Thứ Ba, 11 tháng 1, 2011

MIẾU ÂM HỒN TÍN THIỆN
Hội An dầu sao cũng là vùng đất bao đời người người kéo về đây tụ hội quần cư. Đất lành đãi người nên khi làm ăn ra, con người ta thường nghĩ về kẻ thất thế, gặp vận rủi, không may:
Thương thay thập loại chúng sinh
Hồn đơn phách chiếc lênh đênh quê người 
(Văn chiêu hồn - Nguyễn Du)

Công bằng mà nói, Hội An nhiều, thậm chí rất nhiều, miếu cô hồn quá! Có cái "to con" được cải gọi là cái đình, cái hơi nhỏ thì không gọi là miếu mà gọi là "miễu", còn xóm nào nghèo quá thì dựng cái tí hon rồi gọi là... "khóm".

Tuy nhiên, bây giờ đến Hội An mà chư huynh hỏi miếu Âm Hồn ở đâu thì chỉ một câu trả lời duy nhất: "Trong đàng kiệt Âm Hồn", số 76/8, Trần Phú, khối An Thái, phường Minh An. Đây là miếu Tín Thiện do cư dân xóm (phổ) Tín Thiện cựu xã Minh Hương lập dựng để thờ cô hồn.

Miếu Tín Thiện chỉ còn ba gian, gian thứ tư và năm (phía tấm bạt màu xanh) đã bị sụp đổ do dân đào hầm vệ sinh tự hoại mà không gia cố trước. Tất cả chái sau của năm gian này, cùng với sân miếu cũng bị dân lấn chiếm làm nhà hai bên khoảng vài chục năm trở lại đây. 

THẦN MINH XÁ
Tự Đức nguyên niên xuân chính nguyệt... ... ...
Ngoài cửa miếu, Hoành phi ghi :"Tự Đức năm thứ nhất (1848), mùa xuân tháng giêng, Xã Minh Hương, Trương Đức Trạc phụng cúng.

NGHĨA TỪ
Canh Dần niên (1830) quý thu nguyệt cát đán.
Tín Thiện tộc đồng kiến tạo.
(Ngày xưa cứ hai mươi lăm nhà là một lư , làng mạc gọi là lư lý. Cứ bốn lư là một tộc , tộc ở đây không phải là những người cùng một thủy tổ sinh ra).

Nội thất miếu bố trí ba gian thờ với ba thần chủ chạm khắc gỗ:
QUÝ HIỂN ÂM HỒN LIỆT VỊ
TẢ BAN QUÝ HIỂN ÂM HỒN LIỆT VỊ
HỮU BAN QUÝ HIỂN ÂM HỒN LIỆT VỊ
Và cùng nội dung câu đối thờ:
THÊ LƯƠNG TÚC THẢO BI HAO LÝ
PHÂN BẬC THANH TÔN THỎA LỮ HỒN
(Thê lương cỏ tối mờ đường tới
Thơm thảo rượu trong gọi bóng về) 
 Nhà giáo Phạm Thúc dịch thơ

Gian tả còn bố trí thờ PHƯỚC ĐỨC CHÁNH THẦN với câu đối:
Phước nhi hữu đức gia gia tự
Chánh tắc vi thần xứ xứ tôn
(Phước và có Đức nhà nhà phụng tự
Chánh tắc làm Thần xứ xứ suy tôn)

Gian hữu thờ VONG HỒN KÝ TỰ với thần chủ:  
寄 祀 諸 先 靈 列 位 
(KÍ TỰ CHƯ TIÊN LINH LIỆT VỊ)
Tại đây có hai bảng gỗ ghi bài vị LỊCH ĐẠI TIỀN VÃNG (Những người quá vãng trải nhiều đời) bằng chữ Hán, nội dung ghi tên, họ từng người quá cố được kí tự trong miếu cô hồn. Đây là hình thức trang trọng đề cao đạo nghĩa đối với người quá cố và làm yên lòng con cháu những người được kí tự.

Trong khi các đình miếu ở Hội An đều lập văn bia bằng đá thì tại miếu Tín Thiện lại dùng mộc bản để ghi lại quá trình kiến tạo miếu.
Minh Hương xã, Tín Thiện tộc tự dẫn
Nghĩa từ giả kiến nghĩa tắc vi dã...

Xóm Tín Thiện, xã Minh Hương. Bài tựa:
Việc nghĩa từ. Thấy việc nghĩa tất phải làm vậy! Ai thấy sa trường tịch mịch mà không dấy lên xúc cảm bi ai trải dài vạn dặm, bày tỏ thương tâm!
Xóm ta từ năm Nhâm Ngọ đã lập một đàn tế ở vùng đất mả hoang mồ lẻ ước có ngàn vạn số mà chẳng biết là ai! Vậy hậu thế ai có biết chăng?
Vì thế nhiều người cùng lo cúng tế và quét dọn mồ mả hằng năm. Sáng kiến ban đầu ấy tạm duy trì thực hiện như thế.

Minh Mạng thập niên Kỷ Sửu bổn tộc thủy đồng quyên tư lực trợ cấu mãi thổ viên nhất hạng tại Hội An xã Lâm Sa xứ kiến thử nghĩa từ...

Năm Minh Mạng thứ mười Kỷ Sửu 1829, bắt đầu quyên tiền mua đất vườn hạng nhất tại xã Hội An, xứ Lâm Sa xây đền thờ. Bốn mùa, nơi đền miếu đều khói hương chu đáo.
Mỗi đầu xuân cúng tảo mộ một lần. Mỗi ba năm chạm khắc tu bổ một lần
Tiền nhân định ra tiền lệ như vậy để hậu nhân bồi đắp làm nền móng lâu dài.
Sự đời luôn biến dời, nhất thiết không thay đổi nên viết thành bài tựa này.
Trưởng làng Nguyễn Hữu Giác bái viết.

Từ khi kiến lập đến nay, miếu không có một thạch bi, mộc bản nào ghi lại những lần trùng tu, chỉ có những hoành phi, câu đối do các nhà từ thiện phụng cúng, ghi lại một số cột mốc thời gian trong các lạc khoản: 1848, 1852, 1895. Đó là thời huy hoàng của miếu âm hồn Tín Thiện.

Ngày 21 tháng giêng hằng năm tổ chức cúng tảo mộ ở miếu. Nói rằng tảo mộ là quét dọn mồ mả âm linh nhưng thực tế hiện nay mồ mả âm linh đã hoàn toàn thất lạc. Vì vậy chỉ có một lễ cúng để tưởng vọng cô hồn.

Một tác giả vô danh từ năm 1852 phải thực sự cảm thông với cô hồn phiêu bạt mới để lại hai câu thơ trong miếu khuấy động lòng người:
Uất uất tuyền đài, tụ phách hà quy ta lữ mộng
Nguy nguy từ vũ, thê thần hữu địa úy tiềm linh
Tự Đức vạn vạn tuế chi ngũ, quý thu cát đán phụng lập

Buồn bã tuyền đài, tụ phách biết về đâu gởi mộng
Nguy nga miếu tự, quy hồn đã có chỗ nương linh
Tự Đức vạn vạn năm của năm thứ năm, tháng chín ngày tốt phụng lập

Rồi đây những mộc bài, hoành phi, câu đối sẽ bị mối mọt, nắng mưa hủy hoại hoặc thất tán khôn lường. Người Hội An hậu thế sẽ chẳng còn có cơ hội thấy được những độc đáo văn chương xưa cổ mang dấu ấn đời sống tâm linh của những thế hệ đã qua.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét