Thứ Ba, 10 tháng 5, 2011

CHÙA THIÊN ĐỨC 
THÁP THIỀN SƯ THIỆT LƯƠNG
        Đồng Dưỡng
Chùa Thiên Đức tọa lạc trên đường Nhị Trưng, phường Tân An, thành phố Hội An. Từ ngoài đường nhìn vào, khách sẽ không biết đây là một ngôi chùa bởi chùa làm theo kiểu xưa, thấp, nhỏ, trước có bóng cây che phủ và không có cổng như các ngôi cổ tự khác nên nhiều người lầm tưởng đây là một từ đường dòng họ.
 Đi từ ngoài vào, đập vào mắt là bức hoành khắc ba chữ chân phương lớn:

Phổ Tuyền Am
  “Vĩnh Khánh Ngũ Niên tứ nguyệt sơ nhị nhật cát lập” 
Mồng 2 tháng 4 năm Vĩnh Khánh thứ năm lập. 
“Quí sửu niên kỷ nguyệt sửu nhật thượng lương” 
Ngày Sửu tháng Kỷ năm Quí Sửu thượng lương. 

Xung quanh đường viềng không có trang trí họa tiết hoa văn. Đường viếng phía dưới khắc số 1732. Có thể người sau khắc năm lập bức hoành chăng? Lí giải từng lạc khoản, chúng ta sẽ có nhiều thông tin bổ ích trong việc đưa ra năm lập chùa.

Đầu tiên, xét lạc khoản bên trái có ghi rõ niên hiệu là năm Vĩnh Khánh thứ 5. 
Theo "Niên biểu Việt nam", niên hiệu Vĩnh Khánh chỉ kéo dài trong ba năm, từ năm 1729 đến năm 1731 là hết. Như vậy, Vĩnh Khánh thứ năm trong lịch sử thì đã đổi sang một niên hiệu mới. Thông thường, giai đoạn Trịnh Nguyễn phân tranh, Đàng Trong thường không cập nhật thông tin từ Bắc Hà. Các chúa Nguyễn vẫn sử dụng niên hiệu các vua Lê nhưng khi ngoài Bắc đổi niên hiệu thì Nam Hà chưa nhận kịp thông tin nên việc ghi niên hiệu lại bị chệch đi. Trường hợp bức hoành chùa Thiên Đức cũng như thế. Do đó, chúng ta tính tiếp thêm hai năm nữa thì Năm Vĩnh Khánh thứ 5 là năm 1733. Năm 1733 đúng là thuộc niên hiệu Long Đức thứ 2 mới chính xác. 

 Chùa Thiên Đức bên trái ảnh
Tại lạc khoản phía tay mặt đề ngày tháng năm thượng lương. Bức hoành ghi là năm Quí Sửu. Tra vào Niên biểu Việt Nam và kết hợp niên hiệu, chúng ta biết năm Quí Sửu là năm 1733. Năm này chính là năm Vĩnh Khánh thứ 5 mà bức hoành ghi lại trên lạc khoản bên trái. Qua hai thông tin từ lạc khoản, chúng ta biết ngày Sửu tháng Kỷ năm Quí Sửu thì cho thượng lương dựng am Phổ Tuyền và cũng chính năm này người ta đã lập một bức hoành để treo làm kỷ niệm nhân sự kiện quan trọng đó. 
Người sau đề năm 1732 là sai, thiếu chính xác, gây ra nhầm lẫn cho các nhà nghiên cứu sau này. Qua đây, chúng ta có một cứ liệu quan trọng cho biết tiền thân của chùa Thiên Đức là am Phổ Tuyền.
Ở gian giữa của chùa có một bức hoành với hai đại tự là Thiên Đức. Lạc khoản bên trái đề: “Tuế thứ Tân Mão quý xuân cát đán”, bên phải đề: “Long Phi Mậu Thân trọng hạ Đinh Lộc An trùng tu phụng cúng, mộc ân đệ tử Nghê Sỹ thành kính lập”. Năm làm bức hoành là năm Tân Mão (1831), còn năm trùng tu chùa là năm Mậu Thân (1830), trước đó một năm. Ông Đinh Lộc An là người đứng ra trùng tu và chính ông phụng cúng bức hoành để kỷ niệm lần trùng tu này. Còn Nghê Sỹ chính là người viết chữ hoặc khắc chữ vào bức hoành. 

 Hoành phi ghi: THIÊN ĐỨC
Một cây xà cò ở tiền đường có đề câu chữ hán như sau: “Tự Đức thập niên Đinh Tỵ quí thu cát nhật Đinh Quảng Sỹ, Đinh Quảng Huỳnh đồng trùng tu”. Nghĩa là hai ông Đinh Quảng Sỹ, Đinh Quảng Huỳnh cùng trùng tu vào ngày lành cuối thu năm Đinh Tỵ niên hiệu Tự Đức thứ mười (1857). 

 Xà cò tiền đường
Còn một cây xà cò khác trong hậu tẩm ghi: “Thành thái Thập Nhất niên Kỷ Hợi trọng thu cát đán huyền tôn Đinh Hoài Minh trùng tu”. Nghĩa là Chắt Đinh Huyền Minh trùng tu vào ngày lành giữa thu năm Kỷ Hợi niên hiệu Thành Thái thứ 11 (1899).

Xà cò hậu tẩm
Hai bức hoành, hai câu liễn treo hai bên gian thờ đều ghi năm Bảo Đại Tân Mùi tức năm 1931, có thể trong năm này chùa lại được trùng tu. Mãi đến năm 1972, Đinh Văn Vĩnh mới đứng ra trùng tu lại. 
 Liễn thờ trước điện
Qua các đợt trùng tu, chúng ta vẫn thấy ngôi chùa có một vẻ đẹp cổ kính theo kiến trúc Á Đông. Chùa làm theo mô hình ba gian hai chái, gian giữa có một khám thờ Phật, giữa khám thiết tôn tượng đức Phật Di Đà ngôi theo thế liên hoa, phía dưới có tượng Quan Âm thủ quyển, đức Phật đản sinh cở nhỏ, và một số tượng thánh. Gian trái có một khám thờ hai vị thiền sư là Thiệt Lương và Hải Lương Chí Trạm. Thiền sư Thiệt Lương thuộc đời chính tông Lâm Tế thứ 35, khai sơn Đinh Môn tức ngôi chùa Thiên Đức. Còn vị kia thấy đề “Khai sơn viên tịch sa di pháp danh Hải Lương hiệu Chí Trạm giác linh”. Không biết vị Hải Lương khai sơn chùa nào và vị này mới thụ giới sa di. Về thiền sư Thiệt Lương, chúng tôi sẽ bàn kỹ trong phần ngôi tháp của ngài vẫn còn tại bổn tự. Riêng vị Hải Lương chắc thuộc dòng Lâm Tế phái Đột Không Trí Bản. Phái này có sự ảnh hưởng lớn đến Phật Giáo tại Đàng Trong thời các chúa Nguyễn. Có thể hai vị này đều họ Đinh?
 Bài vị thờ nhị vị thiền sư Thiệt Lương và Hải Lương Chí Trạm
Gian bên phải có một khám thờ dòng tộc họ Đinh. Bài vị đề: “Phụng vì Tế dương quận Đinh tộc đường thượng lịch đại tông thân”. 
 Bài vị dòng tộc ĐINH
Phía sau có ba bàn thờ, gian giữa thờ đức Địa Tạng Bồ Tát, có tượng thần Thổ Địa. Theo một vị trông chùa cho biết, tượng thổ địa nguyên thờ phía trước cửa bên phải. Do bị mất trộm tượng Hộ Pháp phía trái nên mang vào phối thờ phía sau. Hai bên là bàn linh thờ các hương linh tộc Đinh. Các khám thờ và bàn thờ ở đây được làm bằng chất liệu gỗ, sơn son thếp vàng rất đẹp. Các bức phù điêu trạm trổ khá đẹp mang phong cách mỹ thuật thời Nguyễn. Chùa còn có một tấm ván khắc tượng Quan Âm trông rất uy nghiêm, tiếc rằng tượng khắc ván này thiếu phần dưới.
Gian thờ đức Địa Tạng Bồ Tát
Phía trước chùa còn có miếu Ngũ Hành, theo tục thờ mẫu ở các chùa thuộc tỉnh miền trung. 

Miếu thờ NGŨ HÀNH TIÊN NƯƠNG
Bia bên trái ghi: "Phụng cúng cô đợi tổ cô Đinh Thị Bất Thức Danh chư tiên linh liệt vị. Bia bên phải ghi:"Quý Hầu Quý Công - Tài Hầu Quý Công"

Phía sau miếu có một ngôi tháp khá xưa, làm bằng chất liệu vôi. Ngôi tháp có hai tầng, trên đỉnh tháp có một búp sen. Nếu tính luôn thì tháp có ba tầng. Ngôi tháp làm theo kiểu bát giác, truyền thống của các tháp tổ tại miền trung. Xung quanh có thành bao bọc, phía sau khoảng giữa bức tường thành có xây bình phong hậu đầu cao lên. Phía trước có hai trụ cổng. 

 Tháp mộ thiền sư Thiệt Lương
Bia mộ thiền sư Thiệt Lương
CHÚC MINH
Lâm Tế tông tam thập ngũ thế 
khai sơn Đinh môn húy Thiệt Lương thiền sư chi tháp. 
Bạch sa địa Giáp Thân sáng tạo - Thiên Đức tự thụ giới trụ trì
 Lộc sinh Bính Ngọ, hưởng thọ cửu thập lục tuế
Thời tại Mậu Dần quí thu nguyệt cát nhật lập.
(Tháp của thiền sư húy Thiệt Lương khai sơn Đinh môn đời thứ 35 tông Lâm Tế. Năm Giáp Thân sáng tạo nơi đất Bạch Sa, chùa Thiên Đức thụ giới trụ trì.
Sinh hạ năm Bính Ngọ, hưởng thọ chín mươi sáu tuổi. 
Ngày lành tháng cuối thu năm Mậu Dần) 
Từ những cứ liệu niên đại do bức hoành, chúng ta có thể tái lập niên đại thiền sư Thiệt Lương qua tư liệu văn bia tháp. Văn bia cho biết thiền sư sinh năm Bính Ngọ tức năm 1666, năm Giáp Thân đến đất Bạch sa lập am tu hành, suy ra năm Giáp thân chính là năm 1728. Đến năm 1733, thiền sư mới thượng lương tu bổ am tranh đã được bức hoành ghi lại. Ngài thọ 96 tuổi, suy ra ngài viên tịch năm 1761. Văn bia ghi Mậu Dần tức năm 1758 là năm lập bia. Có giả thuyết nữa lấy năm lập tháp làm năm viên tịch của ngài. Có thể do sự tính toán nhầm chăng?[1] Văn bia cho biết thiền sư thụ giới trụ trì chùa Thiên Đức. Viết như thế thì ngài đã thụ giới Thanh văn và trụ trì chùa Thiên Đức do chính ngài lập. Trong sơn môn Chúc Thánh tương truyền rằng, ngài Thiệt Lương là đệ tử của tổ Minh Hải Pháp Bảo (1670-1746), khai sơn chùa Chúc Thánh. Có thể sư đến xuất gia ở đây rồi xin phép bổn sư cho lập am tu hành gần chùa Tổ để hằng ngày qua tham học với tổ sư. Quả thật, theo địa giới hiện nay, chùa Thiên Đức cách chùa Chúc Thánh vài trăm mét nên sự qua lại rất thuận tiện. 


Một vấn đề đặt ra là tên chùa Thiên Đức xuất hiện khi nào. Điều tra thực địa không có một cứ liệu nào xác định rõ năm đặt tên chùa là Thiên Đức, chỉ có thể đặt trong khoảng cách các năm. Vì lúc đầu thiền sư Thiệt Lương lập am Phổ Tuyền vào năm 1733 thì chưa xuất hiện tên Thiên Đức, đến năm Mậu Dần (1758) thì thấy tên Thiên Đức trong văn bia. Do đó, tên Thiên Đức chỉ xuất hiện trong khoảng 1733-1758 là điều có thể suy ra được. Còn năm Giáp Thân (1728) chính là năm ngài lập am tranh để tu trì và chính năm này là năm lập chùa chăng? 
Theo tư liệu của dòng tộc cho biết thiền sư Thiệt Lương, người Phước Kiến, Trung Quốc. Thiền sư đã cùng với lưu dân sang định cư tại Hội An. Sau này nhân duyên đến, sư xin xuất gia với tổ Minh Hải và lập một am tranh gần chùa tổ để tu hành. Khi điều kiện đã chín mùi, thiền sư mới sửa lại am tranh, định danh là Thiên Đức. Từ đó, ngôi chùa mới chính thức đóng một vai trò không nhỏ trong công cuộc truyền bá Phật Giáo nơi đây. Do không có người kế thừa nên ngôi chùa được con cháu trông nom và đã có nhiều lần các vị trong tông tộc với tổ sư đứng ra tu bổ để Thiên Đức ngày một khang trang hơn. Đây là một ngôi cổ tự có một vai trò quan trọng trong sự phát triển văn hóa Phật Giáo Nam Phương. Chùa còn bảo tồn nhiều hiện vật có giá trị, nhiều tư liệu quí hán nôm như hoành phi, câu đối, ván khắc. Tiếc rằng hiện nay, chùa do tộc họ quản lý nên chỉ phục vụ việc thờ cúng họ hàng mà không phát huy tính tôn giáo đích thực của ngôi chùa. Người viết trông mong Ban quản trị dòng tộc nên cúng lại cho Giáo Hội làm nơi tu học cho các tín đồ Phật tử. Chùa nằm trong lòng thành phố cổ lại có một số đất đai rộng, cảnh chùa đẹp nếu nơi đây mở được trung tâm văn hóa Phật Giáo thì hay biết mấy!
Chùa do nhà thờ tộc Đinh quản lý. Ở Quảng Nam chỉ có một ngôi chùa này mới do tộc họ quản lý, hầu hết các chùa trong tỉnh đều thuộc sự quản lý của Giáo Hội.

[1] Tình trạng này xuất hiện đối với các tư liệu ghi chép về thiền sư Thiệt Dinh Ân Triêm, chùa Phước Lâm_Hội An.




1 nhận xét:

  1. Mình nghe người dân nói thì đây là Chùa Lư,chưa nghe đến tên THIÊN ĐỨC bao giờ ,hôm nay đọc mới biết,cám ơn tác giả nhiều !

    Trả lờiXóa