Thứ Tư, 9 tháng 3, 2011

LONG PHI KHÔNG NGAI
Trong đình, chùa, miếu, mộ ở Hội An thỉnh thoảng vẫn còn nhìn thấy hai chữ LONG PHI trong các lạc khoản trên hoành phi, văn bia, xà cò cổ. 

TRỪNG HÁN CUNG
Long Phi tuế thứ Nhâm Ngọ (1762?), phước thủ Huỳnh Hội Thư: Trần Năng An, Trần Nguyên Hoàng, Trang Hữu Cung đồng kính lập.

Nhìn lại lịch sử, năm 1644, nhà Minh bị diệt vong, các cựu thần một số đã ngoan cường tổ chức vũ trang kháng chiến, số khác bỏ nước ra hải ngoại kiên trì củng cố tìm cơ hội khu Mãn phục Minh. Niềm hy vọng một ngày nào đó hậu duệ Minh triều sẽ đăng cơ vương vị nên hầu hết những người bỏ nước di tản không chấp nhận niên hiệu nhà Thanh mà đặt ra niên hiệu Long-Phi. Long: Rồng, tiêu biểu ngôi vua; Phi : bay. Long Phi là đường bay của rồng, là danh hiệu vua sẽ thực tại vương vị sau này.

Trịnh Phương Dương cũng có binh đội kháng chiến nhưng năm 1677, tráng chí phục Minh chưa thành thì ông mất. Năm 1678, tử đệ khắc chữ trên bia mộ ông tại Tam Bảo Sơn:
Long Phi, tuế thứ Mậu Ngọ niên, cát đán lập
Niên hiệu Long Phi xuất hiện lần đầu tiên năm 1678 nhưng không thể gọi đây là "Long Phi nguyên niên".

Tại Hội An, người Minh Hương đã dụng niên hiệu Long Phi để tỏ lòng trung trinh với Minh triều. Nhà biên khảo Phạm Thúc Hồng viết: 
"Họ đã sang Hội An sinh sống như người dân vong quốc bởi với họ, theo quan niệm phong kiến, mất một vương triều là mất nước và họ tìm mọi cách để khôi phục lại vương triều mà họ là thần dân. Người Minh Hương vốn dĩ là thần dân nhà Minh há lẽ nào họ lại dùng niên hiệu của vua nhà Thanh mà theo họ là kẻ thù tiếm vị. Người Minh Hương vốn ít dùng niên hiệu vua Việt Nam vì họ cho rằng họ vốn là người Trung Quốc".

Tuy nhiên về sau, chí hướng khôi phục nhà Minh trở thành ảo vọng, hơn nữa Thanh triều đã cường thịnh, việc giao thương hành chính phải có niên hiệu chính thống. Vì thế vào khoảng năm 1780 về sau hai chữ Long - Phi gần như không còn dùng nữa.

Và Long Phi... Việt Nam...
Hai chữ Long Phi được người Minh Hương dùng trước rồi sau đó được lan tỏa đến người bản địa sử dụng như một mỹ từ rập khuôn hình thức như các hoành phi ở miếu Thanh Nam Cẩm Nam, miếu Nam Diêu Cẩm Hà v.v... Trường hợp hoành phi ở miếu Hương Hiền Cẩm Phô có thể do người Minh Hương phụng cúng nên vẫn giữ hai chữ Long Phi truyền thống.

Trường hợp khác như tại khu mộ bà thứ phi của vua Quang Trung bị người của vua Gia Long chặt đầu thả trôi sông được người dân Cẩm Thanh vớt chôn cất cùng với hai ngôi mộ của hai người hầu. Mộ của bà Phi bị sang bằng còn bia của hai ngôi mộ còn lại phải lập hai bia giả. Trên hai tấm bia này cũng có niên hiệu... Long Phi.

Một trong hai tấm bia mộ giả của người hầu bà thứ Phi của vua Quang Trung vẫn ghi:
"Long Phi Mậu Ngọ mạnh xuân nguyệt cát đán"

Lịch sử cứ bềnh bồng mỗi khi chạm tay vào quá khứ.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét