Thứ Năm, 27 tháng 1, 2011

MIẾU BỘT THỦY

Bột Thủy là tên của một trong mười ba ấp của làng Thanh Hà xa xưa. Tên mười hai ấp còn lại là:
Hậu Xá, Thanh Chiếm, An Bang, Nam Diêu, Cửa Suối, Bầu ốc, Trảng Kèo, Trảng Sỏi, Đồng Nà, Trà Quế, Cồn Động và Bến Trễ.

Miếu Bột Thủy, khối 5, Thanh Hà, Hội An

Truy nguyên từ xưa, tiền nhân ấp Bột Thủy đã xây lên ba miếu gần bến sông: Thái Giám, Ngũ Hành và Thổ Thần. Trãi thời gian, các miếu bị hư hỏng nên dân ấp vào năm 1872 dựng lại một ngôi miếu mới.
Văn bia miếu Bột Thủy ghi:
飼 徳 二 十 五 年, 七 月, 初 六 日
Tự Đức nhị thập ngũ niên, thất nguyệt, sơ lục nhật
Tự Đức năm thứ hai mươi lăm (1872) tháng bảy ngày mồng sáu

Văn bia năm 1872
Cung duy
Tôn thần chí công, chí chánh. Thần đức thạnh mà chẳng thể thấy, chẳng thể nghe. Người cảm được chỉ do lòng thành vậy... ... ...

Nhưng vào năm 1964, cơn "lụt năm Thìn" kinh hoàng đã cuốn trôi nhiều nhà cửa ruộng vườn trên đất Hội An, miếu Bột thủy cũng nằm trong dòng thủy phá, chỉ còn trơ lại dàn trụ bên bến sông chực chờ sụp đổ.
Năm 1965, miếu được di dời đến vị trí hiện nay, văn bia ghi lại:

Văn bia lập năm 1965
Việt Nam Cộng Hòa, năm Ất Tỵ, tháng tư, ngày mười, dương lịch 1965
Ấp Bột Thủy, toàn thứ bậc ấp ta... ... ...
 
Miếu xây về hướng bắc gặp thủy tụ là sông Lai Nghi. Đất xây miếu là đất tư của hai vị hương lão ấp Bột Thủy hiến cúng là Nguyễn Châu và Nguyễn Ngô.

Tiền đường đắp nổi: BỘT THỦY CỔ MIẾU
Chánh đường có ba gian, gian giữa thờ Thần chủ, gian tả thờ Phước Đức Chánh Thần, gian hữu thờ Ngũ Hành Tiên Nương. Trên ba gian thờ có ba hoành phi cùng ghi lạc khoản:
Bảo Đại năm thứ mười bảy (1943), mùa hạ, Xã Thanh Hà, ấp Bột Thủy ta cùng tạo lập.

NHẬT NGUYỆT QUANG và THUẬN THỪA THIÊN
Đặc biệt hoành phi thứ ba nói lên tư tưởng thuận mệnh của dân ấp:

HÓA TÁN THAM
Thừa nhận sự biến đổi của tạo vật

Về phía đông trong khuôn viên miếu có miếu nhỏ thờ linh hồn vất vưởng. Gian giữa thờ thần chủ Âm Linh, hai gian còn lại thờ thứ tự các loại cô hồn.
Đối diện với chánh điện có khám thờ cao thờ thần chủ NHÂN THẦN, người trong nhân gian quá cố hiển thần được phụng thờ.
Vào ngày 14 tháng 1 và 14 tháng 7 âm lịch, dân ấp tổ chức lễ lệ thường niên.

Trong miếu có chữ Hán, chữ Nôm, thế hệ sau chót không rành Hán Nôm thì dùng chữ... Việt hóa Tàu (xem ảnh). Nhìn cũng vui, đọc thấy hay. Thôi cũng được, còn gìn giữ được ngày nào thì hay ngày ấy nhất là văn bia lập năm 1872, chữ đẹp, chân phương, tỏ rõ sự công phu và tấm lòng trong sáng của người dân ấp Bột Thủy xưa:
Tân cơ bồi trúc trường như tại
Cổ miếu tôn linh vĩnh nhược lâm
(Nền mới đắp xây bền vĩnh mãi
Miếu xưa linh hiển sáng soi đầy).


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét