Thứ Bảy, 2 tháng 10, 2021

 TRÍ THỨC VÀ SỰ THẬT:

(Một câu chuyện của thời đại khoa học về giác ngộ theo Phật học
Lương Cần Liêm
TsBs Tâm thần học, Tiến sỹ tâm lý học, Giảng viên đại học Paris 5.)

Từ khi tôi biết năm và nơi sinh và tử của Gautama Siddharta (563-483 trước công nguyên), từ khi tôi biết con người ông không phải là thần thánh, và ông có một cuộc sống không lấy làm bí ẩn (ví dụ có vợ và con bình thường như bao người khác) và ông không có làm ra phép mầu thì tôi nhận ra ông là "con người" như tôi nhưng khác và hơn tôi nhờ những bài thuyết pháp mà các đệ tử của ông ghi lại. Sự phát triển của các tủ sách Phật học đó đến ngày hôm nay là bằng chứng sống động của các giá trị đạo đức và tính khái quát của nội dung. Tôi nhận ông là bậc thầy và như nhiều người trên thế giới, tôi thuộc hàng học trò.
Người phật tử tự nguyện sống ba quy là quy y Phật, quy y pháp và quy y tăng. Đó là "Tam bảo" như ba hòn ngọc luôn luôn sáng.

Ta hiểu thế nào là một người thầy? Người thầy là người được nhận vai trò của một nhà giáo dục với hai cấp độ tri thức. Người thầy chỉ bảo các điều phổ quát và nói: đây là sự thật cần nghiên cứu. Và ông cũng là thầy dạy cho từng người một, những phương pháp suy nghỉ và nghiên cứu riêng để định đoạt cuộc sống của mình. Ngài Gautama Siddharta không phải nhà tôn giáo; Ngài dạy "xét nghiệm" đời và đạo, tức là đâu là thực tế phức tạp hàng ngày và đâu là lý tưởng tinh khiết như nước trong. Đường dây nối liền thực tế và lý tưởng là đạo đức.

Ta định nghĩa thế nào là người trí thức? Ngày trước, người ta hiểu đó là một người có học và có suy nghĩ rộng, và "thông minh" hơn những người khác không có bằng cấp. Thời nay là thời thông tin đại chúng, là thời cách mạng truyền thông 4.0 với tinh thần khoa học, thì khác. Năng lực trí tuệ của con người biết nhìn rồi biết nghĩ ra những câu hỏi, những cách đặt vấn đề. Từ đó, họ khoanh đề và khoanh vùng để những câu hỏi đó thành những vấn để thật có giải đáp không bừa bãi, không tùy hứng mà theo lô-gích và kỷ luật của phương pháp. Bài Phật học dạy: sống là trí tuệ trong sáng không chút bí ẩn. Người có tánh tò mò là một dạn người cởi mở, có lương tâm của con đường tâm trí để ra khỏi sự dốt nát của mình. Dốt không có nghĩa là ngu. Người nói là người có ý kiến. Ai có tâm là có trí, đã là người khai trí nhưng sống với cái khiêm tốn của người hiền, không cần "bằng cấp" xã hội ban cho.

Thêm quan điểm kinh tế sản xuất thì người trí thức là "người lao động trí óc". Mục đích lao động của họ là tìm ra sự thật và phương pháp của họ là đi tìm cái đúng. Đấy là trí khoa học. Cái đúng là một loại "hàng hóa tinh thần phi vật thể". Người có trí khoa học biết phê bình sản phẩm do con người tạo ra vì sản phẩm nào của trí tuệ đều "vô thường": cái đúng của ngày hôm nay thay thế hay hoàn thiện cái đúng của ngày hôm trước. Đó là sự tiến bộ của đầu óc khoa học và văn minh không liên hệ gì với vị trí của một con người cụ thể, hẳn có thể là người hèn hay người phản. Ý niệm "vô ngã" có nghĩa là không có cái gì vĩnh viễn, tồn tại nếu không cải tiến, không đổi mới cái "ngã" hiện hữu. Đó cũng là quy luật của biện chứng trước yếu tố thời gian và lịch sử của con người.

Hiện tượng học là nhìn một sự việc từ nhiều khía cạnh khác nhau. Nhiều sự thật và nhiều nhận thức chụm về cái đúng sẽ là nhóm hạt nhân hiển nhiên thúc đẩy tư duy và tâm trí của hành vi con người tiến đến hành động. Ý nghĩa của "quy y tăng" là hành động gia nhập có ý thức một nhóm đồng cảm với mình – thường gọi là đạo hữu – có yêu cầu sống chung với nhau. Gia nhập một cộng đồng là đồng hành một thời hay cả một đời, một kiếp. Hai người đã là một cộng đồng rồi.

Tới 27 tuổi, thái tử Siddharta Gautama đã hưởng một giáo dục "chính trị" để sau này nối ngôi cai trị đất nước nhưng khi Ngài thành đức Phật vào năm 528 trước công nguyên thì Ngài đã có nhiều năm xuất gia – xuất dinh – và đã hiểu thêm về đời sống thật của người dân. Ngài không là một trí nhân lợi dụng vị trí mới để lãnh đạo tinh thần con người. Ý niệm "mỗi ngày là giác ngộ" vừa là cá thể, vừa là tập thể để học sống chung trên cơ sở đạo đức. Khi hôm nay tôi giác ngộ, thức tĩnh mình là người vức rác ra ngoài phố thì ngày mai, tôi sẽ tìm cách sống trong sạch, là người vức rác xấu ra khỏi đầu mình.

Như thế, người Phật tử là người trí thức họp với vị trí xã hội của mình, có một cuộc sống tâm linh lành mạnh sau khi biết luật "Nhân quả" tức là cái gì có trước thì sẽ có sau, tôi làm gì thì sẽ có hậu quả cho mai kia. Nhân quả là tinh thần trách nhiệm. Tôi làm dơ môi trường thì khi mưa nước dâng lên là trách nhiệm của tôi nhét rác vào hàm cống. Khi người ích kỉ vì ích lợi riêng thì lý tưởng đạo đức sống của họ sẽ giả dối với chính họ trước khi đi chùa để đốt nhang. "Giác ngộ mỗi ngày" là như một vị Bồ tác "vô danh" viết trên giấy trắng mực đen cho thế hệ sau một cuộc sống gương mẫu, không an phận và đã thoát khỏi luật "luân hồi" cứ có thì muốn được thêm, khó thấy cái gì là đủ, lẫn lộn yêu cầu với nhu cầu.

Hiểu được "tánh đạo đức" là vượt được những hẹp hòi vì quá ham lợi nhuận, lấy cái tốt "giết" cái xấu (trừng trị) mà không đạt đến một tầm mức rộng rải và tổng quát hơn là chỉ bồi dưỡng lương tâm con người. Quy luật "nhân quả" là tích lũy vốn ban đầu: nếu ngày hôm nay tốt thì tôi sẽ làm cho ngày mai tốt đẹp hơn chứ không có nghĩa quá khứ là món nợ phải trả hết nổi khổ của giá thành. Nếu tôi muốn hôm nay được tốt thì hôm qua tôi đã nghĩ đến việc đó rồi. Tôi không lộn phê bình với chỉ trích, lẫn lộn cái khó với cái khổ. Nếu mỗi ngày tôi thấy cái khổ thì ngày mai, tôi sẽ cố gắng hơn để giải thoát chuyện cũ: "sự nghiệp" là luôn xây dựng cuộc sống. Có lời nói từ bi giải hòa hơn là giải diệt cái khổ bằng sự trừng trị và tạo cho người sống cái mặc cảm tâm lý tội lỗi ở đâu chẳng có.

Sự thật có tính cách trường cửu nhờ đạo đức tồn tại trong loài người. Sự thật thành chuẩn của luật đạo đức sinh ra những lý tưởng sống chung như một ngọn đèn có người cầm trong đêm tối soi sáng và đẩy lùi sự dốt nát nhờ tính cách phổ quát và khách quan của tính đạo đức. Từ đó, làm khổ là làm hại: đấy là khẩu hiệu của luật đạo đức. Cũng vì thế mà thế giới nhân loại ngày càng đông người hiểu Phật học.

Sự thật chính xác cần hai sự kiểm chứng có quan hệ biện chứng với nhau: "sự-thật" là đem ra đối chiếu với cái " thực-tại " (cũng gọi là cái "thật-sự" có) rồi đối chiếu với cái đúng đắn của một tình cảnh. Từ đó mà khai triển nội dung của tam bảo theo Lục Tổ Huệ Năng (638-713) là:
1)Quy y Phật thêm nghĩa là "Học hỏi" quá trình sống của Gautama Siddharta;
2)Quy y pháp có thêm nghĩa là "Hiểu biết" các bài giảng do Phật và Thầy để lại;
3)Quy y tăng có ý nghĩa "Chia sẻ" với cộng đồng những gì mình học hỏi và hiểu biết. Cũng vì vậy mà có nơi "sợ" người tri thức. Mổi người Phật tử đều có "tâm phật" là mở trí thức, có tánh tò mò và ham học. Mổi lần tâm trí có thay đổi trong đầu là mổi lần con người thành người mới và mổi lần sống một nghiệp mới như sự "đầu thai". Phật nói: muôn kiếp trong một đời. Phật học rất lạc quan.

Rõ ràng sự khôn ngoan và sáng suốt là để đánh lùi "Tam độc: tham, sân, si". Lòng tham lam là do sự ham muốn không ngừng lẫn quẫn trong trí, và độc là do sự dốt nát và ngu si mà đưa đến bạo lực, hung dữ để cho được việc mình, tự bào chữa lòng tham. Người giàu muốn giàu thêm nhưng người nghèo không bao giờ muốn nghèo hơn. Như thế, "Tam bảo" là cơ sở quan hệ trao đổi, thảo luận, bàn cãi và chia sẻ nội dung. "Vô thường" là trao đổi để thay đổi. Ai nhận mình có lý thì sẽ thật tình chấp nhận người khác cũng có cái lý của họ mà không phải là người chống đối mình. Triết lý con người là không ai thua trận trước sự thật: cái tôi "vô ngã" vượt qua lòng tự ái, cục bộ của cái Ta. Tức là chuổi "học hỏi, hiểu biết và chia sẻ" là tấm "giấy chứng nhận" của tâm lý khoa học: việc học và hiểu sẽ cho phép tôi chia sẻ với người khác và cả hai sẽ đồng ý với nhau trên cơ sở đạo đức đó. Sự thật càng ngày càng tiến, càng sáng, càng rộng thì càng phức tạp; càng có người đồng hành thì càng gần sự thật.

Sự thật của thế giới hậu hiện đại ngày nay – thế hệ internet và data 4.0 – là để trả lời câu hỏi: như thể nào tôi có thể khẳng định sự thật của sự thật là sự thật? Ví dụ, một tin với một nội dung giả mạo vẫn là một tin thật có đó nhưng xây dựng trên một cái ảo. Đây nói lên các loại sự thật hoàn toàn cao rộng hơn những sự thật lấy gốc rễ từ một ý đồ, hay từ một chủ trương, hay từ một lịch sử. Một hiện tượng có thật trên một sự giả mạo không giải đáp tất cả vấn đề về khách quan hay là chủ quan mà thêm vấn đề suy luận là có hay không có. Câu trả lời duy nhất của con người là đâu là đạo đức của một người lương thiện. Nhà Phật nhận xét "sự thật tùy cơ" [tiếng phạn: samvrtisatya] cần một yếu tố đạo đức mới vượt lên ngôi của một "sự thật triệt để" [p: paramarthasatya] của loài người. Nếu tôi không ý thức là tôi dốt thì tôi sẽ có cảm giác là tôi biết mọi sự việc, cái gì cũng trả lời được, cũng theo một luật mà tôi tưởng là đúng. Do đó, người cần học "thiền" và biết "buông thả" để chuyển mình. Đặc điểm của cách mạng 4.0 là không căn cứ trên đạo đức như các cách mạng khoa học của thế kỷ 19 và 20 vừa qua. "Trí tuệ nhân tạo – A.I." với thuật toán chỉ cần có kết quả của sản phẩm. Nó cần đối chiếu với giá trị đạo đức của con người và với trách nhiệm của tập thể đối với xã hội. Nếu bỏ qua khía cạnh nầy thì nó sẽ đưa con người đến một mê tín mới trên sản phẩm "quản lý" con người như quản lý con số máy.

Thực hành cách sống "tam bảo" là một hành vi khoa học: học, hiểu, chia sẻ. Người giác ngộ giúp người đang thức trí để học trao đổi và học bàn luận không bị trấn áp bởi kiến thức hay vì quyền lực. Sau khi cùng học hỏi với nhau, cùng hiểu biết chuyện với nhau và cùng chia sẻ những cái gì sai và những cái gì đúng thì con người nắm vững cách tôn trọng lẩn nhau, và nắm rõ những gì thật sự đáng có (hay đã có/ hay không có) như một ánh sáng. Đạo đức là giáo dục không phải chỉ để loại trừ. Kết quả là đạt những sự thật thiêng liêng, phổ quát ở vị trí của một lý tưởng sống xây dựng đời và tập họp những cái sự đúng chung của nhân loại. Cái chung chính yếu của nhân loại là đạo đức tôn trọng và đạo đức bảo vệ lẩn nhau, và cuộc đấu tranh cho sự thật không có nghĩa là đấu tranh để người chống người.



Vài quyển tham khảo của tác giả:
1.- Conscience éthique et Esprit démocrate. Paris, 2009 (Ý thức đạo đức và tinh thần dân chủ).
2.- Eléments de psychologie de la vie du Bouddha. Paris, 2014. (Vài điểm tâm lý của đời đức Phật).
3.- La citoyenneté et la construction du vivre ensemble. Psychologie politique du raisonnable et du convenable. Paris, 2015. (Tính công dân và xây dựng cách sống chung. Tâm lý chính trị về lẽ phải và tư cách đàng hoàng).
4.- Anthropologie bouddhique. Apprendre, comprendre, partager. Paris, 2018. (Nhân chủng học Phật học. Học hỏi, Hiểu biết, Chia sẻ).
Paris, 28/02/2019.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét