Thứ Hai, 4 tháng 10, 2010

CHÙA CẦU biểu tượng thiên cổ của HỘI AN
Chùa Cầu nằm ngay ranh giới hai xã Cẩm Phô và Minh Hương, thuộc địa phận Minh Hương xã. Cầu dài 18 mét có 7 gian trong đó 5 gian kết cấu gỗ theo kiểu trính chồng trụ đội, 2 gian đầu hồi uốn cong theo hình võ cua, mái lợp ngói âm dương, trụ móng cầu bằng đá đẽo. Chùa và cầu gắn nhau qua vách gỗ với bộ cửa chính thượng song hạ bản.
Kết cấu "TRÍNH CHỒNG TRỤ ĐỘI" của mái chùa cầu
CẦU:
Văn bia lập năm Gia Long, Đinh Sữu (1817) ghi: "Minh Hương Hội An phố giới ư Cẩm Phô hữu khê, hữu kiều cỗ dã. Tương truyền Nhật Bổn quốc nhân sở tác kinh phụng"
(Làng Minh Hương, phố Hội An, tại địa giới Cẩm Phô có khe nước, có cầu cổ. Tương truyền người nước Nhật Bổn xây để qua lại.)
Đại Nam nhất thống chí ghi: "Cầu ở xã Cẩm Phô về phía tây phố Hội An, huyện Diên Phước, nước khe chảy về phía Nam đổ vào sông Cái, cầu bắc ở trên. Tương truyền cầu này do người khách buôn Nhật Bản bắc, dưới cầu xây đá, trên lát ván, gác mái gồm bảy gian lợp ngói "
Chùa Cầu là một kiến trúc liên hợp: CHÙA và CẦU.
Cầu xây trước, do người Nhật kiến tạo, nhưng khởi công và hoàn thành từ thời điểm nào cho đến nay vẫn chưa sáng tỏ.
Tên gọi CẦU NHẬT BẢN được ghi trong thư tịch cổ Việt Nam đầu tiên từ năm 1617.
Trên bản đồ "Thiên Nam Tứ Chí Lộ Đồ" do Đỗ Bá vẽ có ghi tên Hội An kiều với hình vẽ chiếc cầu có mái.
Nhà nghiên cứu Pháp Albert Sallet cho biết thêm: "Các truyền thuyết còn kể lại rằng một người Nhật Bản tên Thanh đã xây dựng cây cầu này trên những cột bằng đá với bộ sườn siêu cấu trúc và một mái bằng ngói ".
Tác giả Vũ Đức Tân trong bài viết có tựa đề Hội An đăng trên tạp chí Việt Nam đã viết rằng cầu Nhật Bản (tức Nhật Bản Kiều) ra đời vào năm 1593.
Một tác giả nước ngoài đã viết trên báo The Asian Wall Street Journal như sau: "Cầu Nhật Bản với cột vuông, mái cong là công trình của giới kiến trúc Nhật Bản quyết định xây dựng năm 1593 để thông thương buôn bán với người Hoa."
Như vậy, cầu Nhật Bản được xây dựng ở cảng thị Hội An chậm nhất từ năm 1617.
Và dĩ nhiên, nếu tại thời điểm này, một người nào đó dừng chân trên chiếc cầu Nhựt này mà hỏi: "Làng Minh Hương ở đâu?" thì không một ai có thể chỉ giúp.
Đơn giản vì hồi đó chưa có địa danh Minh Hương. Làng Minh Hương được thành lập từ năm 1644 đến năm 1653!!.
Thủy khê dưới chân cầu là khe Ồ Ồ, xuất phát từ BÀU ỐC THƯỢNG chảy vòng vèo trước chùa Long Tuyền qua địa phận chùa Phật Học trước khi đổ vào sông Thu Bồn
NHẬT BỔN KIỀU là sự khẳng định và phân biệt sản phẩm của người Nhật.

Thời ấy nhờ vào chính sách cởi mở của Chúa Nguyễn ở miền Nam ưu đãi những di thần nhà Minh và những người dân Trung Quốc tỵ nạn, vì vậy họ rất hâm mộ và quyết tâm định cư. Họ mở mang dạy cho dân địa phương canh tân kỹ nghệ, cách thức làm ăn, buôn bán nghề nghiệp v.v... Có một số kiều dân Nhựt Bổn cũng ở lại Việt Nam phần đông là thương khách, cũng như các thương khách Trung Hoa cứ 6 tháng lại về. Khi bán hàng cũng như mua hàng họ phải chờ có gió mùa mới trở về nước, thường là khi hết hội chợ. Vì nguyên nhân đó mà người Trung Hoa cũng như Nhựt Bổn cư trú tại Hội An được chia làm 2 khu vực. Từ chùa Cầu trở lên là khu phố Nhựt, từ Chùa Cầu trở xuống là khu phố của người Hoa. Phố Nhựt chỉ có nhà ở còn phố khách người Hoa chiếm lĩnh trung tâm thành phố. Lúc đó chưa có đường Nguyễn Thái Học (mở năm 1840) và đường Bạch Đằng (mở năm 1878).


Từ Chùa Cầu trở xuống là khu phố của người Hoa
Người Pháp đặt tên cho đường này là: Rue Du Pont Japonais

Nhớ lại vào năm 1633, Mạc Phủ Nhật Bản đã ban bố lệnh đóng cửa không quan hệ giao thương với nước ngoài, Nhật kiều đang sống và buôn bán ở nước ngoài phải hồi hương và chuyến tàu Nhật Bản cuối cùng đã rời bến cảng Hội An vào năm 1637, phố Nhật Bản bắt đầu rơi vào cảnh suy tàn và cầu Nhật Bản được người Việt ở Hội An quản lý.
Sau khi làng Minh Hương ra đời và cầu Nhật Bản nằm trên địa phận làng này, nên chúa Nguyễn đã giao cho người Minh Hương nhiệm vụ quản lý và tu sửa cầu.
Sách "Đại Nam Nhất Thống Chí" viết:
"Năm Kỷ Hợi (1719), hoàng đế Hiến Tông Hiếu Minh tuần du phương nam, khi xa giá đến phố Hội An thì thấy phía tây có cầu, thuyền bè tụ họp, ban cho tên LAI VIỄN KIỀU (cây cầu của những người từ phương xa tới) và cho khắc biển vàng". Nay vẫn còn!
Như vậy, từ thời Chúa Nguyễn Phúc Chu, cầu có thêm một tên mới.
CHÙA
Cho mãi đến 1653, Trung Lương Hầu Khổng Thiên Như, một trong mười vị tiền hiền đầu tiên thành lập làng Minh Hương ở Hội An, đồng thời là quan phụ trách Ty Tàu vụ tại đây của chúa Nguyễn mới cùng một số tiền hiền khác bỏ tiền ra xây dựng ngôi chùa nhỏ nằm sát cầu Nhật Bản ở phía Tây để thờ Bắc Đế Chân Võ Tổ Sư (hay Huyền Thiên Đại Đế) cùng Trừng Hán Cung thờ Quan Công và Minh Hương Phật tự thờ Phật Quan Âm. Sau khi ra đời phức hợp kiến trúc cầu Nhật Bản - chùa Bắc Đế hay Cầu Chùa, danh xưng cầu Nhật Bản dần bị quên lãng và được thay vào đó bằng tên gọi quen thuộc Chùa Cầu. Chùa ra đời sau cầu ít nhất 35 năm. Danh xưng Chùa Cầu đã ra đời ở Hội An sớm nhất là vào năm 1653.
Điện thờ Thần Bắc Đế Chân Võ Tổ Sư (hay Huyền Thiên Đại Đế)
Sau khi quản lý cầu Nhật Bản và dựng thêm ngôi chùa nhỏ bên cạnh, làng Minh Hương đã có công bốn lần trùng tu cây cầu : năm 1763 dưới thời Võ Vương Nguyễn Phúc Khoát, năm 1817 dưới thời vua Gia Long, năm 1875 dưới thời vua Tự Đức và năm 1917 dưới thời vua Khải Định. Từ lần trùng tu cầu thứ hai trở đi, sự việc đó đều được ghi bằng chữ Hán trên thượng lương và các xà dọc trên mái của cầu mà nay vẫn còn. Trên thượng lương ở đỉnh nóc cầu còn các dòng chữ Hán có nghĩa như sau : " Niên hiệu Gia Long thứ 16 năm Đinh Sửu (1817), tháng Ất Tỵ, ngày Ất Dậu, giờ Kỷ Mão, lý trưởng làng Minh Hương Trương Hoằng Cơ cùng cả làng đã xây dựng lại công trình ".

Cũng chính vào tháng 8 năm Đinh Sửu này (1817), làng Minh Hương đã dựng " Bi ký trùng tu Chùa Cầu " mà đến nay còn gắn trên cầu. Những dòng chữ Hán trên bi ký có đoạn : " Tại phường Minh Hương đô thị Hội An, phân giới với Cẩm Phô có con sông nhỏ, có cầu cổ. Tương truyền do người Nhật Bản làm. Trải từ triều đại trước ban sắc cho tên Lai Viễn Kiều... ".

Nhât Bản Kiều trong kết cấu kiến trúc và trang trí nội thất đã chứa đựng dấu ấn của nền văn hóa Phù Tang ; mái ngói mềm mại với độ dốc thấp, những cột vuông , nền cầu lát ván hình vòng cung ; các hoa văn trang trí hình mặt trời, chiếc quạt xòe... nay không còn nữa ; những Thần Khỉ và Thần Chó thờ ở hai đầu cầu.

Ở cảng thị Hội An ngày xưa cộng đồng người Việt, người Nhật, người Hoa có chung một truyền thuyết về nguyên nhân gây ra động đất. Họ cho rằng ở ngoài đại dương có một loài thuỷ quái mà người Việt gọi là Con Cù, người Nhật gọi là Mamazu, người Hoa gọi là Câu Long, đầu của nó ở Nhật Bản, đuôi của nó ở Ấn Độ và lưng của nó vắt qua khe ở Hội An mà Cầu Nhật Bản bắc qua. Mỗi khi con thuỷ quái đó quẫy mình thì nước Nhật bị động đất và Hội An không được yên ổn để người Nhật, người Hoa, người Việt được bình yên làm ăn buôn bán.

Để khống chế con Mamazu, người Nhật đã thờ các Thần Khỉ và các Thần Chó trên hai đầu cầu để " trù " con thuỷ quái đó.
Điểm yểm chính thức là một bia đá cách cầu theo đường chim bay khoảng 1km về hướng tây-bắc.
Bia đá nằm khuất sau cây đa trên đường Phan Châu Trinh cách nhà thờ Tin Lành 300 mét.

BẮC ĐẾ SẮC MỆNH LẬP HỘI AN CỰC LẠC MÔ ÁP YỂM THỦY ĐẠO

và các ký hiệu kỳ quặc như bùa
Những học giả củaTrường Đại học Showa (Chiêu Hoà) đã đến nghiên cứu ở Hội An tháng 9-1992, tháng 3-1993 và tháng 9-1993 đã trao đổi rằng những con thú thờ trên cầu không phải là những con thú bất kỳ mà là những vật linh theo tín ngưỡng vật tổ của người Nhật.

Người Minh Hương lập ngôi chùa nhỏ nằm sát cây cầu cổ để thờ Bắc Đế Chân Võ (hay Huyền Thiên Đại Đế) cũng với mục đích khống chế con Câu Long không gây ra động đất.
Hai bên tường của cổng ra vào ở phía tây và phía đông cầu Nhật Bản ban đầu có hai câu đối chữ Hán đắp nổi, nhưng qua năm tháng bị mờ dần để sau cùng bị mất hẳn và người Minh Hương đã thay vào đó bằng hoa văn đắp nổi hình quả phật thủ lớn.
Chùa được trùng tu vào các năm 1817, 1865, 1915, 1986.
Văn bia Khải Định năm 1917:
Xã ta khắc theo năm Duy Tân, Ất Mão (1915), tháng sáu
Quý tòa chuẩn xuất tiền yêu cầu tu bổ cầu xưa Lai Viễn. Nay thừa theo ghi lại.
Quan lớn chánh công sứ
Quan lớn sở công chính
RESIDENT - LESTERLIN - GALTIER - CONDUCIEURS - PAPIN - LEPRINCE - LAREEP
Thông sự sở công chính: Trần Ngọc Thôi - Trần Thế Diễn
Thực hiện chung các công việc hoàn thành vào tháng sáu năm Đinh Tỵ (1917). Bổn xã nhớ ân khắc ghi nhằm để lại lâu dài.
Khải Định năm thứ hai (1917), tháng bảy, ngày tốt. Minh Hương xã, bổn xã đồng kính khắc.

Tôi là lính "Nghĩa quân lục chiến", 3 tháng quân trường, 9 năm chiến đấu. Không bao giờ được lên lon (vì có lon đâu mà lên). Gọi tôi là Du kích quân cũng gần đúng. Tôi là gạt đờ co (Garde du corps) cho ông thiếu tá Sáng, quận trưởng quận Hiếu Nhơn. Từng tháp tùng ổng (lúc đó là đại úy), theo khẩu lệnh của đại tá tỉnh trưởng, đi nhận lại tượng con khỉ chùa cầu mà một thằng lính Đại Hàn lợi dụng nước lụt rinh về đồn đóng tại Trà Quế.

(Bài còn được bổ sung chỉnh sửa nhiều lần)

1 nhận xét:

  1. các bài viết hay, mang âm sắc Hội An. Tuyệt vời, nơi đâu cũng như nơi này thì quý lắm. Xin đọc lại câu "Dấu chân tiền nhân bạt đất khơi nguồn đã kiêu hãnh đi vào quá khứ, dù chỉ còn lại đây vài vết tích nhỏ nhoi, nhưng vẫn phảng phất hành trình bi hùng dựng làng mở đất" mà ấm lòng và xuc động.

    Trả lờiXóa