Chủ Nhật, 28 tháng 6, 2020

NHÀ BA MÁ TÔI
Trong khai sinh, tôi sinh ra ở nhà 181 Cường Để, sau đó đổi thành 119. Hết chiến tranh là 35 Nguyễn Văn Trỗi, rồi đổi thành Trần Phú.

Căn bên trái ảnh, xa xưa má tôi bán thuốc xắt Cẩm Lệ. Thuốc ngon chia làm ba loại: CẨM LỆ, THANH QUÝT, CẨM SA.
Làng Cẩm Sa thuộc Điện Dương bây giờ, chuyên trồng thuốc lá, nhưng thuốc không ngon bằng các nơi khác. Sử chép rằng, nơi đây xảy ra trận đánh tay ba: TRỊNH, NGUYỄN và TÂY SƠN.

Má tôi cũng đặt nhiều thẩu bán bánh kẹo lẻ và thuốc điếu các loại bán sỉ. Tiệm má tôi ba đặt tên là TÍN THÀNH, của chú Năm là TÍN LỢI.

Căn bên phải và phần trong nhà là nơi ba tôi mở tiệm may. Ông may Âu-Việt-phục. Căn nhà này không thay đổi từ trước đến nay.

Tôi nhớ mãi cái bậu cửa cao nghều phía bên phải mà tôi và lủ bạn ngồi xoay vô nhà nghe ba tôi vừa may vừa kể chuyện xưa, nào là Tam Quốc Chí, Tiết Nhơn Quý Chinh đông, Chinh Tây, Tề Thiên Đại Thánh v.v…

Lớn lên, vào trung học, bọn tôi không nghe kể chuyện nữa mà… ngồi xoay ra ngắm... “người ta” đi học!!

Vậy đó, mới đó mà tôi sắp thành một ông già như ba tôi ngày xưa.
“Thoắt đi tóc đã phai màu
Như nghìn mây trắng vấn đầu vi lô.
Chiều tê sương sập nấm mồ,
Vùi chôn chú bé hồ đồ năm xưa” (CTT)

Thứ Bảy, 13 tháng 6, 2020

ĐƯỜNG PHAN BỘI CHÂU HỘI AN.
Những năm 1700, khu vực này là sông. Quá trình tân bồi diễn ra hai giai đoạn:
Một: từ những năm 1800 đến trước năm 1840, dòng Thu Bồn cạn dần về phía hạ lưu, phù sa bồi đắp thành một dãi đất từ chùa Cầu đến chùa Sư Nữ hiện nay. Năm 1841, một con đường mới được mở ra (và phát triển đến năm 1883 là hoàn tất với tên là Tân Lộ là đường Nguyễn Thái Học bây giờ).
Hai: từ 1850 đến trước năm 1886, sông Thu Bồn tiếp tục bị bồi lấp phía hạ lưu, nhiều trận lụt lớn đã kéo đất lấp dần sông và đắp thêm từ cuối đường Nguyễn Thái Học về đến cồn Chài, vết tích còn lại cho đến bây giờ là con lạch Lò Vôi phía sau chùa Sư Nữ. Cũng trên vùng đất tân bồi này, năm 1878 con đường Bạch Đằng được hình thành cho đến cuối năm 1886. Còn đất Sơn Phong tuy được mở rộng nhưng khu này còn lầy lội và chính phủ Pháp cũng như Nam triều không để ý đến. Lúc này, tại đây, sự tụ cư chỉ mang tính tự phát. Theo lời các vị cao niên kể lại, lúc này chưa có con đường mang tên Phan Bội Châu, đây chỉ là nổng cát lẫn sình. Ông đội Xình (Police), quản lý khu chợ Hội An cho đem rác đổ xuống nơi này.
Không biết của ai, ảnh này chụp đoạn cuối đường Phan Bội Châu nhìn xuống trại lính Tây Hồ năm 1967.
Đối diện, phía bên kia đường là nhà mật thám tây sau cùng trước khi Pháp rời khỏi Hội An năm 1954.

Chủ Nhật, 7 tháng 6, 2020

CHÙA ÔNG BỔN
Ảnh bên trên có lẽ là ảnh xưa nhất chụp chùa ÔNG BỔN Hội An mà người Pháp thời đó gọi theo người dân địa phương là chùa TRIỀU CHÂU. Ảnh chụp năm 1888:
Façade de la pagode des Trieu Chau à Fei-Foo,
Gustave Trumelet-Faber - Faifo 1888 - 12 x 16,5cm
Nếu để ý hàng chữ trên, sẽ thấy, có chữ thời đó, tác giả viết theo lối phiên âm như Fei-Foo, des Trieu Chau, “Moï“ (Mọi - hàng dưới)
Năm 1888, đại úy Trumelet-Faber (tác giả ảnh) được bổ nhiệm vào tiểu đoàn 4 lính khố đỏ Nam-kỳ tại Huế.
Năm 1890, trở thành chỉ huy trung đoàn 3 lính khố đỏ Bắc-kỳ, ông gặp Auguste Pavie và được giao một số nhiệm vụ trên các vùng cao, tiếp cận với đời sống hoang dã của người “Moï“.
Từ Đông Dương, ông trở về Pháp với nhiều hình ảnh chụp những năm 1888-1891, trong đó có thành phố Hội An. Đặc biệt là những hình ảnh với rất nhiều chi tiết về tập quán cũng như phong tục của người dân tộc thiểu số.

Thứ Bảy, 6 tháng 6, 2020

HỘI AN TIÊN TỪ.

Năm 1898 vào ngày 20 tháng 10 vua Thành Thái ra chỉ dụ thành lập thị xã Faifo làm tỉnh lỵ Quảng Nam.
Đến 30/8/1899 Toàn quyền Đông Dương, lúc ấy là Foures, ký nghị định chuẩn y đạo dụ trên gọi là VILLE DE FAIFOO và phạm vi hành chính gồm các xã Hội An, Cẩm Phô, Minh Hương, Sơn Phong.
Vậy thì... thành phố Hội An, về mặt chính danh quản lý hành chính, ra đời sau... xã Hội An.
Xã là đơn vị địa dư hành chính ra đời sau, trước gọi là... Làng. Và theo thứ tự trên (mà còn là thứ bậc) thì làng Hội An có trước làng Cẩm Phô, Minh Hương, Sơn Phong.
Tính đến trước năm 1850:
Xã Hội An: gồm các đường từ Phan Châu Trinh đến sân vận động Hội An và cả con đường Lê Lợi (có Hội An đình tức đình Ông Voi và Hội An Tiên Từ).
Đường Lê Lợi xa xưa là con đường huyết mạch của dân làng Hội An. Người làng Minh Hương đã mua đứt đất con đường Phan Châu Trinh của làng Hội An nhưng đường Lê Lợi thì không được bao giờ.
Để tìm hiểu thêm về làng Hội An xưa, tôi được biết trên đường Lê Lợi này còn ba vị cao niên là con cháu chính gốc kế thừa chư vị trong hội đồng hương lão làng Hội An xưa, nhưng, tiếp cận không thành công.
Uổng và tiếc. Chỉ cần chụp ảnh được một số giấy tờ hương hỏa đất làng là có cơ khám phá biết bao điều ẩn khuất từ lâu.
Trong Ảnh, từ nhà mình, ông Lệ Ảnh đưa ống kính sang HỘI AN TIÊN TỪ (Đình tiền hiền Hội An) trên đường Lê Lợi làng Hội An xưa.
Đình được lập vào năm Minh Mạng thứ 14, Quý Tỵ 1833. Có lẽ trước đó đình được làm bằng tranh.
Ảnh chụp năm 1950.