Thứ Hai, 28 tháng 9, 2020

 NGƯỜI HOA DỨT ÁO RA ĐI

Việt Nam và Trung Hoa là hai nước có biên giới và văn hóa tương liên tương cận. Đất nước Trung Hoa rộng lớn nhưng chỉ hai vùng đông, nam là phát triển thuận lợi. Từ rất sớm những chiếc hải thuyền của họ đã giong buồm hiện diện trên mặt biển khơi.
Và Việt Nam cũng như vùng Đông Nam Á, càng lệch về phương nam, nắng càng ấm, bờ biển rộng dài là nơi lý tưởng cho những cuộc thiên cư của người Trung Hoa.
Có hai nguyên nhân chính cho các cuộc di dân:
Một là: Di dân do nguyên nhân kinh tế diễn ra với những cuộc hải trình do Trịnh Hòa (1371-1433), nhà hàng hải trứ danh Trung Hoa khởi xướng.
Hai là: Di dân để tỵ nạn chính trị qua các cuộc tương tranh đế nghiệp. Tiêu biểu là cuộc di dân quy mô lớn khi Minh triều bại vong vào khoảng năm 1650. Thần dân Minh triều không chấp nhận đế chế Mãn Thanh mà họ cho người Mãn Châu là rợ, đã dứt áo rời bỏ nơi chôn nhau cắt rốn phiêu dạt xuống miền nam xa xôi trên những chiếc thuyền buồm đơn sơ trước phong ba bão dữ với lời nguyền "KHU MÃN PHỤC MINH".
Ngoài ra cũng kể thêm, trong giai đoạn Thanh triều hưng thịnh cho đến trước cách mạng Tân Hợi (1911) cũng có những đợt di dân nhỏ lẽ nhưng liên tục vì sự thất bại nhục nhã của cuộc chiến tranh nha phiến (1840-1842 và 1857-1860) hay sự điêu linh của Trung-Nhật chiến tranh (1894-1895) cộng với việc liên minh tám nước kéo vào cướp phá Bắc Kinh mà người dân hai tỉnh Phước Kiến, Quảng Đông cùng ồ ạt rời bỏ quê hương mình.
Ra đi còn nhiều lý do khác nhau như ông Hồ Dzếnh (Hà Triệu Anh), một người Minh Hương chính hiệu kể về cha mình: "Tía tôi là một người Trung Hoa nghèo đói từ bỏ một nước Trung Hoa nghèo đói tìm đường sang Nam Việt tha phương cầu thực...".
Nói chung, Hoa kiều di dân đến làm ăn sinh sống rồi định cư vĩnh viễn tại Việt Nam từ sau năm 1400. Họ đến Hà Nội, Hải Phòng, Hà Tiên, Huế... Riêng Hội An là cảng thị thời đó sầm uất và giao lưu thuận tiện hơn Hải Phòng, cách xa sự dòm ngó của Hoa triều nên là điểm đến lý tưởng của Hoa thương.
HỘI AN ĐẤT LÀNH CHIM ĐẬU
Từ năm 1437 Hội An đã có một số thương nhân người Hoa sang buôn bán, lúc bấy giờ còn ít người và đời sống thô sơ. Mãi đến năm 1644, thập Lão mới sang Việt Nam. Đó là di thần nhà Minh có họ KHỔNG, NHAN, DƯ, TỪ, CHU, HOÀNG, TRƯƠNG, TRẦN, THÁI, LƯU. Một số khác vào miền Nam cũng thành lập Xã hiệu, nhưng tại Quảng Nam là trước tiên mà Hội An là quy tụ đông hơn hết. Hiện mộ hai vị tiền hiền làng Minh Hương Hội An: ông Khổng Thiên Như nằm trong khuôn viên chùa Phật học và mộ ông Chu Kỳ Sơn táng tại Cẩm Châu Hội An.
Cần nhớ lại trước khi quy tụ về Hội An lập nghiệp, người Hoa khi mới qua tản mát nhiều nơi trên đất Quảng Nam, họ từng có mặt ở Trà My, Tiên Phước, Tam Kỳ, Thăng Bình (Hà Lam), Duy Xuyên (Duy Hải), Điện Bàn, Duy Xuyên (gần Trà Kiệu), Hội An và vùng phụ cận Hội An như Trường Lệ, Bàu Ốc, Trảng Kèo và Cẩm Sa (giữa Điện dương và Điện Nam).
Thời gian sau, nhận thấy Hội An là nơi có nhiều cơ hội làm ăn, họ tiến hành thêm một lần di cư nhỏ nữa nhưng trước tiên họ quy tụ tại vùng đất Thanh Hà tiếp giáp Hội An.


Tại Thanh Hà, thời đó đã có một ngôi miếu lớn do các vị tiền bối qua trước tạo lập từ năm 1626 (nhằm vào năm Bính Dần, đời HY TÔNG HIẾU VĂN HOÀNG ĐẾ- Chúa Nguyễn Phúc Nguyên tức triều Minh vua Thiên Khải thứ 6) xây dựng giữa ranh giới hai xã Cẩm Phô và Thanh Hà nên đặt tên là Cẩm Hà Cung. Cẩm Hà Cung chính nơi bây giờ là chùa Viên Giác tọa lạc, bởi vì sát đất chùa là đất của Hậu Xá xứ, thôn cuối cùng phía đông-bắc của xã Thanh Hà xưa. Hơn nữa, cách đây gần một trăm năm danh xưng CHÙA KHÁCH còn truyền lại đến sau này mặc dù lúc đó xã Cẩm Phô đã di dời XUYÊN TRUNG TỰ từ Cẩm Nam về đây.
Chùa lúc đó có thờ Phật nhưng chưa có tu sĩ Phật giáo, người trông coi chùa là ông thầy Mười (thầy dạy chữ Nho), cha của hòa thượng Thích Như Huệ. Và người đứng đầu phổ ĐỊA TẠNG, một hội gồm những người sống gần chùa (sau này mở rộng cho mọi người ở Hội An) có nhiệm vụ chăm lo hương khói nơi cửa Phật, là ông Trần Đắc Tài, ông vừa giỏi chữ Nho được thăng hàm Bát phẩm, vừa giỏi chữ Pháp làm đến chức Đội.
CẨM HÀ CUNG là ngôi miếu đầu tiên của người Hoa tại Hội An, là tổ đình ban sơ của họ.
Sau này xuống Hội An, với tinh thần NGƯỜI ĐÂU TỔ, THẦN ĐẾN ĐÓ họ dựng thêm ngôi miếu mới đặt tên là CẨM HÀ NHỊ CUNG tức chùa Bà Mụ sau đổi là CẨM HẢI NHỊ CUNG vì lúc này miếu có hai cung: CẨM HÀ CUNG thờ thần BẢO SANH ĐẠI ĐẾ, thờ BÀ MỤ và HẢI BÌNH CUNG thờ bà THIÊN HẬU THÁNH MẪU, gian giữa là TỔ ĐÌNH.
Dưới là ảnh Chùa Viên Giác vào những thập niên 70 của thế kỷ XX

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét