Chủ Nhật, 26 tháng 9, 2010

MỘT GÓC CHỢ VÀ ĐỒN LÍNH MARINE

Đường Trần Quý Cáp từ chùa Ông ra đến bờ sông.


Trên con đường này có một ngõ hẽm (ảnh), vào khoảng 30 mét, rẽ trái 10m là cầu tiêu bà Tình.
Ngày xưa không phải nhà nào cũng có cầu tiêu riêng như bây giờ. Do vậy sự xuất hiện của cái địa-la-phục "công mà tư" này là thiết yếu.
Thời đó cũng chưa có hầm tự hoại mà phải thuê người gánh phân đem ra "rừng" chôn hoặc đổ sông.
Ngày xưa từ ty Công Chánh trở ra đã gọi là "rừng".


Trong ảnh, bên trái con hẽm là nhà ông Căn. Bên phải, nhà có bà già ngồi là nhà bà Thọ. Kế tiếp là nhà bà Phán Lữ, tiếp nữa là hai căn nhà mà trước đây thời Pháp chiếm đóng là khoảng đất trống dùng để chiếu xi nê cho dân coi.
Thời Đệ nhất Cộng hòa, ông xã Thơ (lúc đó ở nhà may Ánh Sáng bây giờ) xin làm hai căn nhà này.

Qua khỏi khoảng đất trống và từ đó cho đến đường Bạch Đằng là đồn lính tây "Ma-rin" (Marine: Hải quân). Như vậy, phạm vi khống chế của đồn này là từ nhà ông Thảo (Trùng Dương) đến nhà ông Bồn (Lương Hữu).

Nhà ông Lương Hữu
Trước nhà ông Thảo, sinh thời, mẹ Thái Tú Phong có một gian hàng ở đây, tôi và Thạnh hay đến để xin tiền.
Ta chỉ nhớ một cửa hàng nho nhỏ
Mẹ ta ngồi chào hỏi những người qua
Trước những món hàng như những nụ hoa
Nay tất cả chỉ mờ mờ kỷ niệm
Luân Hoán

Có đồn Hải quân tức phải có bến.
Người già Hội An hay gọi theo tiếng Pháp là "Ke" (QUAI).

QUAI sau này là chợ cá
Và... chợ, tất phải có cầu tiêu công cộng.

Cầu tiêu công cộng ngày xưa được sửa lại mái và cửa sổ lật.
Từ cái xe kéo đến các kiosque trước trường Nữ trung học (đệ nhất cấp), đất này trước đây trồng dương liễu. "Kép ca đá kép diễn" Minh Cảnh từng biểu diễn thổi bắn chim sẽ bằng ống sáo ở đây.

Còn đây là nhà ông Tài, nằm giữa đồn lính. Phía trên gác của nhà là bureau của "chef" đồn Marine. Đến bây giờ, nhà này chỉ mới thay bộ cửa sắt ra vào và lát lại nền tầng dưới phía sau.

Trước năm 2000, một người Pháp cùng với vợ (đầm) xin vào xem căn nhà này. Sau đó ông Tây có trưng ra một tấm ảnh chụp một người đàn bà (Việt) nắm tay một bé trai và nói đó là vợ con của ông khi còn là quan hai của đồn này. Mọi người xúm lại để nhìn nhưng nhận không ra. Cuối cùng có người gọi ông Huyễn (thường gọi là Quyễn) trước là thông dịch viên cho Pháp. Ông này nhận ra ngay, đó là bà SỰ, chị bà Vạn, vợ ông Phi Long Vàng. Còn người con là anh ÁNH (tây lai). Nhưng hai mẹ con bà SỰ đã chết hết. Anh ÁNH đi lính Nhảy Dù, tử trận.

Ở chợ còn một người nữa, không nhắc là thiếu: Ông THẠNH KHÙNG.
Nếu chợ là nơi người ta buôn bán thì chợ cũng là mái ấm che chở cho kẻ tứ cố vô thân.
Mặc dù đã cố gắng tìm những người già quanh chợ để hỏi tung tích của ông nhưng không một ai biết.
Ông như loài cây mọc hoang giữa chợ.
Ông THẠNH, khùng mà hiền. Ai cho gì ăn nấy, không phá phách hay ăn cắp vặt.
Và cũng... kỳ lạ, người khùng ở Hội An thì lại hay cười. (Có gì vui sao các ông không kể cho quý đại ca của tui nghe với??!).

Và thành thật mà nói: Ông THẠNH đẹp trai.
Tóc ông dày, hơi xoăn dài quá cổ, áo rách vai, quần rách gối, nhớp ồm, nhưng miệng lúc nào cũng hít thuốc. Thỉnh thoảng những ông già đi hớt tóc dạo cắt tóc cho ông, còn áo quần, ai cho gì mặc nấy.
Nếu còn sống, bây giờ ông cũng xấp xỉ 70.
Một buổi sáng cách đây hơn ba mươi năm, người ta phát hiện ông chết trong chợ vải. Lý do, có lẽ vì đói, ông ăn phải đồ ăn có trộn thuốc để diệt chuột.

Người giàu sang, kẻ quyền thế, chết là cả niềm nuối tiếc. Còn với những người như ông, THẠNH - KHÙNG, chết là đoạn nghiệp, là giải thoát.
Không biết ở cõi khác, ông có còn lạc loài giữa cảnh đời trôi-sông-lạc-chợ nữa hay không?!!



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét