Thứ Ba, 22 tháng 2, 2011

NGÔI CHÙA MẤT TÍCH

Hội An với cổ sự trăm mối ngổn ngang.
Vật đổi sao dời, dậu đổ bìm leo.
Điểm lại, Hội An có vài ngôi chùa mất tích như chùa Kim Liên ở Trường Lệ, nghe kể đây chỉ là những ngôi chùa nhỏ.

Nhưng QUẢNG AN chắc là một ngôi chùa lớn. Quảng An bị tháo gỡ hay bị xóa bỏ trong cuộc tương tàn? - Làm sao biết!!

Căn cứ theo văn bia của chùa Quảng An "ký gửi" trong chùa Minh Hương Phật tự thì Quảng An đã từng tồn tại nhưng xây cất ở nơi nào và vì đâu bị "tận diệt" vẫn là điều bí ẩn.

Chiên Đàn Lâm - Minh Hương Phật Tự (bên trái ảnh) nép sau Quan Công Miếu

Dưới đây là nội dung văn bia chùa Quảng An thực hiện năm Long Phi Canh Tuất được Thượng Tọa, trụ trì chùa Pháp Bảo, Thích Hạnh Niệm phiên âm và dịch nghĩa:

Phiên âm: Tự dĩ Quảng An danh, Phật dĩ Quảng An linh, nhân dĩ Quảng An hanh, tăng dĩ Quảng An thạnh... ... ...
Dịch nghĩa: Chùa tên là Quảng An, Phật đem lại bình an rộng rãi cho bá tánh mà linh, người nhờ bình an rộng rãi mà hanh thông, tăng nhờ bình an rộng rãi mà hưng thịnh. Do vậy, Quảng An là bảo địa, là một vân ổ, làm lan nhã (chỗ thanh tịnh sư ở), đặc biệt là cho Ta bà thế giới.
Muốn cho giáo pháp Như Lai được tồn tại lâu dài, ắt phải nhờ sự bố thí cúng dường của đàn na thí chủ. Xã Minh Hương có Tẩy phủ húy là ông Tường, Mẫn Trai Chung Chi Mịch phát tâm làm thuyền từ Bát Nhã, vào năm Canh Thân cúng tiền một trăm quán, mua ba mẫu ruộng để cung cấp cho công tác Phật sự và xã ta lại xuất tiền công quỹ mua thêm hơn tám mẫu tại đồng Thính, Long thất thuộc xứ Long Dương, luôn luôn thâu trừ để làm kho lẫm của thiền môn. Nhờ vậy mà tứ sự (ăn, mặc, ở, thuốc thang) nơi thiền môn không lúc nào thiếu hụt. Sự cúng dường thường đầy đủ, khiến cho sự diễn giảng giáo pháp được lưu thông, kinh vàng thường mở đọc, trống pháp vang rền, đèn từ rực sáng, bồ đề cây cây tươi tốt đẹp xinh, mưa cam lộ rải khắp trời Tây, hoa tươi rơi tản mạn đủ màu, mây lành trải qua Nam cực, lá bối thành chương.

Bia chùa Quảng An 1740
Vậy nên biết, muốn tạo phước trạch cho tương lai thì phải gieo nhân lành ngay hiện tại, thiện không từ ngoài vào, danh không thể danh rỗng, không ai không làm mà có quả báo tốt, không người nào không cấy mà thu hoạch, khiến cho đó sống lâu và giàu có, khiến cho đó phát huy và hưng thịnh, lên tận cung trời Đâu Suất có mưa báu rải ngọc ma ni, để thấy được Quảng An tùng lâm mỗi ngày một sáng sủa, hiệu Di Đà ngày ngày thường vang lừng rạng rỡ, người Minh Hương nam nữ luôn giữ tâm nguyện ngọn đèn bất nhị (vô tận đăng, sáng vô cùng tận), đàn việt (người cúng dường được qua cửa khổ, còn gọi là đàn na) trở về bổn quốc, công đức bền vững khôn lường.
Chư vị cung thỉnh viết bia ghi vào buổi sáng giờ dần, thành kính cầm bút viết bài ký này.
Minh Hương, hương lão, hương trưởng cùng các chức sự toàn xã ân cần khắc bia.
Long Phi triều đình Trung Hoa năm thứ Canh Thân (1740), ngày tốt."

Rồi từ khi chùa Quảng An được đem về "ký tự" trong chùa Minh Hương Phật Tự thì đệ tử cũng theo về mà vọng tưởng chùa xưa. Trong tấm bia thứ hai còn lưu lại trong Minh Hương Phật Tự, tiêu đề chữ lớn nơi trán bia ghi: 

QUẢNG AN PHẬT TỰ
Tư trùng vọng Phật tượng Chiên Đàn Lâm. Bổn xã, bổn phố chư tín nữ, quý hiệu thiện đề ngân các vu liệt phương danh vu tại: ... ... ...
Thành Thái Giáp Thìn niên trọng thu cát đán.

CHÙA QUẢNG AN
Nay nhớ mà trùng tu tượng Phật ở Chiên Đàn Lâm. Xã ta, phố ta gồm các tín nữ, các hiệu lớn với thiện tâm cúng tiền liệt kê danh thơm tại đây: ... ... ...
Năm Thành Thái Giáp Thìn (1904), ngày tốt tháng tám.

Trong đợt trùng tu Chiên Đàn Lâm đổi tên là Minh Hương Phật Tự năm 1943, "người-Quảng-An" cũng có cặp liễn nơi trụ phụ mặt trước cổng chùa:

Quảng An tự bi văn thiên thu công đức
Chiên Đàn Lâm thắng tích vạn chúng chiêm y 
Văn bia Quảng An nhớ ngàn thu công đức 
Cảnh đẹp 
Chiên Đàn chào vạn chúng tham quan 
Nơi đường Phan Chu Trinh ngay hẻm giếng Bá Lễ trước đây có miếu thờ âm hồn tên Quảng An (đó là nghe truyền kể nhiều đời, riêng anh Thái Tế Biêu nói, anh đã xem bài vị trong miếu này trước năm 1975, nơi đây thờ Ngài Ngũ Hành Nương Nương). Có thể chùa Quảng An nằm cùng hướng với miếu này nhưng lấn ra phía đường như bây giờ (Miếu Quảng An có thể là miếu phụ thờ thuộc chùa Quảng An nằm trong khuôn viên chùa). Khi thực dân Pháp mở đường nên bị tháo dỡ??
Sau năm 1975, một người đã đập phá miếu Âm hồn Quảng An rồi chiếm luôn khoảng sân phía trước xây căn nhà này.
Nhắc chuyện xưa đã bị lãng quên, chuyện mà rất nhiều người không biết hoặc không nhớ nữa với muôn vàn hoài nghi là điều bất đắc dĩ.
Nhưng vì đâu mà trong cơn túy lúy, ông Bùi Giáng lại nhắc chuyện quên một cách thật thà:
Ngày xưa tôi đã có lần
Và bây giờ đã đôi phần tôi quên.
Vậy thì có sao đâu..., có gì... đâu!!



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét