Thứ Hai, 31 tháng 1, 2011

CUNG CHÚC TÂN MÃO 2011
Trước thềm năm mới kính chúc chư huynh cùng quý quyến một năm trọn lành, vạn điều như ý.

Phúc đảo là Phúc đến: PHÚC ĐÁO GIA
Quý đại ca cùng tại hạ dọn mình chuẩn bị đón tết nghen.

Cái gì cũng sẵn sàng mới:

 Năm nay trời lạnh đến cận tết, hoa không kịp nở
Trái cây mâm ngũ quả - Thuốc chùi lư đồng - Cát thay lư hương

Trầm, trà, hương, giấy trải bàn thờ...

 Bánh, mức, kẹo, hạt dưa...

Nhớ thay cái chõng tre nghe mình (chắc để lấy... hên!!)

Dù khó đến mấy cũng không quên tạ ơn đất đai BỘ ĐỒ THẦN

Đường phố quạnh thấy bàn chân ai vội
Chẳng biết về hay... đi với xuân vơi.




Thứ Năm, 27 tháng 1, 2011

MIẾU BỘT THỦY

Bột Thủy là tên của một trong mười ba ấp của làng Thanh Hà xa xưa. Tên mười hai ấp còn lại là:
Hậu Xá, Thanh Chiếm, An Bang, Nam Diêu, Cửa Suối, Bầu ốc, Trảng Kèo, Trảng Sỏi, Đồng Nà, Trà Quế, Cồn Động và Bến Trễ.

Miếu Bột Thủy, khối 5, Thanh Hà, Hội An

Truy nguyên từ xưa, tiền nhân ấp Bột Thủy đã xây lên ba miếu gần bến sông: Thái Giám, Ngũ Hành và Thổ Thần. Trãi thời gian, các miếu bị hư hỏng nên dân ấp vào năm 1872 dựng lại một ngôi miếu mới.
Văn bia miếu Bột Thủy ghi:
飼 徳 二 十 五 年, 七 月, 初 六 日
Tự Đức nhị thập ngũ niên, thất nguyệt, sơ lục nhật
Tự Đức năm thứ hai mươi lăm (1872) tháng bảy ngày mồng sáu

Văn bia năm 1872
Cung duy
Tôn thần chí công, chí chánh. Thần đức thạnh mà chẳng thể thấy, chẳng thể nghe. Người cảm được chỉ do lòng thành vậy... ... ...

Nhưng vào năm 1964, cơn "lụt năm Thìn" kinh hoàng đã cuốn trôi nhiều nhà cửa ruộng vườn trên đất Hội An, miếu Bột thủy cũng nằm trong dòng thủy phá, chỉ còn trơ lại dàn trụ bên bến sông chực chờ sụp đổ.
Năm 1965, miếu được di dời đến vị trí hiện nay, văn bia ghi lại:

Văn bia lập năm 1965
Việt Nam Cộng Hòa, năm Ất Tỵ, tháng tư, ngày mười, dương lịch 1965
Ấp Bột Thủy, toàn thứ bậc ấp ta... ... ...
 
Miếu xây về hướng bắc gặp thủy tụ là sông Lai Nghi. Đất xây miếu là đất tư của hai vị hương lão ấp Bột Thủy hiến cúng là Nguyễn Châu và Nguyễn Ngô.

Tiền đường đắp nổi: BỘT THỦY CỔ MIẾU
Chánh đường có ba gian, gian giữa thờ Thần chủ, gian tả thờ Phước Đức Chánh Thần, gian hữu thờ Ngũ Hành Tiên Nương. Trên ba gian thờ có ba hoành phi cùng ghi lạc khoản:
Bảo Đại năm thứ mười bảy (1943), mùa hạ, Xã Thanh Hà, ấp Bột Thủy ta cùng tạo lập.

NHẬT NGUYỆT QUANG và THUẬN THỪA THIÊN
Đặc biệt hoành phi thứ ba nói lên tư tưởng thuận mệnh của dân ấp:

HÓA TÁN THAM
Thừa nhận sự biến đổi của tạo vật

Về phía đông trong khuôn viên miếu có miếu nhỏ thờ linh hồn vất vưởng. Gian giữa thờ thần chủ Âm Linh, hai gian còn lại thờ thứ tự các loại cô hồn.
Đối diện với chánh điện có khám thờ cao thờ thần chủ NHÂN THẦN, người trong nhân gian quá cố hiển thần được phụng thờ.
Vào ngày 14 tháng 1 và 14 tháng 7 âm lịch, dân ấp tổ chức lễ lệ thường niên.

Trong miếu có chữ Hán, chữ Nôm, thế hệ sau chót không rành Hán Nôm thì dùng chữ... Việt hóa Tàu (xem ảnh). Nhìn cũng vui, đọc thấy hay. Thôi cũng được, còn gìn giữ được ngày nào thì hay ngày ấy nhất là văn bia lập năm 1872, chữ đẹp, chân phương, tỏ rõ sự công phu và tấm lòng trong sáng của người dân ấp Bột Thủy xưa:
Tân cơ bồi trúc trường như tại
Cổ miếu tôn linh vĩnh nhược lâm
(Nền mới đắp xây bền vĩnh mãi
Miếu xưa linh hiển sáng soi đầy).


Thứ Sáu, 21 tháng 1, 2011

TỪ SÀI THỊ ĐẾN SÀI GÒN

Nguyễn Văn Xuân

NHÀ NGHIÊN CỨU NGUYỄN VĂN XUÂN. ẢNH NGUỒN INTERNET.

Ngày nay danh tiếng Sài Gòn, càng ngày càng nổi bật tuy nó đã được mang tên mới Thành phố Hồ Chí Minh hoàn toàn thay thế. Trước kia, các sử gia thường thắc mắc về tên riêng của Sài Gòn. Có người ngờ là nó đi từ Preikor có nghĩa là cây gòn mà ra. Thời bấy giờ, toàn bộ vùng Sài Gòn – Gia Định hiện nay là một rừng gòn vĩ đại và hiển nhiên chẳng ai biết khai thác để làm gì. Có người lại cho nó phát xuất từ một tiếng ở phía Nam Trung Quốc Thầy Ngôn đọc nghe giống như Sài Gòn v.v… Còn nhiều cách giải thích khác nhau nhưng chưa có cách giải thích nào đứng vững từ phía người Pháp hay các học giả Việt.

Muốn tìm cho ra cỗi gốc của một danh từ riêng cần phải lưu ý tới lý do đầu tiên đã xuất phát nó. Không thể nào không tìm ra nơi xuất phát, lý do và hoàn cảnh xuất phát mà đoán định được sự hiện hữu của nó. Chẳng hạn muốn tìm hiểu một số đại từ của Đà Nẵng, Hội An ở miền Trung v.v… thì trước hết phải nghĩ nguồn gốc tiếng Chăm còn những tiếng có pha âm vận Âu châu thì không thể bỏ qua nguồn gốc Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha mặc dầu sau này tiếng Pháp đã tràn ngập để thay lần các từ đã có từ thuở ban đầu. Như Hội An được gọi Faifoo thì nguồn gốc xa xôi và đầu tiên âm từ Hai phố ( chứ không phải Hải Phố như có người nghĩ, xem lại bản đồ A. de. Rhodes ) Nhật hoặc phố Tàu. Hoài phố hoặc Hội phố cũng là những chữ mới nghĩ ra sau này. Còn như Tourane thì thật tình phải đi từ chữ Toron và phải nhờ một người Bồ Đào Nha hay Tây Ban Nha đọc lên để xác định âm ấy xuất phát từ đâu.. Một đại uý người Bồ Đào Nha cho biết thành phố Đà Nẵng thời ông ta có tên Cửa Hàn rất thuận lợi cho tàu lớn đến đậu. Giữ cửa Hàn là một chức vụ Thủ ngự Hàn, đọc gọn: Thủ Hàn. Phiên âm theo lối Bồ Đào Nha là Toron rồi Pháp đọc là Tourane.
*
Trở lại tên Sài của Sài Gòn, nguyên sau 1602, khi chúa Nguyễn lập cơ sở thương mãi ở Hội An thì tàu bè ngoại quốc và trong nước vãng lai nhiều. Bấy giờ ban đầu các thuyền bè này đậu tại ở Trà Nhiêu, nơi hiện nay còn các dấu tích của một thị trấn cũ. Nhưng Trà Nhiêu nhỏ hẹp không thể có tương lai lớn nên phải lấy Hội an để tiện cho việc xuất nhập khẩu, có khả năng trở thành đô thị phồn thịnh. Từ Trà Nhiêu đến Hội An có một vũng nước cực lớn, rộng có thể thuyền bè đậu được để vào thành phố. Trên bản đồ đời Lê còn thấy lưu lại tên của bến cảng quốc tế này. Cũng cần nhớ thêm tàu lớn thời ấy muốn vào Hội an dù tàu đậu ở Cù Lao Chàm hay Đà Nẵng cũng đều được các thuyền đánh cá kéo đi. Từ bến cảng quốc tế này, các tàu bè đều cần đến củi và nước sạch để giải quyết sinh hoạt khi ở lại hay tiếp tục hành trình. Củi nước, đặc biệt củi là vấn đề cực kỳ quan trọng cho tàu bè đô thị cũng như cho dân địa phương. Vì thế phải lập một chợ lớn chuyên việc buôn củi bao gồm các thợ đốn củi, các thuyền và bè và lái buôn cho toàn nhiệm vụ này ( ta cũng cần nhớ thêm vào các thế kỷ trước, khắp Xứ Đàng Trong, đường bộ còn rất sơ sài mà giao thông bằng đường thủy là chính ). Đội thủy binh lớn nhất gồm hàng trăm, ngàn ghe thuyền đều hiện diện trên con sông Cái từ Chợ Củi của dinh trấn Thanh Chiêm dẫn xuống Hội An đến tận hải khẩu Đại chiêm. Chợ Thanh Chiêm ngoài việc phục vụ các nhu yếu phẩm cho dinh trấn quan trọng bậc nhất của Xứ Đàng Trong cũng là chợ cung cấp củi cho lực lượng dân, quân, chính và cả tàu bè ngoại quốc như nói trên. Do đó nó mặc nhiên được mang tên Chợ Củi Sài Thị và con sông chảy qua đó ( Sài Giang ) được mệnh danh sông Chợ Củi. Sông Chợ Củi do đó được chính quyền công nhận và được đưa vào thờ cùng với các cơ sở quan trọng của đất nước tại kinh đô gọi là Tự điển. Vậy khi công nương Ngọc Vạn được gả về cho vua Chân Lạp để trở thành hoàng hậu và đất Preikor xem như món sính lễ để Xứ Đàng Trong có quyền mở một đặc khu kinh tế trên đất Chân Lạp ( 1623 ) theo mô hình Hội an thì tất nhiên nó phải theo những thể thức, cơ chế hình thành Hội an. Trước tiên là hải quân của chúa Nguyễn phải lập một chợ củi lớn để phục vụ cho chính mình, cho ghe thuyền của người Việt và của nhiều nước Đông Nam Á đến buôn bán với thành phố mở này. Việc tiếp theo là quản lý và thu thuế. Nếu chợ củi ở trấn Thanh chiêm hay trấn Quảng Nam có tên Sài Thị và con sông chảy qua miền đất đó có tên Sài giang thì ta không ngạc nhiên gì vùng đất mới này được mang tên mới là Sài Gòn tức là chợ củi ở vùng đất của rừng gòn.

Chữ Hán gọi là Sài Côn có nghĩa là cây củi còn tiếng Việt Nam gọi Sài Gòn cũng có nghĩa củi gòn. Chung qui cũng lấy chữ Sài làm căn bản để chỉ một vùng tiếp tế củi (và nước ) cho ghe thuyền. Để xác định thêm cho nhận định này, ta cần nhắc thêm câu ca dao rất thịnh hành  của miền Trung và nhất là của kinh đô:

Hết gạo thì có Đồng Nai

Hết củi thì có Tân Sài chở ra

Tân Sài tức là Sài mới. Nó mặc nhiên xem chợ củi là cựu Sài. Qua câu ca dao ấy, ta được biết kinh đô Huế  bấy giờ ăn gạo Đồng Nai và chụm củi Sài Gòn. Sự trao đổi hàng hóa giữa Hội an và Sài Gòn bấy giờ rất mật thiết. Còn việc quản lý Sài Gòn cũng rút kinh nghiệm cũ để ổn định và phát triển xứ sở mới này. Tất nhiên ngoài quân đội người Việt còn thì những người thâu thuế, lập cửa hàng buôn bán giao cho người Tàu quản trị. Người Tàu miền Nam bao gồm Quảng Châu, Phước Kiến v.v… đã góp phần mở mang thị trấn mới này. Sau khi nhà Thanh đánh tan nhà Minh, các đội hải thuyền quân bại trận đổ tới Đà Nẵng thì chúa Nguyễn Phước Tần biết ta không thể để họ lưu lại vùng đất chật hẹp này. Nguyễn Phước Tần đã khôn khéo điều động họ vào Nam. Học giả Phương Đình Nguyễn Văn Siêu trong tập Đại Việt Địa Dư Toàn Biên  Nhà xuất bản Văn Hóa ghi nhận: ” Thái Tông Hiếu Triết hoàng đế ( Phước Tần 1648 – 1687 ) lũ Tổng binh là Trần Thắng Tài, Cao Lôi Liêm cũ của nhà Minh theo về ta. Chúa cho lũ ấy ở đất Đông Phố nước Cao Man, mở đất lập phố sầm uất có vẻ Trung Hoa. Hiển tông Hiếu Minh Hoàng đế ( Phước Châu 1691 – 1725 ) năm Mậu Dần sai Chưởng cơ Nguyễn Hữu Kính đi kinh lược Cao Man. Lấy xứ Đồng Nai làm huyện Phúc Long, đặt dinh Trấn Biên ( Thời quốc sơ những chỗ đầu địa giới gọi là trấn dinh ) thuộc phủ Gia Định, mộ những dân xiêu tán cho ở vào đất ấy”



Xem qua như thế thì thành phố Sài Gòn đã khởi lên ban đầu như một ”đặc khu kinh tế” thứ hai sau Hội an ở Xứ Đàng Trong. Cái tên Sài cũng đi từ Chợ Củi dưới quyền điều động của dinh trấn Thanh chiêm ( tổng trấn Quảng Nam ) và nó đã là cơ sở vững chắc cho sự trao đổi hàng hóa giữa Hội An với đất phương Nam. Thời kỳ quân nhà Minh đổ sang thì bọn Trần Thắng Tài đã lập thành phố xá có nề nếp và kiểu cách giống một thị trấn ở miền Nam Trung Quốc giữa lòng Gia Định. Gia Định bấy giờ chắc rất nổi tiếng về buôn bán cũng như Đồng Nai nổi tiếng về lúa gạo. Còn thấy dấu vết qua câu ca dao:
Nhà Bè nước chảy chia hai
Ai về Gia Định Đồng Nai thì về

Từ thế kỷ 17 đến nay, 4 thế kỷ trôi qua, Sài Gòn trải qua bốn thời kỳ thay đổi lớn: Thứ nhất: Thời kỳ hoàng hậu Ngọc Vạn vợ Chey Chetta II. Thứ hai: thời kỳ Trần Thắng Tài và Cao Lôi Liêm. Thứ ba: Chưởng cơ Nguyễn Hữu Kính đi kinh lược Cao Man. Thứ tư: Khi người Pháp sang thay đổi hẳn cơ cấu tổ chức, mở mang theo lối Tây phương để có bộ mặt Âu hóa mới hẳn như ngày nay.

Nếu Sài thị hay Chợ Củi một địa điểm cực kỳ quan trọng tiêu biểu cho sức mạnh phát triển đất nước của Xứ Đàng Trong thì tất cả đều đã thay đổi. Di tích của Chợ Củi chỉ lưu lại cái tên không ai quan tâm nữa tuy mới đây, đầu thế kỷ XX, Huỳnh Thúc Kháng và các bạn ông đã được giáo dục đào tạo tai trường Đốc Quảng Nam dưới bóng Văn Miếu của bậc vạn thế sư biểu mà Huỳnh Thúc Kháng cho là chốn phồn hoa đô hội. Cả con sông mang tên Sài Giang tức là sông Chợ củi đến nay cái  tên cũng không còn. Độc giả xem bản đồ chữ Hán còn thấy rõ hình ảnh con sông này từ ngọn nguồn ( Sài giang thượng nguyên ) và trên con đường nó đổ xuống Hội an còn được ghi dấu vết cũ cũng được ghi Sài Giang thì nay đã hoàn toàn đổi thành sông Thu Bồn không biết do ai đã đổi và đổi vào lúc nào mặc dầu kinh đô vẫn còn ghi tên nó ở Tự điển. Con đường sắt dẫn từ Hội An ra Đà Nẵng cùng tòa sứ rồi đến thành tỉnh Quảng Nam trên bản đồ với văn miếu và trường Đốc cũng từng bước rơi vào quên lãng. Sài Thị mất nhưng Sài Gòn vẫn mỗi ngày một phát triển và mới đây được kỷ niệm ba trăm năm một cách long trọng dù nó được đổi sang tên mới về hành chính nhưng còn tên cũ vẫn sống mãi trong lòng dân.

Nhưng niềm an ủi lớn nhất của Sài Giang tức con sông Chợ Củi chảy qua cửa Đại Chiêm thì thành phố Hội An ( vật dâng hiến của sông này ) may mắn thay được ghi nhận là di tích văn hóa thế giới. Hội An phải chăng mang rõ dấu ấn của Sài Gòn cũ nhưng đã bị  hủy diệt hẳn từ thuở Tây qua. Sài Gòn mới ngày nay càng ngày càng phát triển rất xứng đáng với tên Tân Sài đã có từ thế kỷ XVII, XVIII./.
                (Trích từ http://antontruongthang.wordpress.com)

VÀI HÌNH ẢNH KHÁC 14 (cảnh xưa)
ĐƯỜNG 7 CÂY DỪA

Đây là đoạn từ chùa Phật Học đến đường Phan Đình Phùng (ngày xưa là ngã ba, bây giờ là ngã tư). Đoạn đường này trước có chín cây dừa sau còn bảy. Quán Bảy-Cây-Dừa nằm ở đây.
Ảnh photo Vĩnh Tân chụp năm 1950.

Đường 7 cây dừa hôm nay không còn dừa nữa. Chỉ có ruộng rau muống là còn dấu tích.

ĐƯỜNG HOÀNG DIỆU

Muốn sang... nhưng ngại vắng thuyền
Muốn về bên ấy e duyên lỡ rồi
                                                                                                          Hồ Dzếnh
Đường Hoàng Diệu và đường Phan Bội Châu cắt ngang không có một bóng nhà và cũng chưa có cầu qua Cẩm Nam. Cẩm Nam, sông ngày đó chưa bồi, thấy xa hun hút. Ảnh photo Vĩnh Tân chụp năm 1930.

Đường Hoàng Diệu bửa nay.

NHÀ THỜ CÔNG GIÁO HỘI AN

Nhà thờ Công Giáo Hội An được xây dựng từ năm 1935. 
Ảnh photo Vĩnh Tân chụp năm 1950
Dưới đây là trích đoạn tư liệu của Linh Mục AnTôn Nguyễn Trường Thăng, Người coi sóc giáo xứ Hội An từ tháng 11 năm 2006.

E. THẾ KỶ 19 BÁCH HẠI VÀ THỬ THÁCH.

Năm 1802, vua Gia Long thống nhất đất nước, đạo thánh chưa kịp phục hồi thì năm 1835 vua Minh Mạng đã ra lệnh triệt phá đạo công giáo và công việc đó chỉ chấm dứt sau Phong trào Văn thân “Bình Tây Sát Tả” vào năm 1886.
Cộng đồng đạo thánh tại Hội An có thể coi như bị tận diệt: không nhà thờ, không linh mục, không lời kinh tiếng hát…Một lần nữa, giáo dân trốn lên vùng rừng núi hay dùng thuyền bè chạy vào  vùng đất mới Đồng Nai, Gia Định, Lục Tỉnh. Ngày nay tộc họ giáo xứ Miền nam chắc chắn có ghi tên những  lưu dân bất đắc dĩ của xứ Hội An  nầy.

F. THẾ KỶ 20. TỪ ĐỐNG TRO TÀN VÀ THẾ KỶ 21: VUI MỪNG VÀ HY VỌNG.


Linh mục  thừa sai Pierre Auguste Gallioz Thiết. 

Vào đầu thế kỷ 20, các linh mục thừa sai Paris quy tụ các giáo dân còn sót hoặc có công ăn việc làm tại Hội An như một họ nhánh của Trà Kiệu. Theo sự tìm hiểu của linh mục  Phêrô Lê như Hảo : “ Mãi tới  năm 1914, một số giáo dân quy tụ về mới dựng được một nhà nguyện trên một gò hoang, gần khu nghĩa trang, nhưng không có linh mục phụ trách. Thỉnh thỏang mới có cha ở Phước Kiều về dâng thánh lễ” ( Tư liệu Hội An công giáo, kỹ niệm 385 năm ,lm Lê Như Hảo, trang 7) Linh mục phụ trách vùng nầy lúc bấy giờ là Joseph Lalanne tức cố Lân, cha sở họ Trà Kiệu và các vùng phụ cận. Tiếp theo là linh mục Pierre Auguste Gallioz MEP tức cố Thiết, coi sóc họ Phước Kiều và Vĩnh Điện, La Nang , Hội An. 

1. NHIỆM KỶ LINH MỤC PIERRE AUGUSTE GALLIOZ THIẾT (1935- 1953)

Đến năm 1935, linh mục Gallioz chính thức xây dựng kiên cố nhà thờ Hội An bằng gạch đá với hai ngôi tháp xinh xinh. Năm 1938, linh mục Gallioz được chấp thuận cho nới rộng khu đất nằm trên ba con đường Gouverneur Général Charles,( Nguyễn Trường Tộ)  Oscar Mouliè ( Lý Thường Kiệt) và Pasteur. Ngài lập cô nhi viện chăm sóc các em mồ côi. Năm 1953, quá lao tâm lao lực, ngài đã qua đời và được an táng tại khu nghĩa trang bên cạnh nhà thờ. 

 Nhà thờ Công giáo Hội An xây dựng từ năm 1965
Linh mục Giuse Lê Văn Ly xây dựng nhà thờ mới.

Năm 1965, Cha Giuse Lê Văn Ly , gốc Trà Kiệu từ Hà Tân về làm chính xứ Hội An. Lúc đó nhà thờ Hội An cũ chỉ có diện tích 144 mét vuông không đủ chổ cho giáo dân mỗi ngày một đông nên năm 1965 cha Giuse đã cho phá nhà thờ 1935 xây lại nhà thờ mới trên nền cũ với diện tích 720 mét vuông tồn tại đến nay. Vì nằm ngay đầu phi đạo, nên chính quyền cũ không cho làm tháp chuông, sợ tai nạn máy bay. 




Thứ Ba, 18 tháng 1, 2011

ĐÌNH HƯƠNG HIỀN CẨM PHÔ
Đình làng ngày xưa là nơi phụng thờ tín ngưỡng dân gian thường kiêm luôn trụ sở hành chính của địa phương mình. Việc xây dựng đình làng là việc hệ trọng vì chính nơi đây thể hiện phong hóa của một vùng miền, là niềm tự hào của cả cộng đồng dân cư. Nhưng không hiểu vì duyên do gì mà đình làng Cẩm Phô lại đổi tên thành đình Hương Hiền Cẩm Phô.
Hoành phi nơi phương đình (nhà vuông trước tiền đình) ghi:
HƯƠNG HIỀN TỪ
Thành Thái Đinh Dậu niên hạ. Bổn xã đồng tạo
ĐỀN THỜ HƯƠNG HIỀN
Thành Thái, mùa hạ năm Đinh Dậu 1897. Xã ta cùng tạo

Tam quan đình ghi: HƯƠNG HIỀN CẨM PHÔ
Hai câu liễn viết:
Cẩm tú giang sơn, khai khẩn khai cơ thiên tải tại
Phô trương công đức, phi thừa phi hiển vạn niên xuân.
Từ thế kỷ XVIII hay trước nữa, người dân Cẩm Phô đã xây đình làng Cẩm Phô để xác định xã hiệu và địa giới làng mình. Đình được khởi tạo từ năm nào thì chưa biết nhưng đến năm 1818 được trùng tu tại địa điểm: 52 Nguyễn Thị Minh Khai (Duy Tân cũ) thành phố Hội An. Đến năm 1903 lại thêm một lần trùng tu. 
Tất nhiên, để tồn tại đến ngày nay, đình phải trải qua nhiều lần trùng tu. Tiếc thay những lần trùng tu khác không ghi văn bản lưu lại như tiền nhân đã từng thực hiện.

Xà cò màu đỏ ghi: Gia Long thập thất niên tuế thứ Mậu Dần. Cẩm Phô xã viên quan, hương lão, viên chức, đẳng đồng trùng tạo. (Gia Long năm thứ 17 Mậu Dần 1818. Viên quan, hương lão, viên chức xã Cẩm Phô đồng trùng tạo).
Trùng tạo; dựng xây một lần nữa!

Xà cò màu vàng ghi: Thành Thái, thập ngũ niên, tuế thứ Quý Mão niên, Kỷ Mùi nguyệt, cát nhật quyên. Cẩm Phô xã, bổn xã đẳng đồng cải tạo. (Thành Thái thứ mười lăm, năm Quý Mão 1903, tháng sáu, ngày tốt. Các cấp xã Cẩm Phô ta đồng cải tạo).

Tuy nhiên, trong đình còn một bức cổ hoành có thể được phụng cúng từ năm 1739. Xin được hầu chuyện giải thích cùng chư huynh trong bài "LONG PHI".
 Khuôn xã tắc
Long Phi tuế thứ Kỷ Mùi mạnh đông cát nhật kính lập
Phò giúp đất nước
Long Phi năm Kỷ Mùi (1739), tháng mười, ngày tốt kính lập

Cũng nên nhắc lại, trước đây, trên cùng con đường cách đình Hương Hiền Cẩm Phô chừng 150 mét về hướng đông đã từng tồn tại ngôi đình Tiền Hiền Cẩm Phô. Khoảng năm 1960, đình Tiền Hiền hư hỏng hoàn toàn, các vị bô lão thỉnh chuyển linh vị về đình Hương Hiền phối tế. Việc hợp nhất thờ tiền hậu hiền trong đình cũng là việc làm nhất quán, hợp lý. Hiện tại, nội thất đình chỉ có thần vị Tiền, Hậu hiền mà không có bài vị các thần khác.

Thần chủ "TIỀN HIỀN LIỆT VỊ"

TẢ BAN HẬU HIỀN LIỆT VỊ





HỮU BAN HẬU HIỀN LIỆT VỊ
Mỗi năm hai lần, dân làng Cẩm Phô tổ chức xuân kỳ thu tế vào 16 tháng giêng và 16 tháng 8 âm lịch.
Xưa, trước đình là bến sông, dẫn ra sông là con đường hẹp ngoằn ngoèo lầy lội, ven đường cũng như trước và trong sân đình có nhiều cây râm bóng mát. Chừ bức tranh quê đã khép nhường chỗ cho khu thị dân mới nhưng vùng đất trũng còn đây, cây đa sân đình còn đó dù vắng bóng từng lớp người lam lũ ngày nào nghỉ chân trở gánh. Tất cả chỉ là những chứng cứ vô ngôn.
 








Thứ Bảy, 15 tháng 1, 2011

VÀI HÌNH ẢNH KHÁC13 (người xưa)

BÀ QUỲNH

Bé Quỳnh đang nướng bánh tráng cho mẹ là bà Nghĩa để bán hàng xén. 
Nơi bán là vỉa hè cách nhà anh Quách Gia Bân khoảng 20m cùng phía về hướng chợ, tức gần ngã tư Lê Lợi - Nguyễn Thái Học. 
Đây là ảnh ông Vĩnh Tân cha chụp năm 1940.


Hôm qua tôi tìm đến nhà "bé" Quỳnh, trong hẽm nhỏ đường Thái Phiên đối diện ty Công Chánh. Bà mừng rỡ nói: " Đúng là tui đây rùi, ngày xưa tui còi cọc quá. Thiếu ăn mà!". 
Dì Quỳnh tên đầy đủ là Đinh Thị Quỳnh.

ÔNG DI

Theo lời ông Chẩy (Vĩnh Tân con) kể: " Ông sáng dạ, hiểu nhanh đủ loại tiếng Tàu vì ông là người, mỗi sáng thứ hai hằng tuần, kéo chở các vị Bang trưởng ra tòa sứ để dự họp hoặc báo cáo. Thời đó đã có xích lô nhưng đi xe kéo thì... sang hơn. Thời gian sau không ai dám ngồi xe kéo nữa, xe ông chỉ kéo người bịnh đến nhà thương". Tấm ảnh này chụp năm 1930 trước nhà ông Tám Bính và được đặt tên là: La pousse de Hội An.
 
Ông là người của điển hình "nghèo không có một miếng đất cắm dùi" nên ông làm "nhà" trong... nghĩa địa: Nghĩa trang VIỆT BINH ĐOÀN, sau là Nghĩa trang Quân đội đối diện cổng phi trường Hội An. Ông trông coi, quét dọn nghĩa trang cho đến cuối đời.
 
Sau khi ông mất, bên Quân đội vừa thương và cũng để "ghi ơn", cho ông nằm trong nghĩa trang cạnh cái lều nhà ông. Ai đó cũng đem chiếc xe kéo của ông đặt cạnh nấm mồ còn chưa xanh cỏ như để cho ông có... người-bạn-đường, vừa để tống tiễn chiếc xe kéo cuối cùng của Hội An, của một đời lao dịch hay nô dịch mà vì sống tận đáy xã hội nên bây giờ chẳng ai còn nhớ hay biết ông họ gì!!

CHÚ BỐN PHONG
Chú Bốn Phong đang cân thuốc trong tiệm thuốc bắc THÁI HƯNG ĐƯỜNG của ông Thái Phát. Chú hiện sống trong nhà thuộc khu chợ heo gần chợ Cồn Đà Nẵng. Sau khi nghỉ cân thuốc chú về giữ xe gần nhà mình.
Trong một lần triển lãm ảnh tại Hội An, một du khách ngoại quốc hỏi, tại sao cân thuốc mà lại ở trần, người thuyết minh nhanh miệng chỉ qua tấm hình treo bên cạnh và phân bua:
 
Tiệm thuốc này kề bên lò rèn, tụi nó "xụt bệ lò rèn" cả ngày nóng ai chịu nổi?

Thực tế lò rèn này nằm ngoài Trường Lệ, trong phố không có lò rèn vì bị cấm, sợ hỏa hoạn.
 
Nhà bìa trái là nhà bà Hai Mỹ (đối diện nhà sách Rạng Đông). 
Tiệm thuốc bắc Thái Hưng Đường bán ở đây.
 
Ai ăn bánh bèo mì gánh hông?
 
Ngày xưa đi bán hàng rong mà cũng mặc áo dài nghiêm chỉnh. 
Ảnh photo Vĩnh Tân chụp năm 1950

Chồng đi biển đánh cá, vợ ở nhà quay chỉ. 
Ảnh photo Vĩnh Tân chụp năm 1930 tại Cẩm An







Thứ Ba, 11 tháng 1, 2011

MIẾU ÂM HỒN TÍN THIỆN
Hội An dầu sao cũng là vùng đất bao đời người người kéo về đây tụ hội quần cư. Đất lành đãi người nên khi làm ăn ra, con người ta thường nghĩ về kẻ thất thế, gặp vận rủi, không may:
Thương thay thập loại chúng sinh
Hồn đơn phách chiếc lênh đênh quê người 
(Văn chiêu hồn - Nguyễn Du)

Công bằng mà nói, Hội An nhiều, thậm chí rất nhiều, miếu cô hồn quá! Có cái "to con" được cải gọi là cái đình, cái hơi nhỏ thì không gọi là miếu mà gọi là "miễu", còn xóm nào nghèo quá thì dựng cái tí hon rồi gọi là... "khóm".

Tuy nhiên, bây giờ đến Hội An mà chư huynh hỏi miếu Âm Hồn ở đâu thì chỉ một câu trả lời duy nhất: "Trong đàng kiệt Âm Hồn", số 76/8, Trần Phú, khối An Thái, phường Minh An. Đây là miếu Tín Thiện do cư dân xóm (phổ) Tín Thiện cựu xã Minh Hương lập dựng để thờ cô hồn.

Miếu Tín Thiện chỉ còn ba gian, gian thứ tư và năm (phía tấm bạt màu xanh) đã bị sụp đổ do dân đào hầm vệ sinh tự hoại mà không gia cố trước. Tất cả chái sau của năm gian này, cùng với sân miếu cũng bị dân lấn chiếm làm nhà hai bên khoảng vài chục năm trở lại đây. 

THẦN MINH XÁ
Tự Đức nguyên niên xuân chính nguyệt... ... ...
Ngoài cửa miếu, Hoành phi ghi :"Tự Đức năm thứ nhất (1848), mùa xuân tháng giêng, Xã Minh Hương, Trương Đức Trạc phụng cúng.

NGHĨA TỪ
Canh Dần niên (1830) quý thu nguyệt cát đán.
Tín Thiện tộc đồng kiến tạo.
(Ngày xưa cứ hai mươi lăm nhà là một lư , làng mạc gọi là lư lý. Cứ bốn lư là một tộc , tộc ở đây không phải là những người cùng một thủy tổ sinh ra).

Nội thất miếu bố trí ba gian thờ với ba thần chủ chạm khắc gỗ:
QUÝ HIỂN ÂM HỒN LIỆT VỊ
TẢ BAN QUÝ HIỂN ÂM HỒN LIỆT VỊ
HỮU BAN QUÝ HIỂN ÂM HỒN LIỆT VỊ
Và cùng nội dung câu đối thờ:
THÊ LƯƠNG TÚC THẢO BI HAO LÝ
PHÂN BẬC THANH TÔN THỎA LỮ HỒN
(Thê lương cỏ tối mờ đường tới
Thơm thảo rượu trong gọi bóng về) 
 Nhà giáo Phạm Thúc dịch thơ

Gian tả còn bố trí thờ PHƯỚC ĐỨC CHÁNH THẦN với câu đối:
Phước nhi hữu đức gia gia tự
Chánh tắc vi thần xứ xứ tôn
(Phước và có Đức nhà nhà phụng tự
Chánh tắc làm Thần xứ xứ suy tôn)

Gian hữu thờ VONG HỒN KÝ TỰ với thần chủ:  
寄 祀 諸 先 靈 列 位 
(KÍ TỰ CHƯ TIÊN LINH LIỆT VỊ)
Tại đây có hai bảng gỗ ghi bài vị LỊCH ĐẠI TIỀN VÃNG (Những người quá vãng trải nhiều đời) bằng chữ Hán, nội dung ghi tên, họ từng người quá cố được kí tự trong miếu cô hồn. Đây là hình thức trang trọng đề cao đạo nghĩa đối với người quá cố và làm yên lòng con cháu những người được kí tự.

Trong khi các đình miếu ở Hội An đều lập văn bia bằng đá thì tại miếu Tín Thiện lại dùng mộc bản để ghi lại quá trình kiến tạo miếu.
Minh Hương xã, Tín Thiện tộc tự dẫn
Nghĩa từ giả kiến nghĩa tắc vi dã...

Xóm Tín Thiện, xã Minh Hương. Bài tựa:
Việc nghĩa từ. Thấy việc nghĩa tất phải làm vậy! Ai thấy sa trường tịch mịch mà không dấy lên xúc cảm bi ai trải dài vạn dặm, bày tỏ thương tâm!
Xóm ta từ năm Nhâm Ngọ đã lập một đàn tế ở vùng đất mả hoang mồ lẻ ước có ngàn vạn số mà chẳng biết là ai! Vậy hậu thế ai có biết chăng?
Vì thế nhiều người cùng lo cúng tế và quét dọn mồ mả hằng năm. Sáng kiến ban đầu ấy tạm duy trì thực hiện như thế.

Minh Mạng thập niên Kỷ Sửu bổn tộc thủy đồng quyên tư lực trợ cấu mãi thổ viên nhất hạng tại Hội An xã Lâm Sa xứ kiến thử nghĩa từ...

Năm Minh Mạng thứ mười Kỷ Sửu 1829, bắt đầu quyên tiền mua đất vườn hạng nhất tại xã Hội An, xứ Lâm Sa xây đền thờ. Bốn mùa, nơi đền miếu đều khói hương chu đáo.
Mỗi đầu xuân cúng tảo mộ một lần. Mỗi ba năm chạm khắc tu bổ một lần
Tiền nhân định ra tiền lệ như vậy để hậu nhân bồi đắp làm nền móng lâu dài.
Sự đời luôn biến dời, nhất thiết không thay đổi nên viết thành bài tựa này.
Trưởng làng Nguyễn Hữu Giác bái viết.

Từ khi kiến lập đến nay, miếu không có một thạch bi, mộc bản nào ghi lại những lần trùng tu, chỉ có những hoành phi, câu đối do các nhà từ thiện phụng cúng, ghi lại một số cột mốc thời gian trong các lạc khoản: 1848, 1852, 1895. Đó là thời huy hoàng của miếu âm hồn Tín Thiện.

Ngày 21 tháng giêng hằng năm tổ chức cúng tảo mộ ở miếu. Nói rằng tảo mộ là quét dọn mồ mả âm linh nhưng thực tế hiện nay mồ mả âm linh đã hoàn toàn thất lạc. Vì vậy chỉ có một lễ cúng để tưởng vọng cô hồn.

Một tác giả vô danh từ năm 1852 phải thực sự cảm thông với cô hồn phiêu bạt mới để lại hai câu thơ trong miếu khuấy động lòng người:
Uất uất tuyền đài, tụ phách hà quy ta lữ mộng
Nguy nguy từ vũ, thê thần hữu địa úy tiềm linh
Tự Đức vạn vạn tuế chi ngũ, quý thu cát đán phụng lập

Buồn bã tuyền đài, tụ phách biết về đâu gởi mộng
Nguy nga miếu tự, quy hồn đã có chỗ nương linh
Tự Đức vạn vạn năm của năm thứ năm, tháng chín ngày tốt phụng lập

Rồi đây những mộc bài, hoành phi, câu đối sẽ bị mối mọt, nắng mưa hủy hoại hoặc thất tán khôn lường. Người Hội An hậu thế sẽ chẳng còn có cơ hội thấy được những độc đáo văn chương xưa cổ mang dấu ấn đời sống tâm linh của những thế hệ đã qua.

Thứ Sáu, 7 tháng 1, 2011


NGHĨA TRỦNG HOA KIỀU HỘI AN

Nằm kề Đài liệt sĩ Hoa kiều kháng Nhật, được tạo dựng từ năm 1920, là nơi quy chung các hài cốt Hoa kiều không người thừa tự hoặc con cháu thất tán đâu xa không còn về lại Hội An của nhiều năm trước. 
Sau năm 1975, nơi đây cũng là nơi cải táng một số mả mồ vô chủ của người Hoa mà thân nhân họ đã rời bỏ Hội An không thấy trở về.

Trong Nghĩa trủng này hầu hết đều là mộ không nấm. Cộng đồng người Hoa Hội An tổ chức thuê người dọn cỏ, đào bia mỗi năm một lần trước ngày giỗ hội vào dịp thanh minh.


Miếu thờ chính giữa ghi:  
VẠN THIỆN ĐỒNG QUY 
Hai bên: 
TRUNG HOA DÂN QUỐC CỬU NIÊN TUẾ THỨ CANH THÂN
                   NGŨ BANG HOA THƯƠNG CÔNG LẬP

Bên ngoài, hai câu liễn viết: 
 HÀI CỐT THIÊN THU GIAI HỮU THOÁT
U HỒN VẠN CỔ TẬN LAI QUY
Những năm sau chiến tranh, người dân quanh đây kể lại, thỉnh thoảng có vài Hoa kiều vẫn còn tìm kiếm những ngôi mồ vắng chủ của cộng đồng mình về cải táng lại nơi đây.
Năm 2009, trong khi đào móng đường ngay trước ngôi miếu này, đã phát hiện hơn trăm hài cốt. Đó là những Nghĩa binh của chí sĩ Nguyễn Duy Hiệu bị Pháp xử trảm rồi vùi lấp tại chỗ.

Cũng chỉ cách nhau một vành đai mà bên ngoài lạnh lùng nhang khói đã bao năm.
Mượn "Tế nghĩa trủng văn" của ngài Thoại Ngọc Hầu thay lời ta thán: 
Máy tạo thể trò chơi lũ trẻ,
Bóng quang âm như kẻ qua đường.
Lúc sanh, khi lớn không tường,
Là trai hay gái khó tường họ tên?
Hiền hoặc dữ, hư nên nào rõ?
Cha anh đâu, còn có cháu con?
Việc người ta biết chưa tròn,
Xưa làm chi đấy, hãy còn nghĩ suy!