Thứ Ba, 28 tháng 9, 2021

 NGÃ BA CẨM HẢI

Từ khi xã Cẩm Hải thuộc thị xã Hội An (nguyên là đất xã Điện Dương bây giờ, được thành lập kéo dài ra đến biển, cùng một lần với Duy Vinh thành xã Xuyên Long, vào tháng 7/ 1956), thì tên gọi ngã ba này được ra đời như một ranh giới giữa Điện Bàn và Hội An.
Lúc lính Nam Triều Tiên (Đại Hàn Dân Quốc – phân biệt với Triều Tiên - Thời đó chưa có danh xưng Hàn Quốc) đóng đồn án ngữ trên đất này thì tên gọi “Ngã ba Cẩm Hải” lại biến thành “Ngã ba Đại Hàn”. Nhưng trước đó nó có tên ngã ba Thương Tín cho đến khi ngã ba này mở thành ngã tư với đường tráng nhựa, người Hội An gọi đây là ngã tư Thương Tín.
Trong chiến tranh, đường Cẩm Hải dành cho xe quân sự, lính Đại Hàn kiểm soát nơi này kéo dài xuống Trà Quế với nhiều lô cốt, trạm gát và giao thông hào chằng chịt.
Lính Đại Hàn cày xới san bằng rất nhiều mồ mã và rừng cây dương liễu tự nhiên để rộng tầm nhìn quan sát. Một người lính Việt từng đi kích chung với lính Đại Hàn kể rằng… chúng thường đi cho có lấy lệ nhưng hiển nhiên như có quy ước ngầm rằng không nên đụng đến nhau, sẽ dẫn đến sự tàn sát không gớm tay. Cho nên lính tiểu đoàn Thanh Long Đại Hàn trong cuộc chiến không hao hụt bao nhiêu.
Ảnh 1 là ngã ba Đại Hàn (anh Khương Mai cho).
-----
Anh Phan Tâm Khôi thêm: Thanh Tín chớ không phải thương tín .Thanh Tín là tên cũ của Điện Dương. Giống như Thanh Chiêm ,Thanh Xuân, Thanh Hà, Thanh Quít.




Thứ Hai, 27 tháng 9, 2021

 LIÊN GIA

Nếu nhớ không lầm, từ sau năm 1956 cho đến năm 1975 tỉnh Quảng Nam không có huyện mà chỉ có quận, dưới quận có xã, không có phường. Dưới xã là thôn, ấp tương đương khối phố bây giờ (trong nam có khóm) dưới nữa là “liên gia” như tổ dân phố hiện nay.
Thời đó mỗi nhà có một “Tờ khai gia đình” giống hộ khẩu nhưng thuần túy chỉ là tờ khai. Tờ khai gia đình theo được biết mỗi nhà lập ba bảng giống nhau. Chủ nhà giữ 1 bảng, Liên gia trưởng một và thôn, ấp một bảng.
Nhớ lại, lụt năm Thìn 1964 qua đi, bác Vui, liên gia trưởng bỏ Hội An về Huế, ba tôi, liên gia phó lên thay, mà điều này, nói thiệt, tôi “quên” khai vào lý lịch.
Đầu năm 1965 mỗi nhà còn phải chụp ảnh gia đình. Ảnh dưới là ảnh gia đình ba má tôi, lúc đó tôi đứng bìa phải, đang học lớp năm (lớp một bây giờ, còn mấy tháng nữa mới lên lớp tư mà đẹp chai ghê chưa?!!).
Trong ảnh thiếu 2 đứa, một đứa mới được mấy tháng tuổi, một đứa đang chờ thì tương lai.



 

TÒA HÀNH CHÍNH TỈNH QUẢNG NAM
Ngày 31-7-1962, Chính phủ Việt Nam Cộng Hòa ra sắc lệnh số 162-NV chia Quảng Nam thành 2 tỉnh: Quảng Nam và Quảng Tín (Thành phố Đà Nẵng tách riêng độc lập), mỗi tỉnh ứng với một tiểu khu quân sự.
Tỉnh Quảng Nam từ Quế Sơn ra đến đèo Hải Vân, tỉnh lỵ và tiểu khu quân sự đóng tại Hội An. - Tòa hành chính tỉnh đóng tại địa điểm Công ty cổ phần Du lịch- dịch vụ Hội An hiện nay, tiểu khu quân sự Quảng Nam đóng tại khu công viên Hội An hiện nay.
Tòa hành chính nhìn ra đường Trần Hưng Đạo và được bao bọc bởi đường Bùi Thụ, Thái Phiên và tiểu khu Quảng Nam mà tỉnh trưởng kiêm nhiệm tiểu khu trưởng. Lúc này không còn tỉnh trưởng dân sự nữa.
Trước đó cơ quan tỉnh đường đặt trụ sở tại đường Phan Bội Châu, gần trường nữ trung học đệ nhất cấp nhìn qua dãy Kiosque có hiệu buôn Lý Bích Thư.
Trang http://hoianheritage.net có ghi: "Ngày 20 tháng 7 năm 1955, hàng ngàn quần chúng nhân dân Hội An đã tiến về Tỉnh đường biểu tình đòi hiệp thương tổng tuyển cử thống nhất nước nhà."
Đây là thời quốc trưởng Bảo Đại với thể chế Quốc-Gia-Việt Nam, bản thân không biết tỉnh đường này đóng ở đâu!
Ảnh tỉnh đường này không biết chủ nhân và chụp khi nào.


Thứ Ba, 14 tháng 9, 2021

TRƯỜNG NỮ TIỂU HỌC HỘI AN THỜI ĐỆ NHẤT CỘNG HOÀ



Theo lời cô Võ Hoà:
Đây là trường “Nữ tiểu học“ đầu tiên của Hội An, những năm tháng đầu đời của tôi vừa tản cư ở vùng bị chiếm về. (Năm 1954) chính phủ mượn đỡ Đình Tiền Hiền Minh Hương xây thêm 2 lớp phía trước mà các bạn thấy, khi tôi học đó là lớp nhất (lớp năm bây giờ) do cô Lý phụ trách (bây giờ gọi là chủ nhiệm).
Trường nằm giữa chùa Ông & trường Diên Hồng. Trường gồm có 10 lớp chia làm 2 xuất.
Cô Tống Khuyến làm Hiệu trưởng kiêm luôn dạy lớp nhì (lớp bốn) cô Hồ Ngận dạy lớp ba, cô Tống Tự dạy lớp tư (lớp hai), Cô Thoại dạy lớp năm (lớp một).

Nhìn vào ảnh (trắng đen) ta thấy ngôi nhà ngói, theo lời kể của cô Võ Hoà, chị Ngô Thư, đây là phòng hiệu trưởng của trường. Cho đến khi tôi vào tiểu học trường Nam, thì ngôi nhà này vẫn còn, lúc này là trụ sở Ấp Minh Hương. Đối diện ngôi nhà này là đất Miếu Minh Văn (bị tháo để xây phòng học) mà bi ký trong đình tiền hiền Minh Hương còn ghi rõ:
Trích: Văn bia năm Bảo Đại thứ mười tám (1943)
Do ông Tăng Kim Luyện (1880-1945), còn gọi là ông cửu Mính, thầy dạy chữ nho, phẩm hàm: Phiếm Cửu phẩm bá hộ, phụng viết. Ông Phạm Thúc Hồng dịch nghĩa.
"Tụy Tiên Đư­ờng, trư­ớc đ­ược quy tụ về cuối phố. lại lần nữa chuyển miếu cũ Minh Văn đến khu đất phía tây. Lấy nguyên khu đất ấy kiến tạo hai bên trái, phải phòng làm việc của hội đồng biện sự."
Bây giờ mọi sự thay đổi hết rồi. Ngôi nhà ngói đã bị tháo dỡ nhường cho khoảng sân rộng lớn như trong ảnh màu.


Thứ Sáu, 10 tháng 9, 2021


CHÙA THANH MINH HỘI AN

Trước đây đã có bài về Nghĩa trũng Hoa kiều và đài liệt sĩ Hoa kiều kháng Nhật. Còn thiếu Đền Thanh Minh mà người Hội An quen gọi là… chùa Thanh Minh.

Trước tiền đường nơi này một bức hoành phi xưng danh rõ ràng: THANH MINH TỪ.
Đền được khởi xây năm nào không thấy chứng liệu mặc dù nơi này chứa nhiều văn bia nhất so với các đình chùa miếu tại Hội An. Tuy nhiên, trong một văn bia ở đây có viết lại sau khi trùng tu ghi (tạm cho là) năm 1898:
“Sơn tích giả Thanh quốc du nhân tằng, ư thử kiến lập từ vũ dĩ vi Thanh Minh tế tảo chi sở yên.”
(Mộ xưa của người nước Thanh đến đây nhiều lần, do vậy họ lập đền Thanh Minh để cúng tảo mộ.)

- Đợt trùng tu đầu tiên (tạm cho là) năm 1898 ghi:
“Long phi Mậu Tuất niên, bát nguyệt cát nhật”
(Ngày lành tháng 8 năm Mậu Tuất) (2 chữ Long Phi đã post bài riêng giải thích. Ở đây, nếu ghi niên hiệu vua thì xác định được năm dương lịch chính xác, ghi Long Phi thì chịu)

- Lần thứ hai 1911 ghi:
“Duy Tân ngũ niên, tuế tại Tân Hợi niên, thu nguyệt cát nhật”

- Lần thứ ba 1921, xà cò ghi:
“Trung Hoa Dân Quốc thập niên, tuế thứ Tân Dậu, mạnh xuân, Ngũ Bang Hoa thương toàn thể đồng trùng kiến lập.”
(Tháng giêng năm Tân Dậu, Trung Hoa Dân quốc thứ 10, toàn thể người buôn bán của ngũ bang cùng dựng).

Cũng năm này (1921), Hoa kiều Hội An cũng lập nghĩa trang liền kề phía tây, văn bia ghi:
“Trùng tu Thanh Minh Đình tịnh tăng lập nghĩa trủng bi ký”

Lần cuối trùng tu, 1990, duy trì cho đến hiện nay và có lẽ chẳng bao giờ còn thấy trùng tu lại vì Hoa kiều Hội An đã bỏ nơi này mà đi tứ xứ, càng ngày càng rời rạc, càng ngày càng lãng quên. Mượn câu ta thán trong văn bia đang hiện hữu trong đình chấm dứt bài này…

“Phàm trăm năm đều đổi thay nhưng tinh thần không thể không tụ lại!!”
(Phàm bách niên hoán tán chi, tinh thần vô bất tụy tụ)




Thứ Tư, 8 tháng 9, 2021

 MIẾU XƯA NGƯỜI HOA ĐẤT TRƯỜNG LỆ HỘI AN

Sáng nay có ý định viết về Đền Thanh Minh nhưng khi lục tìm ảnh để thuyết minh thì lại thòi ra cái này. Cái này không viết ngay là quên, như... đã từng quên.
Nghe đồn phía sau miếu Ông Cọp có 1 cái miếu của người Hoa lập sau đợt chạy loạn Tây Sơn tràn qua Hội An. Họ đã tránh ra ở đây, chỉ một nhúm người, rồi không quay về phố nữa. Họ đã lập ra cái miếu nhỏ này để ngưỡng vọng tâm linh. Nhưng đến nơi…
“Thì đà trâm gẫy bình rơi bao giờ”.
Chẳng còn chi hết!
Của người của ta của ai cũng vậy.
Đừng phá.
Bởi vì chính nó, biết đâu, sẽ kể cho ta nghe nhiều chuyện chưa biết không chừng!!