Thứ Sáu, 12 tháng 11, 2010

VÀI HÌNH ẢNH KHÁC 8

ĐỈNH SẮT CHÙA NGŨ BANG
Đỉnh sắt này tồn tại ở Hội An trên 350 năm và có hơn 500 năm tuổi. 
(Bị Tây lấy mất nắp)
Ngũ Bang Hội Quán nguyên trước đây hơn 350 năm là chợ sỉ và kho lưu hàng, là nơi buôn bán trao đổi giữa người bản địa (Chiêm Thành) và người ngoại quốc Âu ,Á, Trung Đông, Ấn…Đa số là người Trung Hoa.
Khi đó từ Quảng Nam trở vào Bình Định người Chiêm Thành vẫn còn nhiều (Quy Nhơn gọi là Tân Châu, Bình Định là Cửu Châu) nên người Việt không dám định cư vì sợ bị giết do mối tư thù giữa 2 dân tộc nên việc buôn bán, nông nghiệp… đều do người Hoa đảm nhiệm (khoảng 1650 trở về trước).
Từ đời nhà Đường, người Triết Giang, Giang Tô đã đến đây (Bia đá trong trường Lễ Nghĩa còn ghi rõ) buôn bán trao đổi nhưng sau đó thì về chứ không ở lại. Từ năm 1400 về sau mới có người ở lại.
Thời thuộc Pháp, sân chùa là nơi thường tổ chức hội chợ.
Vua Bảo Đại cũng đã đến thăm.

Cái Đỉnh sắt ở chùa Ngũ Bang phía trên có cái nắp đậy có khắc chữ ghi rõ niên hiệu nội dung, nhưng đã bị Quân Đội Pháp lấy đi vào khoảng năm 1946-1948. 
Trong một lần đến Bảo Tàng Paris-Pháp, ông Hột (Hoàng Hiệp đời thứ ba) có nhận ra cái nắp này thông qua niên hiệu khắc trên nắp và số đo chu vi nắp.

 Bảng hiệu HOÀNG HIỆP... còn đó.

BÀI THƠ TRÊN CỬA SỔ
Đối diện nhà Hoàng Hiệp này (ảnh) cũng là nhà... Hoàng Hiệp. 
Trên những cánh cửa mặt võng nhà này có bốn bài thơ khắc gỗ thủ công gắn trên mặt cửa, giờ đã thay bằng lá sách gỗ.
Nhà Hoàng Hiệp, trước đây có bốn bài thơ khắc trên cửa sổ.

Dưới đây là nội dung bốn bài thơ do nhà giáo Phạm Thúc Hồng phiên âm Hán-Việt, dịch nghĩa, dịch thơ.
"Chân dung" các bài thơ
Bài thứ nhất:
Phiên âm: 
Đàn bản kim tiêu cụ
Sinh ca thử địa tuyên
Ngân hoa liên cự chiếu
Đào lý yến phương viên
Dịch nghĩa:
Bộ gõ đàn hương đêm nay
Nhịp sênh ca tại đất này 
Đèn sen bằng bạc soi sáng
Tiệc vườn đào mộng tỏa hương thơm
 Dịch thơ:
Đàn ai réo rắt đêm nay
Mà ngơ ngẩn nhịp ca say đất này
Đèn sen bạc sáng vườn cây
Lung linh yến tiệc ngất ngây mận đào
Bài thứ hai:
Phiên âm:
Tửu túng hào hoa ẩm
Phong lưu tưởng thượng tại
Khai diên khuynh ngọc dịch
Đáo tòa mãn kim tôn
Dịch nghĩa: 
Uống rượu phóng túng hào hoa
Thích hợp theo cách phong lưu
Mở tiệc sang trọng chu đáo
Bày biện chén vàng đầy nhà
Dịch thơ:  
Rượu say phong thái hào hoa
Phong lưu nâng chén thiết tha gọi mời
Tiệc hoa nghiêng ngã rong chơi
Khắp nhà rượu rót đầy vơi chén vàng

Thư pháp tài hoa cộng nghệ thuật khắc gỗ
Bài thứ ba:
Phiên âm:
Lục nghĩ phù sơ ấp
Giang loa lãng sạ phiên
Hoan lưu tư xúc tịch 
Tiếu bỗng khuyến lâm hiên

Dịch nghĩa: 
Men rượu ban đầu thấm vào
Vài vòng sóng loang mặt sông
Vui vẻ còn lo việc mở tiệc 
Tiếng cười vang dưới hiên nhà
Dịch thơ:  
Men say đã thấm vào lòng
Mấy vòng sóng nhỏ mênh mông sông dài
Tiệc vui lưu luyến nào phai
Cười vang mời rượu cùng ai hiên ngoài
Bài thứ tư:
Phiên âm:
Bửu điền san hô thái
Hương lao hổ phách ôn
Túy nghi yêu hiệp khách
Tỉnh hoan giải vương tôn
Dịch nghĩa: 
Trâm cài san hô chiếu sáng
Chén hổ phách rượu nồng ấm
Say nên yêu cầu hiệp khách 
Tỉnh cuộc vui đời vương tôn

Dịch thơ:  
San hô trâm ngọc sáng hồng
Chén hổ phách, rượu ấm nồng tỏa hương
Say rồi hiệp khách người thương
Vương tôn chợt tỉnh gió sương một đời

Ất Mùi, Đoan Ngọ tiền nhất nhật
Lục Ty Không viên thi phẩm
Hạnh Đàn chủ nhân thư
(Một ngày trước tết Đoan Ngọ năm Ất Mùi
Sao chép thi phẩm Ty Không Viên
Chủ nhân Hạnh Đàn viết)

Tiệc hoa rồi cũng tàn, men rượu nồng cũng tan. Hiệp Khách hay Vương Tôn rồi cũng phải tỉnh táo đối diện cuộc đời.
 

Tập "Thi Không Viên" và Hạnh Đàn chủ nhân đã phủ mờ trong lớp bụi thời gian chẳng biết hiện diện tự thủa nào, chỉ còn lưu lại một dấu vết thời điểm khắc bài thơ không rõ ràng: Năm Ất Mùi trước têt Đoan Ngọ một ngày!.







Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét