Thứ Bảy, 22 tháng 10, 2011

MIẾU HỘI ĐƯỜNG

MIẾU HỘI ĐƯỜNG

 

Cổ trấn Hội An xa xưa được giới hạn theo quy ước không thành văn:

Tây: chùa Cầu

Đông: chùa Ông Bổn (thờ vị Bổn Đầu Công của người Triều Châu)

Nam: Giáp sông Thu Bồn

Bắc: có Vạn Thọ Đình

Nhưng đình Vạn Thọ cũng như chùa Quảng An và cả những ngôi giáo đường Thiên Chúa Giáo đầu tiên cho đến bây giờ vẫn chưa tìm được tài liệu xác định vị trí ban đầu.

Riêng miếu Hội Đường tuy không còn một vết tích gì nữa nhưng vẫn còn đây vị trí sơ nguyên. Điểm dễ nhận biết nhất là khách sạn Hoàng Trinh, là một phần đất của miếu. Miếu xoay nhìn về hướng nam, nghĩa là nhìn thẳng qua sân Khổng miếu sau này. Miếu có 3 cổng: Cổng chính nhìn thẳng qua Khổng miếu, cổng tả nhìn ra đường Trần Hưng Đạo, còn lại cổng hữu, không có cổng hậu. Trong khuôn viên miếu thời đó chỉ tồn tại một ngôi nhà duy nhất: Nhà của ông Huỳnh Đắc Hương. Ông Huỳnh Đắc Hương năm nay ngoài 100 tuổi, hiện còn sống ở Đà Nẵng.

 

Sinh thời, theo lời kể của ông Nguyễn Thiện Thắng, con ông xã Ba, cháu ông Bốn Lục, rằng thuở nhỏ vì nhà gần miếu, ông từng thấy ở đây một mộc bản ghi lại lịch sử dựng xây miếu. Miếu khởi công từ đời vua Tự Đức và hoàn thành thời vua Dục Đức.

Miếu Hội Đường chưa biết lập năm nào nhưng biết chắc miếu bị phá hủy vào cuối năm 1946 để tiêu thổ kháng chiến chống thực dân Pháp trở lại.

 

Theo lời các cụ già sống trên đất Cẩm Phô này từng nghe cha - ông kể lại, miếu ngày trước chủ yếu thờ thần làng, sau năm 1918 phối thờ thêm những chiến sĩ trận vong người Việt, bị Pháp bắt sung quân, tử trận trong đại chiến thế giới lần thứ nhất.

 

Cho nên, hằng năm đến kỳ tế thu, bô lão trong làng chuẩn bị chu đáo để đón quan tuần phủ, quan tri huyện, ngài chánh tổng cùng "ông sứ" đến dự. Ngày chánh lễ trong nội viên miếu, sau khi dàn kèn ta hết ò í e là đến đội kèn đồng của Tây cũng tham gia lễ truy điệu. Bên ngoài đối diện miếu (Khổng Tử miếu bây giờ) là ruộng sâu rau muống. Gặp mùa mưa nước dâng cao tràn mênh mông người ta tổ chức đua ghe lãnh thưởng.

 

Cuộc sống cứ tạm gọi là yên bình cho đến ngày Nhật đầu hàng Đông Minh. Một buổi sáng cuối tháng 8 năm 1945, dân làng bỗng thấy những người lính của tướng Lư Hán thuộc đoàn quân Trung Hoa Dân Quốc của Tưởng Giới Thạch đã ở đầy kín trong miếu Hội Đường.

Họ chờ giải giáp khí giới quân phát xít Nhật.

 

Qua năm sau, hết còn lễ lệ. Chiến tranh lại bùng phát dữ dội. Dân làng gồng gánh tản cư vào chợ Bà, chợ Được Thăng Bình lánh nạn, miếu Hội Đường phải tự đập phá tan hoang.

 

Tất cả đã lùi vào dĩ vãng, có chăng chỉ còn trong ký ức của những người già mỗi khi mơ mòng chắp nối khúc phim đời đã đứt.

 

Tôi từng có 1 tấm ảnh của Miếu Hội Đường nhưng đã lạc chưa tìm được. Hy vọng anh Lê Viết Hoàng ra tay cho mọi người được cùng nhìn ngắm hình ảnh quê xưa.

(Trong ảnh mới): Sau lưng tường rào, ngôi nhà cao tầng là điểm mốc để xác định vị trí miếu Hội Đường.



Thứ Ba, 4 tháng 10, 2011

MIẾU ÔNG ĐỊA

Người Hội An đa phần thờ ông Địa tại gia. 
Có nhà thờ ngài chung với Thần Tài ngay trên nền giữa nhà trong một cái khóm có dáng một cái bàn; người khác, thường là không buôn bán (và cả không mánh mung) lại phối thờ ngài chung nơi trang thờ Táo Quân gồm 3 vị: Thổ Công, Thổ Địa, Thổ Kỳ.

Đó là cách thờ của hầu hết người trong phố.
Ra khỏi phố xá, vùng ngoại ô, điển hình là dân Trường Lệ, người ta nhiều đời quanh năm sống bám vào đất. Người ở đây thường nghèo khó, và những ai may mắn thoát nghèo hay học hành có chút danh phận thì vội vàng lìa xứ cho mau. Nên ở đây, đất với người như thịt liền da. 
Đất nuôi người, người phụng thờ đất.

Tại Trường Lệ, còn miếu thờ Ông Địa duy nhất ở Hội An.
Hoành phi ghi: THỔ CÔNG MIẾU
Trong miếu vẫn còn bia đá ghi hành trạng và công đức của những người lập miếu nhưng mờ quá không nhìn thấy hết chữ. Xin hẹn dịp khác.


Nhìn lên mái, miếu làng ta cũng có xà cò, nhưng xà cò không là một thanh đòn mà là một nẹp gỗ treo hờ hững dưới đòn dông. Hình như xa xưa làng ta nghèo quá!

Xà cò miếu ghi:
凱 定 壬 戌 年 閏 五 月吉 日山 鋪 社 本 社 本 邑 本 浦 仝 重 建
Khải Định Nhâm Tuất niên, nhuận ngũ nguyệt, cát nhật, Sơn Phô xã, bổn xã, bổn ấp, bổn phổ đồng trọng kiến.
(Khải Định năm Nhâm Tuất 1922, ngày lành tháng năm nhuận, xã Sơn Phô, xã ta, thôn ta, xóm ta cùng kính cẩn dựng nên)

Đất Trường Lệ khởi thủy thuộc cựu xã Hội An, sau đó tách về xã Sơn Phô. Đến năm 1956 là đất của xã Cẩm Châu.

Nền bái đường vào dịp gặt vụ hè - thu trở thành nơi phơi lúa tránh mưa. 
Những lúc như thế này Thần và người gần gũi nhau hơn.
Đôi liễn thờ ghi:
CẨM TRƯỜNG nhất môn thanh thái bằng thần hựu.
CHÂU LỆ tứ tự an khang lại thánh phò

Những ngày cận tết, được coi biên bản ghi danh dân xóm cúng tiền sắm lễ dâng Thần đầu năm, có người đã cúng 7000 đồng trong khi ổ bánh mì có kẹp chút thịt làm duyên cùng giá 5000 với tờ vé số. 
Thôi thì sức chừng nào cúng chừng ấy.
Tiền chừng đó chỉ là tiền lẻ
Nhưng... lòng đâu có lẽ phải không chư huynh.