Chủ Nhật, 29 tháng 8, 2021

 

NHỚ TRUNG THU HỘI AN XƯA

Ngày còn nhỏ rất thích đi coi múa Thiên Cẩu, nhưng thiên cẩu là linh khuyển mà đâu giống chó! Chắc con Lân hay Kỳ Lân, đúng hơn.

Lân có sừng nai, tai chó, trán lạc đà, mắt quỷ, mũi sư tử, miệng rộng, thân ngựa, chân hươu, đuôi bò. Lân là con vật thuộc tứ linh chỉ tồn tại trong truyền thuyết, có sừng nhưng không gây tai ác nên được coi là có từ tâm.

Ở Hội An xa xưa, trong những dịp lễ hội đầu năm hay tết trung thu người ta hay tổ chức múa lân nhưng lân ngày xưa có thứ bậc đàng hoàng: Râu trắng, râu đỏ, râu đen, râu xanh phân biệt đoàn của các bô lão đến thiếu nhi. Đoàn tuổi nhỏ hơn phải nhường đường cho đoàn có thứ bậc lớn hơn.

Ngày tôi lớn lên được thấy đoàn lân râu bạc của Nghiệp đoàn Khuân vác Hội An, trước khi xuất hành, đầu tiên là đến trước chùa Ông (Quan Thánh miếu) múa cho Ông coi trước, rồi ra tòa tỉnh múa cho đại tá tỉnh trưởng coi để hưởng lộc dày, với những màn uốn lộn trên đôi đòn cao ngẹo, sau đó mới đến các hiệu buôn lớn.

Ngô Đồng nhất diệp lạc,
Thiên hạ cộng tri thu!
(Ngô đồng rụng 1 lá, ai cũng biết thu sang)

Mới đó mà đã gần đến tết trung thu. Rồi rùng mình chợt nhớ... đời đã ngã qua bờ thu đông. Bài hát bé con ngày nào còn vang vọng:
"Bóng trăng trắng ngà có cây đa to, có thằng Cuội già ôm một mối mơ.
...Có con dế mèn, suốt trong đêm khuya, hát xẩm không tiền, nên nghèo xác xơ... (Rồi chờ đợi ai) đền ơn cho dế nỉ non?".

Ảnh: Múa lân trong tòa tỉnh,không biết tác giả và chụp năm nào.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét