Thứ Ba, 4 tháng 1, 2011

CHÙA THANH MINH MINH HƯƠNG

Tại Hội An, vùng ngoại ô cách trung tâm thành phố khoảng hai cây số, có hai ngôi chùa cùng tên "Thanh Minh", một của người Hoa (đến sau), một của người Minh Hương (cũng là người Hoa nhưng đến trước từ thế kỷ XVII, nhập tịch Việt Nam đã nhiều đời, gọi là người Việt gốc Minh Hương, thường gọi là người Minh Hương).

Chùa Thanh Minh của người Hoa nằm cạnh đài tưởng niệm các liệt sĩ Trung Hoa bị quân đội Nhật sát hại năm 1943.

Còn chùa Thanh Minh của người Minh Hương (tục gọi chùa Lân) bây giờ đã thành bình địa. Tuy nhiên vết tích của chùa vẫn còn đây: các chân cột rệu rã trên nền và các tấm bia ký còn rõ nét chạm khắc.
Chùa này cách chùa Thanh Minh của người Hoa khoảng trên 1000 thước, nằm ngay sau chùa Chúc Thánh, gần Cửa Suối là một địa danh xưa mà những vị cao niên ở Hội An còn nhớ.

Ba trong bốn tấm bia được tìm thấy từ năm 1994 của chùa Thanh Minh của người Minh Hương. Tấm thứ tư nằm phía sau ba tấm bia này.


Dưới đây là bi ký của chùa do ngài Thuấn Phu - Trương Đồng Hiệp biên soạn từ năm 1918 và được Việt dịch bởi ông Huỳnh Á.

"Chùa Thanh Minh của lân chúng ta làm xong, người trong lân bảo ta làm bài minh để tạc. Viết rằng:
Lân ta xây dựng chùa này đã lâu, từ đó đến nay hai lần Hương Thắng và Hương Định đều chung sức, kế thừa tiền nhân phụng thờ. Ông bá hộ Tạ Phó Chi chủ trì việc tái tạo này và những người thương gia giàu có cùng các kẻ trưởng giả trong lân Mỹ Nam sùng tu để tiếng thơm lưu danh muôn đời, đã thành tâm cúng đất tư để xây dựng chùa ở xã Thanh Hà, Cửa Suối.
Được sự đồng ý của xã, cùng người trong xã đều nói rằng đó là việc nghĩa vậy. Chùa xưa ẩn nơi u tịch, nay tái tạo khang trang. việc đóng góp hài hòa nhất trí, mọi người đều mừng vui, bèn chạm bia để ghi công. ta nói rằng: Ôi việc u minh là khó nói vậy. Nó là bánh xe hay tiếng đàn, là cây tùng hay cỏ chi? Có có không không, tỏ tỏ mờ mờ... Ấy là mồ hoang chốn sa trường vắng vẻ, hồn linh hiển phảng phất đâu đây đã trải qua năm lại nhiều năm, việc điển tế lợt lạt hồn phách biết về đâu!
Người xưa nói rằng: loài vật còn thương nhau huống chi chúng ta cùng một dòng giống, lẽ nào mắt nhìn mà không xót xa. Việc cúng kiến dẫu rau khe nước suối cũng dâng lên, ấy thật là thấy việc nghĩa mà làm. Tiếng ngân vang chuông chùa Chúc Thánh, trống Phước Lâm gọi hồn về, hồn về với năm bang.
Chùa Thanh Minh rạng rỡ bắc nam, phơi phới đôi bên, nguyện anh linh về nơi phong thủy. Lòng thành kính từ trên chí dưới, biết bao người hớn hở vui mừng, tin điềm lành - đúng như lời - nhà thờ này sẽ bền lâu.
Chùa tọa lạc phương Cấn Sửu, hướng về phía Khôn Mùi, chọn ngày lành tháng bảy năm Đinh Tỵ (1917) khởi công, đến tháng giêng năm Nhâm Ngọ (1918) thì hoàn thành. Ấy là do xã ta góp tiền, lại giao cho bà con ta cúng tế chăm sóc, đặt tên là Thanh Minh Từ. Đây là nhà thờ chung.
Khải Định năm thứ ba ngày lành tháng giêng, dân xóm Thanh Minh tự đồng kính ghi.
Việc bố cáo trao cho quan phụng thành Đạt phu Hàn Lâm Viện Thị Giảng trí sĩ - Trương Thuấn Phu Đồng Hiệp - cung kính biên soạn.
Cung soạn: Tăng Kim Luyện." 

Ông Trang Thanh Liêm (tục danh: Nuôi, là con ông Trang Ổi), người trông coi bảo quản di tích. Bà Nể (vợ ông Năm Kiên), người trực tiếp canh giữ các bia đá.

1 nhận xét:

  1. sao lâu quá không có bài mới vậy chú Sơn?mong được đọc những bài nghiên cứu của chú

    Trả lờiXóa