Thứ Năm, 17 tháng 9, 2020

 TRUNG HOA HỘI QUÁN

Hội quán người Hoa được xây dựng sớm nhất tại Hội An là Trung Hoa Hội Quán, tương truyền được xây dựng vào triều Minh thời vua Thành Hóa (1465-1487), cũng từng gọi là “Giang Triết hội quán”.

Ngay từ thời nhà Đường thì người Triết Giang, Giang Tô đã đến đây buôn bán trao đổi nhưng sau đó thì về chứ không ở lại (Bi ký trong hội quán có ghi). Từ năm 1400 về sau mới có người ở lại.

Ngũ Bang Hội Quán nguyên trước đây hơn 350 năm là chợ sỉ và kho lưu hàng, là nơi buôn bán trao đổi giữa người bản địa (Chiêm Thành) và người ngoại quốc Châu Âu, Á, Trung Đông, Ấn…, đa số là người Hoa. Các hàng hóa trao đổi là gì thì tài liệu có ghi rõ (Tài liệu tiếng Trung).

Khi đó từ Quảng Nam trở vào Bình định người Chiêm Thành vẫn còn nhiều (Qui Nhơn gọi là Tân Châu, Bình Định là Cửu Châu) nên người Việt không dám định cư vì sợ bị giết do có mối tư thù giữa 2 dân tộc nên việc buôn bán, nông nghiệp… đều do người Hoa đảm nhiệm (khoảng 1650 trở về trước).

Căn cứ theo văn bia còn lưu giữ trong hội quán đến bây giờ thì…

“Nhớ lại, hội quán Trung Hoa Hội An, xưa là hội quán Dương Thương. Khởi dựng thời gian nào, do không ghi lại nên khó xác định.”
(Tố, ngã Hội An Trung Hoa hội quán tức tích Dương Thương hội quán dã. Sáng kiến ư hà thời nhân phạp kỷ tải nan dĩ xác định.)

Theo văn bia xưa nhất hiện còn ở đây, lập năm Vĩnh Hựu thứ bảy, Tân Dậu, tạm xác định hội quán này lập trước năm 1741.
(Nội dung văn bia này sẽ đăng lần tới, còn các văn bia khác sẽ đăng thêm trên trang blog, chưa biết khi nào.)

Hội quán đã trải qua 8 lần trùng tu vào các năm: 1855, 1891, 1928, 1958, 1970, 1993, 1994, 1995.

Bước qua tiền đường đến sân rộng rồi đến miếu.
Phương đình trước chánh điện có hoành phi ghi Thiên Hậu Cung. Bên trong, thần vị gian giữa thờ bà Thiên Hậu Thánh Mẫu. Thần vị gian trái (Đông/ Tả) thờ ngài Thần Tài. Thần vị gian phải (Tây/ Hữu) thờ “ Trung Trinh Vệ Quốc” tức 13 liệt sĩ hy sinh kháng Nhật.
Trong điện có 2 mộc bản ghi tiểu sử thánh bà và bản lược ghi xây dựng khám thờ Thánh Mẫu

Phía sau miếu là bảng xi măng khắc di chúc ông Tôn Dật Tiên. Sẽ đăng lần khác cùng với nội dung 2 mộc bản.
Về sự tích Thánh bà có nhiều dị bản và tên 13 liệt sĩ, xuất thân, quê quán, trường hợp hy sinh, đã đăng trên Fb và trong Blog của Soncuongde.

Ảnh do ông Vĩnh Tân (cha) Thái Thiệt Cổ chụp khoảng thập niên 30. Ảnh còn phảng phất cho thấy nơi đây từng là đình bạc (bến neo thuyền) cũng là nơi hội họp của bang chúng ngũ bang. Trong ảnh chưa có nhà vẽ Hồng Hưng của ông Thái Chi Hiên. Xa xưa, sông cận kề với đường Cường Để (Trần Phú) bây giờ.

Người Hội An thường gọi Trung Hoa hội quán là chùa bà, nơi đây có trường Lễ Nghĩa dạy Trung văn. Địa chỉ 64 Trần Phú, ngay ngã ba Trần Phú - Hoàng Văn Thụ, trước đây là Cường Để - Thành Thái.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét