Chủ Nhật, 28 tháng 1, 2018

DƯƠNG THƯƠNG HỘI QUÁN
Trước khi người Pháp xây dựng quốc lộ, đường sắt nam bắc, và cảng Đà Nẵng, Hội An nhờ dựa vào giao thông đường sông nhanh chóng và ưu thế về vị trí địa lý đặc biệt của mình nên trở thành cửa ngõ cho quan hệ đối ngoại, trở thành một thương cảng phồn hoa, và từ đây cũng xây dựng nên nhiều chùa chiền, tông miếu, hội quán người Hoa mang sắc thái đặc trưng. Năm Khang Hi thứ 34 (1695) triều Thanh, vào tháng 2, hòa thượng Thạch Liêm (hiệu Đại Tiên) có đến Hội An và ở lại hơn một năm. Trong cuốn sách “Hải ngoại ký sự”của mình có viết: ”thương cảng Hội An có nhiều hàng hóa và khách khứa từ các nước, một con đường thẳng ven sông dài khoảng 3-4 dặm, có tên là Đại Đường (vua Minh Mạng năm 1826 đổi tên thành Tây hương lộ) (nay là đường Cường Để - Trần Phú), hai bên đường các hàng quán nhà cửa nối tiếp nhau, đều là người Phiên (Quảng Đông, Quảng Tây, Triều Châu, Hải Nam, Hẹ), người Mân (Phước Kiến, Hẹ) sinh sống…”.
Hội quán người Hoa được xây dựng sớm nhất tại Hội An là Trung Hoa Hội Quán, tương truyền được xây dựng vào triều Minh thời kỳ vua Thành Hóa (1465-1487), năm 1741 có tên gọi là: “Dương Thương Hội Quán” cũng từng gọi là “Giang Triết hội quán”.
TRUNG HOA HỘI QUÁN ngày trước là hội quán duy nhất của người Hoa lưu cư.
Khi dòng người Trung Hoa đến ngụ cư đông hơn, họ lập ra hội quán riêng như HỘI QUÁN QUẢNG ĐÔNG (chùa quảng Triệu), HỘI QUÁN PHƯỚC KIẾN (chùa Kim Sơn), QUỲNH PHỦ HỘI QUÁN (chùa Hải Nam), HỘI QUÁN TRIỀU CHÂU (chùa Ông Bổn)
Bốn bang đã có bốn chùa, chính xác phải viết là bốn miếu, thì bang thứ năm là GIA ỨNG lại không có hội quán cho riêng mình, lý do vì người ít quá (hiện nay chỉ còn một, hai hộ.) nên người Hoa Hội An sau đó thống nhất giao cho người bang Gia Ứng đại diện trông coi DƯƠNG THƯƠNG HỘI QUÁN. Từ đó nơi này được gọi là chùa NGŨ BANG hay chùa BÀ, thờ bà THIÊN HẬU THÁNH MẪU.
Bên trong hội quán có ba tấm bia đá có văn tự ghi chép.
Tấm bia thứ nhất được ghi chép vào triều Thanh vua Càng Long năm thứ 6 (1741), do các thuyền trưởng ,các thương nhân lập nên, ghi lại hội quán xuất xứ từ đâu: ”việc xây dựng hội quán này, do đã có từ lâu rồi, tuy gọi nơi này là hội đồng nghị sự, thực ra chỉ là nơi bàn tán các lễ nghi và quan hệ” .
Tấm bia thứ hai được dựng lên vào triều Thanh vua Hàm Phong năm thứ 5 (1855) ghi chép lại việc trùng tu cửa chánh.
Tấm thứ ba vào năm 1928 ghi lại việc đổi tên thành Trung Hoa hội quán, trong bia đá có đề cập đến bảo vật của hội quán, đó là cái đỉnh sắt 500 năm tuổi.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét