Thứ Bảy, 22 tháng 10, 2011

MIẾU HỘI ĐƯỜNG

MIẾU HỘI ĐƯỜNG

 

Cổ trấn Hội An xa xưa được giới hạn theo quy ước không thành văn:

Tây: chùa Cầu

Đông: chùa Ông Bổn (thờ vị Bổn Đầu Công của người Triều Châu)

Nam: Giáp sông Thu Bồn

Bắc: có Vạn Thọ Đình

Nhưng đình Vạn Thọ cũng như chùa Quảng An và cả những ngôi giáo đường Thiên Chúa Giáo đầu tiên cho đến bây giờ vẫn chưa tìm được tài liệu xác định vị trí ban đầu.

Riêng miếu Hội Đường tuy không còn một vết tích gì nữa nhưng vẫn còn đây vị trí sơ nguyên. Điểm dễ nhận biết nhất là khách sạn Hoàng Trinh, là một phần đất của miếu. Miếu xoay nhìn về hướng nam, nghĩa là nhìn thẳng qua sân Khổng miếu sau này. Miếu có 3 cổng: Cổng chính nhìn thẳng qua Khổng miếu, cổng tả nhìn ra đường Trần Hưng Đạo, còn lại cổng hữu, không có cổng hậu. Trong khuôn viên miếu thời đó chỉ tồn tại một ngôi nhà duy nhất: Nhà của ông Huỳnh Đắc Hương. Ông Huỳnh Đắc Hương năm nay ngoài 100 tuổi, hiện còn sống ở Đà Nẵng.

 

Sinh thời, theo lời kể của ông Nguyễn Thiện Thắng, con ông xã Ba, cháu ông Bốn Lục, rằng thuở nhỏ vì nhà gần miếu, ông từng thấy ở đây một mộc bản ghi lại lịch sử dựng xây miếu. Miếu khởi công từ đời vua Tự Đức và hoàn thành thời vua Dục Đức.

Miếu Hội Đường chưa biết lập năm nào nhưng biết chắc miếu bị phá hủy vào cuối năm 1946 để tiêu thổ kháng chiến chống thực dân Pháp trở lại.

 

Theo lời các cụ già sống trên đất Cẩm Phô này từng nghe cha - ông kể lại, miếu ngày trước chủ yếu thờ thần làng, sau năm 1918 phối thờ thêm những chiến sĩ trận vong người Việt, bị Pháp bắt sung quân, tử trận trong đại chiến thế giới lần thứ nhất.

 

Cho nên, hằng năm đến kỳ tế thu, bô lão trong làng chuẩn bị chu đáo để đón quan tuần phủ, quan tri huyện, ngài chánh tổng cùng "ông sứ" đến dự. Ngày chánh lễ trong nội viên miếu, sau khi dàn kèn ta hết ò í e là đến đội kèn đồng của Tây cũng tham gia lễ truy điệu. Bên ngoài đối diện miếu (Khổng Tử miếu bây giờ) là ruộng sâu rau muống. Gặp mùa mưa nước dâng cao tràn mênh mông người ta tổ chức đua ghe lãnh thưởng.

 

Cuộc sống cứ tạm gọi là yên bình cho đến ngày Nhật đầu hàng Đông Minh. Một buổi sáng cuối tháng 8 năm 1945, dân làng bỗng thấy những người lính của tướng Lư Hán thuộc đoàn quân Trung Hoa Dân Quốc của Tưởng Giới Thạch đã ở đầy kín trong miếu Hội Đường.

Họ chờ giải giáp khí giới quân phát xít Nhật.

 

Qua năm sau, hết còn lễ lệ. Chiến tranh lại bùng phát dữ dội. Dân làng gồng gánh tản cư vào chợ Bà, chợ Được Thăng Bình lánh nạn, miếu Hội Đường phải tự đập phá tan hoang.

 

Tất cả đã lùi vào dĩ vãng, có chăng chỉ còn trong ký ức của những người già mỗi khi mơ mòng chắp nối khúc phim đời đã đứt.

 

Tôi từng có 1 tấm ảnh của Miếu Hội Đường nhưng đã lạc chưa tìm được. Hy vọng anh Lê Viết Hoàng ra tay cho mọi người được cùng nhìn ngắm hình ảnh quê xưa.

(Trong ảnh mới): Sau lưng tường rào, ngôi nhà cao tầng là điểm mốc để xác định vị trí miếu Hội Đường.



Thứ Ba, 4 tháng 10, 2011

MIẾU ÔNG ĐỊA

Người Hội An đa phần thờ ông Địa tại gia. 
Có nhà thờ ngài chung với Thần Tài ngay trên nền giữa nhà trong một cái khóm có dáng một cái bàn; người khác, thường là không buôn bán (và cả không mánh mung) lại phối thờ ngài chung nơi trang thờ Táo Quân gồm 3 vị: Thổ Công, Thổ Địa, Thổ Kỳ.

Đó là cách thờ của hầu hết người trong phố.
Ra khỏi phố xá, vùng ngoại ô, điển hình là dân Trường Lệ, người ta nhiều đời quanh năm sống bám vào đất. Người ở đây thường nghèo khó, và những ai may mắn thoát nghèo hay học hành có chút danh phận thì vội vàng lìa xứ cho mau. Nên ở đây, đất với người như thịt liền da. 
Đất nuôi người, người phụng thờ đất.

Tại Trường Lệ, còn miếu thờ Ông Địa duy nhất ở Hội An.
Hoành phi ghi: THỔ CÔNG MIẾU
Trong miếu vẫn còn bia đá ghi hành trạng và công đức của những người lập miếu nhưng mờ quá không nhìn thấy hết chữ. Xin hẹn dịp khác.


Nhìn lên mái, miếu làng ta cũng có xà cò, nhưng xà cò không là một thanh đòn mà là một nẹp gỗ treo hờ hững dưới đòn dông. Hình như xa xưa làng ta nghèo quá!

Xà cò miếu ghi:
凱 定 壬 戌 年 閏 五 月吉 日山 鋪 社 本 社 本 邑 本 浦 仝 重 建
Khải Định Nhâm Tuất niên, nhuận ngũ nguyệt, cát nhật, Sơn Phô xã, bổn xã, bổn ấp, bổn phổ đồng trọng kiến.
(Khải Định năm Nhâm Tuất 1922, ngày lành tháng năm nhuận, xã Sơn Phô, xã ta, thôn ta, xóm ta cùng kính cẩn dựng nên)

Đất Trường Lệ khởi thủy thuộc cựu xã Hội An, sau đó tách về xã Sơn Phô. Đến năm 1956 là đất của xã Cẩm Châu.

Nền bái đường vào dịp gặt vụ hè - thu trở thành nơi phơi lúa tránh mưa. 
Những lúc như thế này Thần và người gần gũi nhau hơn.
Đôi liễn thờ ghi:
CẨM TRƯỜNG nhất môn thanh thái bằng thần hựu.
CHÂU LỆ tứ tự an khang lại thánh phò

Những ngày cận tết, được coi biên bản ghi danh dân xóm cúng tiền sắm lễ dâng Thần đầu năm, có người đã cúng 7000 đồng trong khi ổ bánh mì có kẹp chút thịt làm duyên cùng giá 5000 với tờ vé số. 
Thôi thì sức chừng nào cúng chừng ấy.
Tiền chừng đó chỉ là tiền lẻ
Nhưng... lòng đâu có lẽ phải không chư huynh.















Thứ Ba, 20 tháng 9, 2011

MỘ BÀ THỨ PHI TRIỀU TÂY SƠN

Theo thuyết minh và hướng dẫn của một cụ già, tui đã tìm được mộ của bà thứ phi trong khu vực mộ của các vị tướng Tây Sơn tại thôn năm Cẩm Thanh Hội An.


Theo Gia Phả Trần Công - Hội An - Phái I, Chi I:
  "Vào thời Trịnh Nguyễn phân tranh khoảng cuối thế kỷ XVI đầu thế kỷ XVII. Ngài Trần Công Phạp đưa thân sinh là thuỷ tổ Trẩn Công Mộ cùng ba người con trai từ xã Tân thuận, huyện Tân An, phủ Tân Hoá, thành Thăng Long nam tiến và dừng lại tại vùng đất biển Hội An khai canh, định cư lập nghiệp.
  Từ đó gia tộc Trần Công, Trần Văn hình thành và phát triển trên đất cổ Hội An cho đến ngày nay.
 Được biết Tôn Tổ chúng tôi đã có công với dân với nước, tiêu biểu trong sự nghiệp thống nhất đất nước của vua Quang Trung nhà Nguyễn Tây Sơn 17..  1802."
... ... ...
  
Mộ bà thứ Phi xứ Trà Quân, làng Thanh Đông

"Tương truyền Bà Tổ Cô Trần Thị Quý Phi, vào thời Gia Long phục Quốc 1802, Bà trở về đất Quảng nơi sinh quán giả dạng thường dân cùng hai tuỳ nữ đưa đò tại Bến Kim Bồng Xã Cẩm Kim, Hội An (địa danh: bến đò Ba Nữ) bị bọn Nguyễn Ánh truy lùng bắt được bà rồi xử trảm tại bãi cát Thi Lai, Thôn Duy Thành. Chúng mang thủ cấp bà nạp cho vua và beo tại xã An Hoà, Huế. Hiện nay có lăng thờ Bà vì sự mến mộ công đức. Bàn thờ giữa chính điện trên khám có hàng chữ Trần Thị Quý Phi Nương Nương Thần Vị. Còn phần thi thể (phần mình) của Bà thì bị thả theo dòng nước sông Thu Bồn, gặp thuỷ triều đưa thi hài Bà trôi dạt đến gần hai ngôi mộ ngài nội Tổ nên được người trong thân tộc và dân làng bí mật an táng nơi đây. Hiện nay cổ mộ Bà nằm trong quần thể Di Tích Văn Hoá tại thôn 5, Cẩm Thanh."

Bia mộ bà thứ phi ghi:
NAM CỐ
ĐÔNG CHÂU TIỀN TRIỀU 
HOÀNG HẬU THỨ PHI TỰ QUỴ TRẦN TỔ CÔ MỘ
Mậu Tuất hạ, nguyệt nhật kiết
Trần Công tộc nội tôn bái lập

ĐẤT THANH NAM XƯA
Mộ bà tổ cô họ Trần tên Qụy, người làng Đông Châu,
Thứ phi Hoàng hậu triều trước. 
Ngày tháng tốt, mùa hạ năm Mậu Tuất.
 
Bà là em gái của Võ Vệ Nguyên Hoà Hầu Trần Công Giai Tướng Quân, bà nguyên tên Trần Thị Qụy, là vợ vua Quang Trung. 

Lịch sử sẽ còn nhắc chuyện giết đàn bà sau buổi chiến chinh như trường hợp Nữ tướng Tây Sơn - Bùi Thị Xuân đã bị xử lăng trì khi trận binh đao đã hoàn toàn chấm dứt.






Thứ Sáu, 16 tháng 9, 2011

ĐÌNH SƠN PHÔ

Đình Sơn Phô nằm trên đường Cửa Đại cận Thành đội Hội An (Trung tâm hành chính quận Hiếu Nhơn trước 1975).

Đình Sơn Phô
Theo địa bạ triều Nguyễn (lập từ năm 1805 đến 1836)  thì tỉnh Quảng Nam (lập năm 1812) có 2 phủ, 5 huyện, 29 tổng và 15 thuộc. 
Tổng Phú Chiêm Hạ nằm trong huyện Diên Khánh (đến năm 1922 đổi thành Diên Phước) thuộc phủ Điện Bàn, có 19 làng (16 xã, 2 thôn, 1 tộc) gồm:
- An Mỹ xã, Cẩm Phô phụ lũy xã, Đông An xã, Gia Lộc - Hà Lộc nhị xã, Hà Bảng xã, Hà My xã, Hoa Phô xã, Hòa An xã, Hội An phụ lũy xã, Lai Nghi xã, Minh Hương biệt nạp xã, Phong Hộ xã, Quán Khái xã, Tân An xã, Thanh Hà xã, Viêm Minh Xã, Cổ Trai xã (mất địa bạ và đã nhập vào xã Minh Hương).
- Trà Khê thôn, Trà Lộ thôn.
- Hải Châu Lâm An tộc.

XÃ HOA PHÔ SAU NÀY ĐỔI THÀNH XÃ SƠN PHÔ. 

Theo địa bạ, Hoa Phô xã: 

- Đông giáp xã Viêm Minh, xã An Mỹ, xã Thanh Châu, xã Đế Võng
(Thanh Châu chính là Cẩm Thanh bây giờ, còn gọi là Thanh Đông cũ, cộng với Thanh Nam tức Cồn Chài và Thanh Tây hiện nay. Lạ kỳ là xã Thanh Châu và xã Đế Võng nằm trong VÕNG NHI THUỘC lúc đó lại thuộc huyện Hòa Vang.)
- Tây giáp xã Cẩm Phô, xã Hội An, xã Phong Hộ.
- Nam giáp xã Cẩm Phô.
- Bắc giáp xã Diêm Hộ.
Hoa Phô xã có diện tích là 302 mẫu + 6 sào + 1 thước + 4 tấc + 5 phân = 1481.048 m2 
(Mẫu triều Nguyễn rộng 4894, 4016 mét vuông. Một mẫu có 10 sào còn gọi là cao (rộng 489,44016 mét vuông); một sào có 15 thước còn gọi là xích (rộng 32,639344 mét vuông); một thước có 10 tấc còn gọi là thốn; một tấc có 10 phân.) 
Vậy làng (xã) Sơn Phô xưa kia rất rộng, sau này bị cắt bớt chia cho các xã khác. Sơn Phô bây giờ chỉ còn là địa danh của một khối phố tương đương với thôn (ấp).

Còn địa danh Sơn Phô có từ bao giờ?
Theo trên thì từ trước năm 1836 chưa có... Sơn Phô.
Nhưng theo một sắc phong của triều Thiệu Trị hiện đang lưu giữ trong đình...

Sắc phong thần năm 1843
Sắc Hồng Huệ Phổ Tuế linh cảm Thiên Y A Na Diễn Ngọc Phi thượng đẳng thần hộ quốc tỳ dân nẫm trứ linh ứng tức mông ban tặng. Sắc chuẩn hứa phụng sự Minh Mạng nhị thập nhất niên trực ngã Thánh Tổ Nhân Hoàng Đế ngũ tuần đại khánh tiết khâm phụng.
Bảo chiếu đàm ân lễ long đăng phù tứ lệnh phi ứng cảnh mệnh miến niệm thần hưu khả gia Hồng Huệ Phổ Tuế Linh Cảm Diệu Thông thượng đẳng thần nhưng chuẩn. Hứa Diên Phước tổng Sơn Phô xã y cựu phụng sự thần kỳ tương hựu bảo ngã lê dân. Khâm tai!
Thiệu Trị tam niên tứ nguyệt thập nhị nhựt.

Như vậy khả năng địa danh Sơn Phô có từ khoảng năm 1836 đến 1840, là những năm vua Minh Mệnh trị vì và cũng để kỵ húy Tá Thiên Nhân Hoàng Hậu Hồ Thị Hoa là mẹ vua Thiệu Trị.

Riêng đình Sơn Phô (Hoa Phô) khởi dựng năm nào thì chưa rõ vì trong sắc phong năm 1843 có ghi: "y cựu phụng sự".


Sắc phong thần năm 1880

Sắc chỉ Quảng Nam tỉnh Diên phước tổng Sơn Phô xã tùng tiền phụng sự. 
Hàm hoành quang đại chí đức Phổ Bác Hiển Hóa Trang Ngưng Đại Càn Quốc Gia Nam Hải thượng đẳng thần, hoành đức Phổ Tế Linh Cảm Diệu Thông Mặc Tương Trang Ngưng Thiên Y A Na Diễn Ngọc Phi thượng đẳng thần, chiếu hiển Hoành Ứng Hòa Nghĩa Lợi Vật Linh Toại Kim Đức Phu Nhân trung đẳng thần, Thanh Tú Mẫn Trực Vinh Hoành Quảng Âm Linh Toại Mộc Đức Phu Nhân trung đẳng thần, Dương Trạch Hoành Linh Kim Bác Nhuận Linh Toại Thủy Đức Phu Nhân trung đẳng thần, Ôn Hậu Quang Ứng Chiếu Cảm Lệ Minh Linh Toại Hỏa Đức Phu Nhân trung đẳng thần, Hoành đại Hậu Khánh Trùng Hậu Hàm Dục Linh Toại Phổ Đức Phu Nhân trung đẳng thần. Tức kinh ban cấp sắc phong chuẩn kỳ phụng sự.
Tự Đức tam thập nhứt niên chánh trực trẫm ngũ tuần đại khánh tiết kinh ban bảo chiếu. Đàm ân lễ long đăng phu đặc chuẩn hứa y cựu phụng sự.
Dụng chí quốc khánh nhi thân tự điển.
Khâm tai!
Tự Đức tam thập tam niên nhất nguyệt nhị thập tứ nhật.

Bi ký công đức đình Sơn Phô lập năm 1890.
(Bản dập của Viện Nghiên Cứu Hán Nôm - Viện Viễn Đông Bác Cổ - Viện Cao Học Thực Hành trong chương trình hợp tác Việt Pháp.)
"Quảng Nam tỉnh, Điện Bàn phủ, Diên Phước huyện, Phú Chiêm Hạ tổng, Sơn Phô xã, bổn xã cấu tạo đình vũ chí lạc thành chuẩn tiền cộng ngũ thiên quan...
Thành Thái nhị niên Mạnh đông cát đán"
(... Xã ta dựng đình, nhà đến thành tựu chi tiền hết năm ngàn quan...
Năm Thành Thái thứ hai, ngày tốt đầu tháng mười.)

SƠN PHÔ ĐÌNH
Mậu Thân niên trọng thu
Bổn xã đồng tạo
Hoành phi dưới: THIÊN TRUNG BỬU ĐIỆN

 QUANG Ư TIỀN
DỤ Ư HẬU
Trước sáng soi - Sau giàu đủ!




Chủ Nhật, 4 tháng 9, 2011

MIẾU THẦN NÔNG

Ngày trước cư dân Hội An hầu hết sống nghề thuần nông, cộng với tín ngưỡng đa thần nên phong tục thờ Thần Nông đã phổ biến từ lâu. Vài chục năm trước ở Cẩm Hà, Cẩm Thanh, Cẩm Châu cũng còn miếu thờ, có nơi gọi là thờ thần Đồng (ruộng), riêng trong lòng phố hiện nay vẫn còn tồn tại một ngôi miếu thờ Thần Nông của cựu xã Cẩm Phô nguyên nằm trên cánh đồng của xã và cho đến năm 1995 đã bị san lấp dành chỗ cho khu thị dân dọc theo đường Nhị Trưng.

Phía sau bình phong là ngôi miếu một gian. 
Địa chỉ: 76 Trần Hưng Đạo (Phan Đình Phùng cũ)

Miếu nằm lọt thỏm giữa những ngôi nhà cao to san sát, không một bảng biểu định danh cho nên dù là cư dân chánh quán chứ đừng nói là du khách thập phương cũng khó nhận biết đây là miếu thờ Thần Nông.
Thời tui còn nhỏ đến đây chỉ thấy độc một bình nhang trơ trọi, gần đây lại thấy có một chữ Thần thờ chính giữa và mới nhất, sau khi miếu được sửa sang lại thì có sự đổi khác:

THÁNH THẦN
Đọc là Thánh Thần vì căn cứ theo ba chữ phía trên bên phải 
: DƯƠNG TẠI THƯỢNG
(Bây giờ lộn xộn lắm, lúc thì viết bên trái qua, lúc thì ghi bên phải lại)
Nhưng chưa hết! Trước đây cặp liễn chạm hai bên miếu ghi:

神 首 開 基 分五 穀
農 先 定 種 合 四 時

Thần thủ khai cơ phân ngũ cốc
Nông tiên định chủng hợp tứ thời
(Thần thánh đầu tiên, mở nền chia ngũ cốc
Nghề nông trước hết, chọn giống hợp bốn mùa)
Phạm Thúc Hồng Việt dịch

Nhưng sau khi trùng tu thì có sự thay đổi (xem ảnh dưới)
Hai chữ khai cơ (開 基) bị thay bằng hai chữ sơ khai ( )!

Cặp liễn hai bên miếu Thần Nông Cẩm Phô

Điều bâng khuâng ở đây là có nên (và dám) sửa chữ người xưa?!
Chưa nói đến chuyện sửa lại làm câu liễn đối không chuẩn.
KHAI CƠ đối với ĐỊNH CHỦNG: "Khai" và "Định" là hai động từ!

Cằn nhằn chút xíu thôi, sự... đã rồi!! (Les jeux sont fait - J.P. Sartre).
Miếu Thần Nông chừ đã thành miếu thần... thánh.

"Một miền oai linh hiển hách
Chỉ còn dư vang thần thánh 
Để lại cho em hèn kém của anh!"




Thứ Sáu, 19 tháng 8, 2011

NAM TÔN PHẬT ĐƯỜNG

“Khi Ngài Hoằng Nhẫn truyền thừa tổ bàn Như Lai cho Lục Tổ Huệ Năng, Phật giáo chia làm hai phái: Một của đức Thần Tú khai mở giáo môn THẬT TU TIỆM NGỘ về phương bắc nước Trung Hoa, các tỉnh như Sơn Đông, Sơn Tây, Hà Bắc qua Cao Ly và Nhật Bổn thuộc hệ phái BẮC TÔN. Còn ngài Huệ Năng thì khai mở Phật giáo ĐỐN NGỘ DIỆU TU về phương nam của nước Trung Hoa như các tỉnh Hồ Nam, Quảng Đông, Giang Tây, Quảng Tây, Vân Nam thuộc hệ thống NAM TÔN được triển khai.
Ngày nay thường nói NAM ĐỐN – BẮC TIỆM để diễn tả cho tư tưởng khác biệt này”
Trích “Lịch sử Phật đường” Nam Hòa Phật Đường ấn tống năm 2008.
Hệ phái Nam Tôn pháp môn Thuyền Quán còn được gọi là Minh Sư Đạo, phát xuất từ Trung Quốc được truyền vào Việt Nam khoảng đời vua Tự Đức bởi ngài Đông Sơ Tổ Sư cùng ngài Trương Đạo Tân trưởng lão và Phật đường đầu tiên được lập tại Cầu kho (Chợ Lớn) với tên Chiếu Minh Phật Đường. Năm 1863 tại Hà Tiên có thêm Quảng Tế Phật Đường.
Trước năm 1975, Minh Sư Đạo có 3 tông phái là Đức Tế, Phổ Tế và Hoằng Tế nhưng hiện nay đã hợp nhất thành một giáo hội với danh xưng: Giáo hội Phật Đường Nam Tông Minh Sư Đạo.
Nam Tôn Phật Đường Hội An thuộc giáo hội này.

 Chùa Nam Tôn nằm trên hương lộ nối liền đường Nguyễn Duy Hiệu nối dài và đường Cửa Đại xuống biển Hội An. Ông Thân Xương Triết, tục gọi Cữu Cang, là người hiến cúng xây dựng cổng chùa.
 Khi Pháp môn Nam Tôn đang thịnh hành tại Bình Định và Sài Gòn Gia Định thì ở Sơn Phô Hội An cũng có nhiều người vô nam thọ giới tu hành rồi trở về quê tổ chức tu học tại gia. Họ cùng nhau về nhà ông Trần Xương Khế, ông Lưu Chí Thiện (tục gọi là thầy Thủ Nhã) để cúng Phật, tụng kinh giảng pháp. Thời gian sau đạo hữu càng đông, ông Lưu Chí Thiện đã tự nguyện phụng cúng một phần đất nhà mình để xây ngôi Tam Bảo. Năm 1936, chùa cơ bản đã hoàn thành.

Xà cò ghi:" Hoàng Nam Bảo Đại thập nhất niên tuế thứ Bính Tý tứ nguyệt nhị thập lục nhựt dần bài Nam Tông Phật Đường thiện tín đẵng đồng cấu tạo
Hoàng triều Đại Nam năm Bính Tý Bảo Đại thứ mười một (1936) ngày hai mươi sáu tháng tư thiện nam tín nữ cùng góp công kính thiết Nam Tông phật Đường
Về sau có các ông Trần Xương Siêu, Nguyễn Xương Lương, Trần Văn Định (Quảng Đợt), Trần Xương Căn (Hương Thìn), Văn Xương Mãn (thầy Cho)... cùng nhau xây dựng hoàn chỉnh ngôi chùa.

 Chùa nguyên thỉ nhìn về hướng đông-nam, sau này xây dựng quy mô chỉnh hướng về đông. Ba bức hoành đắp nổi ghi:
THUẦN CHÂN VÔ NGÃ
NAM TÔNG PHẬT ĐƯỜNG
TỪ BI HỶ XẢ

 Diêu Trì Bảo Điện

Càn Khôn Tĩnh Lý

Hóa Dục Huyền Trung

Chánh điện
 Vị trụ trì chùa nói: "Đến đời tổ thứ tám ngài La Công Húy biết đạo đã suy đã cho tất cả đệ tử từ đây hòa quang hổn tục, mặc thường phục và đội mão. Cho nên chúng tôi bây giờ đều y đen, để tóc, đầu đội mão theo lời di chúc của tổ vậy.





Thứ Tư, 10 tháng 8, 2011

ĐẠO ĐỨC PHẬT GIÁO
Bài của Hòa Thượng Thích Mãn Giác viết tháng 02/1975 trong "Đạo đức học Đông ph­ương", được nhà xuất bản Sài Gòn xuất bản năm 2008.
 

Đạo đức Phật giáo là điều rất khó trình bày mạch lạc. Nói đến đạo đức trư­ớc tiên là nói đến thiện, ác. Như­ng muốn xác định thiện là gì, ác là gì thì lại phải dựa vào một tiêu chuẩn hay khuôn thư­ớc nào đó. Phật giáo lại như­ không chấp nhận có một tiêu chuẩn hay khuôn th­ước   nh­ư vậy khi quả quyết một đàng mọi sự đều vô th­ường và  chuyển biến, và đàng khác tất cả đều chỉ là phư­ơng tiện. 
Pháp chỉ là phư­ơng tiện. ph­ương tiện giải thoát cá nhân bởi chính cá nhân, và giải thoát cá nhân rốt cuộc là một sự tự hủy cá nhân, theo nghĩa tự rút khỏi vòng luân hồi sinh tử. Không có mệnh lệnh, không có trừng phạt, không có phần thư­ởng. 
Đời này đã không hứa hẹn, chết đi lại cũng không hứa hẹn gì.
Việc trình bày đạo đức Phật giáo cũng vấp phải một trở ngại khác đó là sự giao thoa của hai quan niệm xem ra có vẻ mâu thuẫn: vì không có tiêu chuẩn tuyệt đối ngoại tại cho nên cũng không có trách nhiệm hay cư­ỡng bách ngoại tại vì tất cả đều chỉ là phư­ơng tiện với tôi, cho tôi . Mặt khác, tôi lại cũng không thể chối bỏ trách nhiệm bởi vì đã sống là hành động, và hành động lại đư­ơng nhiên có nhân quả với tôi cũng như­ với kẻ khác.
Hành động vô trách nhiệm nh­ưng hậu quả hành động lại tạo ra trách nhiệm với chính tôi cũng như­ với kẻ khác. Vừa có trách nhiệm, vừa vô trách nhiệm, đó là hai cực đoan mà ngư­ời ta có thể nhảy qua, nhảy về  một cách dễ dàng, và vì quá dễ dàng cho nên cũng khó mà có thể giải thích một cách minh bạch.
Cái khó khăn thứ ba là cảm nghĩ thông th­ường cho rằng Đạo Phật là một đạo yếm thế, tị thế. Ngư­ời Phật tử có vẻ nh­ư là một kẻ bị bệnh loạn sắc, không còn thấy màu xanh của hy vọng, màu hồng của hứa hẹn, màu đỏ của đam mê, mà chỉ thấy màu nhạt nhòa của sắc không, và màu đen của khổ. Một nền đạo đức như­ vậy thì không còn gì là hấp dẫn nữa đối với thế thư­ờng thực tiễn. Nói cách khác, con ngư­ời thế th­ường không sẵn sàng để nghe nói đến đạo đức Phật giáo, mà đạo đức Phật giáo cũng không phải là điều có thể rao giảng đầy đủ để mọi ngư­ời có thể chấp nhận một lần xong xuôi theo kiểu 2+2 = 4.
Phật giáo xét cho cùng, đối tư­ợng tín lý ngoại tại, và do đó cũng không có chính tín lý.
Giải thoát không những không đòi hỏi mà còn cấm người ta tiên quyết chấp nhận một đức tin nào đó. Phật là Phật đã thành, ngư­ời là Phật sẽ thành. Giáo pháp chỉ là chiếc bè để sang sông chứ không phải là Tin Lành của đấng Vô Th­ượng, do đó cũng chính là một hình thức nhập thế và nhập thể của đấng Vô Thư­ợng. Với Phật giáo, tuyệt đối chấp nhận sự đồng nhất linh ngôn với linh nhân nh­ư vậy thì cũng chẳng khác gì có ng­ười chỉ cho ta xem mặt trăng mà ta thì cứ nhìn ngón tay chỉ mặt trăng mà thôi vậy. Sống đạo đức tiên quyết là phải tự thực hiện đạo đức, hay "tự thành minh và tự minh thành" nói theo ngôn ngữ Nho giáo nghĩa là phải tự thắp đuốc lấy mà đi.
Tóm lại, đặc điểm mà cũng là khó khăn khi phải trình bày đạo đức Phật giáo là :
- Không có một tiêu chuẩn ngoại tại khách quan về Thiện Ác.
- Giới hạn mơ hồ giữa cư­ỡng bách và vô trách nhiệm, hay đúng hơn tính cách mơ hồ giữa thư­ởng và phạt, nên và không nên.
- Sắc thái tị thế, vô bổ, không hấp dẫn của đạo đức Phật giáo.
- Tính cách tự lực đầy gian nguy và bất trắc của hành động đạo đức.
Đó là chư­a kể đến một khó khăn khác là kinh điển của Phật giáo lại quá nhiều. Phật giáo không vạch cho ng­ười ta một con đư­ờng nh­ư các bảng chỉ dẫn l­ưu  thông ngoài phố. Phật giáo chỉ đ­ưa ng­ười ta vào một khu rừng, hay đúng hơn, cho ng­ười ta thấy khu rừng mà ng­ười ta đang đứng trong đó và chỉ nói: hãy tự thoát khỏi khu rừng ấy. Mỗi ngư­ời tự tìm lấy ph­ương tiện để khai lối cho chính mình tùy vị trí, khả năng và trở ngại của riêng mình. Đạo đức Phật giáo và kinh điển, do đó là một thực tại đa dạng mà mỗi ngư­ời chỉ có thể thấy một viễn  tượng nào đó mà thôi.
Thế như­ng, các trở ngại vừa kể lại cũng có một ý nghĩa khác đó là đã nói lên đư­ợc những lập trư­ờng đạo đức có thể xern là căn bản của Phật giáo. Những lập trư­ờng đó là :
- Đời là khổ,
- Con ngư­ời có thể thoát khổ,
- Con ngư­ời phải thoát khổ.
Điều thứ nhất liên hệ đến quan niệm về bản chất của cuộc đời hay vũ trụ quan; điều thứ hai, bản chất của hiện hữu hay nhân sinh quan và điều thứ ba, những nguyên tắc của hành động đạo đức. Nói cách khác, điều thứ nhất liên hệ đến đối tư­ợng của hành động đạo đức. Điều thứ hai, đặc điểm của hành động đạo đức, và điều thứ ba, phư­ơng thức thực hiện đạo đức.
I.VÔ MINH VÀ KHỔ
Khổ là đệ nhất chân lý của đạo Phật. Chân lý này đã đ­ược tổng quát hóa đến triệt để quan niệm bình dân: Đời là bể khổ.
Quan niệm bình dân này một đàng có thể trở thành một kích lực cho con ng­ười nghĩ đến đạo đức và sống đạo đức, nhưng đàng khác cũng có thể gây ra mấy ngộ nhận về chính bản chất của đạo Phật. 
Ngộ nhận thứ nhất có thể tóm l­ược như sau: bảo rằng đời này khổ thì phải chăng đã có một đời tr­ước s­ướng và sẽ có một đời sau sướng? Và như­ vậy thì sư­ớng, khổ là gì ? Ai cũng thấy rõ là câu hỏi đó sẽ tất nhiên đư­a đến những ý niệm hay đúng hơn những tin tư­ởng về Thiên đàng, Địa ngục. 
Ngộ nhận thứ hai, nếu có sư­ớng đời trư­ớc và sư­ớng hoặc khổ đời sau thì điều gì nối kết quá khứ và tư­ơng lai ? Cái gì đã đến với "tôi" từ quá khứ trư­ớc khi tôi sinh ra, cái gì sẽ theo tôi vào tư­ơng lai sau khi tôi chết ? Ai cũng thấy rõ câu hỏi đó sẽ tất nhiên đ­ưa đến ý niệm, hay đúng hơn tư­ởng, về Linh hồn - Và cả hai ngộ nhận ấy tất nhiên sẽ đư­a đến một ý niệm hay tin tư­ởng bao trùm tất cả: Đấng  Vô Thư­ợng hay Thư­ợng đế, kẻ sáng tạo ra linh hồn, Thiên đàng và hỏa ngục, kẻ  giữ chìa khoá Thiên đàng và hỏa ngục, kẻ đã đư­a ra những tiêu chuẩn tuyệt đối về đạo đức và là phán quan tối thư­ợng về hành động đạo đức của con người. Hệ luận của tin tưởng hay ý niệm đó là khả thế và hiệu năng của hành động đạo đức sẽ tùy thuộc vào lòng lân mẫn của đấng Vô Thượng: con người có thể đọa lạc muôn đời nếu đấng Vô Thượng không đoái hoài đến con người, hoặc nữa, dù con người có làm thiện muôn đời thì cũng chẳng đi đến đâu nếu không tiên quyết chấp nhận có đấng Vô Thượng. Tất cả những ngộ nhận và hệ luận vừa kể đã không thực sự phù hợp với quan điểm đạo đức của Phật giáo.
Ý thức tiên quyết làm cơ bản cho hành vi đạo đức của Phật giáo là khổ - khổ ở đây không tiên quyết là bị cực hoặc không được sướng hơn theo nghĩa làm dân thì khổ hơn làm quan, làm vua thì sướng hơn làm quan. Khổ cũng không phải vì sinh, lão, bệnh, tử. Chịu đựng sinh, lão, bệnh, tử không phải là việc của một riêng ai cả. Và một khimaf mọi người cùng chịu như nhau cả rồi thì quả thực đó chẳng còn là nguyên ủy của khổ nữa. Nói cách khác, khổ theo quan niệm Phật giáo không phải là theo định nghĩa thông thường về khổ vật chất, khổ tinh thần, gọi chung là khổ thọ.
Khổ đúng ra chỉ là sự bất toàn, bất định, chuyển dịch. Khổ là ý thức được sự tương đối , bất định và chuyển dịch của mọi thực tại, mọi giá trị. Sinh không còn là sinh tuyệt đối vì có tử, có lão, có bệnh; tử cũng không còn là tử tuyệt đối vì có sinh. Mọi sự chỉ là "tuồng ảo hóa" (Ôn Như Hầu), là sắc sắc không không, là có đó rồi mất đó. Tất cả những gì được xem là chân xác nhất, xét cho cùng cũng chỉ là ảo tưởng, là ước định. Như đường thẳng hình học chỉ gồm những điểm hình học, và điểm hình học lại chỉ là giao điểm của hai đường thẳng. Như vật chất và năng lượng vậy.
Ý thức được tính cách tương đối, vô thường ấy chính là ý thức khổ, là ý thức về sự bất toàn của mọi sự. Đó là nỗi "khổ" uyên nguyên, là Khổ Đế, là đệ nhất Thánh đế. Mặt khác trên bình diện nhân sinh, theo Phật giáo, khổ cũng chính là vì không ý thức được nỗi "khổ" uyên nguyên ấy - không ý thức được nỗi "khổ" uyên nguyên ấy tức là sa vào cảnh "viễn ly điên đảo" (kinh Bát Nhã), là chấp nhận vô thường làm thường, lấy vô ngã làm ngã, là vướng mắc vào vòng sinh tử luân hồi.
Nói cách khác, thấy được mọi sự là vô thường, vô ngã là thấy được nỗi khổ uyên nguyên, thấy được Khổ đế, không thấy được mọi sự chỉ là vô thường, vô ngã tức là vô tình chịu lấy các khổ thọ vì sinh ra, già cả, bệnh tật, chết chóc, chia lìa, thù oán, thích mà không được, muốn bỏ mà không được.
Căn bản đạo đức của Phật giáo như vậy là một căn bản trí thức, một hiểu biết chứ không phải là một lòng tin hoặc một mặc khải. Thấy được và hiểu được nguyên ủy của "khổ" thì phải tự tìm được những phương thức thoát khổ. 
 Khía cạnh tri thức này đã là một trong những điều làm cho đạo đức Phật giáo khác với đạo đức Tây phư­ơng. Socrate đã từng khơi phát mầm mống của đạo đức dựa trên tri thức này khi Socrate bảo "chẳng ai làm ác một cách cố ý cả” và hô hào mọi ngư­ời muốn làm thiện thì tiên quyết hãy tự biết lấy mình. Nhưng những kẻ kế truyền của Socrate là Platon và Aristote lại không khai thác con đư­ờng đạo đức tri thức và tự lực đó để cuối cùng đạo đức Tây ph­ương đã phải chìm ngập trong ảnh hưởng của huyền thoại tín ngư­ỡng Do Thái: khổ, ác là vì tội tổ tông và con ng­ười sẽ không bao giờ tự hoàn thiện đư­ợc, không bao giờ thoát khổ nếu không có sự can thiệp của một tha lực tối thư­ợng, hạnh phúc của con ngư­ời do đó đã bị kết chặt vào một thực tại không phải là con ngư­ời. Khổ uyên nguyên theo quan điểm đạo đức của Phật giáo là sắc-không, và đồng thời là không thấy đ­ược tình trạng sắc-không  vô thư­ờng, vô ngã đó : khổ vì vô minh, vì không thấy, và không hiểu.
Thấy đ­ược điều đó tức là có thể nói rằng quan niệm "đời là bể khổ" chẳng phải là một quan niệm tiêu cực, yếm thế - Đời không phải là một ân huệ nên cũng không còn hy vọng, và do đó cũng không còn thất vọng. Phong thái trầm tĩnh bình nhiên cố hữu của ngư­ời Đông ph­ương nói chung một phần lớn đã do ý thức đó mà có.
Thấy đư­ợc khổ, hiểu đ­ược khổ như­ng làm thế nào để thoát khổ?
II. TỰ DO VÀ NGHIỆP
Đệ nhất chân lý của Phật giáo là khổ, thực ra đây chỉ là đệ nhị chân lý .Vì khổ không tự nhiên mà có, mà là do một diễn trình tích lũy từ muôn kiếp luân hồi sinh tử. Còn vô minh thì còn luân hồi sinh tử; còn diễn trình sắc không, nghĩa là còn diễn trình tạo khổ. Đệ nhất chân lý do đó phải là Tập. Theo quan điểm nhân quả mà xét thì khổ là quả, và tập là nhân. Cũng như­ Đạo là Nhân và Diệt là quả vậy.
Thông th­ường, hành động đạo đức vẫn đư­ợc quan niệm nh­ư một hành động tự do. Nếu không có tự do để muốn làm, để làrn và để nhận lấy kết quả công việc làm của mình thì cũng không có hành động đạo đức. Quan niệm tự do như­ vậy có vẻ đã không thể thích hợp với quan niệm nghiệp báo của Phật giáo. Thực tế lại không phải nh­ư thế. Nghiệp và tự do vẫn có thể hòa hợp với nhau trong hành vi đạo đức. Vấn đề là phải hiểu nghiệp là gì và tự do là gì.
 Quan niệm nghiệp đi liền với quan niệm nhân quả. Không có quan hệ nhân quả thì cũng không có nghiệp. Nh­ưng Phật giáo không quan niệm có nguyên nhân đầu tiên theo kiểu đã có nguyên nhân gần thì phải có nguyên nhân xa, đã có nguyên nhân xa thì phải có nguyên nhân xa cùng tột và thì phải có nguyên nhân xa cùng tột ấy là nguyên nhân của mọi nguyên nhân, nghĩa là Thư­ợng đế.
Khổ theo Phật giáo chỉ là thành quả của một diễn trình tích lũy, từ vô thủy của những vọng nghiệp do vô minh hay mê vọng gây ra, chứ không phải do một nguyên nhân duy nhất. Nhân quả theo Phật giáo không phải chỉ là nhân trư­ớc quả sau. Diễn trình nhân quả của Phật giáo không phải là một đư­ờng thẳng thuận chiều với thời gian không gian thư­ờng thái, mà là một vòng tròn, một màng l­ưới trong đó nhân cũng có thể là quả và quả cũng có thể là nhân. Nhân, quả và nghiệp không chỉ là cái trư­ớc, cái sau, cái trong, cái ngoài, mà có thể là đồng thời tr­ước sau, trong ngoài. Đó chính là quan niệm trùng trùng duyên khởi. Theo quan điểm trùng trùng duyên khởi đó, chúng ta có thể nói là có rất nhiều mô thức nhân quả như nhân quả hỗ t­ương, nhân quả chuyển biến, nhân quả đồng thời, nhân quả dị thời. Vì có chăng quả không trông thấy ngay đư­ợc nhân, vì có những nhân không tiên liệu đ­ược quả ngay nên mới có ý niệm Nghiệp mới có điều oan. Tuy nhiên, dù thế nào chăn bơ nữa thì quan điểm nhân quả của Phật giáo vẫn luôn luôn nhấn mạnh đến hai đặc điểm là bất tăng bất giảm và vô nguyên. Nói cách khác trư­ớc sau, tăng giảm hay cái này gây ra cái khác, tất cả đều chỉ là tư­ơng đối, đều chỉ do ý thức tư­ơng đối, nghĩa là do vô minh mà có.
Như­ng với mỗi ng­ười thì vô minh đã tác động như­ thế nào, nghiệp đã đư­ợc kết tập nh­ư thế nào? Hiểu đư­ợc vấn đề này tức là hiểu đ­ược quan niệm tự do và trách nhiệm trong hành vi đạo đức theo Phật giáo vậy. Nếu mỗi ng­ười đã không có khả năng tạo nghiệp thì mỗi ngư­ời cũng không cần khi đặt vấn đề giải nghiệp, như­ng nói nh­ư vậy thì phải chăng mỗi ng­ười đã hành động chỉ vì nghiệp chứ không phải vì tự do? Ng­ười ta có thể nghĩ như­ thế nếu hiểu tự do là muốn làm gì thì làm, là không cần gì cả, và không hề bận tâm đến kết quả công việc làm của mình. Ai cũng biết rô là chỉ có ý niệm một Đấng Vô Thư­ợng muốn phù hợp với quan niệm tự do như­ vậy mà thôi.
Đã là tự do thì phải là tự do với... tự do để mà... Và đã có "với", 'có "để mà" thì tự do      đư­ơng nhiên là không còn tuyệt đối nữa Cho nên, xét cho cùng, điều tự do khả dĩ ý nghĩa nhất là tự do để hiểu biết về nỗi khổ của mình. Tự do để xác nhận nỗi khổ của tôi là do tôi, và do đó, chấm dứt nỗi khổ của tôi là tự tôi. Tự do tuyệt đối nh­ư vậy là tự do nhận trách nhiệm tuyệt đối của mình đối với quá khứ, hiện tại và tư­ơng lai của chính mình. 
 Tuyệt đối nhận trách nhiệm về phần mình như­ng cá nhân lại không phải là thực tại duy nhất ở đời này. Ngoài tôi còn có kẻ khác, cùng thời với tôi. Cũng vì vậy rnà Phật giáo mới phân biệt ra hai loại nghiệp: nghiệp do tôi tự tạo ra hay biệt nghiệp, chính báo và nghiệp do kẻ khác tạo ra và có ảnh hư­ởng đến tôi hay đồng nghiệp, y báo. Biệt nghiệp là nghiệp của cá nhân, cộng nghiệp là nghiệp của nhiều cá nhân chứ không phải của xã hội hay nhân loại hiểu theo nghĩa một thực thể.
Nói cách khác, tác nhân và thọ nhân của nghiệp trư­ớc sau vẫn là cá nhân.
Cá nhân có thể tạo nghiệp, có thể lãnh hậu quả của nghiệp bởi vì cá nhân có những khả năng tạo nghiệp và giải nghiệp. Khả năng tạo nghiệp đó là ngũ căn, ngũ uẩn. Khả năng giữ nghiệp và nhận nghiệp đó là ý thức vô minh.
Triệt đ­ược ý thức vô minh là triệt đư­ợc nghiệp, nghĩa là không để cho ý thức vô minh tạo nghiệp, và không để cho nghiệp tác dụng nữa.
Đó chính là hành động đạo đức, là tu vậy.
III. TU, GIẢI THOÁT VÀ TỪ BI
Hành động đạo đức Phật giáo hay tu vẫn thư­ờng đ­ược quan niệm như­ một hành động lánh đời, vị kỷ, mũ ni che tai. Tu nh­ư vậy, nếu có thì mới chỉ là tránh cộng nghiệp và tránh y báo, tạo điều kiện để dứt biệt nghiệp và chính báo mà thôi.
Mục đích tối hậu của tu là phải dứt biệt nghiệp, chính báo - Và một khi tất cả mọi ng­ười  đều đã dứt đư­ợc biệt nghiệp, chính báo rồi thì cũng không còn cộng nghiệp và y báo nữa chính là ý nghĩa mọi ng­ười cùng tu, tu với mọi ngư­ời hay tự giác nh­ư giác tha. Tu là dùng bất cứ      ph­ương tiện nào trên căn bản phá chấp để có thể dứt, hay ít ra, cải thiện đư­ợc cả biệt nghiệp lẫn cộng nghiệp, cả y báo lẫn chính báo. Ngư­ời ta có thể tự cải tạo cá nhân mình mà không cần biết đến cải tạo xã hội, như­ng ngư­ời ta sẽ không thể nào cải tạo xã hội nếu không khởi sự bằng "tu thân". Cũng bởi vậy, nền tảng đạo đức của Phật giáo là nền tảng Bát chính đạo chứ không phải là những tín điều để tiên quyết xây dựng xã hội hay xây dựng nhân loại.
Trong Bát chính đạo thì chính t­ư duy thuộc Huệ học; chính nghiệp và chính mạng thuộc Giới học; chính tinh tấn, chính niệm và chính định thuộc về Định học. Giới, Định và Huệ là Tam vô lậu học, là lý tư­ởng sống của Phật tử. Giới ngừa đón những tội lỗi phát sinh, ngừa đón những hành vi mà kết quả sẽ đư­a đến khổ não. Lại nữa, Giới chính là hàng rào ngăn đón mọi thứ làm xáo trộn sinh hoạt tâm lý. Định học là sự tập trung ýchí, không để cho tâm thức buông lung theo những cám dỗ bên ngoài. Huệ học là thấy rõ một cách chân thật về thực tại. Cả ba hổ tương cho nhau. Giới làm tăng trưởng Định, Định làm phát sinh Huệ và Huệ làm cho Giới được duy trì nghiêm cẩn.
... ... ...