Thứ Hai, 15 tháng 11, 2010

ĐỒN LỚN VÀ ĐỒN TIẾP LỰC
ĐỒN LỚN
Đồn lớn Hội An là nơi đóng bộ chỉ huy quân lực Pháp tỉnh Quảng Nam. Đồn lớn chia thành 3 khu: Sở chỉ huy, trại giam và đồn lính khố xanh

Đoạn đường Phan Chu Trinh từ ngã ba "Tin Lành" đến chùa Pháp Bảo (ngày xưa quen gọi là chùa Phật học, sau đó là chùa Giáo hội) là khu vưc thuộc Đồn lớn. Đoạn đường này mở từ khi có đồn Tây, chưa có tên, người Hội An gọi là "đường mới" nhưng không được lưu thông (bị rào hai đầu có bót gác).
Nhà màu vàng là sở chỉ huy, tiếp đến là khu trại giam, đối diện là đồn lính khố xanh.

Sở chỉ huy là khu nhà-vườn của bà Nghè Nhạn. Gọi là của bà nghè Nhạn vì chồng bà là ông nghè Phạm Nhạn qua đời khá sớm, nghe kể lại thời xuân xanh, bà... "sắc nước hương trời". Nghệ sĩ thoại kịch nổi tiếng một thời LA THOẠI TÂN là con trai của bà. Ông tên Phạm Văn Tần.

Nhà và vườn bà nghè Nhạn

Bộ phận chỉ huy Đồn lớn ở trong ngôi biệt thự này

Bên cạnh nhà bà nghè Nhạn là vườn ông thông Đăng, người Pháp dành riêng khu này làm trại giam, người Hội An thời bấy giờ gọi là "nhà lao thông Đăng"

 Một đêm tháng 4/1954, trong một cuộc tập kích nội ô, nhà lao thông Đăng đã bị đánh chiếm. Khoảng 1200 dân binh kháng chiến và nhân sĩ yêu nước đã được giải thoát.
Lô cốt nhà lao thông Đăng còn đây
Cây đa giếng nước vẫn còn đó, như chứng nhân lịch sử. Đặc biệt ngôi miếu Ngũ Hành không bị thực dân phá hoại nhưng bị hủy hoại từ từ bởi thiếu bàn tay con người chăm sóc.

 Miếu thờ Ngũ Hành trong vườn ông thông Đăng

Đối diện với nhà bà nghè Nhạn là đất ông Vạn Hòa. Đối diện với vườn ông thông Đăng là đất ông thông Khá. Cả hai khu đất này là đồn lính khố xanh (milicien à ceinture blue, garde provincial), một bộ phận của lính tập, là lính "địa phương quân" thuộc phạm vi quản lý cấp tỉnh. 
Lính khố xanh là vệ binh bản xứ, họ có nhiệm vụ bảo đảm trật tự an ninh; canh gác công sở, trại giam, tuyến giao thông; áp tải tội phạm, áp tải hàng hóa của chính quyền; đàn áp các cuộc khởi nghĩa và nổi dậy...
Gọi là lính khố xanh vì quân phục của nhóm này gồm quần áo chẽn, nón dẹp (sau đổi nón chóp), và giải thắt lưng màu xanh dương (phân biệt với lính khố đỏ, khố lục, khố vàng) buộc ở bụng, đầu giải buông thõng giống như cái khố nên người dân gọi là "khố xanh". Đúng ra người lính mặc quần chứ không phải khố. 
Ngày 9/3/1945 Nhật đảo chính Pháp, lực lượng vệ binh bản xứ tan rã, lính khố xanh được Nhật chuyển thành Bảo An binh, người Hội An gọi là Bảo An đoàn. Quân phục của lính Bảo an là mủ calô, sơmi cộc tay, quần sóoc kaki vàng.
Khi Nhật đầu hàng Đồng minh, Pháp tái chiếm Việt Nam, lính Bảo An lại chia thành Việt Binh Đoàn (đóng tại đồn lớn) và Nghĩa Dũng Đoàn (đóng tại trại Tây Hồ).
ĐỒN TIẾP LỰC
Đúng ra đồn Tiếp lực cũng thuộc đồn lớn, đây là đồn hậu cứ nhưng cấp thiết cũng sẳn sàng tham chiến. 
Vì bị cách nhau một con đường (Phan Đình Phùng - Trần Hưng Đạo mới) nên người dân gọi tách riêng không như đồn lính khố xanh. Đồn Tiếp lực nằm cả hai bên đường Phan Đình Phùng.

Từ con đường đất (dẫn về ấp Tu Lễ) trên đường Phan Đình Phùng này đến hẻm cạnh Khổng Miếu là phạm vi dành cho lính của đồn Tiếp Lực. Đây là đất của ông thông Châu.

 Lao cốt đồn Tiếp Lực nằm trong nhà dân hẻm Khổng Miếu

Đối diện là khu đất xóm đạo (nằm sau nhà thờ Tin Lành) cũng thuộc đồn Tiếp Lực. 
Nơi này dành cho khu chỉ huy, trạm xá, nhà nguyện...
Trên nền trạm xá đồn Tiếp Lực cũ là nhà trẻ-mẫu giáo
do các Sơ phụ trách. Có ba Sơ tất cả. 
Cứ 3 năm lại hoán chuyển một lần.

Trên nền dãy nhà này ngày xưa là nhà nguyện đơn sơ của lính Pháp. 
Năm 1954, được tháo dỡ và xây một giáo đường nho nhỏ là nhà thờ Lê Lợi. 
Sau năm 1975 lại tháo dỡ để trùng tu cho các nhà thờ Vĩnh Điện, Túy Loan,
nhường đất cho dân tạm cư mới đến.

Nhà ông thông Châu 3 gian 2 chái, chỉ còn lại 2 gian 1 chái. 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét