Thứ Hai, 28 tháng 9, 2020

 NGƯỜI HOA DỨT ÁO RA ĐI

Việt Nam và Trung Hoa là hai nước có biên giới và văn hóa tương liên tương cận. Đất nước Trung Hoa rộng lớn nhưng chỉ hai vùng đông, nam là phát triển thuận lợi. Từ rất sớm những chiếc hải thuyền của họ đã giong buồm hiện diện trên mặt biển khơi.
Và Việt Nam cũng như vùng Đông Nam Á, càng lệch về phương nam, nắng càng ấm, bờ biển rộng dài là nơi lý tưởng cho những cuộc thiên cư của người Trung Hoa.
Có hai nguyên nhân chính cho các cuộc di dân:
Một là: Di dân do nguyên nhân kinh tế diễn ra với những cuộc hải trình do Trịnh Hòa (1371-1433), nhà hàng hải trứ danh Trung Hoa khởi xướng.
Hai là: Di dân để tỵ nạn chính trị qua các cuộc tương tranh đế nghiệp. Tiêu biểu là cuộc di dân quy mô lớn khi Minh triều bại vong vào khoảng năm 1650. Thần dân Minh triều không chấp nhận đế chế Mãn Thanh mà họ cho người Mãn Châu là rợ, đã dứt áo rời bỏ nơi chôn nhau cắt rốn phiêu dạt xuống miền nam xa xôi trên những chiếc thuyền buồm đơn sơ trước phong ba bão dữ với lời nguyền "KHU MÃN PHỤC MINH".
Ngoài ra cũng kể thêm, trong giai đoạn Thanh triều hưng thịnh cho đến trước cách mạng Tân Hợi (1911) cũng có những đợt di dân nhỏ lẽ nhưng liên tục vì sự thất bại nhục nhã của cuộc chiến tranh nha phiến (1840-1842 và 1857-1860) hay sự điêu linh của Trung-Nhật chiến tranh (1894-1895) cộng với việc liên minh tám nước kéo vào cướp phá Bắc Kinh mà người dân hai tỉnh Phước Kiến, Quảng Đông cùng ồ ạt rời bỏ quê hương mình.
Ra đi còn nhiều lý do khác nhau như ông Hồ Dzếnh (Hà Triệu Anh), một người Minh Hương chính hiệu kể về cha mình: "Tía tôi là một người Trung Hoa nghèo đói từ bỏ một nước Trung Hoa nghèo đói tìm đường sang Nam Việt tha phương cầu thực...".
Nói chung, Hoa kiều di dân đến làm ăn sinh sống rồi định cư vĩnh viễn tại Việt Nam từ sau năm 1400. Họ đến Hà Nội, Hải Phòng, Hà Tiên, Huế... Riêng Hội An là cảng thị thời đó sầm uất và giao lưu thuận tiện hơn Hải Phòng, cách xa sự dòm ngó của Hoa triều nên là điểm đến lý tưởng của Hoa thương.
HỘI AN ĐẤT LÀNH CHIM ĐẬU
Từ năm 1437 Hội An đã có một số thương nhân người Hoa sang buôn bán, lúc bấy giờ còn ít người và đời sống thô sơ. Mãi đến năm 1644, thập Lão mới sang Việt Nam. Đó là di thần nhà Minh có họ KHỔNG, NHAN, DƯ, TỪ, CHU, HOÀNG, TRƯƠNG, TRẦN, THÁI, LƯU. Một số khác vào miền Nam cũng thành lập Xã hiệu, nhưng tại Quảng Nam là trước tiên mà Hội An là quy tụ đông hơn hết. Hiện mộ hai vị tiền hiền làng Minh Hương Hội An: ông Khổng Thiên Như nằm trong khuôn viên chùa Phật học và mộ ông Chu Kỳ Sơn táng tại Cẩm Châu Hội An.
Cần nhớ lại trước khi quy tụ về Hội An lập nghiệp, người Hoa khi mới qua tản mát nhiều nơi trên đất Quảng Nam, họ từng có mặt ở Trà My, Tiên Phước, Tam Kỳ, Thăng Bình (Hà Lam), Duy Xuyên (Duy Hải), Điện Bàn, Duy Xuyên (gần Trà Kiệu), Hội An và vùng phụ cận Hội An như Trường Lệ, Bàu Ốc, Trảng Kèo và Cẩm Sa (giữa Điện dương và Điện Nam).
Thời gian sau, nhận thấy Hội An là nơi có nhiều cơ hội làm ăn, họ tiến hành thêm một lần di cư nhỏ nữa nhưng trước tiên họ quy tụ tại vùng đất Thanh Hà tiếp giáp Hội An.


Tại Thanh Hà, thời đó đã có một ngôi miếu lớn do các vị tiền bối qua trước tạo lập từ năm 1626 (nhằm vào năm Bính Dần, đời HY TÔNG HIẾU VĂN HOÀNG ĐẾ- Chúa Nguyễn Phúc Nguyên tức triều Minh vua Thiên Khải thứ 6) xây dựng giữa ranh giới hai xã Cẩm Phô và Thanh Hà nên đặt tên là Cẩm Hà Cung. Cẩm Hà Cung chính nơi bây giờ là chùa Viên Giác tọa lạc, bởi vì sát đất chùa là đất của Hậu Xá xứ, thôn cuối cùng phía đông-bắc của xã Thanh Hà xưa. Hơn nữa, cách đây gần một trăm năm danh xưng CHÙA KHÁCH còn truyền lại đến sau này mặc dù lúc đó xã Cẩm Phô đã di dời XUYÊN TRUNG TỰ từ Cẩm Nam về đây.
Chùa lúc đó có thờ Phật nhưng chưa có tu sĩ Phật giáo, người trông coi chùa là ông thầy Mười (thầy dạy chữ Nho), cha của hòa thượng Thích Như Huệ. Và người đứng đầu phổ ĐỊA TẠNG, một hội gồm những người sống gần chùa (sau này mở rộng cho mọi người ở Hội An) có nhiệm vụ chăm lo hương khói nơi cửa Phật, là ông Trần Đắc Tài, ông vừa giỏi chữ Nho được thăng hàm Bát phẩm, vừa giỏi chữ Pháp làm đến chức Đội.
CẨM HÀ CUNG là ngôi miếu đầu tiên của người Hoa tại Hội An, là tổ đình ban sơ của họ.
Sau này xuống Hội An, với tinh thần NGƯỜI ĐÂU TỔ, THẦN ĐẾN ĐÓ họ dựng thêm ngôi miếu mới đặt tên là CẨM HÀ NHỊ CUNG tức chùa Bà Mụ sau đổi là CẨM HẢI NHỊ CUNG vì lúc này miếu có hai cung: CẨM HÀ CUNG thờ thần BẢO SANH ĐẠI ĐẾ, thờ BÀ MỤ và HẢI BÌNH CUNG thờ bà THIÊN HẬU THÁNH MẪU, gian giữa là TỔ ĐÌNH.
Dưới là ảnh Chùa Viên Giác vào những thập niên 70 của thế kỷ XX

Thứ Năm, 17 tháng 9, 2020

 TRUNG HOA HỘI QUÁN

Hội quán người Hoa được xây dựng sớm nhất tại Hội An là Trung Hoa Hội Quán, tương truyền được xây dựng vào triều Minh thời vua Thành Hóa (1465-1487), cũng từng gọi là “Giang Triết hội quán”.

Ngay từ thời nhà Đường thì người Triết Giang, Giang Tô đã đến đây buôn bán trao đổi nhưng sau đó thì về chứ không ở lại (Bi ký trong hội quán có ghi). Từ năm 1400 về sau mới có người ở lại.

Ngũ Bang Hội Quán nguyên trước đây hơn 350 năm là chợ sỉ và kho lưu hàng, là nơi buôn bán trao đổi giữa người bản địa (Chiêm Thành) và người ngoại quốc Châu Âu, Á, Trung Đông, Ấn…, đa số là người Hoa. Các hàng hóa trao đổi là gì thì tài liệu có ghi rõ (Tài liệu tiếng Trung).

Khi đó từ Quảng Nam trở vào Bình định người Chiêm Thành vẫn còn nhiều (Qui Nhơn gọi là Tân Châu, Bình Định là Cửu Châu) nên người Việt không dám định cư vì sợ bị giết do có mối tư thù giữa 2 dân tộc nên việc buôn bán, nông nghiệp… đều do người Hoa đảm nhiệm (khoảng 1650 trở về trước).

Căn cứ theo văn bia còn lưu giữ trong hội quán đến bây giờ thì…

“Nhớ lại, hội quán Trung Hoa Hội An, xưa là hội quán Dương Thương. Khởi dựng thời gian nào, do không ghi lại nên khó xác định.”
(Tố, ngã Hội An Trung Hoa hội quán tức tích Dương Thương hội quán dã. Sáng kiến ư hà thời nhân phạp kỷ tải nan dĩ xác định.)

Theo văn bia xưa nhất hiện còn ở đây, lập năm Vĩnh Hựu thứ bảy, Tân Dậu, tạm xác định hội quán này lập trước năm 1741.
(Nội dung văn bia này sẽ đăng lần tới, còn các văn bia khác sẽ đăng thêm trên trang blog, chưa biết khi nào.)

Hội quán đã trải qua 8 lần trùng tu vào các năm: 1855, 1891, 1928, 1958, 1970, 1993, 1994, 1995.

Bước qua tiền đường đến sân rộng rồi đến miếu.
Phương đình trước chánh điện có hoành phi ghi Thiên Hậu Cung. Bên trong, thần vị gian giữa thờ bà Thiên Hậu Thánh Mẫu. Thần vị gian trái (Đông/ Tả) thờ ngài Thần Tài. Thần vị gian phải (Tây/ Hữu) thờ “ Trung Trinh Vệ Quốc” tức 13 liệt sĩ hy sinh kháng Nhật.
Trong điện có 2 mộc bản ghi tiểu sử thánh bà và bản lược ghi xây dựng khám thờ Thánh Mẫu

Phía sau miếu là bảng xi măng khắc di chúc ông Tôn Dật Tiên. Sẽ đăng lần khác cùng với nội dung 2 mộc bản.
Về sự tích Thánh bà có nhiều dị bản và tên 13 liệt sĩ, xuất thân, quê quán, trường hợp hy sinh, đã đăng trên Fb và trong Blog của Soncuongde.

Ảnh do ông Vĩnh Tân (cha) Thái Thiệt Cổ chụp khoảng thập niên 30. Ảnh còn phảng phất cho thấy nơi đây từng là đình bạc (bến neo thuyền) cũng là nơi hội họp của bang chúng ngũ bang. Trong ảnh chưa có nhà vẽ Hồng Hưng của ông Thái Chi Hiên. Xa xưa, sông cận kề với đường Cường Để (Trần Phú) bây giờ.

Người Hội An thường gọi Trung Hoa hội quán là chùa bà, nơi đây có trường Lễ Nghĩa dạy Trung văn. Địa chỉ 64 Trần Phú, ngay ngã ba Trần Phú - Hoàng Văn Thụ, trước đây là Cường Để - Thành Thái.



Thứ Năm, 9 tháng 7, 2020


(Tháng này năm ngoái, tôi gửi bài này dự đăng tập san Trần Quý Cáp SG hằng năm. Năm nay viết bài chưa xong, giở bài cũ đọc lại thấy ngùi ngùi nên post lại.)
THÁNG BẢY.
Lý Ngọc Sơn
Tháng bảy năm 1969, ba tôi chở tôi trên chiếc xe đạp dura đến trường Trần Quý Cáp, không phải đi học mà là… đi thi, thi vào đệ thất.
Xuống xe, ba tôi dặn, nhớ bình tĩnh, rồi chỉ vào lô cốt đối diện trường, ba còn đứng đây cho đến khi con vô phòng thi.
Phòng tôi thi ngay sau trụ cờ, xoay lưng nhìn sang tường rào nhà máy đèn, mà cũng chính từ tường rào này, lúc nửa cuối giờ thi, anh tôi đã ghi đáp số môn toán giương lên trên đầu tường này.
Đáp số đúng rồi, nhưng tôi biết, chắc ai đó đã giải dùm, anh tôi không giỏi toán, anh đang học trường tư Diên Hồng mà.
Ba năm sau, cũng vào tháng bảy, ngày 20, anh tôi tử thương nơi chiến trường Quảng Trị.
Một năm sau, lại vào tháng bảy, chiến sự leo thang, trong lớp đã có vài đứa gia nhập quân ngũ vì đến tuổi đăng lính. Ngày đất nước hết chiến tranh, may mắn tất cả đã… sống sót trở về, chỉ trừ bạn trưởng lớp vĩnh viễn gửi lại một chân nơi chiến trường tây Quảng Nam.
Rồi đất nước quy về một mối, tôi còn học lại trường thêm một năm nữa nhưng quá nhiều thầy cô không còn đứng trên bục giảng. Một sáng tháng bảy, tôi thấy thầy tôi với chiếc bơm xe đạp treo phía trước, phía sau là hai thùng cà rem, đang rong ruỗi trên đường quê xa mưu sinh độ nhật.
Mới đây, một đêm hè tháng bảy, tôi nằm mơ thấy mình đang ngồi giữa lớp. Bạn bè xưa lại thấy có đứa trẻ đứa già, gái trai đông đủ hết, chỉ riêng tôi băn khoăn không biết mình có theo kịp bạn bè. Bỏ học lâu quá rồi mà.
Vừa bước ra khỏi lớp, một nữ sinh rủ tôi cùng về, thoáng ngạc nhiên, tôi chợt nhớ cô gái này nhỏ tuổi hơn tôi khá nhiều, chưa một lần thấy em mặc áo dài trắng, chắc không phải đồng niên.
Tôi nói với em rằng tôi còn học giờ chót, hãy ngồi nơi bậc thang cuối chờ tôi. Và thay vì vô lại phòng học, tôi lại đi thẳng ra sau tìm phòng “chuồng gà”, dãy phòng này đã không còn nữa.
Quay ra, em đã về lúc nào, sân trường cũng chẳng còn một ai. Tôi một mình trơ trọi lẽ loi nhìn quanh, thẩn thờ bước về hướng cổng trường.
Rồi chiều nào hè trở về đây.
Có những tháng bảy buồn hiu như vậy.
-------------------------------------------------------------------------------
Ảnh dưới là cái lô cốt mà ba tôi từng đứng đó, chờ đưa đón tôi thi vào đệ thất trường công lập Trần Quý Cáp Hội An.

Chủ Nhật, 28 tháng 6, 2020

NHÀ BA MÁ TÔI
Trong khai sinh, tôi sinh ra ở nhà 181 Cường Để, sau đó đổi thành 119. Hết chiến tranh là 35 Nguyễn Văn Trỗi, rồi đổi thành Trần Phú.

Căn bên trái ảnh, xa xưa má tôi bán thuốc xắt Cẩm Lệ. Thuốc ngon chia làm ba loại: CẨM LỆ, THANH QUÝT, CẨM SA.
Làng Cẩm Sa thuộc Điện Dương bây giờ, chuyên trồng thuốc lá, nhưng thuốc không ngon bằng các nơi khác. Sử chép rằng, nơi đây xảy ra trận đánh tay ba: TRỊNH, NGUYỄN và TÂY SƠN.

Má tôi cũng đặt nhiều thẩu bán bánh kẹo lẻ và thuốc điếu các loại bán sỉ. Tiệm má tôi ba đặt tên là TÍN THÀNH, của chú Năm là TÍN LỢI.

Căn bên phải và phần trong nhà là nơi ba tôi mở tiệm may. Ông may Âu-Việt-phục. Căn nhà này không thay đổi từ trước đến nay.

Tôi nhớ mãi cái bậu cửa cao nghều phía bên phải mà tôi và lủ bạn ngồi xoay vô nhà nghe ba tôi vừa may vừa kể chuyện xưa, nào là Tam Quốc Chí, Tiết Nhơn Quý Chinh đông, Chinh Tây, Tề Thiên Đại Thánh v.v…

Lớn lên, vào trung học, bọn tôi không nghe kể chuyện nữa mà… ngồi xoay ra ngắm... “người ta” đi học!!

Vậy đó, mới đó mà tôi sắp thành một ông già như ba tôi ngày xưa.
“Thoắt đi tóc đã phai màu
Như nghìn mây trắng vấn đầu vi lô.
Chiều tê sương sập nấm mồ,
Vùi chôn chú bé hồ đồ năm xưa” (CTT)

Thứ Bảy, 13 tháng 6, 2020

ĐƯỜNG PHAN BỘI CHÂU HỘI AN.
Những năm 1700, khu vực này là sông. Quá trình tân bồi diễn ra hai giai đoạn:
Một: từ những năm 1800 đến trước năm 1840, dòng Thu Bồn cạn dần về phía hạ lưu, phù sa bồi đắp thành một dãi đất từ chùa Cầu đến chùa Sư Nữ hiện nay. Năm 1841, một con đường mới được mở ra (và phát triển đến năm 1883 là hoàn tất với tên là Tân Lộ là đường Nguyễn Thái Học bây giờ).
Hai: từ 1850 đến trước năm 1886, sông Thu Bồn tiếp tục bị bồi lấp phía hạ lưu, nhiều trận lụt lớn đã kéo đất lấp dần sông và đắp thêm từ cuối đường Nguyễn Thái Học về đến cồn Chài, vết tích còn lại cho đến bây giờ là con lạch Lò Vôi phía sau chùa Sư Nữ. Cũng trên vùng đất tân bồi này, năm 1878 con đường Bạch Đằng được hình thành cho đến cuối năm 1886. Còn đất Sơn Phong tuy được mở rộng nhưng khu này còn lầy lội và chính phủ Pháp cũng như Nam triều không để ý đến. Lúc này, tại đây, sự tụ cư chỉ mang tính tự phát. Theo lời các vị cao niên kể lại, lúc này chưa có con đường mang tên Phan Bội Châu, đây chỉ là nổng cát lẫn sình. Ông đội Xình (Police), quản lý khu chợ Hội An cho đem rác đổ xuống nơi này.
Không biết của ai, ảnh này chụp đoạn cuối đường Phan Bội Châu nhìn xuống trại lính Tây Hồ năm 1967.
Đối diện, phía bên kia đường là nhà mật thám tây sau cùng trước khi Pháp rời khỏi Hội An năm 1954.

Chủ Nhật, 7 tháng 6, 2020

CHÙA ÔNG BỔN
Ảnh bên trên có lẽ là ảnh xưa nhất chụp chùa ÔNG BỔN Hội An mà người Pháp thời đó gọi theo người dân địa phương là chùa TRIỀU CHÂU. Ảnh chụp năm 1888:
Façade de la pagode des Trieu Chau à Fei-Foo,
Gustave Trumelet-Faber - Faifo 1888 - 12 x 16,5cm
Nếu để ý hàng chữ trên, sẽ thấy, có chữ thời đó, tác giả viết theo lối phiên âm như Fei-Foo, des Trieu Chau, “Moï“ (Mọi - hàng dưới)
Năm 1888, đại úy Trumelet-Faber (tác giả ảnh) được bổ nhiệm vào tiểu đoàn 4 lính khố đỏ Nam-kỳ tại Huế.
Năm 1890, trở thành chỉ huy trung đoàn 3 lính khố đỏ Bắc-kỳ, ông gặp Auguste Pavie và được giao một số nhiệm vụ trên các vùng cao, tiếp cận với đời sống hoang dã của người “Moï“.
Từ Đông Dương, ông trở về Pháp với nhiều hình ảnh chụp những năm 1888-1891, trong đó có thành phố Hội An. Đặc biệt là những hình ảnh với rất nhiều chi tiết về tập quán cũng như phong tục của người dân tộc thiểu số.

Thứ Bảy, 6 tháng 6, 2020

HỘI AN TIÊN TỪ.

Năm 1898 vào ngày 20 tháng 10 vua Thành Thái ra chỉ dụ thành lập thị xã Faifo làm tỉnh lỵ Quảng Nam.
Đến 30/8/1899 Toàn quyền Đông Dương, lúc ấy là Foures, ký nghị định chuẩn y đạo dụ trên gọi là VILLE DE FAIFOO và phạm vi hành chính gồm các xã Hội An, Cẩm Phô, Minh Hương, Sơn Phong.
Vậy thì... thành phố Hội An, về mặt chính danh quản lý hành chính, ra đời sau... xã Hội An.
Xã là đơn vị địa dư hành chính ra đời sau, trước gọi là... Làng. Và theo thứ tự trên (mà còn là thứ bậc) thì làng Hội An có trước làng Cẩm Phô, Minh Hương, Sơn Phong.
Tính đến trước năm 1850:
Xã Hội An: gồm các đường từ Phan Châu Trinh đến sân vận động Hội An và cả con đường Lê Lợi (có Hội An đình tức đình Ông Voi và Hội An Tiên Từ).
Đường Lê Lợi xa xưa là con đường huyết mạch của dân làng Hội An. Người làng Minh Hương đã mua đứt đất con đường Phan Châu Trinh của làng Hội An nhưng đường Lê Lợi thì không được bao giờ.
Để tìm hiểu thêm về làng Hội An xưa, tôi được biết trên đường Lê Lợi này còn ba vị cao niên là con cháu chính gốc kế thừa chư vị trong hội đồng hương lão làng Hội An xưa, nhưng, tiếp cận không thành công.
Uổng và tiếc. Chỉ cần chụp ảnh được một số giấy tờ hương hỏa đất làng là có cơ khám phá biết bao điều ẩn khuất từ lâu.
Trong Ảnh, từ nhà mình, ông Lệ Ảnh đưa ống kính sang HỘI AN TIÊN TỪ (Đình tiền hiền Hội An) trên đường Lê Lợi làng Hội An xưa.
Đình được lập vào năm Minh Mạng thứ 14, Quý Tỵ 1833. Có lẽ trước đó đình được làm bằng tranh.
Ảnh chụp năm 1950.

Thứ Sáu, 31 tháng 1, 2020

CHÙA HẢI NAM - (QUỲNH PHỦ HỘI QUÁN) HỘI AN.
Nơi đây, trường Diên Hồng đã từng mượn bang Hải Nam hai dãy nhà đông, tây để dạy học.
Nơi đây cũng là tiền thân trường trung học công lập TRẦN QUÝ CÁP, khai giảng từ nửa niên khóa sau 1952 - 1953. Năm 1953 chính thức khai giảng tại vị trí trường hiện nay, do thầy Tăng Dục làm hiệu trưởng đầu tiên.
Nơi đây thờ 108 Anh Linh được vua Tự Đức sắc phong CHIÊU ỨNG ANH LIỆT
Mùa hạ, năm Tự Đức thứ IV:
Ngày 16/7/1851 (18/6 năm Tân Hợi) chiếc tàu Bằng Đoàn của kinh phái đang đậu ở bến Thị Nại do Lang trung Tôn Thất Thiều và Chưởng vệ Phạm Xích chỉ huy đang đi tuần tra từ Thừa thiên vào Bình Định được tin báo có ba chiếc tàu khả nghi đang neo tại đảo Chiêm Dư (Thu Xà) Quảng Ngãi. Tàu Bằng Đoàn ra đến nơi quả thấy có ba chiếc tàu, chưa biết thực hư liền xả đại bác bắn ngay. Cả ba chiếc hoảng sợ chạy về hướng đông.
Hai hôm sau, tàu Bằng Đoàn phát hiện một chiếc tàu trúng đạn hư hỏng nặng không chạy được. Đó là tàu Mãnh Đầu. Thủy thủ tàu Bằng Đoàn ra lệnh cho số người trên tàu kia lên tàu quan để khám xét. Số người Trung Quốc kéo sang xuất trình thuyền bài và cho biết họ là các nhà buôn ở Thừa Thiên và Quảng Ngãi, nay trên đường về xứ đảo Hải Nam, chứ không phải giặc biển.
Qua khám xét, thấy chiếc tàu kia quả chỉ có hàng hóa quý giá và không có khí giới. Biết họ là người lương thiện buôn bán nhưng vì lòng tham, Tôn thất Thiều ra lệnh cho Hiệp quản Lương Cù trói tất cả số người trên tàu kia kể cả số người đã bước qua tàu Bằng Đoàn, tất cả đều bị thảm sát, tổng cộng 108 người. Bao nhiêu của cải trên tàu Mãnh Đầu đều bị chiếm đoạt, tàu của nạn nhân được quan quân sơn đen thành tàu giặc biển và được kéo về để nêu thành tích.
Ngày 27/6 năm ấy, các gian quan của tàu Bằng Đoàn dâng sớ lên vua miêu tả chiến công oanh liệt của mình. Nhưng trong đêm đó các oan hồn linh hiển về báo mộng cho vua biết là 108 huynh đệ trên tàu Mãnh Đoàn đã bị giết oan. Ứng mộng cho vua nhiều lần như vậy.
Vua Tự Đức vô cùng hoài nghi, Ngài bằng truyền lệnh cho mở cuộc điều tra. Quan thượng thư bộ binh qua chất vấn quân lính tàu Bằng Đoàn, mọi gian dối dần dần được sáng tỏ, cùng lúc viên đội trưởng Trần Văn Hựu cũng hối hận thảm cảnh xảy ra nên tự cung khai hết sự thật. Vụ án được trình lên, vua vô cùng phẩn nộ phê giao Tam Pháp Ty xét xử.
Thiều chủ mưu, bị đổi theo họ mẹ (Đặng), cùng Xích bị xử lăng trì, vợ con phải phát phối. Dương Cù đồng lõa, xử tội trảm quyết. Trần Hựu biết thú nhận khi chưa tra khảo nên được tha. Số còn lại phạt đánh trượng và đày đi xa, một số quan bị giáng chức. Tài sản của các thủ phạm đều bị tịch biên, hàng hóa bị chiếm đoạt cũng được đền hoàn cho quyến thuộc của người bị hại. Việc xử tội được một số Hoa kiều chứng kiến.
Sau đó vua Tự Đức đã cho đăng đàn tế lễ ban chiếu sắc phong 108 anh linh là:
- SẮC PHONG CHIÊU ỨNG ANH LIỆT
- TẤN PHONG DỰC BẢO TRUNG HƯNG
Sau này anh linh của 108 vị đã cứu vớt vô số tàu thuyền đi biển ngộ nạn. Từ đó Hoa kiều Hải Nam trên mọi miền đất nước lập đền, miếu tôn kính lấy danh hiệu HẢI NAM HỘI QUÁN CHIÊU ỨNG TỪ và chọn ngày rằm tháng sáu hàng năm để tế giổ.
Ở Đà Nẵng cũng có chùa tên CHIÊU ỨNG TỪ trong con hẻm trên đường Lý Thái Tổ gần đường Hùng Vương.