Thứ Năm, 31 tháng 10, 2019

DI CHÚC ÔNG TÔN VĂN VIẾT SAU CHÙA BÀ - TRƯỜNG LỄ NGHĨA

Tôn Trung Sơn là nhân vật có tầm vóc ảnh hưởng lớn, không chỉ đối với Trung Quốc mà còn đối với cả nhiều nước trong khu vực.
Tạ thế, ông có để lại, ngoài Chính-Trị-Di-Thư, còn có “Di huấn của Thủ tướng”, “Di thư gửi Chính phủ Liên Xô” (do Uông Triệu Minh viết thay) và “Gia sự di thư” (do Tôn Trung Sơn tự viết).
Chính Trị Di Thư được đắp nổi trên tường sau lưng điện thờ trong Trung Hoa Hội Quán (Chùa Bà, chùa Ngũ Bang, Trường Lễ Nghĩa). Người viết chữ để thợ đắp là ông bang Xú, tức La Doãn Trung, anh ruột ông La Doãn Chánh (Nhạc sĩ La Hối) và ông La Doãn Trang (Ông Năm Chón).
Cũng nghe kể trong di chúc này, trước đây có bốn chữ “Dĩ Nga Vi Sư” tức chọn Nga làm thầy, đã bị kiểm duyệt bỏ!
PHIÊN ÂM:
Tôn công Trung Sơn di chúc.
Dư chí lực quốc dân cách mạng, phàm tứ thập niên, kỳ mục đích tại cầu Trung Quốc chi tự do bình đẳng.
… … …
DỊCH NGHĨA:
Di chúc ông Tôn Trung Sơn.
Tôi hết sức phục vụ cách mạng Quốc dân trong 40 năm, nhằm mưu cầu Trung Quốc tự do bình đẳng.
Kinh nghiệm trong 40 năm, tôi nhận biết sâu sắc rằng muốn đạt mục đích ấy tất phải kêu gọi dân chúng toàn thể giới yêu chuộng hòa bình cùng dân tộc ta đấu tranh chung.
Hiện tại, cách mạng chưa thành công, đồng chí ta cần thực hiện theo soạn thảo của tôi về “KIẾN QUỐC PHƯƠNG LƯỢC”, “KIẾN QUỐC ĐẠI CƯƠNG”, “TAM DÂN CHỦ NGHĨA” và “TUYÊN NGÔN ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU TOÀN QUỐC LẦN THỨ NHẤT” mà tiếp tục nỗ lực quán triệt.
Chủ trương gần đây mở “Quốc dân hội nghị” và bãi bỏ các điều ước bất bình đẳng cần phải xúc tiến trong thời gian nhanh nhất.
Đó là ước nguyện gửi lại.
(Lạc khoản, cuối cùng, bên trái ghi)
Trung Hoa Dân Quốc, năm 16 (1927), kính viết chữ.

Chủ Nhật, 13 tháng 10, 2019


VĂN BIA
“DƯƠNG THƯƠNG HỘI QUÁN CÔNG NGHỊ ĐIỀU LỆ”

Năm Vĩnh Hựu (1735-1741) thứ bảy (1741) (Vĩnh Hựu là niên hiệu của vua Duy Thìn, Việt Nam, miếu hiệu là Lê Ý Tôn), thuyền trưởng và thuyền buôn các tỉnh Trung Hoa sang buôn bán ở Việt Nam cùng lập bản công nghị điều lệ gồm 10 điều khắc trên bia đá hiện lưu trong Trung Hoa Hội Quán (Chùa Bà, chùa Ngũ Bang Hội An). Đây là chứng tích lịch sử về Văn hóa giao thương của những người khách trú cách đây 300 năm.
Phiên âm nguyên văn:
“DƯƠNG THƯƠNG HỘI QUÁN CÔNG NGHỊ ĐIỀU LỆ
Thiên hội quán chi thiết nam lai giao hỹ. Tuy khóa hội đồng nghi sự chi sở thật vi đôn lễ, trọng nghĩa chi địa.
… … …”
Dịch nghĩa: (Phạm Thúc Hồng dịch)
HỘI QUÁN DƯƠNG THƯƠNG ĐIỀU LỆ CHUNG
Phương trời nam thiết lập hội quán đến giao dịch. Là nơi bàn việc chung nhằm đề cao Lễ, tôn trọng Nghĩa.
Dân ta giữ công bằng, rõ phải trái, dừng tranh chấp. Cho nên, không có việc nào sánh kịp.
Xuân, thu, ngày rằm, mồng một, phụng thờ Thiên Hậu Thánh Mẫu. Khi cầu đảo, lúc vui mừng đều xưng danh hiệu.
Người nước ngoài và người trong nhà chung kinh doanh không phân biệt, đồng long đồng sức giúp đỡ. Cho đến bệnh tật, hoạn nạn đều tương trợ. Thật là phước thiện không sao kể hết.
Công của hao phí nhiều. Trước đây, lễ lệ ba miếu có một lượng.
Nay bỏ lệ không nộp, do khách nghi ngờ thuyền trưởng chi tiêu riêng mà không nộp vào công quỹ. Thực ra thuyền trưởng chịu tiếng xấu vì chưa thu được thì làm sao nộp?
Thật là có danh mà không thực. Tương lai việc thờ cúng khó đầy đủ, huống hồ việc xây dựng mới nền nhà phía trước chưa hoàn thành.
Nay cùng bàn luận tiến hành tu chỉnh đầy đủ và truy nguồn gốc từ trước khi lập bia cho đến về sau thành quy lệ không thiên vị, thật sự vô tư, hết long hết sức tốt lành vậy!
Nay trình bày điều lệ công nghị bên trái như sau:
1/ NGHỊ:
Cúng miếu ghi 1 lượng ba ly vàng. Hội quán lập sổ bộ, gửi mỗi thuyền một bản, giao công ty theo đó mà kê khai. Mỗi ngày xuất tờ khai ở sổ bộ, phải giao lập tức cho người Lý sự biết để lưu, nhằm cất giữ. Số tiền ấy quy cho thuyền trưởng giao và nhận.
2/ NGHỊ:
Hội quán lập quỹ lớn. Mỗi người giao tiền ghi vào sổ quỹ. Nếu dùng thì mỗi người phải khai nhận trước mọi người. Không ai tự chiếm giữ. Vào một ngày quy định, các thuyền đều tập trung, thuyền trưởng họp kiểm tra sổ sách, mỗi năm một lần.
3/ NGHỊ:
Các bến cảng không phân biệt thuyền nhỏ và thuyền không chở hàng, mỗi thuyền phải nộp năm quan tiền.
4/ NGHỊ:
Khi không thuận nước, gặp nạn, khách trú tại hội quán, mỗi người được cấp tiền ăn 300 đồng, 3 tháng làm một kỳ. Khi gió mùa, thuyền buôn đến nhưng không có người thân thích để nhờ cậy, thì cho ở tạm, không cấp tiền ăn. Đến hạn mọi thuyền người Hoa khởi hành, không được ở nữa.
5/ NGHỊ:
Gặp gió, người không thân thích bị bệnh trong hội quán, mỗi tháng cấp tiền ăn 300 đồng, đến ngày thuyên giảm không được ở lâu. Hòa thượng và người giữ chùa phải hỏi người bệnh quê quán, tên họ, đi thuyền nào nhằm tránh giả dối.
Nếu chẳng may bệnh nhân chết, cấp 2 quan tiền để lo việc chôn cất. Chôn tại đâu thì báo người Lý sự ghi chép nhằm báo người thân của họ biết, để mồ mả người chết đều được cất bốc.
6/ NGHỊ:
Côn đồ không nghề tụ tập đánh bài, ăn nhậu, hút nha phiến, trộm cướp không cho cư trú trong hội quán. Nếu ương bướng, người Lý sự lập tức trình quan để truy cứu trục xuất.
7/ NGHỊ:
Khách đến cưới vợ, mang thai phải đăng ký tỉnh nào, quê quán ở đâu, làm giấy giao cho vợ cất giữ. Đến ngày sinh con trai, gái, thì người thân thích của vợ làm giấy báo hội quán rõ ràng.
Người Lý sự ghi vào sổ bộ ngày, tháng nào, tên người vợ, nơi cư trú rõ ràng, để không bị thất lạc về sau.
8/ NGHỊ:
Nếu hội quán có dư tiền, không được cho vay sinh lời, không cho tạm mượn nhằm đề phòng khi thình lình xảy ra tai nạn gió nước để kịp thời ứng phó, không chậm trễ.
9/ NGHỊ:
Hội quán mua sắm đồ dùng trong nhà và do khách tặng phải ghi vào sổ sách. Hoặc nhiều năm hư hại, người Lý sự xem xét sửa chữa. Hoặc cho mượn bị hư, phải chỉnh sửa. Hoặc thất lạc, Hòa thượng và người giữ chùa phải thêm vào cho đủ. Lý sự nên kiểm tra không báo trước. Hòa thượng và người giữ chùa không được từ chối việc quản thủ đồ vật.
10/ NGHỊ:
Lý sự hội quán không gian dối, không từ chối việc được giao, cũng không thông đồng đưa người vào xã Minh Hương, phải công bằng làm việc. Hoặc đi nơi khác hoặc về nước Trung Hoa, Lý sự họp bàn, cử một người Trung Hoa mới thành thật để điều hành công việc, không tự ý tiến cử. Nhất thiết không để hoang phế sự nghiệp tiền nhân.
Các khoản mục trên đây. Thật là cẩn thận vậy!!
Vĩnh Hựu, thứ bảy, năm Tân Dậu (1741), tháng ba, ngày tốt.
Thuyền trưởng và thương buôn các tỉnh cùng lập.

Thứ Tư, 4 tháng 9, 2019

TRIỀU CHÂU phần 2

Người Triều Châu ở Hội An trong sinh hoạt có những đặc điểm rất khác, rất riêng tư so với 4 bang còn lại: 

1/ DU HỒ.
Du hồ là đội nhạc công có nhạc cụ gồm: 10 phèng la, to, nhỏ, mỏng, dày khác nhau; 10 xập xả; 4 kèn chia thành 2 hàng dọc, đi đầu là 1 trống chầu biểu diễn theo nhiều nhạc điệu khác nhau trong các ngày lễ, vía, tết…

2/ BÁT BỬU
Là 8 cái bát chứa các hình tượng (3D) như nhà, bò, trâu, dê… làm bằng các loại đậu (ngũ cốc) chưng cúng vào dịp rằm tháng giêng.

3/ CÚNG VẬT PHẨM SỐNG
Ngoài các con heo quay, gà luộc, bánh bao, chè, xôi do các hiệu buôn tiến cúng, người Tiều cúng các vật phẩm sống như sau:
1 con heo sống, 1 con dê sống, vài con ngỗng sống và vài con gà sống không nhổ trụi hết lông, còn chừa 1 ít trên đầu, trên cánh, trên đuôi.

4/ KHÔNG ĂN TIỆC
Người Tiều không tổ chức ăn tiệc mà gom lại chia đều cho bang dân và bang khách. Cứ 2 người thì khiêng 1 cái xững chứa thức ăn đồ cúng đi đến từng nhà theo từng con đường, giàu nghèo được chia như nhau, cúng ít nhiều hoặc không dự cúng cũng được chia như nhau. Riêng đầu heo quay (Thủ) thì kỉnh cho bang trưởng và 4 chi thì kỉnh cho 4 vị góp công lớn trong việc cúng tế. Ông thủ từ đương nhiên có 1 chi.
Ảnh photo Vĩnh Tân.

Thứ Tư, 3 tháng 7, 2019

CHÙA VIÊN GIÁC HỘI AN.

Xã Cẩm Phô ngày trước có 3 ấp và 3 thôn. Ba ấp là: Tu Lễ, Xuân Lâm, Xuân Mỹ nằm bên này sông Thu Bồn, gọi là Cẩm Phô Phường và 3 thôn là: Xuyên Trung, Châu Trung (Xuyên Trung, Châu Trung sau gộp chung), Hà Trung và Thanh Nam (Nam Ngạn) nằm bên kia sông, gọi là Cẩm Phô Xã, đến năm 1956 có tên mới là Cẩm Nam.
Đất Cẩm Nam được hình thành từ những năm cận kề 1700. Địa đầu phía tây đất này có tên là Xuyên Trung, ngày trước gọi là cồn chùa vì nơi đây từng có một ngôi chùa Phật của làng Cẩm Phô với tên là Cẩm Lý Tự.
(Di chỉ quả chuông xưa của chùa được khắc với lạc khoảng như sau: “Gia Long thập tam niên, tuế thứ Giáp Tuất mạnh hạ nguyệt kiết nhật kỉnh lập” và “Linh Miễu tộc Đông phái đồng tạo chung phụng cúng Cẩm Lý tự”).
Người dân Cẩm Nam thường gọi chùa Cẩm Lý là chùa Xuyên Trung hay Xuyên Trung Tự.
Cồn đất này bị xâm thực dần, từ những năm 1800 đến thời vua Thiệu Trị. Và vì thế, dân làng Cẩm Phô đã di dời ảnh, tượng, bài vị, văn chỉ, tự khí của chùa đến một ngôi chùa khác cũng của làng Cẩm Phô, kề ranh giới làng Thanh Hà.
Ngôi chùa này vì là chùa của làng nên không có chư tăng. Tuy nhiên về sau lại được một số người mộ Phật lập nên một phổ gọi là Phổ Địa Tạng, một hội gồm những người sống gần chùa (sau này mở rộng cho mọi người ở Hội An) có nhiệm vụ chăm lo hương khói cửa Phật. Đứng đầu phổ này là ông Trần Đắc Tài, ông vừa giỏi chữ Nho được thăng hàm Bát phẩm, vừa giỏi chữ Pháp làm đến chức Đội.
Còn người trông coi chùa là ông Phạm Kim Cái, tục gọi là ông thầy Mười (ông là thầy dạy chữ Nho). Người con út của ông là hòa thượng Thích Như Huệ, nguyên trụ trì chùa Giáo Hội (Pháp Bảo).
Nhưng theo gia phả của hai tộc Lý ở Hội An (triều Châu và Phước Kiến)…
“Tại Thanh Hà, thời đó đã có một ngôi miếu lớn do các vị tiền bối qua trước tạo lập từ năm 1626 (nhằm vào năm Bính Dần, đời HY TÔNG HIẾU VĂN HOÀNG ĐẾ - Chúa Nguyễn Phúc Nguyên, tức triều Minh vua Thiên Khải thứ 6) xây dựng giữa ranh giới hai xã Cẩm Phô và Thanh Hà nên đặt tên là Cẩm Hà Cung.”
Chùa Phật này có khả năng là nền của Cẩm Hà Cung xưa, bởi vì sát đất chùa là đất của Hậu Xá xứ, thôn cuối cùng phía đông-bắc của xã Thanh Hà. Hơn nữa, cách đây gần một trăm năm danh xưng “Chùa Khách” còn truyền lại đến sau này mặc dù lúc đó xã Cẩm Phô đã di dời XUYÊN TRUNG TỰ từ Cẩm Nam về đây.
Mặc khác, theo tìm hiểu và khảo sát của các nhà khảo cổ trên các phiến đá tại chùa, có đường nét hoa văn họa tiết thời Lê, thì có thể khẳng định rằng: miếu, sau này là chùa được thành lập vào thời Trịnh Nguyễn phân tranh.
Xuyên Trung cổ tự được dời về địa điểm này vào năm Thiệu Trị nguyên niên (1841). Bia công đức còn lưu giữ đến ngày nay ghi:
“Tuế thứ Nhâm Dần mạnh đông nguyệt thượng hoán cốc nhựt chú”
(Ngày lúa thượng tuần tháng chín năm Nhâm Dần 1842 khắc)
Và xà cò chùa còn ghi rõ:
“Thiệu trị nguyên niên, tuế thứ Tân Sửu trọng hạ nguyệt kiết nhật Cẩm Phô xã viên chức bổn xã tịnh Đông Tây nhị phái đồng trùng tạo”. Nghĩa là vào ngày tốt tháng 6 năm Thiệu Trị thứ nhất, Tân Sửu (1841) viên chức xã Cẩm Phô cùng với hai phái Đông Tây cùng trùng tu tái tạo.
Chùa sau này đổi tên là VIÊN GIÁC TỰ và về sau, chùa được hương lý cùng dân làng Cẩm Phô trùng tu hai lần, lần thứ nhất vào năm Thành Thái nguyên niên, Kỷ Sửu (1889); lần thứ hai vào năm Bảo Đại thứ 11, Bính Tý (1936) nhưng cũng chỉ có chánh điện và cổng tam quan.
Sự sinh hoạt của chùa lúc bấy giờ cũng chỉ mở cửa theo lệ Tam Ngươn Tứ Quý, còn lại thì đóng cửa quanh năm. Đến năm Bính Tuất (1946), thân hào xã Cẩm Phô mới sắm lễ ra tổ đình Chúc Thánh thưa đức Tăng cang Thích Thiện Quả cho thỉnh một thầy về làm giám tự. Ban đầu là thầy Như Đương (tức thầy Mười), kế đến là thầy Như Hảo (tức thầy Chất) được cử về trông coi chùa Viên Giác. Nhưng do tuổi già sức yếu lại không có phương tiện cũng như còn lệ thuộc vào làng nên hai thầy không thể tham gia vào phong trào chấn hưng Phật giáo. Chính vì thế mà những hoạt động của chùa qua nhiều năm dường như không phát triển. Sau khi nhiều lần hội họp, bàn bạc thảo luận nghiên cứu, thân hào đi đến kết luận: sở dĩ ngôi chùa không phát triển được là do không nằm trong hệ thống Giáo Hội Phật Giáo. Do đó, thân hào và nhân dân của xã đồng tâm cúng chùa Viên Giác cho Giáo Hội Tăng Già Quảng Nam Đà Nẵng. Vào tháng 6 năm Kỷ Sửu (1949), Giáo Hội làm lễ tiếp nhận và đề cử Đại Đức Thích Long Trí về làm Tự trưởng và chính thức trụ trì vào năm 1951.
Từ khi chính thức trụ trì, Đại đức Thích Long Trí từng bước xây dựng lại ngôi chùa đang đi vào tình trạng xuống cấp. Đầu tiên, Đại Đức thống nhất khu vực đất của chùa. Bởi chùa lúc trước bị bỏ hoang nên những nhà lân cận đã chiếm dụng để canh tác trồng trọt. Hơn nữa, lại có một con đường băng ngang cắt rời chánh điện và cổng tam quan nên Đại đức đã từng bước vận động bà con trả đất lại cho chùa và rào lại khuôn viên bổn tự như ngày hôm nay. Thứ đến, Đại Đức bắt đầu tu bổ chánh điện cũng như bố trí lại sự thờ tự cho đúng nghĩa một ngôi chùa Phật giáo (Vì trước đây là chùa làng nên việc thờ tự có phần lẫn lộn giữa Nho-Lão-Thích). Mãi đến năm Nhâm Dần (1950) thì các công việc trên mới được hoàn thành.
Và từ đó, nơi đây đã trở thành trụ sở của Gia đình Phật tử Quảng Nam và cũng thăng trầm theo lịch sử dân tộc. Đặc biệt trong các lần pháp nạn 1963, 1966, chùa là trung tâm đấu tranh bảo vệ tự do tín ngưỡng cũng như độc lập chủ quyền đất nước. Các vị Thánh tử đạo: Lê Đình Linh, Nguyễn Cúc, Nguyễn Dần, Văn Bá Hoành, Phạm Hữu Diện, Phạm Hữu Nghiệp v.v...đã nằm xuống để đạo pháp được trường tồn. Không những thế, đây cũng chính là trung tâm từ thiện cho phong trào Mặt trận cứu đói Miền Trung khi chiến tranh Việt-Mỹ cao độ vào năm 1972. Ngoài ra, Ngài đã xây dựng một hệ thống các chùa sinh hoạt gắn bó với chùa Viên Giác qua những Phật sự tại các huyện thị. Từ chùa Viên Giác, Cố Hòa thượng đã đào tạo được một số vị đệ tử hữu danh như: Cố Hòa thượng Thích Tâm Thanh, khai sơn Vĩnh Minh Tự Viện, Lâm Đồng; Hòa thượng Thích Như Điển, khai sơn chùa Viên Giác tại Đức v.v...
Năm 1980, Thượng tọa Thích Như Huệ sang Úc hoằng pháp nên Thượng tọa Thích Long Trí về trụ trì tại Pháp Bảo để tiện việc điều hành Giáo hội. Do đó, mọi sinh hoạt của chùa Viên Giác gần như gián đoạn. Đến năm 1990, Hòa thượng Thích Long Trí về lại Viên Giác trùng tu bổn tự và lễ khánh thành được tổ chức vào rằm tháng 8 cùng năm. Từ đây, Hòa thượng trực tiếp điều hành Phật sự tại Viên Giác cho đến ngày viên tịch 13 tháng 9 năm Mậu Dần (1998). Qua đó cho thấy, gần 50 năm gắn bó với chùa Viên Giác, cố Hòa thượng Thích Long Trí đã đưa chùa Viên Giác vào trong lòng Phật giáo Quảng Nam. Ngài đã biến một ngôi chùa làng thành một ngôi Phạm vũ có tầm vóc và vị thế đặc biệt quan trọng trong lịch sử Phật giáo đất Quảng.
Cũng nên kể thêm:
Năm Quý Tỵ (1953), nhận thấy con em chung quanh chùa không có điều kiện để theo học tại các trường công, Đại đức trụ trì xây dựng trường tiểu học Khai Trí ở phía Đông chùa để tạo điều kiện cho con em được học hành.
Năm Nhâm Tý (1972), san lấp hai ao nước trước chùa với mục đích xây dựng trường Bồ đề nhưng chưa thực hiện thì hòa bình lập lại, rồi sau đó, khoảng năm 1978, nơi này lại biến thành cái chợ... trước chùa còn mãi đến bây giờ.
Mỗi ngôi chùa ra đời trong một hoàn cảnh và tùy theo bối cảnh thực tiễn mà đóng góp vào công cuộc xây dựng xã hội ngày một hoàn thiện hơn. Chùa Viên Giác cũng thế, trải qua suốt chiều dài gần 200 năm có mặt và trên 50 năm sinh hoạt trong ngôi nhà Phật giáo đã đóng góp đáng kể cho sự phát triển và sự trường tồn của Đạo pháp và Dân tộc.
Các đời Trụ Trì:
STT Đạo hiệu Năm sinh và tịch Năm trụ trì
1 Hương hào xã Cẩm Phô 1841 - 1949
2 Chơn Ngọc Đạo Bảo Long Trí 1928 - 1998 1949 - 1998
3 Như Điển Giải Minh Trí Tâm 1949 1998 - 2003
4 Như Tịnh Giải Nghiêm Viên Bổn 1976 2003 đến nay
Hơn 100 năm, kể từ khi thiên di tái thiết (1841 - 1949), chùa Viên Giác không có Tăng trụ trì. Tất cả đều do hương chức của làng Cẩm Phô quản lý. Nếu có thì cũng chỉ hương khói kinh kệ chứ thực chất không có thẩm quyền để điều hành Phật sự. Từ tháng 6 năm Kỷ Sửu (1949), Hòa thượng Thích Long Trí là vị trụ trì đầu tiên chính thức tại Viên Giác nên cũng được coi như Sơ tổ của chùa vậy. Bởi vì từ Hòa thượng, chùa Viên Giác mới có sự truyền thừa phát triển khắp các nơi trong nước cũng như hải ngoại.
Đồng hành cùng với lịch sử dân tộc, trong các lần pháp nạn, Viên Giác là “cái nôi” của các cuộc đấu tranh đòi tự do tín ngưỡng Tôn giáo và độc lập chủ quyền đất nước. Và cũng là nơi an ủi vỗ về nhân dân trong thời quê hương ly loạn. Vì thế, tìm về lịch sử, niên đại thành lập…cùng những bước thăng trầm mà bậc tiền bối đã qua để truy niệm công đức đạo tâm của tiền nhân, ngõ hầu hậu lai học hỏi tiếp nối.
(Bài viết dựa trên tư liệu cá nhân và trích đoạn tư liệu của thầy Đại Đức Thích Như Tịnh. Ảnh chụp Tam Quan chùa Viên Giác khoảng thập niên 40 thế kỷ trước, không rõ tác giả).