Thứ Hai, 8 tháng 11, 2010


ĐỒN LÊ DƯƠNG VÀ ÔNG BẢY HÒA
Tại Hội An thời Pháp chiếm đóng, họ đã lập bốn đồn lính: Đồn lớn, Đồn magine, Đồn Tiếp Lực và Đồn Lê Dương. 
Có mười hai pháo đài được xây dựng: Cẩm Nam 3 cái (thôn 1, đã bị chìm xuống sông), gần chợ cá Hội An 1 cái (bị đẩy xuống sông). Trong Hội đồng xã Hội An (Công an thành phố Hội An) 1 cái, ngã tư Nhị Trưng-Nguyễn Công Trứ 1 cái, đối diện nhà chè phía đường Nguyễn Huệ 1 cái, phía sau tòa hành chánh tỉnh đối diện cổng sau sân vận động 1 cái, tất cả 4 lô cốt này đã bị phá. Đồn Lớn (đường Phan Chu Trinh) 2 cái, đồn Tiếp lực 1 cái (hẻm Khổng miếu), An Hội 1 cái, ba nơi này hiện còn 4 cái.

 
Lô cốt Pháp trong nhà dân ở An Hội

Móng ngôi nhà này là lô cốt Tây bị đẩy xuống sông 
(Hiệu buôn Quảng Thắng - cạnh chợ cá Hội An)

ĐỒN LÍNH LÊ DƯƠNG
Đồn nằm trên đường Phan Châu Trinh khống chế bởi hai con đường cắt ngang Nguyễn Huệ và Hoàng Diệu, chủ yếu là phía bắc (gara Mai), cộng với lô đất trống đối diện nằm phía sau đình Tín Nghĩa.
Ngoài đất đình, tất cả đất còn lại thuộc sở hữu bà Nghè Thanh.
Thời đó đoạn đường này bị rào kín hai đầu.

 Cổng nhà bà nghè Thanh
Ngay góc ngã tư Phan Châu Trinh – Nguyễn Huệ, trước đó đã có xưởng chế biến chè (nguyên liệu lấy từ Phú Thượng, Huế) nên thường gọi là “nhà chè”.

Nhà chè
“Mãn mùa chè nệm cuốn sàng treo
Ta về bỏ bạn gieo neo một mình
Bạn ơi...,
Chớ có buồn tình,
Mùa nay không gặp, hẹn mình mùa sau”
                                  Ca dao Hội An

Đồn Lê Dương là đồn dành riêng cho “lính đánh thuê” hầu hết là người Maroc, Congo, Tuynidi, Sénégal... Người Hội An thời đó quen gọi là đồn lính Ma rốc hoặc đồn... tây đen rạch mặt.
Tuy nhiên trong đám đen vẫn lưa thưa vài đốm trắng. Những người lính trắng này là người Đức, tù binh của Pháp vì không chịu nổi sự đày ải và thiếu ăn nên tình nguyện làm lính viễn chinh.

ÔNG BẢY HÒA
Một lần, những người lính Đức lê dương vì uất ức người Pháp đã dùng than vẽ trên bức tường gần ngã tư Lê Lợi – Nguyễn Thái Học (bây giờ) hình một madame lõa thể và vẽ thêm một người đàn ông chui qua chân con đầm đó có ghi chú bằng tiếng Đức lời lẽ thóa mạ người Pháp rồi cười nói huyên thuyên.

Những người lính Đức lê dương đã vẽ trên bức tường màu vàng này. 

Lúc đó, vô tình ông Bảy Hòa từ nhà gần đó đi ra, đã nói với những người Đức, đại ý là ông đọc, hiểu được thì người Pháp cũng có thể như vậy, và hậu quả, di hại sẽ khôn lường.
Vô cùng kinh ngạc rồi xóa vội bức hí họa, chiều đó những người lính này mang quà đến tặng và cảm ơn ông.
Ông giỏi cả bốn thứ tiếng: Anh, Pháp, Đức, Hoa.
Ông từng viết lời Hoa cho ca khúc (mà sau này Thế Lữ đặt lời Việt là "Xuân và tuổi trẻ") của La Hối.
Ông là tác giả bài thơ "Mộng Doãn Chánh" mà sau này La Xuân phổ nhạc lấy tựa là: "Tôi trở về Hội An".
Khi móng vuốt đã lộ ra, người Hội An từ đó biết đâu là hổ, biết đâu là rồng.

Ông Bảy Hòa tên tộc là Diệp Truyền Hoa, người gốc Quảng Đông, là cậu của ông Sùng, người có gia tài đồ cổ lớn nhất Hội An.
Ông Diệp Truyền Hoa từng theo học đại học Thanh Hoa, Bắc kinh Trung Quốc.

Cũng thời gian này, nhà văn TAM ÍCH cùng với ông Đàm Quang Nhơn (chồng cô mụ An, chị ông Huỳnh Sỏ) hoạt động Việt Minh trong nam bị thực dân Pháp bắt đưa đi an trí tại Hội An. Chính nơi này hai ông kết thân, rồi ông Tam Ích thành “rể Hội An”, nên duyên với chị ông Bảy Hòa (bà Diệp Truyền Vân).
Ở Hội An, ông Tam Ích thường được mọi người gọi là “ông giáo”.

Khi chồng mãn hạn lưu đày, bà Vân theo chồng vô Sài Gòn (ở trong hẻm đường Nguyễn Thiện Thuật), ông Bảy Hòa cũng bỏ Hội An xuôi nam.

Vào đất Sài Gòn, ông Bảy Hòa chuyên dịch các báo như New York Times, Paris Match ra tiếng Hoa đăng báo kiếm sống qua ngày. Thời gian sau ông được người đồng hương là ông Hòa Ên tức Huỳnh Hoa Anh hiệu Huỳnh Nhơn Lợi giới thiệu đi thi để làm việc cho hãng BGI Pháp. Kết quả đợt đó ông được tuyển chọn, hứa hẹn được cấp biệt thự, xe hơi có tài xế riêng nhưng ông bỏ ngang. Sau đó ông Tam Ích giới thiệu ông đi dạy triết đông cho các đại học ở Sài Gòn và cả Huế.
Nhà ông Hòa Ên ở ngã ba Nguyễn Thái Học-Trần Quý Cáp Hội An

Ông Bảy Hòa sinh năm 1919, qua đời năm 1972. Sau khi ông mất gia đình có kể lại: Ông sinh thiếu tháng, đến 5 tuổi vẫn còn nằm nôi, thức đêm nhiều, chịu khó tự học, chọn bạn mình, ông Phan Thêm tức Cao Hồng Lãnh, làm thầy để học thêm tiếng Pháp (Ông Phan Thêm, người Hội An thường gọi là ông Năm Thêm từng hoạt động Việt Minh. Trước năm 1954 ông bị Pháp bắt giam ở nhà lao Nha Trang, người giải cứu ông thoát khỏi tù là bạn đồng môn: anh ông Tiết Yên.).

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét