Thứ Năm, 30 tháng 9, 2010

VÀI HÌNH ẢNH KHÁC (4)
S.I.C.A. Hội An

Rượu SICA đương nhiên là rượu đế, khi cúng gọi là rượu trắng, bợm nhậu bây giờ vinh danh là RUGOVINA (Rượu gạo Việt Nam).
S.I.C.A là tên viết tắt của SOCIÉTÉ INDUSTRIELLE COMMERCIALE ET ARTISANALE
(Công ty công nghiệp thương mại và tiểu thủ công nghiệp)
SICA Hội An là đại lý (rượu Bình Tây) của SICA Sài Gòn.
Đầu tiên, SICA Hội An là của ông Tống Hoàng, em ông Tống Quyền (Tỉnh trưởng Quảng Nam) sau đó "sang" lại cho ông Tư Hỷ (Thái Cảnh Thọ) và ông Ngô Tấn Hỷ (tồn tại cho đến 1975) để ra Đà Nẵng làm sếp SICA Đà Nẵng (đường Bạch Đằng).
Năm 1977, SICA Đà Nẵng đang bị "tạm quản", lúc đó có phong trào cổ động mua công-trái-phiếu, ông Tống Hoàng đăng ký mua mệnh giá "khủng" được "lên đài, đăng báo" quá chừng. Đến ngày mua, ổng nói ổng không có tiền chờ khi nào "sang" được hãng rượu thì ổng sẽ mua.

NHÀ MÁY ĐÈN

Nhà máy đèn đã sửa lại
Tại tường rào song sắt này trước đây là tường nhà bịt kín, nền nhà bên trong rất cao chứa máy phát điện. Tiếng ù ù vọng cả ngày đêm.
Hội An ngày trước xài điện có hiệu thế 110 volt của nhà máy này. Bảng hiệu thời Pháp ghi viết tắt là S.I.P.E.A: Công ty công nghiệp điện nước Á châu (Société industrielle pour les eaux et l' électricite d' Asie).
Có lần một ông già nói với tui rằng, đồng ý bọn thực dân nó ác lắm!. Nhưng nếu không có nó biết đâu bây giờ mình còn đang mặc... quần một ống chớ chẳng chơi. Tui cũng Ok như zậy.
Mẹc xì bú cu
mấy ông Tây!

Khu này trước đây là ty Ngư Nghiệp sau thành nhà thương thí, kề nhà máy đèn

HÀNG DỪA CỬA ĐẠI



Đoạn kia biến thành đường nhựa

Tuy nhiên, Nước chảy hòn đá lăn cù
Nếu sẩy con chị ta bù con em.
Một con đường nhỏ chạy ven sông phía sau đường Phan Bội Châu thay cho đường hàng dừa.


Từ thành cầu Cẩm Nam nhìn xuống

Đoạn đi về phía biển


TRƯỜNG TRUNG HỌC CÔNG LẬP TRẦN QUÝ CÁP

Khi em là nắng xuân thì
Là mưa trung học ước gì song đôi
Có người – không phải là tôi
Vì thơ tôi đẹp hơn tôi thất tình!

Nguyễn Tất Nhiên

Áo em trắng-cả sân trường trắng
Tan học chiều nay có ngẫn ngơ

Chiều nay... anh ở xa lăn lắc

Không cách chi về đón tiểu thơ.

Nguyễn Tất Nhiên

CHỢ HỘI AN

Chợ Hội An mới sửa lại

Trắng da vì bởi phấn dồi
Đen da vì bởi em ngồi chợ trưa

Bán rau qua cellphone

Chủ Nhật, 26 tháng 9, 2010

MỘT GÓC CHỢ VÀ ĐỒN LÍNH MARINE

Đường Trần Quý Cáp từ chùa Ông ra đến bờ sông.


Trên con đường này có một ngõ hẽm (ảnh), vào khoảng 30 mét, rẽ trái 10m là cầu tiêu bà Tình.
Ngày xưa không phải nhà nào cũng có cầu tiêu riêng như bây giờ. Do vậy sự xuất hiện của cái địa-la-phục "công mà tư" này là thiết yếu.
Thời đó cũng chưa có hầm tự hoại mà phải thuê người gánh phân đem ra "rừng" chôn hoặc đổ sông.
Ngày xưa từ ty Công Chánh trở ra đã gọi là "rừng".


Trong ảnh, bên trái con hẽm là nhà ông Căn. Bên phải, nhà có bà già ngồi là nhà bà Thọ. Kế tiếp là nhà bà Phán Lữ, tiếp nữa là hai căn nhà mà trước đây thời Pháp chiếm đóng là khoảng đất trống dùng để chiếu xi nê cho dân coi.
Thời Đệ nhất Cộng hòa, ông xã Thơ (lúc đó ở nhà may Ánh Sáng bây giờ) xin làm hai căn nhà này.

Qua khỏi khoảng đất trống và từ đó cho đến đường Bạch Đằng là đồn lính tây "Ma-rin" (Marine: Hải quân). Như vậy, phạm vi khống chế của đồn này là từ nhà ông Thảo (Trùng Dương) đến nhà ông Bồn (Lương Hữu).

Nhà ông Lương Hữu
Trước nhà ông Thảo, sinh thời, mẹ Thái Tú Phong có một gian hàng ở đây, tôi và Thạnh hay đến để xin tiền.
Ta chỉ nhớ một cửa hàng nho nhỏ
Mẹ ta ngồi chào hỏi những người qua
Trước những món hàng như những nụ hoa
Nay tất cả chỉ mờ mờ kỷ niệm
Luân Hoán

Có đồn Hải quân tức phải có bến.
Người già Hội An hay gọi theo tiếng Pháp là "Ke" (QUAI).

QUAI sau này là chợ cá
Và... chợ, tất phải có cầu tiêu công cộng.

Cầu tiêu công cộng ngày xưa được sửa lại mái và cửa sổ lật.
Từ cái xe kéo đến các kiosque trước trường Nữ trung học (đệ nhất cấp), đất này trước đây trồng dương liễu. "Kép ca đá kép diễn" Minh Cảnh từng biểu diễn thổi bắn chim sẽ bằng ống sáo ở đây.

Còn đây là nhà ông Tài, nằm giữa đồn lính. Phía trên gác của nhà là bureau của "chef" đồn Marine. Đến bây giờ, nhà này chỉ mới thay bộ cửa sắt ra vào và lát lại nền tầng dưới phía sau.

Trước năm 2000, một người Pháp cùng với vợ (đầm) xin vào xem căn nhà này. Sau đó ông Tây có trưng ra một tấm ảnh chụp một người đàn bà (Việt) nắm tay một bé trai và nói đó là vợ con của ông khi còn là quan hai của đồn này. Mọi người xúm lại để nhìn nhưng nhận không ra. Cuối cùng có người gọi ông Huyễn (thường gọi là Quyễn) trước là thông dịch viên cho Pháp. Ông này nhận ra ngay, đó là bà SỰ, chị bà Vạn, vợ ông Phi Long Vàng. Còn người con là anh ÁNH (tây lai). Nhưng hai mẹ con bà SỰ đã chết hết. Anh ÁNH đi lính Nhảy Dù, tử trận.

Ở chợ còn một người nữa, không nhắc là thiếu: Ông THẠNH KHÙNG.
Nếu chợ là nơi người ta buôn bán thì chợ cũng là mái ấm che chở cho kẻ tứ cố vô thân.
Mặc dù đã cố gắng tìm những người già quanh chợ để hỏi tung tích của ông nhưng không một ai biết.
Ông như loài cây mọc hoang giữa chợ.
Ông THẠNH, khùng mà hiền. Ai cho gì ăn nấy, không phá phách hay ăn cắp vặt.
Và cũng... kỳ lạ, người khùng ở Hội An thì lại hay cười. (Có gì vui sao các ông không kể cho quý đại ca của tui nghe với??!).

Và thành thật mà nói: Ông THẠNH đẹp trai.
Tóc ông dày, hơi xoăn dài quá cổ, áo rách vai, quần rách gối, nhớp ồm, nhưng miệng lúc nào cũng hít thuốc. Thỉnh thoảng những ông già đi hớt tóc dạo cắt tóc cho ông, còn áo quần, ai cho gì mặc nấy.
Nếu còn sống, bây giờ ông cũng xấp xỉ 70.
Một buổi sáng cách đây hơn ba mươi năm, người ta phát hiện ông chết trong chợ vải. Lý do, có lẽ vì đói, ông ăn phải đồ ăn có trộn thuốc để diệt chuột.

Người giàu sang, kẻ quyền thế, chết là cả niềm nuối tiếc. Còn với những người như ông, THẠNH - KHÙNG, chết là đoạn nghiệp, là giải thoát.
Không biết ở cõi khác, ông có còn lạc loài giữa cảnh đời trôi-sông-lạc-chợ nữa hay không?!!



Thứ Năm, 23 tháng 9, 2010

Người Hoa Hội An đầu tiên theo đạo Công giáo
Lúc còn thanh niên, ông làm công cho tía ông Nam Hưng (Dương Lai Phát) có tiệm buôn ở Phong Thử.
Công việc thường ngày của ông là đong rượu cho khách.
Mang phận làm công lại thêm vóc dáng "nhỏ con", ông phải lòng một cô gái đẹp, nhà dư dã, theo đạo Công giáo.
Nhiều lần ông năn nỉ với ông chủ nhờ xin đi dạm hỏi. Nhưng tính trước tính sau ông chủ lắc đầu: Không... phải đôi vừa lứa!.
Nhờ ông chủ không được ông xoay qua nhờ bà chủ và diệu kế được bày ra.

Ông xin theo Đạo Thiên Chúa và rất siêng năng đi lễ dù ở rất xa nhà nguyện, rồi tâm sự với Cha xứ và xin ý kiến. Kết cuộc ước vọng của ông cũng thành.
Ông là "ông BẢO SANH TƯỜNG" (rượu thuốc nổi tiếng!)

Thời gian sau, tản cư rồi hồi cư, ông về Hội An lập nghiệp.
Công việc làm ăn thịnh vượng và "ăn-chơi" cũng... thịnh theo.

Nhà ông BẢO SANH TƯỜNG phía góc phải ảnh

Giai thoại kể rằng: Có lần ông đến hiệu buôn ĐẠI THÀNH hỏi mượn tiền và nói thẳng để đi đánh Mài chược (Ai lại mượn tiền để đi đánh bạc??, mà mượn thì khi mô mới có mà trả!), ông ĐẠI THÀNH (vai cháu) không thể không cho mượn nhưng đành vớt vát: Khi nào trúng-số-độc-đắc nhớ trả cho cháu!

Nhà ông ĐẠI THÀNH

Hai chữ ĐẠI THÀNH chưa bị cạo

Nhưng chuyện chưa hết. Ngày ông qua đời, nước lụt ngập đường Nguyễn Thái Học. Gia đình xin quàng ông ở Nhà Thờ Đạo rồi sau đó xin chôn ở chùa Chúc Thánh, trên bia mộ có ghi tên thánh đàng hoàng.
Người Hội An hay nói: Ông BẢO SANH TƯỜNG sống khôn, thác thiêng. Chết nằm đất Chúa nhưng chôn đất Phật!!!- Không biết ổng sẽ về đâu?
(Biết đâu nằm trong chùa lâu ngày ổng "bị tẩy não" đọc... lộn kinh cũng có!!).


NHẠC TRƯỞNG BẤT ĐẮC DĨ
Ông tên La Doãn Trang. Trong gia đình, ông thứ năm, tên ông đọc trại theo âm Quảng Đông là "Chón", người Hội An gọi ông là... ông NĂM CHỐN.

Nhà ông Năm Chốn

Ông với nhạc sỹ La Hối (La Doãn Chánh) là anh em ruột.
Với ông La Gia Quảng là vai chú.

Ông La Gia Quảng: "vua" lên dây đàn Piano.

Ai cũng biết ông Năm Chốn bị... "nặng đầu" nhưng bệnh ông phát theo mùa, và không liên tục.
Những lúc trở trời ông lang thang quanh phố không kể nắng mưa. Dáng người ông cao ráo, nước da trắng trẻo, lúc nào cũng ăn mặc bảnh bao, giầy vớ nghiêm chỉnh và nhất là hàng lông mi dài trên cặp mắt hai mí tình tứ không lạc thần - ai dám bảo ông... điên.

Một điều rất lạ, vây quanh trên đường là đám trẻ con ngỗ nghịch nhưng ông không phật ý hay phẩn nộ bao giờ, chiếc gậy trên tay chưa dọa một đứa nào. Biết đâu ông nghĩ - Càng đông, càng vui (mà không hao?!!).

Hồi tui còn nhỏ, tận mắt mục kích cảnh ông dẫn đầu "Đội quân kèn hơi" của trung đội Thủy quân lục chiến Mỹ trước chùa Bà. Người chỉ huy đoàn quân nhạc (Mỹ) trao cho ông cây gậy nhạc trưởng, ông vừa đi lùi "nhịp lệnh", theo sau nào là "Vua Kèn gỗ" CLARINET, TRUMPET, SASSO, ĐỦ LOẠI TRỐNGv.v...
Ông cũng có viết "nhật ký", đó là những ngày ông tỉnh, thay vợ bán hàng nhưng có ghi chép đầy đủ. Chẳng hạn như: Tương-5 đồng; xì dầu-3 đồng; chao-4 đồng; nầm dự-10 đồng và... Ăn chè đậu ván hết 2 đồng.
Hiện anh Hùng, con ông, còn giữ "Cây thước Lỗ Bang" đặt trên đầu giường để đêm đêm ông được an giấc.


Thứ Tư, 22 tháng 9, 2010

TẾT TRUNG THU HỘI AN

Tết trung thu rước đèn đi nhậu
Vợ không nhăn mình lại cằn nhằn

Lân mới ra lò, tội ghê chẳng ai thèm coi!!


Lân chuẩn bị đớp tiền


Địa trổ tài chỉ chỏ


Tạ ơn thí chủ


Đầu trống trăng treo


Hand in hand


Người đàn bà đứng bên đứa nhỏ là cô Hạnh


Lân lạc... đường

Thứ Sáu, 17 tháng 9, 2010

Tay Tiên rót chén rượu Đào
Đổ đi thời tiếc, uống vào thời say
...
Ông "Cà phê Đạo"

Thời trai trẻ là vua diện, bao giờ cũng chemise "Mong sết", không thắt cà vạt nhưng lại... đeo nơ. Đầu chải "bờ ri ăng tin" và nhất là đi giầy hai màu.

Thời "oanh liệt" nay còn đâu
Ông là người mở khách sạn đầu tiên ở Hội An (trước cả tiền thân của Minh Đức là Đông Sơn khách sạn)
Nhà Minh Đức, một bên là: ĐÔNG SƠN - SẮC BANG DIÊN TỊCH

Một bên là: ĐÔNG SƠN - TỬU LÂU KHÁCH SẠN
(Kem THÁI SƠN đối diện với nhà may Tiến Hưng cũng của ông ĐÔNG SƠN)

Thuở đó ông Đạo "thích" một người con gái, con của ông Tư Hỷ S.I.C.A. tên là Tiên, nhưng bị từ chối vì cùng họ (Người đó sau này là vợ ông Ngh. A.).
Nên khi lập khách sạn ông chọn tên là ĐÀO TIÊN (tiền Đô cũng được!!).

Cũng như mọi người, khi đau răng mới nhớ mình có cái răng. Hỏi chuyện này, ông khẻ khàng nói:
"Có! nhưng TIÊN không ở cõi trần, TIÊN ở cõi tiên!, "họ" bây giờ đông con đông cháu, nhắc nhớ cẩn thận!".


Nhà có đứa bé mặc áo vàng, ngày xưa là K.S. ĐÀO TIÊN (cách nhà in NAM NGÃI 3 căn nhà).

Hết làm khách sạn, ông chính thức bước vào nghiệp cà phê.

Đầu tiên ông thuê nhà bà Hiên (mẹ ông Trợ mèo) vừa bán cà phê vừa bán... cà ry.
(Hugo2)


Sau đó thuê nhà ông MINH CHÂU (đối diện cầu An Hội), cũng cà phê cà ry

(Hiệu đồng hồ HỒ THỊ HƯƠNG và nhà may CHÂU TOÀN). Đất hai nhà này trước đây cùng một chủ, trên là một căn nhà trệt mái thấp. Lần thứ 3 ông dời quán đến đây, bán cả cà phê, phở, cơm ngày, cơm tháng.


Nhưng "tình vẫn chưa yên", lần này phải thuê nhà ông Huỳnh Sau gần Tiểu khu. Dời quán lần này vô cùng vất vã như... dời đô về Thăng Long vậy.

Tiếp đến dời về ngã tư Lê Lợi-Phan Chu Trinh. Tại đây, những năm 74, vô ngồi được rồi.

Cuối cùng về đây, khuôn viên chùa Phước Kiến.

Ông Thái Chung Đạo (còn có tên: Thái Đạo Quang) năm nay vào tuổi 90 nhưng vẫn còn mạnh khỏe, lang thang bát phố cả ngày. Một lần hỏi ổng: "Chú có cuốn sách nào bày cách sống lâu xé cho con một trang!". Ổng trả lời tỉnh rụi: " Cần chi sách vở, ta sống lì, sống dai là nhờ... uống cà phê Đạo!!

Đời người...
Thân thừa... Sắc tiếu
親 承 色 笑.

NHỮNG NGƯỜI H.A. KHÁC (1)


Xí Mà - Chè mè đen
Theo âm Quảng Đông đọc đúng là CHÍ MÀ PHÙ
Chí mà (chi-ma): mè đen; phù (hủ): nát nhuyễn.
Xí Mà được nấu từ nguyên liệu:
Mè đen xay nát thành bột mịn, một ít bột khoai,
nước cốt vắt từ rau má rau mơ đã giã nát,
Thanh địa (thuốc Bắc) để tạo mùi đặc trưng và màu đen sáng.
Người trong ảnh là kế tục, người bán Xí Mà trước đó là ông Ngô Thiểu,
tương truyền rằng ông rất giỏi võ thuật Trung Hoa.

Còn 1 món chè "Tàu" nữa: LỤC TÀU XÁ (Lục đậu xa) với độc chiêu Trần Bì (võ quýt khô) ăn vào giải "Ô cấu" (chất độc bẩn trong cơ thể).


Ông Mịch

Hội An có bốn anh em đại gia: Hòa An - Thuận An - Thái An - Bửu An. Người trong ảnh là em thứ 8 của bồn vị này: ông Mịch, có bệnh từ khi mới sinh, không được bình thường, ông sống độc thân trong nhà người anh cả HÒA AN ĐƯỜNG. Trong ngôi nhà này, năm 1977, gặp ông lần đầu khi cùng anh Hùng Em (Thái Thiệt Dũng) cầu cơ trên lầu sau. Anh Hùng em không cho ông coi sợ bị "rò rỉ thông tin", nhưng nghe ông xuống lời năn nỉ là phải xiêu lòng: "Hồi xưa Tám dấu bi với dây su cho Hùng- nhớ không?!"... Từ đó không gặp ông nữa. 33 năm trôi qua, mới đây, đang đứng trước hè nhà Hòa An (phía bán tạp chí PLAYBOY), ông nhận ra "người cũ" liền rủ rê: "Nói thằng Hùng em lên gác cầu cơ cho... vui!".

Thứ Ba, 14 tháng 9, 2010


TÔI ĐỨNG BÊN NÀY SÔNG

Cẩm Kim nhìn từ Cẩm Nam

Cẩm Kim và Cẩm Nam cách nhau con sông, nhưng, bên Cẩm Kim cũng có đất Cẩm Nam. Lý do là sông lở bên Cẩm Nam và bồi bên Cẩm Kim. Dân Cẩm Nam mất đất trồng bắp nên bơi thuyền qua chỗ đất bồi bên kia để trồng. Bị dân Cẩm Kim cự nự, người Cẩm Nam trả lời là... "Trời lấy đất bên tui "đổ" qua bên này nên đây là đất Cẩm Nam". Cải "đã" rồi hai bên đồng ý: THUI MỖI XÃ MỘT NỬA!!

Rừng dừa 7 mẫu Cẩm Thanh
Nơi đây từng là chiến trường ác liệt vì đất Cẩm Thanh không phải là vùng "xôi-đậu" mà là vùng "mất an ninh". Rừng dừa từng bị rải thuốc khai quang cho đến đầu năm 1990 mới hồi phục. Khoảng giữa năm 73, Cẩm Thanh yên trở lại. Lúc đó lại được đi tắm biển và lần đầu tiên thấy được khẩu tiểu liên Tiệp Khắc.

Từ Ngọc Thành nhìn qua Xuyên Long-Xuyên Thọ
Ở Ngọc Thành có bến đò BA NỮ. Nghe kể sau khi nhà Nguyễn Tây Sơn thất thủ về tay nhà Nguyễn Gia Long, tất cả người của Quang Trung - Quang Toản phải tìm đường bôn tẩu để tránh bị bức hại trả thù. Một bà phi của vua Quang Trung dẫn theo hai người hầu nữ về đất Ngọc Thành này cải danh ẩn dạng làm nghề đưa đò. Bến, từ đó được gọi là bến đò BA NỮ. Thời gian sau, triều đình Nguyễn Ánh phát hiện và bà Phi bị chém lấy đầu đem về dâng vua, xác không đầu thả trôi theo sông được người dân Cẩm Thanh vớt lên chôn (thôn 6 bây giờ). Hai người hầu cũng được chôn hai bên như để tỏ lòng trọn đời phò chủ.

Khoảng sông phía trên, ngày xưa một nửa là đất. Vùng đất bên kia ngày trước một phần là sông.
Bến đò BA NỮ không còn nữa!!

Đình làng Ngọc Thành Xứ
Thập niên 60, trường tiểu học cộng đồng Cẩm Kim đóng ở đây

Từ Hội An nhìn qua Cẩm Nam
Lúc trước, bên Cẩm Nam cũng có đất Cẩm Phô gọi là TAM-ẤP. Người Cẩm Phô qua Cẩm Nam mua đất từng thửa riêng biệt và gọi đó là đất của xã mình. Bây giờ thì dân không được mua ĐẤT mà chỉ được mua... QUYỀN SỬ DỤNG ĐẤT.

Đàng xa là cầu Cẩm Nam

LÍNH NHƯ THẾ... ĐỜI LÍNH NÓ NHƯ THẾ

"Báo cáo Đại Bàng: Chim sẻ đã về tổ!"
Sẻ gảy cánh lâu rồi nhưng vẫn luôn vui vẻ, chấp nhận cảnh đời hiện tại, bỏ lại quá khứ của mình ngày dần lùi lại phía sau.


Từ anh lính chiến trở về
Với nghìn tâm sự cuối nghề đao binh (NTN)

"Tôi là lính Ông Giai."


Về trên nạng gỗ mà nhìn
Từ nay dưới mắt bao người - "Phế nhân!" (NTN)
Ai thấy anh-ta quen hay là thuộc cấp của mình ngày xưa,
nếu muốn, tôi sẽ giúp để các anh liên lạc.

Bạn Bè của tui lúc trước thèng mô cũng ngon lành (anh nói giọng Quảng-Nam, vùng quê) nhưng bây giờ tứ tán hết biết mô mà tìm. Với lại giò cẻng như ri thì làm sô mà đi tìm tụi nó. Muôn đi thắp cây hương (cây nhang) cho tụi nó cũng chịu thôi.

Mẹ là tiểu KÍNH TÂM,
Lên chùa giải oan... ... ...