Thứ Sáu, 23 tháng 7, 2010

MỘ PHI CÔNG CỐ ĐẠI TÁ 
PHẠM PHÚ QUỐC

Chùa Phước Lâm Hội An




Mộ phi công Cố Đại Tá Phạm Phú Quốc trong chùa Phước Lâm









Ngày 19-4-1965, cách thị xã Vinh về phía đông nam 10km, lúc đó là 15 giờ 04 phút, phi cơ Phạm Phú Quốc bị rơi và ông đã tử nạn tại Hà Tĩnh làm sôi động một thời gian. Sự việc cùng thời gian trôi qua cho tới ngày Bắc-Nam thống nhất.

Sau khi cuộc chiến kết thúc, việc tìm hài cốt của đại tá Phạm Phú Quốc đã được sự giúp đỡ của đại tá Phạm Quế Dương, một sĩ quan phòng không của quân đội Bắc Việt.

Theo chính quyền huyện Thanh Hà tỉnh Hà Tĩnh được biết xác phi công Phạm Phú Quốc đã được chôn cất bởi dân chúng với quan tài chu đáo với bia ghi " mộ ông Phạm Phú Quốc".
Tuy được chôn cất cẩn thận nhưng một thời gian dài không người trông nom nên đã mất dấu tích. Đại tá Phạm Quế Dương đã giới thiệu cho gia đình Phạm Phú Quốc một người chuyên tìm hài cốt thất lạc : Ông Đỗ Bá Hiệp nổi tiếng có khả năng ngoại cảm (Telepathy) đã cùng gia đình về vùng Cồn Cỏ, Hà Tĩnh để tìm di hài phi công Phạm Phú Quốc.
Dưới đây là bài tường thuật của ông Phạm Quế Dương:

Năm 1990 gia tộc anh Quốc từ miền Nam ra Hà Tĩnh tìm xin hài cốt anh ấy đưa về quê ở Quảng Nam. Nhưng các cơ quan tỉnh, huyện, xã ở đây chỉ có thể xác nhận trong văn bản: "hài cốt của ông Phạm Phú Quốc đã được tỉnh đội Hà Tĩnh và huyện Thạch Hà cất bốc, trong khi cất bốc đều có quan tài chôn cất chu đáo. Cơ quan quân sự huyện Thanh Hà đã nhất trí vối gia đình Phạm Phú Quốc: "khi truy tìm được nơi chôn cất cụ thể sẽ thông báo sau".

7 năm sau -1997- được biết có ban liên lạc giòng họ Phạm trong UNESCO có thông tin nhờ ban liên lạc giúp đỡ. Tôi là thành viên trong ban liên lạc giòng họ Phạm được giao làm việc này...

Tháng 5-1997, ban liên lạc đã gửi văn bản tới các cơ quan chính quyền tỉnh Hà Tĩnh giúp đỡ việc xác minh địa điểm chôn cất anh Phạm Phú quốc. Sự việc vẫn yên lặng. Tháng 9 -tháng 12-1997 ban liên lạc gửi liên tiếp hai văn bản tới các cơ quan tỉnh Hà Tĩnh và cả Đoàn Đại Biểu Quốc Hội tỉnh Hà Tĩnh. Tháng 2, 3, 4-1998 ban liên lạc được các cơ quan xã, huyện tỉnh Hà Tĩnh trả lời hoàn toàn tán thành và ủng hộ việc tìm hài cốt phi công Phạm Phú quốc. Song thật sự chỉ biết mộ anh Phạm Phú Quốc đã được dời về nghĩa trang Cồn Cổ. Do thời gian quá lâu mộ thất lạc không xác định được nơi chôn cất cụ thể.

Ngày 01-5-1998 tôi và một anh bạn nhà báo vào Hà Tĩnh, được sự giúp đỡ tích cực của báo giới Hà Tĩnh, chúng tôi gặp các cấp. Họ đều tiếp chu đáo, thành thật trình bày sự việc như trên. Chúng tôi ra nghĩa trang Cồn Cổ mênh mông, bao nhiêu là mộ và không ai biết được mộ anh Quốc ở đâu. Chúng tôi xin phép địa phương mời ông Đỗ Bá Hiệp, một nhà ngoại cảm nổi tiếng đã giúp tìm mộ bao người thất lạc, giúp cho việc này. Họ nhất trí.

Ngày 07-5-1998, ban liên lạc đã thảo văn bản mời ông Đỗ Bá Hiệp, đồng thời báo cáo địa phương. Ông Đỗ Bá Hiệp nhận lời. Được tin ngay ngày hôm sau, 08-5-1998 , bà chị anh Phạm Phú Quốc đã 83 tuổi cùng cháu gái bay ra Hà Nội gặp ô. Đỗ Bá Hiệp.
Sáng 11-5-1998 , tôi làm liên lạc đưa ông Đỗ Bá Hiệp và ông Doãn Phú, nhà địa lý thân quen ô. Hiệp cùng bà chị, cháu gái anh Phạm Phú quốc vào Hà Tĩnh.

Sáng hôm sau, 12-5-1998 , ra nghĩa trang Cồn Cổ. Chúng tôi nghĩ ông Đỗ Bá Hiệp sẽ vào bên trong nghĩa trang, nhưng ông chỉ đi trên đường bên ngoài nghĩa trang. Khi ông nhìn lên trời cao, lúc ông nhìn xuống như nhìn cái gì đó sâu trong lòng đất. Chúng tôi vẫn đi theo phía sau ông. Bỗng ông rẽ vào phía đường bên kia nghĩa trang, một vùng đất rộng lồi lõm sát với ruộng nước và dừng lại chỉ xuống một chỗ đất bằng phẳng. Ông bảo : "Mộ anh ấy ở đây. Bên mô cát bên phải này hai bước, bên hố nước bên trái này một bước. Chú ý đánh dấu để khỏi lẫn. Đến ngày 10-10 ta mới được bốc." Một lát sau ông lại bảo : "số lính của anh ấy là số 0 gì đó rồi 4, hai số cuối cùng là 65 hay 56." Theo thói quen tôi ghi số hiệu trên vào tờ cart visit vì không mang theo sổ tay.

Ra về, khoảng nửa tháng sau tôi nhận được điện thoại gia tộc anh Quốc nhờ tìm hộ số quân của anh Quốc. Tuy nhận lời nhưng không biết tìm ở đâu. Mấy hôm sau tôi sang thư viện báo Quân Đội Nhân Dân nhờ lục tìm trong báo cũ. Trong số báo QĐND ngày 22-4-1965 tả việc máy bay anh Quốc bị bắn rơi, viết cụ thể : "Phạm Phú Quốc chứng minh thư số 007. 455 cấp 01-12-64 tư lệnh đoàn máy bay khu trục số 23, tư lệnh sân bay Biên Hòa, quân hàm trung tá ". Thật kỳ lạ ! thông tin của ô. Đỗ Bá Hiệp về số lính với số chứng minh thư của anh Quốc ghi trong báo gần giống nhau đến thế!

Ngày 09-10 Âm Lịch tức 27-11-1998 , ông Đỗ Bá Hiệp bận không vào Hà Tĩnh được, nhưng ông đã hướng dẫn tỉ mỉ việc đào tìm mộ. Tôi nhờ nhà tôi cùng đi với cháu gái anh Quốc vào lo việc này. Nhà tôi vốn rất thành tâm nên sẵn lòng giúp đỡ như việc nhà. Ngay chiều tối hôm đó, vào xã Thạch Trung. Chúng tôi xin phép địa phương và họ đã giao cho đội phục vụ nghĩa trang lo việc bốc mộ sáng sớm hôm sau.

Sáng hôm sau trời vẫn mưa, phải làm lều che nơi bốc mộ. Đào sâu gần nửa thước không thấy gì đã lo. Nhưng may sao chỉ thêm vài nhát xẻng nữa là một vũng nước đen rồi thấy Cốt hòa lẫn trong đất bùn. Đúng như địa phương nói từ năm 1976 hài cốt anh Quốc dời chuyển từ trong làng ra đây, cốt để trong tiểu gỗ và đã hơn 20 năm tiểu gỗ không còn chỉ còn xương cốt. Xương cốt anh Quốc được bới tìm chu đáo, rửa sạch bằng nước thơm rồi đặt vào tiểu quách. Bà con đến xem khá đông cùng thắp hương viếng Anh... 

Ngay chiều hôm đó 28-11-1998. Hài cốt phi công Phạm Phú Quốc được đưa về quê quán, chùa Phước Lâm, thị xã Hội An tỉnh Quảng Nam... 

Mộ anh Phạm Phú Quốc đã được xây cất nghiêm trang với bia đá khắc hình và tên tuổi Anh cùng những hàng chữ đầy nghĩa tình với Người đã khuất."



1 nhận xét:

  1. Bài này tuyệt quá soncuongde ơi, mi kiếm ở đâu hay quá!

    Phạm Quế Dương vốn là 1 "tá" công an ngoài bắc, hiện là 1 famous dissident ở VN.
    Nghĩ cũng kỳ lạ, ngày nào người ta hùng hục thù hận cái không có để rồi giờ đây quay đầu....
    Gần 20 năm nay, và cho đến hiện nay, PQD vẫn đang cùng với rất nhiều famous dissident ở phía bên kia đang ngày đêm vật lộn với cái "cỗ máy" mà xưa kia họ đã "đúc" nên.
    (chữ lấy từ thơ Bùi Minh Quốc - trích bài "Cay Đắng Thay":
    Trọn tuổi xuân ta hiến dâng cuồng nhiệt
    Lại đúc nên chính cỗ máy này.
    )
    Thật khó thể ngờ chính ông ta lại có công tìm kiếm hài cốt của Đại Tá Phạm Phú Quốc.

    Lịch sử là gì hở trời???

    Trả lờiXóa