Thứ Sáu, 29 tháng 10, 2010

VÀI HÌNH ẢNH KHÁC (7)





Cổng sau Trường Nam Tiểu Học Hội An
Trước đây bậc cấp không xẻ ta-luy, khá nhiều và liên tục vì chưa nâng cao vỉa hè. Cổng trường làm bằng gỗ hình nang quạt. Vào cổng bên phải là phòng thầy hiệu trưởng Lê Khuê.

 Phòng hiệu trưởng
Bên trái là dãy lớp năm, tư, ba. Lớp Năm C ở vị trí đầu tiên, tôi và Thái Tú Phong học cùng lớp. sang năm, lên lớp Tư C được mấy ngày thì đổi thành lớp Hai 3/7 (hai lớp học 1 phòng, sáng, chiều). Lớp Tư C thành lớp Hai 3, lúc này có thêm Phạm Khắc Thự. Sau đó Thự bỏ trường nam vô Nha Trang học.

TRẠI TẾ BẦN
Trại Tế bần Hội An
Đối diện với cổng sau trường nam là trại Tế bần đã đổi tên là "Trung Tâm Xã Hội". Cơ ngơi bây giờ rất khang trang và mở rộng nhưng những người được chăm sóc nơi đây vẫn là "Lực Lượng Bốn Bên" nhưng... không "bên" nào cả. Vì họ là thành phần "QUAN-QUẢ-CÔ-ĐỘC": Không vợ, không chồng, không cha mẹ, không con cái, thêm vào đó là tàn tật, không nơi nương dựa, không chốn dung thân. Đây là một địa chỉ mà Chư huynh có ghé về Hội An, nếu muốn phát chẩn thì hãy đến đây. 
Ở Quảng, khi ghét nhau, giận nhau thì chửi là đồ: CÔ HỒN SỐNG. Ba chữ đó có làm chạnh lòng nhau khi nghĩ về những người đang ở đây??

Người mặc áo xanh là "chú Bé", tôi... quen ổng khi còn học trường Nam. Đến thăm, ổng khoe rằng vừa rồi phải nhập viện và còn được... chuyền đạm nữa.

 
 Trời cuối thu se se lạnh nhưng những người này vẫn cởi trần. Không tiện hỏi.

CÀ PHÊ TIÊU
Nhà cà phê Tiêu đã đổi chủ, xây mới. Nhà cũ kéo dài đến mép ảnh.

Năm 1969, học giờ đầu (thời đó 8 giờ mới vô lớp), thầy (...) dạy sử-địa ra bài rồi bỏ đi đâu mất. Lát sau nghe một tiếng nổ lớn rồi thầy giám thị vào nói thầy (...) bị bệnh, cứ ngồi yên trong lớp. Té ra thầy lẻn ra cà phê Tiêu uống cà phê bị plastic nổ bị thương chở vô bịnh viện. 
Thầy cũng cúp cua nữa huống chi trò.

ĐƯỜNG DUY TÂN VÀ XÓM DINH

Từ chùa Cầu lên bến xe. Đây là đường Duy Tân (nhưng không có cây dài bóng mát).

Lối vào xóm Dinh

Dinh quan Binh Bộ Thượng thư NHUẬN TRẠCH HẦU Nguyễn Tường Vân dựng năm1806

Đường xưa lối cũ




Thứ Tư, 27 tháng 10, 2010

CHÙA BÀ MỤ


CHÙA BÀ MỤ
Căn cứ gia phả tộc Lý (Triều Châu), gia phả tộc Trương (Đôn Mục), bi ký
chùa bà mụ của Cử nhân Ngũ phẩm Trương-Đồng-Hiệp viết năm 1922 và các tư liệu khác.

Từ năm 1437 Hội An đã có một số thương nhân người Hoa sang buôn bán, lúc bấy giờ còn ít người và đời sống thô sơ. Mãi đến năm 1644, thập Lão mới sang Việt Nam. Đó là di thần nhà Minh có họ KHỔNG, NHAN, DƯ, TỪ, CHU, HOÀNG, TRƯƠNG, TRẦN, THÁI, LƯU. Một số khác vào miền Nam cũng thành lập Xã hiệu, nhưng tại Quảng Nam là trước tiên mà Hội An là quy tụ đông hơn hết. 

Mộ ông Chu Kỳ Sơn (một trong Thập Lão) trong cà phê vườn Hoa-Trà-Tiên, Cẩm Châu, Hội An

Lúc đầu thập Lão đến Quảng Nam bằng đường biển, vào cửa Đại Chiêm rồi ngược sông Thu Bồn tạm cư tại Hà Lam và Trà Kiệu lấy nghề buôn bán làm sinh kế. Sau một thời gian nhận thấy nơi đây xa biển trở ngại cho việc buôn bán nên dời xuống Trà Nhiêu (Bàn Thạch), chợ Bà là những làng nằm hai bên Trường giang gần biển Cửa Đại cuối huyện Duy Xuyên bây giờ. Ở đây hiện vẫn còn một số dân Minh Hương và ngôi cổ tự thờ Đức Quan Thánh.

Thời gian sau người Hoa ở chợ Bà bắt được liên lạc với người Hoa ở Thanh Hà (chung hoàn cảnh, chung nghề nghiệp) và nhất là dòm ngó đến thị tứ Hội An đang bắt đầu phồn thịnh nên Thập lão quyết định dời về Thanh Hà.

Tại Thanh Hà, lúc này đã có một ngôi miếu lớn do các vị tiền bối qua trước tạo lập từ năm 1626 (nhằm vào năm Bính Dần, đời HY TÔNG HIẾU VĂN HOÀNG ĐẾ- Chúa Nguyễn Phúc Nguyên tức triều Minh vua Thiên Khải thứ 6) xây dựng giữa ranh giới Cẩm Phô và Cẩm Hà (trên khoảnh đất hơn một mẫu tây sát chùa Viên giác) nên đặt tên là Cẩm Hà Cung. Sau đó thập Lão tân tạo thêm và đổi danh xưng là Cẩm Hải Cung (gồm hai cung Cẩm Hà và Hải Bình) rồi di chuyển xuống Hội An định cư vĩnh viễn.

Sau khi an cư tại Hội An, theo tinh thần “Người đâu,Thần đó” nên thế hệ kế tiếp đã tiến hành huy động tài lực, chọn đất tốt xây dựng lại miếu, di dời tổ đình về Hội An. Lần này miếu lấy tên là Cẩm Hải Nhị Cung, người dân gọi là chùa Bà Mụ.

Nhìn qua cửa là mái nhà trù (phía đường Phan Chu Trinh)
 Ảnh của photo Vĩnh Tân 1930 chụp từ ngoài nhìn vào chùa.

Chùa Bà Mụ gồm một ngôi nhà ba gian làm Điện, phía trước điện có một nhà bia, hai bên nhà bia là hai nhà trù, cách một khoảng sân rộng là tam quan chùa.

Trong điện, gian chính giữa là HẢI BÌNH CUNG thờ Đức Thiên Hậu Thánh Mẫu, phụ thờ 12 bà mụ, phía trước có thờ tượng hai vị thần Thiên Lý Nhãn và Thuận Phong Nhĩ. Gian trái là CẨM HÀ CUNG thờ Đức Bảo Sanh Đại Đế (Người Quảng gọi là ông Chú, trong nam gọi là ông Bảo) cùng 36 vị tôn thần, tượng các vị này xếp thành hai hàng. Gian còn lại thờ Thổ Kỳ (土 圻) và Tổ đình Minh Hương.

Năm Tự Đức Mậu Thân 1848, tú tài khoa Hương Trương Chí Thi tiên sinh làm lại cổng tam quan trước chùa, tăng cao trụ biểu, hai cửa ra vào đối nhau rất nguy nga, giữa có vòng mặt trăng rộng sáng chói.
 Trụ biểu tam quan chụp từ trong chùa nhìn ra
Về Đức Bảo Sanh Đại Đế, Tương truyền, thần sinh ở Phúc Kiến, thời nhà Tùy, Trung Quốc. Từ nhỏ, ngài được các vị tiên trên núi dạy cho phép tiên và các thuật linh đơn. Đến tuổi thanh niên, ngài kết thân với Lâm Ngạc Nương (người sau này được sắc phong là Thiên Hậu nương nương) nhưng không lập gia đình mà tiêu dao đây đó, bốc thuốc cứu người. Danh tiếng ngài lẫy lừng từ Hoa Hạ xuống Giang Nam.
Hôm, nghe tin thân mẫu lâm bệnh, ngài vội vã về quê nhưng không kịp cứu mẹ già. Từ đó, ngài buồn bã, xếp tất cả sách vở vào hòm khóa lại, còn chìa khóa thì quăng xuống sông Hoàng Hà, lên núi ở ẩn. Một hôm, nghe tiếng kêu cứu thảm thiết, động lòng tìm đến, mới hay người vợ của một ngư phủ đang hồi nguy kịch trong cơn vượt cạn khó khăn. Ngài ra tay cứu giúp. Người ngư phủ hôm sau ra sông Hoàng Hà câu được con cá chép lớn mang lên núi tặng ân nhân. Nhận quà tạ ơn, ngài mang cá ra sông phóng sinh nhưng lạ thay cá không chịu bơi đi. Ngài đưa tay xuống nước thì trong miệng cá nhả ra chiếc chìa khóa mà hơn mười năm trước ngài đã quẳng đi. Biết là số trời đã định, ngài trở về lấy chiếc hòm cũ và bắt đầu chuyên tâm nghề thuốc, chữa bệnh cứu người. Ngài thác đi người đời tôn là Đức Bảo sanh Đại đế.
Thần Bảo sanh đại đế, vừa là một vị thần của tín ngưỡng dân gian, vừa mang dáng dấp tiêu biểu của Lão giáo. Khi di cư sang các nước Đông Nam Á, người Hoa mang theo vị thần Bảo sanh của mình và được cộng đồng cư dân bản địa cùng tôn thờ. 

Lối ra vào tam quan đã bị nhà dân bịt kín (phía lùm cây).

Còn 36 vị tôn thần nguyên là 36 vị thiên tướng (36 ngôi thiên cương) theo hộ trì Đức Bảo Sanh Đại Đế kèm theo “Phục ma Bắc đẩu thất tinh kiếm”. Thời Pháp trở lại, họ đã phá hỏng tất cả các tượng này.
Từ những năm 30, hai nhà trù là nơi cư ngụ của hai gia đình của hai người giữ từ (vì chùa quá rộng). Người giữ từ mé ngoài phía đường Phan Chu trinh là bà Hai Yên, bán bánh bèo bên hông chùa. Người giữ từ mé trong là ông Ngô Soạn, tục gọi là ông Xâu Soạn. Ông Ngô Tỵ, năm nay 83 tuổi (tuổi Tỵ) là con trai của ông Ngô Soạn kể:

Ông Ngô Tỵ, hiện giữ từ chùa Quảng Triệu

"Tía tôi được làng xã tin, sức đi thu thuế thân nộp cho Pháp. Thời đó tía tôi đi bộ lên Chương-Phô (cống ông Đá) rồi về Trung-Gian-thượng (đường Phan Bội Châu đến cống vào nhà ông Cữu Nhung), xuống Trung-Gian-hạ (Thuận Tình), qua Cẩm Nam (tam ấp) rồi ra Trường Lệ, nên việc quét dọn, thắp hương, khấn vái tôi thuộc nằm lòng. Sau đó, tôi thay tía làm Từ cho đến khi bàn giao, nhượng cuộc đất này cho giáo hội Phật giáo Hội An (Tỉnh giáo hội Phật giáo Quảng Nam) làm trường trung học Bồ Đề. Còn tấm bia bi ký của chùa xin thỉnh đem gửi về chùa Phật Minh Hương cạnh chùa Ông. Chùa thì không còn nữa nhưng công lớn dựng chùa phải ghi ân của Tam-Gia, Bát Tộc." (Tam Gia: Tẩy Quốc Tường, Ngô Đình Khoan và Trương Hoành Cơ ; Lục Tánh Minh Hương: NGỤY, TRANG, NGÔ, THIỆU, HỨA, NGŨ. Trong chín họ này có trùng họ Ngô gọi là bát tộc). 
Bi ký chùa Bà Mụ khắc ghi năm 1922
(Ngày tốt, tháng 3 nhuận, Khải Định năm thứ 7)

Thứ Hai, 25 tháng 10, 2010

NGƯỜI HÙNG SÂN CỎ
Năm 1944, trong một trận so giày giữa hai đội túc cầu Quảng Nam và Quảng Ngãi trên sân vận động Hội An, một tai nạn thương tâm đã xảy ra.
Trong một pha tranh cản quyết liệt, arrière Trần-Văn-Tứ (thời đó không ai gọi là hậu vệ) đã bị cầu thủ đối phương vô tình đá trúng bụng dưới. Ông bị vỡ bàng quang và chết tại chỗ.

Sân vận động duy nhất thời Pháp đến giờ
 
Đưa ông đến nghĩa trang, theo lời kể, là cả rừng người Hội An, có Hiệp hội thể thao Trung kỳ và đặc biệt, cả ông sứ, quan đầu tỉnh người Pháp.


Mộ chí cầu thủ Trần-Văn-Tứ
Nằm bên vệ đường hương lộ phía đông gần cây xăng đường ra bãi biển An Bàng.

ICI REPOSE
TRẦN - VĂN - TỨ, VALEUREUX FOOT-BOLLEUR
enlevé cruellement à
l’affection des siens et de ses amis
IL PÉRIT À 25 ANS
LE 26 FÉVRIER 1944
Donnant sur le Stade de Faϊfoo
Un spectacle de courage
Et d’intrépidité à l’exemple des
Plus grands héros des temps passés
Tous ses camarades pleurent sa perte
Irréparable
et conserveront à jamais le souvenir
de sa grande bravoure
Ligue Sportive de Quảng Nam

NƠI ĐÂY YÊN NGHỈ
DANH THỦ TÚC CẦU TRẦN VĂN TỨ
Mà sinh mệnh đã bị tước đoạt một cách tàn độc
trong niềm luyến tiếc của quyến thuộc thân bằng

ÔNG MẤT Ở TUỔI 25
VÀO NGÀY 26 THÁNG 2 NĂM 1944
Khi đang phô diễn trên sân vận động Hội An
Một cảnh của lòng dũng cảm can cường điển hình của những anh hùng quá khứ.
Toàn thể đồng đội khóc thương cho sự mất mát không thể nào bù đắp,
Và sẽ giữ mãi kỷ niệm về lòng gan dạ này.

Hiệp Hội Thể Thao tỉnh Quảng Nam

Ngày xưa, hậu vệ là người gánh vác nặng nhất trên sân cỏ bởi vì đội hình chiến thuật phổ biến thời đó là: "Un garde-goal, deux arrières, trois Demis et cinq coureurs" (một thủ thành, hai hậu vệ, ba tiền vệ và... năm tiền đạo).
Nếu dùng đội hình này cho bây giờ thì đội tuyển quốc gia chưa chắc thắng được đội banh... làng.
Hội An - Sân cỏ chiều nay... 


TRƯỜNG NỮ TRUNG HỌC ĐỆ NHỊ CẤP

Bơ Vơ
Vũ Hoàng Chương

Mòn con mắt đợi cổng trường
Người ta về ... các ngả đường xôn xao
Bóng ai nào thấy đâu nào
Mây càng thấp, gió càng cao ... Một mình!
Không gian ngoảnh mặt làm thinh
Giọt mưa xuân cũng vô tình trêu ai
Mưa đầy tóc gió đầy tai
Sầu theo bốn hướng trôi dài tâm tư
Mong càng thêm ... nhớ càng như ...
Lẽ đâu tới phút này ư chưa về!
Một mình gieo bước nặng nề
Gió tung xác lá bên hè tả tơi
Hồn chênh vênh bóng chơi vơi
Đất cong mặt giận chân trời lảng xa.
PHỐ ĐÊM 
Đường Bạch Đằng về đêm
 
Ngã ba chợ đường Cường Để
Nhà hàng mới ở Cẩm Nam

 Cúi đầu... ngủ yên

Thứ Sáu, 22 tháng 10, 2010

MIẾU ÂM HỒN TÍN NGHĨA (ĐÌNH TÍN NGHĨA)

Trước khi quy tụ về Hội An lập nghiệp, người Minh Hương khi mới qua tản mát nhiều nơi trên đất Quảng.

Kinh nghiệm khi đi thăm các làng Tàu sống ngoại vi thành phố Buôn Ma Thuột, hiểu rằng nếu là nông dân, họ chọn vùng đất mầu mở gần khe suối. Nếu là ngư dân, họ chọn gần sông rạch, Nếu là thương nhân hoặc thợ thuyền, họ tìm đến nơi thị tứ. Người Minh Hương Hội An (sau này) cũng vậy, họ từng có mặt ở Trà My, Tiên Phước, Tam Kỳ, Thăng Bình, Điện Bàn, Hội An và vùng phụ cận Hội An như Trường Lệ, Bàu Ốc, Trảng Kèo kể cả Cẩm Sa.

Tiền đường đình Tín Nghĩa

Thời gian sau, nhận thấy Hội An là nơi có nhiều cơ hội làm ăn, họ tiến hành thêm một lần di cư nhỏ nữa nhưng trước tiên họ quy tụ tại vùng đất Thanh Hà tiếp giáp Hội An.

Cuộc chuyển dời này có kẻ đi, người ở. Để tiện việc liên lạc thông tin trong giềng mối của cộng đồng mình, người Minh Hương thống nhất đặt đơn vị địa-dân cư theo từng vùng gọi là Lân () tại mọi miền có đồng hương không chịu dịch chuyển hoặc tại những nơi vừa mới đến. Có vùng có một lân, có vùng nhiều hơn tùy theo gốc tích xuất xứ và số dân hiện cư trên đất đó.

Về đến Hội An, trong một lân lại có nhiều hộ dân sống gần nhau cùng làm một hoặc vài nghề, dịch vụ chuyên biệt, nhóm người này được gọi là cùng một Phổ (). Phổ TÍN NGHĨA là phổ tập hợp cư dân nằm cận chợ Hội An về phía bắc.

Khi công cuộc làm ăn đã ổn định và bước đầu phát triển khả quan, người thuộc phổ Tín Nghĩa cũng đặt vấn đề hướng vọng tâm linh.

Vì thổ ngơi của họ trước đây là nơi hoang vắng chưa có đường đi. Vì xung quanh vùng này đã có nhiều đình làng, miếu xóm nên họ đã chọn thờ cô hồn vừa phù hợp tín ngưỡng nhân gian vừa để âm linh... “nửa xin quang quế dự phần lai hương”.

Phổ Tín Nghĩa lập đình riêng chọn tên là TÍN NGHĨA, chọn thần chủ để phụng tự là Âm Hồn, được dựng lên từ năm 1906.

Xà cò gian giữa tiền đường ghi:

成 泰 拾 捌 年 歲 次 丙 午, 六 月, 初 捌 日 己 卯 牌

明 鄉 社, 信 義 普 恭 造

(Thành Thái thập bát niên tuế thứ Bính Ngọ, lục nguyệt, sơ bát nhật Kỹ Mão bài)

(Minh Hương xã, Tín Nghĩa Phổ cung tạo)

Thành Thái năm thứ 18 Bính Ngọ (1906),Tháng 6 ngày 8 giờ kỹ mão.

Phổ Tín Nghĩa xã Minh Hương đồng dựng

Mộc bài kiêm hoành lương gian giữa tiền đường

Đình Tín Nghĩa có tam quan, tiền đường, hậu tẩm, có sân trước sân sau. Nhưng rồi thiếu người trông coi nên thời thuộc Pháp, sân sau thành nơi chứa phế phẩm của đồn Lê Dương Pháp và sân trước dân cư chiếm một phần để làm nhà

Bên trái: NGHĨA HỢP - Chính giữa: TÍN NGHĨA TỪ - Bên phải: TÍN GIAO
(Đình, nguyên thủy rộng từ mép ảnh bên trái đến mốc giới Minh Hương.)
Hai bên tiền đường có hai bia đá ghi công đức của người trong phổ cũng như ngoài phổ, từ viên quan, hương chức đến người dân. Lại còn ghi:
"Ấp đông xã Minh Hương có đền thờ mới. Phổ Tín Nghĩa phụng cúng âm linh tại đây."
(Minh Hương xã, Đông ấp hữu tân từ tại yên. Tín Nghĩa phổ phụng âm linh dã.)
Gian chính tiền đường thờ bài vị:

QUÝ HIỂN ÂM HỒN LIỆT VỊ

Hoành phi gian trái: TRỬ TINH DỤC TÚ (Giữ tinh thần nuôi điều tốt đẹp)

Hoành phi gian phải:
LINH SẢNG BẰNG Y - Duy Tân ngũ niên, trung thu cát 1911
(Linh hồn sáng rõ có nơi nương nhờ)

Gian nhà hậu tẩm phía sau thành nơi hoang phế.

Ngày xuân rót chén rượu thờ hướng mời những vong hồn cô đơn nương theo trăng đêm cùng về dự hưởng.

NHẤT TÔN TỬU HƯỚNG XUÂN THIÊN SÁI

VẠN CỔ HỒN TÙY NGUYỆT DẠ QUY.



Thứ Năm, 21 tháng 10, 2010


NHỮNG VONG LINH CÔ ĐỘC

Ở đâu và thời nào bao giờ cũng có những kẻ chết đi nhưng không người thừa nhận hoặc không một ai biết với nhiều lý do. Có thể họ là kẻ vô gia cư, không họ hàng thân thích. Có thể họ gục ngã chốn rừng cao núi thẳm hay giữa nơi trùng trùng con nước.

Ảm đạm sơn đầu- ta ảm đạm/ Linh đinh dương lý- thán linh đinh

(Ảm đạm non đầu- Ôi ảm đạm/ Lênh đênh cuối biển- thán lênh đênh)

Bài vị thờ cô hồn trong chùa Long tuyền
PHỤNG VÌ PHÁP GIỚI TỨ SINH LỤC ĐẠO THẬP LOẠI CÔ HỒN HÀ SA ĐẲNG CHÚNG

Cũng có thể họ vẫn có gia đình, còn bà con, gốc tích nhưng ngày xưa, khi phương tiện giao thông còn hạn chế, thông tin chủ yếu là truyền miệng, một kẻ ăn mày, một thợ thuyền lưu lạc thình lình gặp tai ương bất trắc hay tật bệnh bất ngờ, thác đi, không kiếm tìm liên lạc được với thân nhân, vô tình họ trở thành những âm linh cô độc.

Đó là chưa kể trường hợp của những chiến sỹ trận vong. Khi trận chiến còn đang ác liệt, ưu tiên trước hết là tải thương, sau đó cố gắng lắm mới mang được xác đồng đội rời khỏi sa trường thì cách nào lại không bỏ sót?!

Cổ lai chinh chiến kỷ nhân hồi./ (Xưa nay chinh chiến mấy ai về!)

Nhưng lòng người vẫn đầy thương cảm cho kẻ bất hạnh cô đơn. Cộng đồng cư dân xứ này vẫn gìn giữ truyền thừa tính nhân văn truyền thống nên ngày xưa người Hội An ngoài việc lập đình, chùa để thờ Phật, Thánh, Thần mong cầu duyên, trợ phúc, cũng không quên lập miếu vọng, nhang khói cho những cô hồn vất vưỡng còn chưa hóa kiếp, gọi là miếu âm hồn.

Một gian thờ trong miếu âm hồn Tín Nghĩa

Mỗi làng cũng dành riêng những khoảnh đất trống để chôn cất những người vô tự, vô danh gọi là đất âm linh. Xác đã quy thì hồn cũng cần nơi nương dựa.

Để phụng thờ chư vị âm linh có thể:

Hoặc dựng riêng một ngôi miếu để thờ như:

Phường Minh An có Tín Nghĩa Từ (số 3 đường Nguyễn Huệ, khối An Định), miếu âm hồn Tín Thiện (thường gọi là miếu âm hồn trong kiệt Âm Hồn, số 76/8 Trần Phú, khối An Thái).

Phường Thanh Hà có miếu âm linh Bộc Thủy, miếu âm linh Nam Diêu

Xã Cẩm Nam có miếu cô hồn Hà Trung...

Miếu HÀ TRUNG ở thôn hai Cẩm Nam

Hà Trung ấp

Hoặc thờ chung trong nội thất đình miếu thần làng. Bàn thờ cô hồn được trí một gian riêng, bài vị có hai chữ ÂM LINH để định danh như ở đình Đế Võng Cẩm Châu, miếu NGŨ HÀNH khối An Định Minh Hương.

Hoặc được định vị trong nội viên miếu thần làng. Bàn thờ âm linh được trí ở mặt sau bình phong, hướng đối diện với chính điện đình miếu.

Ngoài ra, nơi thiền môn cửa Phật, bàn thờ cô hồn cũng được thiết riêng nơi hiên phải của chùa có tượng Tiêu Diện Lực sĩ Diệm Khẩu Quỹ Vương với nhiệm vụ chưởng quản cô hồn.

Trong các buổi công phu kinh chiều đều có cúng thí thực.

Tượng Diệm Nhiên Vương Bồ Tát

Theo quan niệm ngàn xưa để lại: “Sinh hà tử thị” (sống sao, chết vậy) và “Sinh ký, tử quy” (sống gửi, thác về), hằng năm trong các ngày tư tết, giổ chạp đình chùa miếu tự cũng như ở tư gia đều có mâm cúng cô hồn như để an ủi chia xẻ nỗi cô đơn của người bất hạnh.

Anh Vương Ngọc Long ngày mới định cư thiếu thốn trăm bề (như ảnh kể) cũng không quên vọng cúng những vong linh lưu lạc với cả tấm lòng:

Thắp lửa Từ Bi, xin hỉ xả 
Cúng đấng cô hồn có ghé qua 
Xin đừng thất vọng nhìn mâm quả 
Đây! tấm lòng ta - thế... lễ quà