏ Hội An vào nam lập nghiệp.
Phần đất An Hội được bồi thêm trong vòng mười năm nay


Cầu An Hội cũ - phía sau còn xóm nhà chồ


Cầu An Hội mới


Cầu Cẩm Nam
Bên kia cầu là vùng đất kỳ lạ. Nghe kể rằng thuở xa xưa, nhà có con gái lấy chồng thì cha mẹ phải theo con gái đến nhà trai cùng một lúc, gọi là gả - bán, nếu không thì "tụi nó" sẽ NỬA ĐƯỜNG GÃY GÁNH. Tục này bây giờ không còn nữa.


Cầu Làng Câu:
Chốn em ở hình như... Cửa Đại
Nơi dốc cầu lươn lẹo bò qua

Thứ Hai, 30 tháng 8, 2010

VÕ LÂM NGŨ BÁ


Trước năm 1975, nếu Huế là trung tâm văn hóa của miền trung thì, Hội An, nơi có số sách chia trên đầu người cao hơn cả Huế.

Trước khi Hội An có những hiệu sách ra đời, sách được bán chung với mọi loại hàng hóa như là hàng bán "ké".
Bà vợ ông Năm Cầm cà phê kể:
- Mẹ tôi (bà gia) bán đủ thứ, tôi còn nhớ hai tấm giấy lớn viết bằng mực tàu treo hai bên nhà:

GẤM-NHIỄU-SÔ-SA-LƯƠNG-LÃNH-ĐOẠN
SÁCH-VỞ-BÚT-MỰC-TRUYỆN-THƠ-TUỒNG

Vài năm sau, để đáp ứng cho chiến lược "Chiến tranh tư tưởng", chính quyền cho phép lập HIỆP HỘI BÌNH DÂN, văn phòng đóng tại nhà ông Kỳ "cụt" đối diện với NGUYÊN THẮNG

Căn nhà này từng trưng bảng "Hiệp-Hội-Bình-Dân", nơi có TỦ SÁCH BÌNH DÂN đầu tiên ở Hội An

Người trông coi tủ sách bình dân là ông Trịnh Đình Tiếu (sau này là đại tá tỉnh trưởng Ban Mê Thuột).

Rồi càng ngày người dân Hội An "biết" chữ nhiều hơn, nhu cầu đọc sách, truyện tăng lên thế là... trong chợ Hội An mọc lên một sạp sách báo. Chủ sạp là ông Tân có nghề tay trái là trọng tài đá banh.

Các vị cao niên thường nhắc lại giai thoại ông Tân bán sách bị lính Bảo An dùng roi đánh ngay trong chợ, lý do rất đơn giản là chiều hôm trước ông bắt đội banh Bảo An thua trận!!. Mất mặt lính "Tây".

Cổng đồn lính Bảo An, trước là Nghĩa Dũng Đoàn, sau là Biệt kích Tây Hồ,
cuối cùng: Địa Phương Quân

Thời gian sau, Ông Tiếu không trông coi tủ sách bình dân nữa và cùng một người bạn tên Nhất mở nhà sách NHẤT TIẾU lấy tên chung của hai người (ông Tiếu là sĩ quan trừ bị Thủ Đức - cùng khóa với tướng Ngô Quang Trưởng)

Khi thấy sách vở báo chí "làm ăn" được, nhiều nhà sách khác lần lượt khai trương như:

NHÀ SÁCH RẠNG ĐÔNG


NHÀ SÁCH BÌNH MINH

NHÀ SÁCH CHÂU TRÍ

NHÀ SÁCH THỐNG NHẤT

Khi "Ngũ bá" đã thành hình thì anh Tiếu "nhường ngôi" cho em là Trịnh Đình Thảo, anh Thảo đổi "Quốc hiệu" là TRÙNG DƯƠNG.

Anh Thảo phân trần: Tôi mê kiếm hiệp. Trong VÕ LÂM NGŨ BÁ, tôi ghiền Vương Trùng Dương nên lấy làm tên nhà sách nhưng thằng cha vẽ bản hiệu cứ nghĩ Trùng Dương là... trùng dương nên trên nền phông bảng hiệu vẽ thêm mấy con sóng ngoèn ngoèo. khi đem đến treo thì SỰ ĐÃ RỒI!

Còn nhà sách Đức Trí ra đời sau nên ít được nhắc đến.


Thứ Sáu, 27 tháng 8, 2010

KÍNH THƯA CÁC LOẠI ĐƯỜNG KIỆT HỘI AN


Đầu này: Bà Lìn; Đầu kia ông Tú Mỹ


Hỏi thằng Cu Bi có biết hẽm

Pharmacie

BÁC ÁI không?!


Kiệt Nhị Trưng nhìn từ bên trong


Hẽm Chùa Cầu đã mở rộng sau khi "giải phóng" vài căn nhà


Người Mỹ ưu tư trong con hẽm Nhị Trưng nối dài băng qua đường Cường Để


Cứ đi thẳng vào rồi rẽ trái là đến ĐÌNH ÔNG VOI


Cách con hẽm này một cái nhà, có một cô gái mà thằng bạn tui tự đổi tên cho mà không cúng vái.
Tên cô gái sau khi được đổi là: HOÀNG THÁI KIM ANH


Vào "lò lưỡi câu" ông Cữu Nhung rồi thêm một đoạn là...
đường về nhà Thương phế binh Đinh Văn Nhỏ


Nhà Hoàng Văn Trung cạnh con hẽm này chừ không còn một chút dấu tích!!: Kiệt BÁ LỄ


Hẽm cà phê THYTHY, là lối vào giếng CÔ TIÊN, cũng là lối vô nhà Cu Đẩu


Kiệt duy nhất ở HỘI AN được người Pháp đặt tên:
RUELLE DE LE LOI (hẽm đường Lê Lợi) tức kiệt "Nhà thương cây me".


Kiệt "PHI ANH", rẽ phải là tới cà phê CHANH


Kiệt ông XÃ KÝ đá gà - đối diện kiệt Phi Anh


Kiệt miếu ÂM HỒN, bên trái là tường trường lễ Nghĩa


Thứ Ba, 24 tháng 8, 2010

Mái chùa che chở hồn dân tộc
Nếp sống muôn đời của tổ tiên.

Tam Quan chùa LONG TUYỀN


Chánh điện chùa CÂY CAU (Vạn Đức)


Cổng chùa CHÚC THÁNH cũ và mới


Người Hoa ở Hội An cũng lập một ngôi chùa Phật gọi là MINH HƯƠNG PHẬT TỰ, trước có tên là CHIÊN ĐÀN TỰ, nghe nói là chùa có những buổi thuyết pháp đầu tiên ở Hội An.

Toàn cảnh khuôn viên TÒA THÁNH TÂY NINH. Cổng tòa không bao giờ mở từ hơn ba mươi mấy năm nay, ảnh chụp qua lỗ hổng tường rào


Ngó về quê nhà, cửa ngõ đìu hiu
Trích: Quán Như
Phần lớn các chúa Nguyễn là những người sùng đạo Phật. Nguyễn Hoàng vào Hoành Sơn Nhất Đái, đã hỗ trợ việc phát triển Phật Giáo và xây cất chùa chiền ở phía Nam sông Gianh. Điều này cũng không có gì lạ vì các nhà Nho ‘tiến vi sư, thối vi tăng’. Thời loạn lạc, phân tranh Đàng Trong Đàng Ngoài, các võ tướng đóng vai trò quan trọng hơn, các nhà nho không còn tỵ hiềm với các vị sư nữa. Các nhà nho vào chùa, ngồi xuống tương đắc uống một chung trà với sư trụ trì và ngôi chùa tượng trưng cho giá trị tâm linh của đất nước hay nói nôm na, cái Thiện của làng.
Khi thực dân Pháp đến Việt Nam, một tay cầm súng và tay kia cầm đuốc ‘khai hóa’, triều đình và dân chúng phải đối đầu với hai mặt trận cùng một lúc: quân sự và văn hoá. Các nhà nho đã làm hết sức họ, từ ‘khẳng khái cần vương’ như vua Duy tân, Tôn Thất Thuyết, Phan Dình Phùng đền ‘thung dung tựu nghĩa’, như Hoàng Diệu và Phan Thanh Giản. Khi thấy ‘cái học nhà nho đã hỏng rồi’, một mặt nhà nho phải duy tân như Phan Chu Trinh, mặt khác bạo động một cách vô vọng, không ‘thành công thì thành nhân’ như Phan Bội Châu & Nguyễn Thái Học. Về mặt trận tư tưởng, các nhà nho, các nhà tân học cấp tiến hay cải lương, cho đến cả các trí thức đệ tứ, như Phan Văn Hùm, đều dồn nổ lực ủng hộ tư tưởng truyền thống còn sót lại để đối đầu với chủ trương cải đạo tập thể của thực dân Pháp. Có nhiều nguyên nhân khiến Phật Giáo phải đứng đầu gió trong nhiệm vụ đối đầu trên mặt trận tư tưởng và hai lý do quan trọng nhất là sự sụp đổ của nho giáo tạo ra hố thẳm văn hóa và sự gắn bó của Phật giáo đối với mệnh nước nổi trôi kể từ khi lập quốc.
Trung Quốc vào đầu thế kỷ 20 trở thánh đồng hội đồng thuyền. Nho giáo ở Trung Quốc là nạn nhân của Liên Minh Thất Quốc, trở thanh một nạn nhân đáng thương như nhân vật A Q của Lỗ Tấn. Lương Khải Siêu và Khang Hữu Vi cũng hành động vô vọng như các nho gia Việt Nam. Chủ nghĩa Tam Dân nửa nạc nửa mỡ như thuyết Dân Quyền của Phan Chu Trinh. Bấy giờ trí thức Trung Quốc cũng như trí thức Việt Nam sực tỉnh: Phật giáo đời Đường mà các Nho gia bấy lâu nay kèn cựa tranh dành ảnh hưởng có thể là con đê ngăn chặn các tôn giáo lấp ló sau chánh sách ngoai giao bằng tàu chiến và đó là chưa kể con cọp Mác Xít lập ló ở miền Đông. Thái Hư Đại Sư lên tiêng kêu gọi chấn hưng Phật Giáo: Cách mạng giáo lý! Cách mạng giáo chế! Cách mạng giáo sản! Lịch sử Trung Quốc cho thấy những ngưới phá hoại chương trình chấn hưng không ai khác hơn là các nhà sư hủ hoá, đám thấy cúng chuyên môn ma chay và cầu đảo, sợ mất quyền lợi. Lời kêu gọi của Thái Hư được giới nho gia và tăng già Việt Nam hưởng ứng mạnh mẽ. Chính các nhà nho cải cách phát động phong trào chấn hưng Phật giáo, như Hùynh Thúc Kháng, Phan Khôi và cả Phan Chu Trinh. Nhóm đệ tử trong Nam của Phan Văn Hùm, Tạ Thu Thâu cũng đồng tình việc chấn hưng Phật giáo như giá trị tâm linh của dân tộc để chống lại sự tấn công ào ạt của văn hóa phương Tây. Một số các nhà Mác Xit chính thống, như Hải Triều, vẫn còn xem Phật giáo là một triết lý trốn đời kiểu Hồn Bướm Mơ Tiên.
Ở đâu cũng vậy, có những người bảo hoàng hơn vua, Mác xít hơn Mác xít.
Trong khi phái Nguyên Thiều phát triển mạnh ở Huế và miền trung, các đồ đệ của Liễu Quán vào tận các tỉnh miền Nam như Biên Hoà, Tây Ninh và Hà Tiên. Vào miền Nam, Phật giáo không còn giữ tánh ‘chánh thống’ của Phật giáo, ‘nhập thế’ hơn và phối hợp với tâm chất mộc mạc của người Nam, thành một tôn giáo quyện lẫn với các yếu tố xã hội và chánh trị. Cao Đài miền Đông và nhất là Phật Giáo Hòa Hảo ở miền Tây là một biến tướng của Phật Giáo. Sự giản dị tối đa trong nghi lễ, không hình tượng, phái Liễu Quán biến thành Bửu Sơn Kỳ Hương mờ mờ ảo ảo sau bóng Phật Thầy Tây An. Hồ Huệ Tâm Tài, ái nữ của nhà văn Hồ Hữu Tường, cho thấy dấu tích của dòng Liễu Quán trong Phật Giáo Hòa Hảo.
Tuy vẫn có những Thiền Sư chứng ngộ trong dòng Nguyên Thiều và Liễu Quán, tuy nhiên vì ‘giáo ngoại biệt truyền’ nên quần chúng chỉ còn theo nghi thức tịnh độ, cầu đảo. Đối với triều đình và chánh phủ Bảo hộ, Phật giáo chỉ còn được dùng như đồ trang điểm cho ông hoàng bà chúa vào các dịp lễ lạc. Quần chúng bình dân sùng bái Phật giáo như hình thức tín ngưỡng, mê tín nhiều hơn chánh tín. Các nghi lễ đầy mê tín trong khói hương nghi ngút khiến Phật giáo không xứng đáng trong vai trò nên tảng tâm linh của đất nước và dân tộc. Hàng ngũ trí thức được đào tạo trong giáo dục mới tại các đại học Sài Gòn, Huế và Đà Lạt, dù nặng lòng với truyền thống của dân tộc, cũng không còn kỳ vọng vào Phật Giáo, dù mất ngàn năm đã từng ‘che chở hồn dân tộc’.
Thập niên khai sáng
Sở dĩ có lời giới thiệu dài dòng cho văn học thập niên 60 để thấy sự quan trọng của sự bùng vỡ ý thức của thế hệ trí thức trẻ, nhất là trí thức Phật tử, đối với việc tái khám phá những giá trị tinh thần truyển thống mà trước đó họ không muốn nhận, hay nghi ngờ không đủ yếu tố tồn tại trong thời đại duy lý. Một phần vì ‘lương sư’ thì ít, ‘bất lương sư’ thì nhiều, thành phần tăng già ẩn cư trong thâm sơn, tiếp tục thực hành phương pháp ‘tâm truyền tâm’. Tại miền Nam các thầy cúng Cổ Sơn Môn hay Lục Hoà Tăng chi quanh quần trong sinh hoạt ma chay, cầu đảo biến Phật giáo thành tôn giáo của người chết. Một phần khác, các thành phần thân thực dân cố gắng cổ động sứ mệnh giáo rắc văn minh, công kích sở đoản các tam giáo như Nho giáo (Tồng Nho) từ chương, bế quan toả cảng gây tình trạng lạc hậu, xem Phật giáo là tôn giáo ma quỷ.
Thanh niên nghi ngờ giá trị của giá trị truyền thống, một số chưa tiêu hóa triết lý Tây phương, lâm vào tình trạng tiến thoái lưỡng nan, như những cô hồn vất vưỡng thiếu cơ sở tâm linh nương dựa.
Đầu thế kỷ chi cò một trường đại học duy nhất ở Hà Nội. Sau năm 1956 có thêm đại học Huế và đại học Thiên chúa ở Đà Lạt.
Việc chánh phủ Ngô Đình Diệm bị quân nhân lật đổ là một động đất về chánh trị. Năm 1956 các nhóm võ trang như Bình Xuyên và các giáo phái như Cao Đài và Hòa Hảo bị đàn áp nặng nề. Hộ Pháp Phạm Công Tắc phải lưu vong trên Cao Miên, Ba Cụt bị xử tử. Chế độ tưởng như vững vàng không có gì lay chuyển được, nhất là có cả 17 ngàn cố vấn quân sự Mỹ đứng sau lưng làm bùa bảo vệ. Nho giáo chỉ còn thu hẹp trong hội Khổng Học, năm khi mười họa mới tổ chức một buổi diễn thuyết.
Việc đàn áp thô bạo các giáo phái ở miền Nam là lời cảnh cáo nghiêm khắc cho Phật giáo. Trừ ở miền Trung, cái nôi của Phật giáo, sinh hoạt ‘Phật sự’ èo uột. Các bài nghiên cứu trong các tập san của hội Phật Học, Liên Hoa hay Từ Quang ít độc giả. Chế độ đưa một chủ thuyết Nhân Vị thay thế vào. Trừ các tín đồ, it ai biết về lịch sử tín lý của giáo hội Thiên Chúa vào thời trung cổ, như toà án dị giáo Spanish Inquisition. Ít có người biết đến cuộc cách mạng Pháp 1789 đã mở đầu cho thế kỷ khai sáng ở Âu Châu và sự ‘nổi loạn’ của Tin Lành đối với giáo quyền La Mã. Không mấy ai biết đến tên Calvin hay Martin Luther. Nếu vô tình hay cố ý phiêu lưu vào các lãnh vực này, chế độ không ngần ngại dùng những biện pháp mạnh để trừng trị, như trường hợp hai học giả Nguyến Hiến Lê và Thiên Giang đã dám nhắc tới thuyết tiến hóa của Darwin. Ai cũng phải hát ‘xin thượng đế ban phép lành cho người’ dù có tin hay không tin. Giấc mộng cải đạo tập thể mà thực dân Pháp lao tâm khổ trí thực hiện nhưng vẫn thất bại, lần này có viễn tượng thành công.
Thanh niên và trí thức có gia đình theo đạo Phật nhưng phải nói trớ ra là đạo ‘thờ ông bà’ để tránh trở ngại trong sự nghiệp, thấm thía nỗi bơ vơ về mặt tâm linh. Ngó qua trời Tây họ thấy toàn những triết lý hấp dẫn nhưng xa lạ: Plato, Aquinas, Descartes, hiện tượng luận, trí thức luận, hiện sinh, cám ơn các trí thức trẻ đi học ở Pháp về, phần lớn quy tụ ở Đại Học Huế. Tập san Đại Học Huế đã mở cho họ một cánh cửa nhìn ra thế giới tư tưởng bên ngoài.
Ngó về quê nhà, cửa ngõ đìu hiu, nghi ngút khói hương trong lễ nghi cúng bái mà họ biết là họ không thể chấp nhận được trong thời đại khoa học, dù họ biết là tự bản chất, Nho-Lão-Phật đã cung cấp nền tảng tâm linh cho dân tộc, là triết lý nhân bản của hai nền văn hóa cổ nhất của Đông phương. Đó là hố thẵm của tư tưởng mà thanh niên của thập niên 60 và 70 trải qua.
Hành Trình Khai Sáng
Biến cố tháng 11 năm 1963 không phải chỉ là sự thay đổi chánh quyền. Đối với thanh niên có gia đình theo đạo ‘thờ Ông Bà’ đó là cuộc cách mạng văn hóa, bắt đầu thời kỳ khai sáng. Phật giáo không còn là mớ tín ngưỡng lỗi thời và mê tín nữa, mà là một lực lượng quần chúng có khả năng làm sụp đổ một chế độ. Lần đầu tiên trong nhiều năm, các thanh niên tân học hãnh diện xác nhận mình theo đạo Phật. Cách mạng 63 biến Phật Giáo thành một tôn giáo bình đẳng với Thiên Chuá Giáo về mặt luật pháp. Người cùng tử trong kinh Pháp Hoa đã tìm thấy viên ngọc quý trong nhà và các sinh hoạt văn nghệ và tư tưởng trong thập niên này đã cho thấy tại sao dân tộc chọn Phật giáo là nền tảng tâm linh trong mấy ngàn năm qua. Một trong số các nhà sư ‘đợt sóng mới’ đã khởi đầu phong trào giúp đạo Phật hiện đại hóa và đi vào cuộc đời. Đạo Phật không còn là đạo của người chết, ma chay cầu đảo mê tín mà là một triết lý từ bi và trí tuệ cho người sống.
Phồn hoa ngã bất hoài vinh nhục - Thái Hư


Này chén rượu hồng xin rưới xuống
Giải oan cho cuộc bể dâu này

NAM MÔ ĐƯƠNG LAI HẠ SANH DI LẶC TÔN PHẬT

Thứ Hai, 23 tháng 8, 2010

NHỚ GHI TRONG CUỘC ĐỜI

Nhạc chép tay của Hoàng Đắc Trí năm 1973


RONDEL DE L'ADIEU - Edmond Haraucourt

Partir, c'est mourir un peu,

C'est mourir à ce qu'on aime:

On laisse un peu de soi-même

En toute heure et dans tout lieu.


KHÚC RÔNG ĐÔ GIÃ BIỆT

Ra đi, nghĩa là chết một ít

Chết cho những gì yêu thương:

Ta gửi một chút ta ở lại

Mỗi nơi mỗi phút trên đường.

Ba tập Tình ca nhạc trẻ I, II, III do Vũ Xuân Hùng va Nguyễn Duy Biên chuyển ngữ đã gây nên một làn sóng nhạc trẻ ca khúc nước ngoài lời Việt đầu thập niên 70. Nhờ đó, nhiều ca sĩ đã chuyển từ thể loại trữ tình sang hát nhạc trẻ thành công như Nguyễn Chánh Tín - Bích Trâm, Lê Uyên & Phương, Thanh Lan, Duy Quang, Julie Quang ...

Người ta ví một bản giao hưởng như cuốn tiểu thuyết, còn ca khúc như một truyện ngắn. Vì vậy, khi chuyển ngữ từ một ca khúc nước ngoài sang lời Việt quả là không đơn giản chút nào ...

Trước 1975, Vũ Xuân Hùng là giáo sư dạy ngoại ngữ ở một số trường (và cả làm báo) tại Sài Gòn. Nhờ vốn ngoại ngữ Anh, Pháp, Tây Ban Nha, anh đã chuyển ngữ hàng loạt ca khúc nước ngoài, với ngôn ngữ đầy chất thơ, trong sáng được mọi người yêu thích như
Búp bê không tình yêu, Chuyện phim buồn, Dòng sông tuổi nhỏ, Em đẹp như mơ, Hôm nay không sữa, Nụ hôn dưới mưa ... Nhiều ca khúc do anh chuyển ngữ, khiến người nghe tưởng như do người Việt sáng tác ...

Vũ Xuân Hùng nói: Để
chuyển ngữ ca khúc, Thứ nhất là phải cảm cũng như thông được nội dung ca khúc đó, muốn vậy phải có vốn ngoại ngữ.

Thứ hai, làm việc với cái đầu của một nhà văn, đôi tai nhạc sĩ và trái tim người nghệ sĩ, chuyển làm sao nghe như người Việt sáng tác. Không nên "chế" như kiểu Donna (Joan Baez)

Ca từ bài hát "kể" rằng: trên chiếc xe Goòng đi đến phiên chợ, con bê "biết" mình sắp sửa bị mổ thịt, khe khẽ kêu, người nông dân mới mắng cho: "Ai biểu mày là con bê, sao không biết bay như đôi cánh én đầy kiêu hãnh và tự do hả ?". Mượn chuyện để ám chỉ sự quý trọng tự do của con người. Vậy mà, được nhạc sĩ ta chuyển thành một chàng đang khóc một nàng ... nín thở đi về nơi xa với cái tựa là Thương tiếc.

Hoặc như Tell Laura I love her (Johnny T.Angel) là chuyện về anh chàng Tommy vì muốn có tiền để mua chiếc nhẫn tặng Laura, người mình yêu, đã ghi tên tham dự cuộc đua xe và bị tử thương thì được chuyển ngữ thành bài... Trưng Vương khung cửa mùa thu rất ... dễ thương. Nếu bạn giỏi ngoại ngữ, nghe các ca khúc đó trình diễn song ngữ, sẽ không thể nào ... hiểu nổi tại sao có người dám làm như thế. Tôi thích Lê Hựu Hà khi làm việc này, anh ấy rất tôn trọng bản chính, như bài Yesterday (J. Lennon & P. McCartney), Khúc Lan thì thiếu chất đời sống của một người đàn ông, chưa thông cảm ý tưởng của một nam giới, cô ấy viết cho nữ hát hay hơn, Nguyễn Ðình Toàn cũng có nghề ...

Tôi nhớ ca khúc Mong manh (La plus en plus fragile) gặp phải nhiều từ tiếng lóng của dân Paris, nên buộc phải đi tìm tụi Tây hỏi cặn kẽ. Sau đó rất nhiều người thích bản này, ca sĩ Ý Lan cũng đã nổi lên từ Mong manh. Khi gặp phải nội dung mà cuộc đời mình từng trải nghiệm thì tiến hành rất nhanh như là Dòng sông tuổi nhỏ (La Maritza /Sylvie Vartan), do giai điệu quá hay và ca khúc đã khiến tôi nhớ về dòng sông tuổi thơ tôi ở Ninh Hòa - Nha Trang. Tôi hoàn thành ca khúc này trong hai tiếng đồng hồ. Cũng có không ít ca khúc "ngậm nhấm" từ 3 ngày đến 1 tuần.

Chuyển ngữ là sự sáng tạo bằng ngôn ngữ, vừa toát lên chất thơ, vừa mềm, uyển chuyển phù hợp giai điệu lẫn nội dung, mà đã gọi là sáng tạo thì không bao giờ vừa lòng những gì mình đã nghĩ ra. Tôi nễ PD trong ca khúc
Mối tình xa xưa (Célèbre valse) có câu dans le soir qui meurt nghĩa đen là trong một chiều đang chết, ông đã chuyển thành trong chiều dần im hơi, hay NĐT qua ca khúc Lá mùa thu (Les feuilles mortes), từ câu sourit toujours et remercie la vie nghĩa đen là luôn cười và cám ơn đời, được chuyển thành cười cám ơn đời dẫu cho người có đổi thay.

Về ca khúc Hôm nay không sữa (No milk today). Chai sữa có liên quan gì ?

Ở Tây, Mỹ mỗi ngày có người đi giao sữa, giao báo. Mỗi ngày, chủ nhà cứ để chai sữa đầu hiên nhà để đổi chai mới. Tác giả mượn chai sữa để nói lên tình yêu, hai người đang sống
có anh tươi như nắng trời, đắm đuối cho em biết cười, nhưng mà nếu không tin nhau, rời nhau, căn nhà thiếu một người trở nên vắng như cung thánh, người còn lại thiết gì mua sữa uống nữa, bởi vậy nhìn chai sữa nằm lăn lóc trong góc nhà mà buồn, hôm nay không sữa, tiếc thương bao nhiêu ngày xưa. Tác giả đã mượn chuyện thật đơn giản để nói về tình yêu, ở ta ít nhạc sĩ đem văn hóa đời thường như thế vào trong ca khúc, trái lại thấy dùng nhiều từ hoa mỹ để nói về tình yêu.

"Thủ bút" của Trần Xuân Thanh trong tuyển tập TÌNH CA NHẠC TRẺ 8

Hai thằng bạn ngày nào, bây giờ cuối đời một thằng vẫn xe thồ (mới khoe con tao đã vào đại học), thằng kia đạp xích lô (hết năm này hy vọng tao hết nợ) vẫn "hân hoan" bên chai rượu đế "giải mõi" mỗi chiều: Hoàng Duy Cư và Ngô Quang Liệu (nhận là bà con xa 100 km với tướng Ngô Quang Trưởng)

http://mp3.zing.vn/mp3/nghe-bai-hat/Je-Suis-Party-Christophe.IWZCUI9E.html